• Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

    Vinh quang đến với Nguyễn Phúc Lộc Thành không khiến giới chuyên môn quá bất ngờ. Ngay tại thời điểm ra mắt, đã có hàng loạt nhà văn, nhà phê bình đánh giá cao những sáng tạo của Nguyễn Phúc Lộc Thành ở Đồng sen tàn. Nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đó là một công trình kỳ vĩ, mà tại đó, thi sĩ sinh năm 1964 chính là người được chọn.

    Nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành phát biểu tại lễ trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023. (Ảnh: FBNV)

    PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành về tác phẩm này cũng như những  tâm huyết của anh với thể loại lục bát:

    Cảm xúc của anh thế nào khi nhận giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023? Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên, một tác phẩm đoạt 100% số phiếu bầu chọn của hội đồng từ vòng sơ khảo tới chung khảo?

    - Thay mặt những "đứa con của bình minh", những "tinh tú rạng ngời" của riêng mình, tôi cảm tạ Hội đồng thơ đã thống nhất bình xét, các thành viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam đã đồng thuận bầu chọn Đồng sen tàn là tác phẩm quán quân thơ 2023. Tôi hân hạnh xem đó là một sự động viên, sự đáp đền xứng đáng cho một quá trình lao động sáng tạo bền bỉ, cho một con đường tìm tòi, khai khẩn, từ hoang sơ qua gập ghềnh, đến hanh thông, của dòng lục bát mang phong vị riêng có Nguyễn Phúc Lộc Thành.

    Những năm gần đây, người đọc thường nhắc tới thơ anh với những cụm từ như "dòng lục bát sex – thiền", dòng thơ lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành. Nên hiểu thế nào về hai chữ "sex" và "thiền" trong các sáng tác của anh?

    - Năm 2016, khi cố thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo đọc những bài lục bát đầu tiên của tôi đăng trên trang cá nhân, ông đã rất ngạc nhiên và nhận định: "Sex và thiền trong thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành mang một màu sắc hư hư ảo ảo, khiến người đọc mở ra cho mình một thế giới thơ nhiều bí mật. Tinh thần sex thiền tác động vào thơ như một đóng góp vào ngôn ngữ nghệ thuật. Như từ tình dục đến siêu thức, lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành chuyển hóa năng lượng tính dục thành năng lượng tâm linh…".

    Khi ấy, thú thật tôi khá mơ hồ, không hiểu cạn nghĩa của cặp phạm trù "sex - thiền", cho đến Đồng sen tàn, tôi đã nhận dạng được chính tôi. Tại đó, những giá trị chân, thiện, mỹ của thi ca như thứ phù sa âm thầm đắp bồi thiện lương, góp phần cải hoá xã hội, tương tự việc tranh đấu trực diện với cái xấu, cái ác, với cường quyền… của văn xuôi, nhưng không chọn theo con đường búa lớn đao to.

    Bìa tập thơ "Đồng sen tàn" của nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành. (Ảnh: TL)

    Đọc bộ tiểu thuyết Cõi nhân gian, có thể thấy Nguyễn Phúc Lộc Thành là một cây viết có phong cách viết hiện đại, cá tính. Tại sao ở lĩnh vực thi ca, anh lại chọn lục bát – một thể loại khá truyền thống và cũng đã rất nhiều người bước chân vào?

    - Lục bát truyền thống thường viết theo lối miêu tả, dễ đọc, dễ nghe, gồm một câu 6, một câu 8. Từ xưa đến nay, đã rất tác giả thử sức với thể loại này. Trừ một số người được giới thi nhân và người yêu thơ đánh giá cao như Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ…, còn đa phần số còn lại đều phải bước chân ra hoặc không mang lại nhiều dấu ấn.

    Trong buổi lễ ra mắt cuốn Đồng sen tàn vào tháng 10 vừa qua, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên có nói một câu mà tôi rất tâm đắc. Anh cho rằng, với lục bát, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã liều mình. Liều mình chứ không phải liều mạng (liều mình là hành động trong tính toán, còn liều mạng nghĩa là làm mà không tính toán).

    Tôi khát khao thử thách mình khi làm mới những gì đã cũ. Đây là con đường không ít vất vả, khó khăn, nhưng nhìn lại những gì mình đã làm được, tôi tương đối mãn nguyện.

    Đâu là điểm mới trong các bài thơ lục bát theo phong cách "sex - thiền" của anh?

    - Trong các tác phẩm của tôi, như nhận định của nhiều nhà thơ, nhà phê bình, đã có những tìm tòi, phá cách đặc biệt. Tại đó, ở nhiều trường hợp, tôi không thực hiện theo luật bằng trắc của lục bát truyền thống. Tôi ngắt nhịp, tạo nhịp điệu mạnh mẽ hơn so với lục bát cũ, nhằm nhấn mạnh ý của câu, tác động tới cảm xúc của độc giả khi đón nhận. 

    Trong quá trình làm thơ, tôi thường kỳ công tìm những từ mới, người đời khó dùng để hiệp vần, thì tôi sử dụng. Cùng một chủ đề, thí dụ về mẹ, hay về sen, tôi có thể viết nhiều tác phẩm, mà ở đó ý tưởng, hay cách thể hiện đều không trùng lặp.

    Khi đọc tác phẩm của anh, các nhà văn, nhà nghiên cứu từng nhấn mạnh: "Hầu như câu thơ nào của Nguyễn Phúc Lộc Thành cũng gợi mở, có thể tán thưởng, phân tích, trao đổi, luận bình". Ngoài ra, cũng có người cho rằng một điểm đặc biệt trong Đồng sen tàn là các bài đều hay như nhau, tốt như nhau. Ở một khía cạnh khác, điều đó lại khiến người đọc khó so sánh, nhận ra sự nổi bật của một tác phẩm. Anh có đồng ý trước nhận định đó?

    - Không ít người nói với tôi như vậy và tôi cho đó là một điều tốt chứ. Để làm được một số bài thơ hay trong một tập thơ đã khó, bài nào cũng được đánh giá là hay trong cùng một tuyển tập càng không đơn giản. Đó là kết quả của một quá trình lao động nghệ thuật thực thụ, chứ không phải chỉ là "qua đường", "dạo chơi với con chữ".

    Sau Đồng sen tàn, anh có kỳ vọng mình mở ra một con đường mới với thể thơ lục bát? 

    - Tôi tin, nỗ lực làm mới thơ lục bát của tôi cũng như nhiều thi sĩ hiện đại sẽ được đền đáp xứng đáng. Sự thức tỉnh của con người, của mọi thế lực trước cái đẹp và qua con đường thi ca, là có thật. Nói như nhà thơ Chế Lan Viên: "Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết vàng mà đời rơi vãi/ Hãy nhặt lấy chữ của đời mà góp nên trang".

    Cảm ơn những chia sẻ của anh!

    Leave a Reply

    Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

  • - Copyright © Giải Trí Việt Nam - Powered by Blogger - Designed by Jthietkesitedep.com -