Quê hương - hai tiếng bình dị mà thân thương biết mấy. Cất giữ trong tận cõi sâu ký ức là những gì quen thuộc mà mình đã một thời gắn bó và đi qua. Được sinh ra và lớn lên nơi mỗi làng quê Việt, trong miền nhớ của mình, có lẽ không ai là không cất giữ trong mình bóng hình của một chiếc cầu tre gập ghềnh, lắc lẻo. Mỗi làng quê có từ hai đến ba chiếc cầu tre. Thật đơn giản, vài cây tre kết lại, phía trên có tay vịn, bắc ngang qua nối đôi bờ con kênh, con rạch, con sông nhỏ…
Cầu tre, trước hết nối liền khoảng cách không gian địa lý. Không có cầu tre, làm sao người nông dân qua bãi bồi, cánh đồng bên kia để trồng rau, hái quả. Đôi bờ kênh rạch kéo dài, đường sá đi lại khó khăn, phương tiện giao thông thiếu thốn, người dân quê xưa suốt một đời lam lũ. Đi theo đường vòng làm sao kịp việc. Đi qua cầu tre là đi theo đường tắt, cho nhanh, cho ngắn khoảng cách. Dẫu biết rằng cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi. Vậy là cầu tre đã trở thành người bạn thân thiết sớm hôm với người nông dân.
Chậm rãi từng bước một, oằn mình trên chiếc cầu tre là tiếng bước chân quen thuộc, là đôi quang gánh kẽo kẹt trên vai. Cầu tre cùng đi qua bao tháng ngày để sẻ chia những vụ lúa mất mùa hay cùng người dân quê hối hả, rạo rực trong niềm vui gặt về mẩy vàng triệu hạt. Cầu tre nối đôi bờ thương nhớ - nơi bắc một nhịp cầu tri âm làm nên duyên vợ chồng. Cầu tre ơi, sao mà thương nhớ thế. Chàng trai bên này bước qua cầu tre, cô gái bên kia cũng đi qua cầu tre, rồi ánh mắt bối rối ngập ngừng, chàng trai bước lui nhường nhịp cầu cho cô gái. Rồi những đêm trăng sáng bên cầu tre em ngồi giặt áo, anh đứng trên cầu đưa mắt ngó xuống để rồi bất chợt cô gái nhìn lên ửng hồng đôi má thẹn thùng. Bắt gặp một ánh mắt, một nụ cười, một lời hỏi chào trên chiếc cầu tre để rồi đêm về cứ nhớ nhung một bóng hình. Vậy là cầu tre đã trở thành không gian văn hóa cộng đồng, là chứng nhân của biết bao mối tình để nên vợ thành chồng. Vì lẽ đó, không phải ngẫu nhiên mà ca dao xưa có câu: "Yêu nhau cởi áo cho nhau. Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay".
"Cầu tre một nhịp chênh vênh,
Bắc ngang dòng nước lênh đênh sóng bèo .
Cầu tre lắc lẻo, cheo leo,
Những đêm trăng xế, trăng treo đầu cầu.
Cầu tre soi bóng sông sâu,
Ánh trăng sóng nước đượm màu lung linh.
Cầu tre gối nhịp đất lành,
Nằm nghe tiếng hát, tâm tình quê hương.
Cầu tre làm chiếc đò ngang,
Nối đôi bờ đất đôi làng thương nhau .
Nhà anh ở kế bên cầu,
Nhà em ở cuối đầu cầu bên sông.
Bên sông cứ mỗi hừng đông,
Em ra vo gạo, bến sông bên cầu.
(Kiên Giang)
Trải qua bao thăng trầm mang bóng hình miền quê yêu dấu, cầu tre trở thành chứng nhân lịch sử. Với thân hình thanh mảnh đơn sơ, nằm giữa vùng khói lửa chiến tranh, cầu tre không chống chọi nổi đạn bom, có khi bị gãy, bị phá tan tành. Nhưng hồn vía làng mạc đâu dễ mất, người dân quê lại chọn những thân cây tre già tiếp tục làm cho cầu tre nguyên hình trở lại. Cầu tre lại đong đưa theo nhịp sống con người. Nối hai bờ kênh rạch, nối đôi bờ đập nước, con sông, cầu tre đã hòa theo khúc hát hành quân tiễn đưa trai làng lên đường làm nghĩa vụ để chung sức viết lên trang sử vàng.
Qua nắng, qua mưa, trầm tích trong dáng hình bé nhỏ, chiếc cầu tre xinh xinh cất giữ bao nhiêu là kỷ niệm. Ở đó có những buổi chiều lũ trẻ chơi trò đuổi bắt, tranh nhau qua chiếc cầu tre rồi hơn một lần rơi chỏm xuống nước. Những mục đồng vắt vẻo trên cầu tre ê a theo tiếng sáo. Trò chơi thi nhau đi qua cầu tre, ai nhanh nhất sẽ được thưởng một củ khoai nướng. Tiếng vỗ tay, tiếng cười nói reo hò loang theo mặt nước giòn tan trên cả dòng sông, trải dài theo gió trên cánh đồng chiều…
Cuộc sống phát triển, nhịp sống hối hả, mọi nhu cầu đều cao hơn. Nông thôn đổi mới theo hướng đô thị hóa, những chiếc cầu tre gập ghềnh lắc lẻo dường như không còn phủ hợp, lặng lẽ nhường chỗ cho những chiếc cầu được xây bằng bê tong, sắt thép nối đôi bờ. Chao ôi! Rong ruổi nơi những miền quê, bắt gặp đâu đó cái dáng nghiêng nghiêng của chiếc cầu tre bỗng thấy se sắt lòng. Có gì đó chênh chao nhưng rất đỗi bình yên trong miền sâu kí ức. Giữa dòng đời tất bật, ta chợt nhận ra rằng giá trị đích thực của cuộc sống có khi bắt đầu từ những gì bình dị nhất. Cầu tre ơi! Mai này biết đâu chỉ còn trong miền nhớ. Tuổi thơ ơi! Mai này có lúc chỉ biết đến cầu tre qua những câu hát vọng về?
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Bài viết Kể chuyện làng: Thương lắm cầu tre được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này