Những đợt gió mùa thổi không ngừng làm lay động cành lá. Nàng ta chơi ú tim, trốn tìm trên hàng phượng già khiến chị ta ngày một trơ trọi, lộ ra cái thân xù xì khô cằn khẳng khiu. Biết là đông sắp về nên chị ấy đã vội sắm cho mình chiếc áo giáp đủ sức chống chọi với giá rét, chống lại cái lạnh tê tái của sương muối phủ trắng không gian. Đông đến mang theo những đợt gió bấc thổi ào ạt trên những nương mía thân đỏ au được bao bọc bởi lớp phấn trắng. Những cánh tay khô vàng liên tục đưa lên hạ xuống như chuẩn bị ra trận.
Mía bắt đầu vào vụ. Nụ cười bà con nở trên môi chuẩn bị đón một mùa mía bội thu. Đâu đó, ta bắt gặp cái mùi quen thuộc, mùi ngọt ngào của mật ngọt. Những lò nấu đường bắt đầu rực than đỏ lửa. Những cuộn khói trắng thi nhau lăn mình trên không trung chơi trò đuổi bắt để rồi dư âm của trò chơi ấy chính là sự ngọt ngào đánh thức mọi giác quan của những người "may mắn" được sống lại cái cảm giác của tuổi thơ. Mùi mật ngọt chảy tràn trong huyết quản, đọng lại nơi khứu giác. Mùi của ký ức một thời. Mùi mật ngọt báo hiệu những ngày cuối cùng của năm cũ.
Cái mùi khiến bao ký ức về những viên kẹo kéo tẩm đầy bột trắng quyện cùng chút gừng tươi lại chảy tràn trong ký ức tôi. Mùi của tuổi thơ gian khó, mùi của thứ kẹo của những đứa trẻ con nhà nghèo được bố nấu cho bằng thứ mật mía vàng óng ánh, sóng sánh trên bếp lửa bập bùng. Bất giác tôi nhớ bố, nhớ những viên kẹo kéo vàng ươm khi xưa. Khóe mắt tôi cay cay, nó nhòe đi không biết tại những lọn khói của lò đường đang nấu mật hay tại những ký ức xa xưa trong tiềm thức lũ lượt tràn về?
Tôi nhớ, những ngày đông của Tây Bắc khi xưa trời rét lắm. Rét cắt da thấu thịt. Sương muối có thể phủ trắng những luống rau mẹ trồng. Ngày ấy, khi đứa trẻ mới chừng lên 10 như tôi. Kẹo bánh đâu sẵn như bây giờ. Với mỗi đứa trẻ con được thưởng thức một chiếc kẹo gôm, kẹo dừa hay kẹo dứa chắc chắn đó là món quà xa xỉ chỉ Tết mới có. Chính vì lẽ đó, mỗi khi mùa mật mía về, mẹ đi chợ mua từng khuôn đường phên nấu chè đỗ đen ngày hè hay cuối năm khi đông tới.
Những khuôn đường ấy đã được mẹ trữ sẵn để Tết đến mẹ trổ tài nấu món chè kho, chè con ong là y rằng mấy chị em chúng tôi lại mè nheo đòi bố nấu kẹo kéo hay còn gọi là kẹo bột (kẹo sau khi nấu xong để không chảy nước bố thường lăn qua bột nếp). Bố tôi khi ấy là một trong những nghệ nhân nấu kẹo. Kẹo của bố ngon đến nỗi cứ tối thứ Bảy và Chủ nhật là mẹ đã đóng túi nhỏ sẵn làm hành trang cho mẹ đem ra cổng bãi phim bán cho những em nhỏ như mấy chị em tôi được bố mẹ cho đi xem phim chiếu rạp ngoài trời. Kẹo mẹ bán vừa rẻ lại được chính tay bố làm nên bao giờ cũng rất được lòng bọn trẻ con. Còn mấy chị em chúng tôi luôn được sự ưu đãi của bố, mẹ là ăn kẹo không mất tiền.
Để tạo được một mẻ kẹo kéo thơm lừng mùi mật, bố phải thực hiện rất nhiều công đoạn cùng sự tỉ mẩn. Đầu tiên, bố dùng dao thái đường thành từng lớp mỏng. Sau đó là công đoạn nấu kẹo, mẹ cũng đã chuẩn bị sẵn gừng tươi đập dập băm nhỏ nhuyễn, bột lăn kẹo luôn sẵn trong nhà bởi mẹ thỉnh thoảng hay đổi món cuối tuần làm bánh rán, bánh trôi cho mấy đứa con háu đói lúc nào cũng nũng nịu muốn mẹ làm bánh.
Bếp của bố đã đỏ rực ánh lửa bập bùng. Bố lấy chiếc nồi quen thuộc bám đầy muội khói đen sì, cũ kĩ cùng thời gian để đảo đường. Chỉ một loáng số đường mà trước đó đã được bố bào nhỏ giờ gặp nhiệt độ cao nó chảy ra vàng óng ả quyện nhẹ vào đôi đũa cả bố vót riêng để nấu kẹo. Nấu kẹo kéo tưởng chừng đơn giản mà chẳng giản đơn chút nào.
Nếu không có kinh nghiệm mà nấu non tay là kẹo sẽ không thành, như bố nói là: "Kẹo bị lại đường", ăn không dẻo, không có mùi kẹo kéo mà là kẹo bị vụn rời và lúc này ta ăn những chiếc kẹo ấy như ăn đường nấu. Chính vì thế mà mỗi khi bố nấu kẹo luôn có một bát nước lạnh bên cạnh. Nhắm khi "cảm" được mùi kẹo bố thường dùng đũa cả quấy đường nhỏ một giọt đường nấu vào bát nước ấy. Thấy đường vo tròn trong nước, thử thấy vị dẻo như kẹo kéo là bố biết kẹo đã "được tuổi". Ngay lập tức, bố trút toàn bộ gừng tươi băm nhỏ vào nồi mật đảo nhanh tay và đổ toàn bộ thứ mật vàng óng ánh ấy ra chiếc mâm đã được mẹ để sẵn trải một lớp lá chuối lên trên.
Đợi một chút cho kẹo bớt nóng, bố lại nhanh tay cầm thứ kẹo đang như sắp phủ khắp phần lá chuối ấy lên tay đập qua đập lại trên mâm. Ngay sau đó, bố đưa kẹo vào chiếc đinh to chuyên để kéo kẹo ở cái cột ngay đầu bếp. Kẹo càng được kéo nhiều càng dẻo và dễ cắt thành từng viên đều nhau. Chỉ một loáng món kẹo kéo nấu từ đường mật của bố đã hoàn thành. Bố lăn tảng kẹo dẻo, mềm ấy qua lớp bột mẹ trải sẵn trên mâm. Lăn thật đều cho kẹo "mặc áo bột" rồi mẹ lấy kéo cắt thành từng viên kẹo nhỏ.
Mùi thơm phức của kẹo quyện cùng mùi gừng tươi khiến mấy chị em tôi đứa nào đứa ấy cùng ứa nước miếng. Mắt thì dán chặt vào những nhát kéo mẹ cắt kẹo đều tăm tắp. Mẹ thưởng mỗi chị em mấy viên gọi là "ứng trước". Mấy chị em cười tít mắt xin mẹ rối rít rồi thả ngay viên kẹo vào mồm. Ngay lập tức, vị ngọt ngào của kẹo đã lan tỏa khắp khoang miệng. Mùi gừng già thơm nức tạo vị cay cay càng khiến chúng tôi thích thú. Kẹo bố nấu thật tuyệt, nó khiến chúng tôi ăn xong một viên là muốn ăn ngay viên thứ hai. Đến nỗi mẹ phải thốt lên: "Ơ hay! Thế mấy anh chị không định để tôi đi bán kẹo à? Không có kẹo bán là không có tiền mua gạo, thịt đâu nhé!". Nghe mẹ nói, mặt đứa nào đứa ấy xịu xuống đầy vẻ tiếc nuối...
Những viên kẹo gừng nấu từ đường mật khi xưa ấy là một phần ký ức nuôi lớn mấy chị em chúng tôi khi xưa. Để rồi giờ đây khi đã có những ngôi nhà và những đứa trẻ của riêng mình, bất giác "cảm" được "mùi mật ngọt" khi xưa khiến tôi bồi hồi, thổn thức, thanh âm của ký ức xa xưa có bố lại ùa về. Nhớ những ngày còn nhỏ của mấy chị em lớn lên bên nồi kẹo kéo quen thuộc. Nhớ cái dáng cần mẫn, tần tảo vì các con của đấng sinh thành. Nhớ cái mùi kẹo kéo thơm lừng mật mía của những năm tháng chẳng thể nào quên.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.