"Khi đi trẻ , lúc về già
Giọng quê không đổi sương pha mái đầu"...
(Hồi Hương - Hạ Tri Chương)
Làng tôi là một ngôi làng cổ thuộc vùng đồng chiêm trũng ngoại ô Hà Nội.
Xã có bốn làng thì mỗi làng một giọng khác hẳn nhau, nhưng có lẽ làng tôi là đặc biệt hơn cả, nổi tiếng trong vùng vì khó nghe khó nói. Cái giọng nghe đã nặng rồi còn lơ lớ như tiếng miền Trung bởi dấu câu nhảy múa đổi chỗ loạn xạ. Rồi thì ngọng líu ngọng lô, ngọng cả âm lẫn vần lại thêm những từ đệm mà có lẽ không bao giờ tìm thấy nghĩa của chúng trong từ điển.
Bởi vậy người lạ vào làng lần đầu dẫu có lắng tai lên mà nghe cũng khó mà hiểu hết nếu không có phiên dịch.
Hàng ngày cứ năm giờ rưỡi mỗi sáng là đài truyền thanh của xã sẽ vang lên khắp đường làng ngõ xóm. Ấy thế nhưng mới 5 giờ là những chiếc "loa làng" đã oang oang lên rồi. Đấy là ở cái chợ làng trước kia vốn là sân kho của hợp tác xã. Sáng sớm người làng gặp nhau chào nhau thật to từ xa. Người làng tôi có thói quen nói to, giữa đường giữa chợ cũng như ở nhà đều thoải mái hết công suất. Nếu thoạt nghe thì cứ tưởng cãi nhau nhưng không phải, thói quê ăn to nói lớn quen rồi. Người làng tôi có thói quen nói nhiều, nói một lần sợ người nghe chưa hiểu nên cứ thích nói đi nói lại. Dù là lần thứ mấy rồi thì cũng vẫn sôi nổi y nguyên như lần đầu. Mà chuyện gì cũng muốn đem chia sẻ hết với bà con làng xóm. Nói cho nhẹ người chứ giữ trong lòng làm gì.
Chợ làng chỉ họp vào buổi sáng và chừng 8 rưỡi 9 giờ là tan, kể cả rác cũng được dọn dẹp sạch sẽ. Mỗi sáng sớm, bà con đến chợ mua bán rau dưa thịt cá và những thứ thiết yếu. Mua ít mua nhiều hầu như chẳng ai muốn về nhà ngay. Người ta hay nán lại ngó nghiêng xem làng trên xóm dưới có gì mới, có gì nóng sốt không. Rồi thì chỗ kia túm năm chỗ này tụm bảy, nhất là các bà các chị. Mọi người hào hứng chia sẻ chuyện nhà mình, hào hứng tham gia bình luận chuyện của hàng xóm, chẳng khác nào một mạng xã hội thu nhỏ.
Người làng tôi vẫn thế đấy. Thấy bất cứ ai ở xa về thăm quê thì kiểu gì cũng phải vây lấy ngắm nghía trầm trồ. Kiểu gì cũng phải tíu tít thăm hỏi chuyện xưa chuyện nay. Rồi lại ngạc nhiên, trầm trồ, ôi vẫn nói tiếng làng ta ư. Tôi cứ mỉm cười lâng lâng, nghĩ bụng giá có được đi cái chợ tình Sa Pa thì có lẽ cũng chỉ hấp dẫn đến thế thôi là cùng.
Nhiều người đã rất ngạc nhiên, thích thú khi thấy con gái tôi nói đặc sệt giọng làng mình. Con bé vốn không được sinh ra ở quê nhưng về làng cũng leo lẻo cái giọng chả khác gì người làng. Thế mới thú vị chứ bởi có phải dễ nói đâu. Nhiều người làng tôi đã định cư hàng chục năm ở những thành phố lớn mà vẫn giữ nguyên tiếng mẹ đẻ cả giọng lẫn phong cách nói chuyện mọi lúc mọi nơi. Cũng có đôi khi hơi bất tiện trong giao tiếp nhưng có sao đâu. Cuộc sống đa sắc màu, văn hóa cũng thế. Có nghe ai đó rằng nói ngọng là văn hóa địa phương, ở góc độ này thấy cũng có lý. Với riêng tôi, tiếng nói của làng mình là một phần hồn cốt quê hương luôn in sâu trong tâm hồn. Ai sống xa quê mới thấm thía.
Thế đấy, tiếng làng tôi dẫu có lên rừng xuống bể cũng không lẫn vào đâu được. Nhiều lần giữa phồn hoa đô thị chợt nghe ông ổng giọng quê quen thuộc, vẫn thoải mái nói thật to, thật... líu lo khiến cho người đi đường cũng thấy lạ mà ngoái nhìn. Ai nhìn cũng mặc kệ, chỉ biết thân thương lắm, cả một chút tự hào len ấm trong tim. Còn gì bằng khi đồng hương gặp nhau, được nghe giọng nói quen thuộc như truyền cho nhau chút hơi ấm quê hương giữa nơi đất khách quê người.
Giờ thì mỗi lần về quê lại một lần thấy như lạ hơn, xa hơn. Lạ vì lớp trẻ lớn lên thật khó mà nhận ra con cái nhà ai bởi hầu hết thấy chúng đã pha giọng. Nghĩa là không còn ngọng mấy, không còn sai dấu mấy, bớt lệch âm hơn, nhẹ nhàng hơn. Cũng phải thôi. Chúng đi học hành giao tiếp ngoài xã hội thì phải vậy. Trẻ con giờ nứt mắt ra là bố mẹ chúng đã nắn giọng cho rồi. Trẻ con chẳng nói làm chi nhưng bố mẹ chúng, cái lứa 8X, 9X ấy. Ra ngoài thì chớ chứ đã ở làng ta thì cứ tiếng làng ta mà nói với người làng ta, pha thêm cái giọng thiên hạ vào làm gì.
Đúng là đúng hơn, nhưng sao nhiều khi nghe chối chối lỗ tai, sường sượng như nhai phải thứ gì nửa sống nửa chín. Không chạnh lòng sao được. Người lớn trong làng cũng không thích vậy. Các cụ bảo: "Chửi cha không bằng pha tiếng" đủ thấy giọng nói vùng miền ông bà tổ tiên để lại có ý nghĩa và đáng gìn giữ như thế nào.
Làng tôi không còn như xưa. Cái giếng làng trước kia vốn sâu thẳm trong vắt những bèo ong hoa sang hoa súng. Đây là nơi cả làng ra lấy nước ăn, cùng nhau giữ gìn không để vẩn đục ô uế gì xung quanh. Không những thế, nghe các cụ còn bảo giếng này linh thiêng lắm vì nó là cái mắt rồng, đất làng tôi vốn hình con rồng. Vậy mà giờ trẻ con nó bơi tòm tõm cả ngày. Thậm chí cả những đàn vịt trắng phau cũng tranh thủ lúc vắng người mà lượn tung tăng. Chẳng còn ai giữ. Giữ làm gì. Giờ ai ăn nước giếng nữa đâu. Có lẽ nó cũng hết thiêng mất rồi, không còn ai sợ phạm thượng ở đó nữa. Mọi giá trị đã thuộc về dĩ vãng. Thời buổi hội nhập, cùng với những thay da đổi thịt trên khắp quê hương thì những giá trị về văn hóa tinh thần lại đang dần mai một hoặc biến dạng. Cái được cái mất cứ xoắn xuýt lấy nhau không làm sao tách ra được.
Nhưng dẫu sao được về quê là thích lắm rồi. Thích nhất là được ăn rau sạch và được nói ngọng thoải mái.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.