Ngày 9/10, tại họp báo thường kỳ Quý III của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, Cục này đã hoàn thành phần lớn thủ tục pháp lý để hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" - một trong những bảo vật quốc gia bị thất lạc ra nước ngoài.
Theo bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, suốt từ tháng 10/2022 cho đến 10/2023, Cục đã làm tất cả biện pháp thông qua con đường ngoại giao văn hóa để hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".
"Chúng ta đã tập hợp tất cả hồ sơ pháp lý liên quan, chứng minh nguồn gốc của ấn vàng thuộc về Nhà nước Việt Nam. Chúng ta đã dùng hồ sơ pháp lý và các biện pháp ngoại giao để vừa đàm phán, vừa thương lượng. Cuối cùng chúng ta đạt được kết quả không phải thông qua đấu giá để hồi hương cổ vật mà thỏa thuận theo hình thức bồi thường cho các bên liên quan để hồi hương ấn vàng. Theo pháp luật của nước Pháp, một người sở hữu cổ vật lâu năm mà không có tranh chấp hay kiện tụng thì cổ vật đó sẽ là tài sản của người đó. Vì thế, chúng ta không chỉ tuân theo pháp luật Việt Nam mà còn phải tuân theo pháp luật của nước sở tại – tức nước Pháp", bà Lê Thu Hiền nói.
Về quy trình hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", bà Lê Thị Thu Hiền cho biết, Việt Nam đang hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan đến giấy xuất khẩu cổ vật ra khỏi Pháp và giấy xuất khẩu cổ vật ra khỏi Châu Âu. Ở thời điểm hiện tại, phía Việt Nam cũng đang nhờ luật sư làm việc với hãng đấu giá Millon để hoàn tất tất cả các hồ sơ liên quan đến ấn vàng trước khi bàn giao cho phía Việt Nam mang về nước.
"Dự kiến cuối tháng 10 tất cả thủ tục liên quan đến giấy tờ pháp lý ấn vàng bên Pháp sẽ hoàn tất, ấn vàng sẽ được giao lại cho Việt Nam. Lãnh đạo Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo Cục Di sản văn hóa phối hợp các bộ, ngành có liên quan làm thủ tục pháp lý xác định cổ vật, đưa ấn vàng về nước", Cục trưởng Cục Di sản văn hóa thông tin.
Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được hãng đấu giá Millon rao bán lần đầu tiên vào ngày 31/10/2022. Đến ngày 14/11/2022, Bộ VHTTDL thông báo đàm phán thành công để hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" trên tinh thần "đồng thuận, thấu hiểu giữa hai bên và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp".
Tối 15/11, nhà đấu giá Millon (Pháp) mới chính thức gỡ thông tin về phiên đấu giá ấn vàng thời vua Minh Mạng. Từ đó đến nay, công cuộc hồi hương ấn vàng được tích cực thực hiện thông qua con đường ngoại giao.
Ấn vàng triều Nguyễn "Hoàng đế chi bảo" sẽ được hồi hương vào cuối tháng 10/2023
Theo hãng Millon, ấn vàng Hoàng đế chi bảo là "hiện vật nguyên gốc, chuẩn xác, được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) như ghi chép trong sử sách (Đại Nam thực lục, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ) và trong Biên bản, hình ảnh bàn giao ấn kiếm cho Quốc trưởng Bảo Đại ngày 08/3/1952 đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I". Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là ấn quý giá bậc nhất của triều Nguyễn, có nhiều nét tương đồng với hai ấn vàng "Sắc mệnh chi bảo" và "Hoàng đế tôn thân chi bảo" đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.
Ấn thời vua Minh Mạng được đúc bằng vàng ròng nặng 10,78 kg, có kích thước 13,8x13,7 kg trên đúc nổi con rồng uốn khúc. Khi được giới thiệu lần đầu trong phiên đấu giá, hãng Millon định giá ấn vàng khoảng 2-3 triệu Euro.
Trước đó, một số nguồn tin cho biết, ông Nguyễn Thế Hồng – Đại diện Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng đã thương lượng thành công việc mua lại ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" từ Công ty Cổ phần Millon (Pháp) với giá 6,1 triệu USD (153 tỷ đồng). Theo tiến độ thanh toán giữa 2 bên, dự kiến cuối tháng 4/2023 hoặc đầu tháng 5/2023 sẽ hoàn tất việc hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo.
Ông Nguyễn Thế Hồng (sinh năm 1961) là một doanh nhân có tiếng trong lĩnh vực bất động sản, dự án giao thông và là một tay chơi cổ vật có tiếng của đất Kinh Bắc. Ông Hồng hiện giữ cương vị Chủ tịch Hội Sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Kinh Bắc, chủ sở hữu Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng – bảo tàng tư nhân có tên trong số 3 đơn vị tư nhân sở hữu cổ vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia.
Hiện Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng của ông đang sở hữu số lượng cổ vật đồ sộ và đa dạng. Riêng bộ sưu tập sứ cổ Trung Hoa có một số cổ vật mang dấu ấn cung đình, được sưu tầm từ Đài Loan (Trung Quốc) rất quý hiếm. Đặc biệt, một hiện vật của bảo tàng này vừa được công nhận Bảo vật quốc gia trong đợt công nhận năm 2022 là chiếc thạp đồng văn hóa Đông Sơn.
Chiếc thạp này có một băng hoa văn trang trí 14 con thú (giống chồn/cáo) với 11 con đuôi thẳng, 3 con đuôi cong. Đàn thú 14 con này được tạo hình nối đuôi nhau chạy ngược chiều kim đồng hồ. Hội đồng Di sản quốc gia đánh giá đây là những con thú được đúc trong tư thế vận động, cong mình như đang đuổi theo nhau, tạo cho người xem cảm giác đang chuyển động.
Bài viết Vướng mắc thủ tục gì mà ấn vàng triều Nguyễn “Hoàng đế chi bảo” chưa được hồi hương? được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này- Home>
- tin tc giai tri , tin tuc , tin tuc 24h >
- Vướng mắc thủ tục gì mà ấn vàng triều Nguyễn “Hoàng đế chi bảo” chưa được hồi hương?