Chắc cũng vì quanh năm sống trong thời tiết oi nồng nên đám trẻ thơ ở thôn quê như chúng tôi đều thích mùa đông, hay nói khác đi là thích mùa gió chướng. Lúc còn bé, thi thoảng tôi lại nghe mẹ tôi nói, gió chướng mùa đông trời se lạnh khiến người già luôn cảm thấy khó chịu trong người nhưng bọn trẻ con nhờ thế mà lại mau lớn.
Trong ký ức tuổi thơ của tôi, điều bản thân nhớ nhất mỗi khi mùa gió chướng về trên quê tôi là được ngắm nhìn những chùm bông so đũa sau vườn nhà bừng nở một màu trắng phau thật đáng yêu. Mỗi ban mai, khi thức giấc giữa lưng chừng giấc mơ, tôi thường hân hoan khi nghe từ phía sau vườn những thanh âm từ tiếng chim rộn rã như một bản hòa tấu thật vui tai. Rồi bất chợt nghe tiếng mẹ kêu ba lấy cây sào ra sau vườn chuẩn bị hái bông so đũa. Vừa nghe xong, bản thân liền bật dậy, chưa kịp đánh răng rửa mặt gì cả, đã chạy vội theo ba mẹ ra vườn mà giành hái những chùm bông so đũa trắng tinh còn ướt đọng những giọt sương mai.
Mùa gió chướng, cây cối ở quê tôi không chỉ có mùa bông so đũa mà còn có cả những giàn đậu rồng cũng trổ hoa trắng, xanh lung linh khoe sắc. Mỗi sớm mai ra vườn, nhìn từng bầy ong bướm vờn quanh bay lượn bên những cánh hoa vừa mới hé nở để đón ánh ban mai, tôi thấy lòng mình dịu dàng đến lạ kỳ.
Thi thoảng, giữa những phút giây nhàn tản, tôi thường ngồi cạnh ba, bên mái hiên nhà với ấm trà lài nóng hổi, kể lại cho tôi nghe về những mùa gió chướng xa xưa trong miên man ký ức. Ở một mùa gió chướng nào đó, ba mẹ rời khỏi ngôi nhà của ông bà, dọn ra ở riêng, chỉ mang theo vỏn vẹn vài ba bộ quần áo và ít gạo. Và cũng vào một mùa gió chướng rì rào, tôi được chào đời trong vòng tay ấm áp của ba mẹ.
Gió chướng về, thời tiết cũng trở nên ấm áp hơn, nắng luôn dìu dịu nên đám trẻ cũng thích long nhong tản bộ ngoài đường nhiều hơn. Tôi hay cùng các bạn trong làng đến một khoảng đất trống để chơi thả diều. Mỗi khi có cơn gió mạnh thổi qua là bọn trẻ lại reo lên, rồi cứ thế nhanh nhẹn nắm lấy dây diều mà kéo, cố gắng sao cho con diều giấy của mình bay cao hơn những con diều còn lại của các bạn, là thấy trong lòng hân hoan.
Nếu hôm nào chẳng thích chơi thả diều, bọn trèo lên mấy cây bưởi hoặc cây mận sau nhà, vừa kiếm trái để ăn vừa ngồi hát vu vơ để hóng từng làn gió chướng thổi về thật là mát mẻ vô cùng. Tuy nhiên, điều mà bọn trẻ háo hức chờ đón trong mùa gió chướng cuối năm chính là được lẽo đẽo theo ba ra đồng. Đặc biệt là nhất là mỗi đêm trăng lên, tôi lại miên man thả hồn với ruộng sâu đồng rộng. Thi thoảng, vài cơn gió hắt hiu lao xao từ cánh đồng bên kia thổi về mang theo không khí mát mẻ khi đêm xuống. Từ trên chiếc xuồng ba lá chòng chành, tôi được theo ba ra đồng đặt lờ, giăng câu, thả lưới. Dưới ánh trăng nhàn nhạt, hình ảnh ba tôi hiện ra với dáng vẻ tần tảo, chịu thương, chịu khó. Ba thường nhẫn nại chống nhẹ cây dầm xuống sông, chiếc xuồng ba lá khẽ vượt ào ào trên mặt nước. Tôi hào hứng khi được tận hưởng cái mát mẻ, tiết trời trong lành do mùa gió chướng mang lại. Thi thoảng, khẽ ngước nhìn thấy những ngôi lấp lánh trải rộng như những tấm thảm kim cương mênh mông xa tít.
Đôi lần, giữa vài giây phút nhàn tản ở đồng ruộng mênh mông, ba kể tôi nghe về biết bao câu chuyện tuổi thơ, rằng vùng đất nơi đây chịu lắm nỗi đau thương nhưng rất anh hùng. Những vết thương loang lổ trên thân dừa, biết bao ao hồ có hình thù kỳ quái đều là vết tích do bão đạn, mưa bom của quân thù gây nên. Dù thế nhưng mọi thứ trên quê hương vẫn vươn lên sừng sững, hiên ngang bước qua khó khăn.
Mỗi buổi sáng tinh mơ giữa mùa gió chướng, tôi sẽ cùng ba ra đồng thăm câu, thăm lưới. Tôi thích thú ngắm nhìn những con cá lóc, cá trê… cắn câu, còn tươi roi rói. Thi thoảng, vài con rắn bông súng hoặc ếch mập mạp dính vào tay lưới của ba tôi. Khi về nhà, mẹ tôi sẽ nhanh tay chọn những con to nhất để chế biến món ăn cho cả nhà cùng thưởng thức.
Bản thân tôi thích nhất là món cá lóc nấu canh chua trái bần hay me non với bông súng đồng. Những buổi trưa oi nồng có ít cá rô kho tộ, nhấm nháp thêm ít vị chua dịu của bát canh chua thật không gì tuyệt vời bằng. Những con cá ngạt nước mà chết, mẹ tôi sẽ muối để khi nhiều dồn lại sẽ làm mắm. Món mắm tuy giản đơn như thế nhưng chờ đến mùa gieo mạ, mẹ tôi đem ra kho hoặc chưng cho ba tôi mang ra đồng ăn cùng với rau dưa, thật không gì ngon và hợp mùa bằng.
Cuối mùa gió chướng, những cơn gió thường đi kèm với cái lạnh giữa mùa đông, thổi dài qua những cánh đồng lúa ban sáng còn mờ sương đêm. Gió thường bấu vào tấm áo bà ba mỗi buổi sáng ra đồng của mẹ, đọng trên mái tóc pha sương của ba cho mùa vụ mới, nuôi những con chữ tròn vo đến trường của những đứa con.
Gió trải mùa với những ngày mưa cuối còn sót lại lất phất. Mưa càng làm cho gió mạnh hơn, có cảm tưởng như những luồng không khí lạnh từ phương Bắc đang tràn dần xuống phương Nam.
Những bữa cơm chiều bên gian bếp nhỏ chắc cũng vì lẽ đó mà trở nên ấm áp hơn. Thoáng trong gió, ta nghe được cả tiếng tí tách của củi mục và những tàu lá chuối xào xạc ngoài sân. Sau bữa cơm êm đềm, cả bọn lặng lẽ chui tọt vô mùng, khẽ khàng đắp tấm mềm được bà ngoại đan kết tỉ mẩn bằng những tấm vải nối, cảm giác ấm áp đến kỳ lạ. Những giấc ngủ của tuổi thơ chắc cũng vì lẽ đó mà trở nên êm đềm hơn, bỏ mặc những cơn gió chướng đang thỏa sức lượn mình ngoài cửa sổ.
Thi thoảng, giữa những cơn gió chướng, đứa trẻ là tôi hay trở mình thức giấc giữa đêm, nghe tiếng bà ngoại rên rỉ vì bệnh đau nhức hoành hành khi trở mùa. Mẹ tôi ngồi lặng lẽ bên giường, xoa bóp cho bà bằng chai dầu gió. Mùi dầu gió lan nhẹ trong không gian, phảng phất chút hương vị của yêu thương đầm ấm.
Năm tháng cứ thế mải miết trôi qua, những mùa gió chướng lại mang về biết bao mong nhớ mùa cũ. Tôi lang thang trên con đường quen thuộc của đô thị nhộn nhịp, nhớ đến nao lòng những mùa gió chướng năm xưa. Thi thoảng, lại thầm nhớ mùa gió chướng của năm nào thổi qua mái nhà xào xạc, nhớ cảm giác se lạnh được quây quần bên gian nhà nhỏ ven sông, ngồi cạnh nhau, đốt vỏ dừa nướng bánh tráng, bánh phồng mà mong chờ từng ngày mong cho mau đến Tết. Chợt thèm một mùa gió chướng như tuổi thơ năm nào…
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.