Phim Việt ngày càng dở tệ nên khán giả quay lưng?
Sau những cú nổ lớn phòng vé như Nhà bà Nữ, Chị chị em em 2, đến giữa năm 2023, phim Việt ra rạp không đạt được nhiều kỳ vọng về doanh thu như mong đợi, thậm chí là còn ở mức lỗ "thảm hại".
Thời điểm trước và trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, rạp Việt chỉ có 3 phim sản xuất trong nước là: Kẻ ẩn danh, Chạm vào hạnh phúc và Bến phà xác sống. Hiện tại theo số liệu của Box Office Việt Nam, Bến phà xác sống – phim zombie thứ 3 trên màn ảnh rộng Việt Nam sau Cù lao xác sống và Virut cuồng loạn mới chỉ thu về hơn 3,4 tỉ đến ngày 4/9. Đây là những con số "khiêm tốn" chưa từng thấy về doanh thu phim Việt ra rạp dịp lễ.
Trước nhiều ý kiến cho rằng đây là con số thấp, ê-kíp của đạo diễn Nhất Trung, nhà sản xuất của Bến phà xác sống chia sẻ với Dân Việt: "Dù doanh thu bộ phim có như thế nào nhưng trước đó, chúng tôi nghĩ rằng nếu không làm ra những điều mới mẻ, thì không biết đến khi nào điện ảnh Việt mới có những bộ phim mang đề tài mới.
Sau phần 1 nhận được nhiều ý kiến trái chiều của khán giả, ê-kíp cũng đã cố gắng lắng nghe và cầu thị để sản phẩm của mình có phần tốt hơn. Chúng tôi đã nghĩ, nếu giờ dừng làm đề tài này thì quá dễ dàng, khán giả dù khen hay chê cũng là điều chúng tôi cần lắng nghe và cầu thị".
Chia sẻ về những lo lắng trước khi chọn lựa đề tài trong thời điểm hiện nay, NSX phim Live #pháttrựctiếp cho biết: "Từ khi nền tảng VOD xuất hiện thì khán giả được cập nhật rất nhiều thể loại phim khác nhau nên sẽ có nhiều lựa chọn. Vẫn có những bảng cập nhật số liệu khảo sát từ khán giả về các thể loại phim nhưng cũng chỉ là tương đối. Khó có thể khẳng định "thị hiếu khán giả" là như thế nào, nhưng có một điều các nhà sản xuất luôn tâm niệm đó là cứ làm phim tốt và mang lại cảm xúc trước đã, mọi thành công hay thất bại thuộc về khán giả.
Không ai có thể nắm chắc phim sẽ hút khách hay không hút. Khi bắt đầu chọn một đề tài để làm phim và chọn mặt gửi vàng, các nhà sản xuất thường đặt trọn niềm tin vào đạo diễn và ê-kíp (nhất là những đạo diễn nổi tiếng "mát tay").
Vấn đề lo lắng chắc chắn là có. Tuy nhiên, chúng tôi tin chắc rằng, bộ phim của mình sẽ được lan toả rất nhiều vì nó xác thực với thực tế về vấn đề bạo lực trên mạng xã hội. Khi mà ranh giới giữa sự văn minh và chuyện ẩn danh tấn công một người khác, bóp méo người đó theo suy nghĩ của mình nó rất mong manh. Mỗi người sẽ đều nhìn thấy, không chỉ nhân vật mà hầu hết mọi người trong phim. Nếu chất lượng tác phẩm tốt, việc bộ phim thu hồi vốn nhanh là điều hoàn toàn có thể xảy ra".
Cạnh tranh thị phần, tỉ lệ ăn chia thiếu công bằng khiến phim Việt thất thu?
Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm chia sẻ: "Cứ nhìn hai kỷ lục phòng vé chưa từng có của Bố già và Nhà bà Nữ, nói một cách ngắn gọn là nhờ Trấn Thành khai thác được những chất liệu bình dân của đời sống xã hội Việt Nam đương đại, chạm vào được những vết thương kiểu "vô thức tập thể" rồi tìm cách chữa lành và để lại những bài học vừa vặn. Nói cách khác, phim của Trấn Thành là dòng phim về thị dân và đưa ra được những triết lý bình dân gần gũi (có người nhận xét là "nói đạo lý", cũng không sai). Làm được điều này, tức là anh ta chạm vào được 80% người Việt Nam rồi. Thế nên khán giả cứ thế đến rạp xem phim thôi".
"Khán giả vẫn sẽ dành thời gian và tiền bạc cho bộ phim mà họ yêu thích và ngược lại. Còn "thích" là về mặt cảm xúc nên khó có thể định nghĩa chuẩn nào cho từ đó, vì vậy sẽ có phim đông khách và ngược lại. Có những phim sản xuất và ê-kíp thấy tốt nhưng có thể khán giả vẫn chưa thích. Giả sử bỏ qua những yếu tố ngoại cảnh tác động đến việc đi xem phim, thì các nhà sản xuất chỉ có một cách thuyết phục khán giả đó là làm phim tốt hơn mỗi ngày" - nhà sản xuất Live #pháttrựctiếp nhận định.
Ông Nguyễn Danh Dương, Nguyên Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia chỉ ra việc điện ảnh Việt Nam mất thị phần ngay trên "sân nhà", có thể do khiến phim Việt thiếu ổn định và cũng bởi các công ty nước ngoài ồ ạt đầu tư vào xây dựng các cụm rạp chiếu phim ở nước ta với số lượng cụm rạp, phòng chiếu hiện đại. Điều này khiến các cơ sở chiếu phim của Việt Nam gần như tê liệt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động điện ảnh, sự phát triển của điện ảnh Việt Nam.
"Phim Việt Nam khi sản xuất ra khó vào được hệ thống rạp của họ, nếu có vào được thì số suất chiếu cũng chỉ mở mức tối thiểu và chịu một tỉ lệ phân chia lợi nhuận không công bằng dẫn đến những người làm phim Việt Nam không thể thu hồi vốn" – ông Dương nhận định.
Nhận định về việc phim Việt cạnh tranh với phim nước ngoài tại rạp, nhà sản xuất Live #pháttrựctiếp cho biết: "Thường thì vào thời điểm phim bom tấn nước ngoài, phim Việt sẽ chọn cách giãn cách thời gian chiếu sao cho đảm bảo doanh thu chứ cạnh tranh là khó có thể. Về vấn đề rạp và suất chiếu sẽ phụ thuộc vào nhu cầu mua của khán giả, phim nào bán được rạp sẽ sắp suất chiếu. Nên như đã nói ở trên thì phim Việt sẽ chọn thời điểm thích hợp mà không bị "đụng" bom tấn. Thị trường cũng giống như miếng bánh, các nhà sản xuất sẽ hiểu cách để chia nhau mà ăn. Nên chọn phương án sắp lịch chiếu phù hợp để cùng nhau về đích".
Bài viết Phim Việt lỗ thảm hại trên "sân nhà": Do phim dở, khán giả quay lưng hay mất thị phần? được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này- Home>
- tin tc giai tri , tin tuc , tin tuc 24h >
- Phim Việt lỗ thảm hại trên "sân nhà": Do phim dở, khán giả quay lưng hay mất thị phần?