Chính kêu to sung sướng: "A! Trần Vũ Mai, Khánh béo. Nhập ngay cuộc rượu mới coong". Hai chàng ngồi xuống ngay. Trong hai chàng, Trần Vũ Mai thì tôi đã thân quen. Nhưng còn Khánh "béo"? Tôi ngước nhìn rồi quay sang Chính. Chính giới thiệu ngay: "Đây là Đào Trọng Khánh – Xưởng phim tài liệu. Á! Dân Hải Phòng đấy mày". Tôi nghe xong thì thấy sửng sốt. Nhìn gương mặt hảo hán của Khánh "béo" như muốn uống ừng ực chất Cảng vào mình. Khánh "béo" đưa tay hồ hởi. "Chào Kha! Nghe Mai nói đã lâu. Nào chạm chén rồi nói chuyện!". Thế là những chén rượu nâng lên. Một tiếng "cách" khô cong. Rồi chuyện và chuyện nở ra như ngô rang.
Hóa ra, Khánh "béo" đã từng là học trò tiểu học của bố tôi, cùng trang lứa với anh chị tôi. Học xong cấp 3 Thái Phiên, Khánh "béo" lên Hà Nội học khóa 1 trường Sân khấu – Điện ảnh. Tốt nghiệp biên kịch và đạo diễn thì về Xưởng phim tài liệu. Nhưng điều bất ngờ hơn là Khánh "béo" vốn là dân làm thơ với bút danh Đào Nguyễn. Uống một lúc thì "rượu vào, thơ ra". Khánh "béo" đọc một bài thơ cũng mới coong của anh. Bài thơ là một hoài nhớ về quá vãng nhưng không kể lể mà chữ nghĩa cứ như những đường kiếm phi lý đến bất ngờ, đến cùng cực: "Nào hãy bơi đi đàn cá mòi khô/ Ta sẽ thả các ngươi xuống nước/ Hãy tìm lại cho ta những này đã mất/ Nơi đáy sông im lặng đời đời".
Cuộc gặp đầu tiên tình cờ đã để lại trong tôi một ấn tượng mạnh mẽ về Đào Trọng Khánh – một thi sĩ có hạng trong vóc dáng hảo hán. Thời ấy lạ thật, vừa gặp nhau đã thấy thân thiết tự bao giờ. Có lẽ cũng bởi tính "quảng giao" ở Khánh mà nên. Gặp rồi, thấy không muốn rời nhau. Đúng ra, về tuổi tác, Đào Trọng Khánh là bậc đàn anh. Tôi cũng học cấp 3 Thái Phiên với em ruột Khánh "béo". Còn lại chị tôi thì học cùng lớp với vợ Khánh béo – một mỹ nữ của trường Ngô Quyền. Thế mà thoắt một chớp mắt chúng tôi đã thành bạn bè. Bạn vong niên. Khánh "béo" càng uống càng nói hay. Toàn những lời có cánh. Rất nhiều những khái niệm cao siêu qua lời của anh trở nên gần gũi vô cùng.
Sau lần sơ ngộ ấy, tôi ít gặp Đào Trọng Khánh, nhưng lại nghe bạn bè kể về anh nhiều. Nào là đã từng vào chiến trường, nhưng vì tự ý vào sâu quá khi chưa được cho phép nên khi ra gặp đủ mọi sự rầy rà. Nào là từng có những câu thơ truyền khẩu dị biệt như: "Thành phố ăn nằm với biển/ đẻ ra một lớp cần lao" hay "Hải Phòng như một con tàu chở đầy thuốc nổ/ Đi qua số phận mỗi con người". Nào là bạn thân và từng cưu mang Lưu Quang Vũ qua những tháng năm cùng cực. Giữa những "nào là" ấy đột nhiên dựng lên một sự thực đáng nể phục giữa thập kỷ 80 của thời bao cấp. Đấy là việc Đào Trọng Khánh cùng làm với Trần Văn Thủy phim tài liệu "Hà Nội trong mắt ai" gây xôn xao dư luận mà chính anh lại còn là người viết lời bình. Nghe đâu giới tuyên huấn đòi cấm. Phải đến khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng xem xong và kết luận rằng phim hay, rất có tác dụng với xã hội thì cái vòng kim cô mới được tháo ra. Sau đó, Trần Văn Thủy làm tiếp "Chuyện tử tế" còn Đào Trọng Khánh làm những phim chân dung lớn về Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… Anh còn lưu được nhiều thước phim quay về Lê Đức Thọ cùng những lời phỏng vấn.
Giới điện ảnh thường gọi Đào Trọng Khánh là "Bầu Khánh" thay vì chỗ bạn bè hay gọi là "Khánh béo". "Bầu Khánh" – cái tên rất đỗi thân thương. Nhưng dù là "Khánh béo" hay "Bầu Khánh" cũng là một Đào Trọng Khánh với bản chất của một thi sĩ có hạng. Bản chất này chi phối tính cách và toàn bộ sự nghiệp đồ sộ của anh trong lĩnh vực phim tài liệu. Chỉ cần đọc kịch bản anh viết về nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh hay về vũ nữ Chăm Pa là đã thấy hiện hữu một tài năng mà thời gian không thể quên lãng, một tài năng cứ chậm rãi đi vào bất tử như các tên tuổi đàn anh văn nghệ của đất nước. Chỉ cần câu thơ: "Hãy bơi đi đàn cá mòi khô" thì cũng xứng đáng là người kế tục Văn Cao với câu thơ "ở đây một con cá ném lên trời cũng sống".
Tôi bắt đầu có duyên với Đào Trọng Khánh từ thập kỷ 90 khi cùng theo anh làm những phim chân dung truyền hình về các văn nghệ sĩ. Lúc này, công cuộc đổi mới đã mang đến cho mọi người một đời sống đỡ khốn khổ hơn thời quan liêu, bao cấp. Chúng tôi đã có thể vừa uống whisky vừa xem phim của nhau, vừa đọc thơ cho nhau nghe bằng một tâm thức thơ mới hơn nhiều những tháng năm cũ. Càng ngày tình thân càng gắn chặt hơn. Tôi học được ở Đào Trọng Khánh cái sự như không trong mọi ứng xử, trong mọi biến cố. Anh vừa là bạn vừa đích thực là một người anh đáng kính trọng về cả cuộc sống, lẫn cả tài năng. Kỷ niệm không quên là những năm 2006, tôi viết kịch bản và anh làm đạo diễn một phim tài liệu về Ủy ban dân tộc. Phim đã được chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Ksor Phước rất khen ngợi.
Cứ thế, tôi cùng anh và Lê Thiết Cương, Trịnh Tú thường xuyên ngồi cùng nhau nhâm nhi chuyện đời, chuyện văn nghệ mỗi khi anh lên Hà Nội. Và tôi cũng thường xuống Hải Phòng thăm anh. Nhiều năm trước, như lệ thường, bao giờ mồng 3 Tết, tôi và Lê Thiết Cương về nhà tôi ở Chợ Cột Đèn nổi tiếng với món pate, vừa là để thắp hương cho bố mẹ tôi, vừa là để sum vầy đầu Xuân cùng Đào Trọng Khánh, Bùi Ngọc Tấn và Duy Thái. Nhưng rồi anh Tấn mất, Đào Trọng Khánh thì yếu không thể đi được khiến tôi và Cương lại đến nhà anh để thăm và chúc Tết anh.
Cũng đã đến lúc phải thu thập những gì anh viết để thành tập sách lưu giữ cho đời. Công việc ấy được Lê Thiết Cương làm một cách cần mẫn với tấm lòng của một người thân. Và thế là các tập sách của anh được ấn hành khiến anh như trẻ lại, như vui hơn sau mỗi lần ra mắt sách ở Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, và ở Hải Phòng. Thỉnh thoảng người bạn gái cố tri của anh là họa sĩ Nguyễn Thị Hiền – trưởng nữ của nhà văn Kim Lân ở Sài Gòn ra, chúng tôi lại có những cuộc gặp gỡ thật thân thương cùng anh. Nguyễn Thị Hiền là bạn anh từ thời Lưu Quang Vũ, có nhiều chia sẻ với anh như là ruột thịt.
Nhưng đúng là "Thêm mỗi tuổi thêm nhiều người quen/ Thưa dần bè bạn". Thời gian lạnh lùng cứ mang đi dần những người ta hằng thương mến. Bắt đầu từ Bùi Trọng Tấn, rồi đến gần đây là Trịnh Tú cũng vừa qua giỗ đầu. Mấy hôm trước, chị Mỹ, vợ anh nhắn cho Lê Thiết Cương là anh đã phải vào thở máy ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, tôi và mấy người bạn đang dự định xuống thăm anh thì đột ngột chiều 20/9/2023, nghe tin anh đã ra đi về cõi vĩnh hằng. Vậy là dự định xuống thăm lại trở thành việc đưa tiễn anh về nơi an nghỉ. Đào Trọng Khánh đã tiên liệu việc ra đi của anh từ rất lâu trong bài thơ "Buổi sáng" anh làm từ năm 1972 ác liệt của Hải Phòng. Tiên liệu một cách từ tốn:
Sáng chủ nhật mờ sương
Hai bố con ra phố
Bố ba mươi con lên hai
Lá cơm nguội rơi vàng cả mặt
Cái vỉa hè như áo cài khuy
Hố phòng không sũng nước
Cơn mưa đêm rơi vào súng đạn
Vào nỗi đau ngăn cách trong ngày
Bố con mình cùng nắm trong tay
Cái buổi sáng kéo dài không hết
Cái buổi sáng chẳng ai đến gặp
Chẳng có ai từ biệt
Chẳng có a về nhà
Rồi bố sẽ già
Sẽ không đi được cùng con nữa
Như một buổi sáng nào bố đi ra phố
Rồi không về nhà.
Vĩnh biệt Đào Trọng Khánh, "Khánh béo", "Bầu Khánh"! Một cuộc vĩnh biệt giống câu thơ Văn Cao "nước mắt không thể chảy ra ngoài được".
Bài viết Nhà văn Nguyễn Thụy Kha: Hồi ức về Bầu Khánh được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này