Thời kỳ của các "hiện tượng mạng"
TikToker bất chấp chiêu trò để nổi tiếng, TikToker làm lố tại sự kiện, Tiktoker kém duyên trên thảm đỏ, TikToker câu view sống ảo, Tiktoker lố đến phản cảm... đó chỉ là một vài những nhận xét của netizen (cư dân mạng) hay giới truyền thông về sự "xâm lấn" ngày càng mạnh mẽ của các “hiện tượng mạng” mới nổi. Sau thời kỳ "lên hương" của các YouTuber, Facebooker, TikToker... những người được gắn mác “nhà sáng tạo nội dung số” nói chung ngày càng được “dung dưỡng”, tạo điều kiện để thỏa sức “sáng tạo”.
Thậm chí, ở nhiều sự kiện giải trí, những “hiện tượng mạng” này còn nghiễm nhiên bước lên thảm đỏ, được sắp xếp ở những vị trí đẹp – vốn chỉ dành cho các nghệ sĩ thực thụ. Và, trong cuộc đua để được công nhận, hợp thức hóa danh vị, nâng tầm cho bản thân... họ làm đủ chiêu trò trên các nền tảng mạng xã hội nhằm thu hút sự chú ý, kéo lượt theo dõi. Trên thực tế, dù không quy chụp tất cả nhưng một bộ phận trong số họ đã bất chấp để nổi tiếng bằng mọi cách, mọi giá.
Thời gian gần đây, những “hiện tượng mạng” này còn lấn sân sang cả lĩnh vực phim ảnh. Lê Bống – TikToker sở hữu kênh cá nhân với hơn 9,2 triệu lượt theo dõi đã được đạo diễn Đinh Tuấn Vũ giao đảm nhận vai diễn khá quan trọng trong Nhà mình lạ lắm!. YouTuber Khương Dừa và Cú Đấm Thép tham gia trong bộ phim Bống thời 4.0 của đạo diễn Nguyễn Quang Minh hay hotgirl “trứng rán cần mỡ, bắp cần bơ” Trần Thanh Tâm cũng từng xuất hiện trong các phim: Trói buộc yêu thương, Gia đình là số 1, Cô giáo tôi là trùm cuối…
Và gần nhất, trong bộ phim nói về bạo lực mạng xã hội LIVE - #Phát trực tiếp, đạo diễn Khương Ngọc cũng mời hàng loạt các TikToker: Long Chun, Hoàng Anh Panda, Tina Thảo Nhi, Tuấn Kiệt… tham gia với các vai diễn khách mời trong phim của mình. Các vai diễn khách mời đều thể hiện nhân vật của mình. Khán giả không khó để nhận ra ngôn ngữ, cử chỉ, hành động của chính họ đã được đưa lên phim một cách rất… đời.
Chia sẻ về việc ngày càng nhiều "hiện tượng mạng" được mời đóng phim, thậm chí là vai chính, diễn viên Trung Dũng nói: "Tôi thấy hiện tại nhiều bạn trẻ không học qua trường lớp mà vẫn được nhận vai chính. Tôi cũng đã được đóng với rất nhiều bạn trẻ mới, thậm chí còn chẳng biết họ xuất thân ở đâu. Thật sự nhiều lúc tôi cảm thấy mệt mỏi. Với tôi, đã muốn trở thành diễn viên thì cần phải có năng khiếu và đam mê. Nếu chỉ dựa trên ngoại hình hay độ nổi tiếng trên mạng thì chắc chắn sẽ sớm bị đào thải qua một vài bộ phim".
MC Liêu Hà Trinh cũng bày tỏ việc nhà sản xuất chọn TikToker theo số lượng người theo dõi thay vì năng lực sẽ gây tổn thương cho các nghệ sĩ có thâm niên trong nghề: "Sự lựa chọn chưa đúng đắn là điều gây ra nhiều tranh cãi, chứ không phải danh xưng TikToker làm mọi người ngao ngán".
Diễn viên Lãnh Thanh cũng chia sẻ với Dân Việt rằng: "Con người được quyền làm một số điều mà họ thích, kể cả diễn xuất. Nhìn theo hướng tích cực thì biết đâu ta sẽ tìm ra được những cá nhân thực lực xuất chúng để tiếp bước thế hệ đi trước. Tre già măng mọc, ngành nghề nào cũng sẽ luôn cần những nhân lực tốt để duy trì, phát huy và phát triển. Hoa hậu được mời đóng phim, ca sĩ, người mẫu... ngay cả YouTuber, TikToker bây giờ cũng không ngoại lệ. Phim ảnh là "bữa tiệc thịnh soạn" nhiều thú vị và bất ngờ, ở đó có "món chính, món phụ, món tráng miệng" - khán giả là những thực khách vừa khó chiều, vừa khó tính, đôi lúc lại rất dễ thương".
Tại sao "hiện tượng mạng" được mời đóng phim?
Vì sao các "hiện tượng mạng" được mời đóng phim, thậm chí các vai quan trọng? Trong khi nhiều người trong số họ chưa từng đóng phim và chưa học diễn xuất.
TikToker Long Chun chia sẻ với Dân Việt cho rằng: “Ngoài những nội dung trên kênh cá nhân mình mặc sức được sáng tạo theo ý muốn, không phải ai muốn tham gia phim ảnh cũng được. Có thể có người may mắn được mời vào các vai khách mời vì quen biết với nhà sản xuất, đạo diễn mà không ảnh hưởng gì đến nội dung phim. Nhưng đã là vai có ít nhiều đất diễn, có tính cách... tôi nghĩ không nhà sản xuất nào dám liều mình mời ai đó chỉ vì sự nổi tiếng. Đó là con dao hai lưỡi. Mà chơi dao kiểu này dễ đứt tay như chơi chứ chẳng đùa”.
Sau khi tham gia bộ phim LIVE - #Phát trực tiếp, TikToker Hoàng Anh Panda cũng bày tỏ với Dân Việt rằng: “Có thể chúng tôi không cần diễn nhiều, chỉ cần bê nguyên hình ảnh bản thân ngoài đời lên phim nhưng cũng không phải vô cớ có cơ hội đóng phim. Giữa vô vàn các TikToker, thậm chí có lượt theo dõi cao hơn rất nhiều hẳn phải có lý do gì để chúng tôi được lựa chọn”.
Chia sẻ về việc các "hiện tượng mạng" có đủ kỹ năng diễn xuất khi đóng phim, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ từng cho biết, Lê Bống phải casting 3 lần mới được nhận vai. Anh thừa nhận cô còn thiếu kinh nghiệm cũng như kỹ thuật diễn nhưng bù lại có sự tự nhiên, bản năng và cả sự tập trung.
Có một điều không thể phủ nhận, việc mời các “hiện tượng mạng” đóng phim trước mắt mang đến những lợi thế nhất định về mặt truyền thông. Dù không phải những ngôi sao phòng vé nhưng với lượng fan đông đảo, cùng công cụ mạng xã hội trên tay bản thân nhà sản xuất có thể tận dụng lợi thế này để PR cho bộ phim nhằm lan tỏa đến với đông đảo khán giả hơn. Đó là sự cộng hưởng cần thiết và cũng là xu hướng tất yếu. Còn bộ phim có được đón nhận hay phụ thuộc vào chất lượng và đánh trúng gu thị hiếu thưởng thức của khán giả.
Thời gian qua, khi điện ảnh Việt luôn thiếu nguồn cung diễn viên hàng loạt ca sĩ, người mẫu, hoa hậu, MC… đều muốn lấn sân, thử sức đóng phim và trong số đó cũng đã có những gương mặt thành công. Có cung ắt có cầu.
Chia sẻ về lý do mời các hot TikToker vào phim của mình, đạo diễn Khương Ngọc cho PV Dân Việt biết: "Tôi mời họ vì họ phù hợp với nội dung bộ phim của tôi. Bộ phim nói về giới trẻ và công việc sáng tạo nội dung trên mạng. Chính họ cũng làm công việc đó và trải qua vấn đề mà bộ phim nói đến là bạo lực trên mạng. Hơn ai hết, chính những nhân vật này họ cũng đã phải đánh đổi, cố gắng, nỗ lực rất nhiều để có những thành tựu của riêng mình. Và họ cũng là những người trực tiếp nhận những từ ngữ mạnh hơn cả những "nhát dao" gây tổn hại thể xác. Vì thế, họ sẽ hiểu rõ và thể hiện tốt những điều bộ phim muốn truyền tải".
Trước chuyện các "hiện tượng mạng" có thể đóng phim khi chưa có kỹ năng diễn xuất hay không, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho biết: "Tôi nghĩ, nguyên tắc đầu tiên diễn viên dù là ai thì đều phải tới thử vai. Trong quá trình thử vai đó, đạo diễn cùng nhà sản xuất mới có cái nhìn khách quan và công bằng nhất để xem người đó có đúng như nhân vật họ tưởng tượng không.
Thứ hai, tôi cần phải cảm nhận được người đó có thực sự muốn nhận vai diễn mà tôi sắp trao cho cô ấy hay không. Điều này quan trọng vô cùng, bởi chúng tôi sẽ có một quá trình dài cộng tác. Nếu diễn viên nhận vai vì một lý do nào đó ngoài sự thích thú và hứng khởi dành cho nhân vật, chúng ta không thể có một vai diễn (ít nhất là) đúng như tưởng tượng của đạo diễn".
Đạo diễn Dũng Nghệ bày tỏ với Dân Việt: "Trước hết phải khẳng định một điều: Bất cứ ai cũng có thể trở thành một diễn viên nếu như đạo diễn biết khai thác tố chất của từng người và đặt họ vào đúng nhân vật để phục vụ cho ý đồ nghệ thuật. Cho nên, việc các "hiện tượng mạng" được mời đóng phim với tôi cũng là điều bình thường. Nó chỉ trở nên bất thường khi các nhà sản xuất, các đạo diễn đưa những nhân vật này vào vai chính, để phục vụ những mục đích khác của họ mà thôi. Điều này, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của phim.
Hiện tượng này cũng từng xảy ra hơn chục năm trước khi phim truyền hình bùng nổ. Hàng loạt ca sĩ, người mẫu được săn đón mời đóng vai chính. Hậu quả khiến cho chất lượng phim ngày càng đi xuống, và dần đánh mất niềm tin của khán giả. Bản thân tôi lúc tuyển diễn viên luôn đặt sự ưu tiên hàng đầu cho các diễn viên chuyên nghiệp, những người sống bằng nghề, những người đã và đang đổ mồ hôi và cả nước mắt cho từng nhân vật của họ trên phim trường".
Với câu hỏi anh có mời "hiện tượng mạng" đóng phim của mình không, đạo diễn Dũng Nghệ cho biết: "Chuyện đó, có thể xẩy ra nếu những "hiện tượng mạng xã hội" đáp ứng được yêu cầu về diễn xuất, và có thái độ làm việc nghiêm túc với nghề. Chắc chắn là tôi sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc chỉ đạo diễn xuất, và điều đáng sợ nhất là sự thiếu chuyên nghiệp trong cách làm việc của họ".
Diễn viên Lãnh Thanh đưa ra quan điểm của mình về việc này: "Tôi nghĩ, việc mời "hiện tượng mạng" đảm nhận các vai quan trọng trong phim là canh bạc mà sẽ nhiều đạo diễn, nhà sản xuất ít muốn đặt cược vào. Mặc dù sở hữu lượng theo dõi khủng nhưng con số lại không quy đổi ra vé xem phim ngoài rạp hoặc mức độ phổ biến hay chất lượng phim. Với các nhà làm phim, chất lượng tổng thể của bộ phim mới là điều quan trọng nhất. Cho nên, hãy cứ làm việc hết mình nếu bạn được mời đóng phim dù bạn là ai. Phim trường sẽ là đấu trường quyết định bạn có thể trở thành diễn viên hay không?".
Trong thực tế khi các “hiện tượng mạng” lấn sân phim ảnh, sự nổi tiếng trên thế giới ảo của họ chỉ là bước khởi đầu. Điện ảnh là lĩnh vực có sự đào thải khốc liệt. Nếu việc “hiện tượng mạng” đóng phim là trào lưu, nó chỉ mang tính thời điểm và sẽ chịu quy luật sàng lọc khắt khe. Chỉ những ai ý thức làm việc nghiêm túc, tập trung cao độ, nỗ lực học hỏi và toàn tâm toàn ý cho mỗi vai diễn, kể cả vai khách mời mới mong có chỗ đứng ở lĩnh vực phim ảnh. Điện ảnh chưa bao giờ là cuộc chơi, nhất là với những tay ngang thích tìm kiếm sự nổi tiếng chớp nhoáng.
Bài viết Các “hiện tượng mạng” ồ ạt chuyển sang đóng phim, chuyện gì đang xảy ra? được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này- Home>
- tin tc giai tri , tin tuc , tin tuc 24h >
- Các “hiện tượng mạng” ồ ạt chuyển sang đóng phim, chuyện gì đang xảy ra?