Anh có thể chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình khi bộ phim Bình minh phía trước đoạt giải tại Cánh diều năm nay?
- Thực sự không giống như hai chục năm về trước, khi tôi làm phim đầu tay, lúc đó giải thưởng Cánh diều là giải thưởng của hội nghề nghiệp mà bất cứ người làm nghề nào cũng mơ ước. Bình minh phía trước là một phim lịch sử, nó khá lạc lõng giữa các phim hiện đại giàu tính giải trí cùng mùa. Đây là một phim tốt nhất trong những phim tôi từng làm và tôi nghĩ nó sẽ có một đời sống lâu bền bởi cách kể chuyện, nội dung và giá trị tổng thể của nó. Tôi nghĩ rằng sẽ rất lâu nữa mới có một phim lịch sử như vậy.
Với bộ phim Bình minh phía trước, trong quá trình tìm hiểu về cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, cuộc đời ông đã đem lại cho anh những cảm hứng và ấn tượng thế nào?
- Trong thời gian đầu, tôi phải là một kẻ lý trí, không được phép có những biểu hiện cảm hứng, ấn tượng… như kiểu của một nghệ sĩ cảm xúc. Với cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, tôi là một nhà nghiên cứu khoa học về lịch sử hơn là một nghệ sĩ. Tôi phải nhìn nhận mọi thứ về con người và thời đại ông sống với những góc nhìn lý trí. Rồi tôi xây lên, đập đi rồi lại xây, lại đập… cho đến khi mọi tư liệu lịch sử, văn chương, xã hội, con người, thời không gian… nhuyễn ra, hoà quyện thành hình khối, thành mạch, thành đường dây.
Rồi tôi thổi vào đó linh hồn, bằng nền tảng văn hoá và chính trị xã hội của tôi, bằng đạo đức tôn giáo và thái độ sống của tôi, cho vào đó ít nhiều xung đột kịch… cái đó nghề tôi gọi là kịch bản đạo diễn. Với tôi lúc đó con người lý trí đã xong, quẳng kịch bản đó tôi đi chọn diễn viên, chọn cảnh… khi trở về, con người cảm xúc mới xuất hiện và làm công việc của một nghệ sĩ, thứ nghệ sĩ cảm xúc đích thực.
Anh đánh giá thế nào về ý nghĩa của giải thưởng này cũng như các giải thưởng điện ảnh trong nước hiện nay với người làm nghề nói chung?
- Tôi nghĩ giải Cánh diều dù không quy mô, hoành tráng và lâu đời như giải Bông Sen của Liên hoan phim Việt Nam nhưng vẫn là dấu ấn nghề nghiệp cho bất cứ ai làm nghề ở Việt Nam. Đây cũng là thành công của Ban tổ chức giải thưởng Hội Điện ảnh trong nhiều năm. Mấy năm rồi do dịch Covid-19 nên việc tổ chức giải chưa được tốt. Năm nay, dù hậu quả kinh tế sau dịch Covid-19 vẫn còn nhưng tôi nghĩ việc tổ chức đã tốt hơn nhiều.
Cơ bản nhiều nghệ sĩ và những người làm nghề chưa biết trân trọng các giải thưởng trong nước. Thái độ của người Việt nói chung đều sính ngoại, ngay cả đến giải thưởng nghề nghiệp Điện ảnh cũng vậy. Hàng năm có cả mấy ngàn Liên hoan phim Quốc tế (LHPQT) diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới nhưng LHPQT danh giá thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay, số còn lại là "tào lao". Tôi nghĩ, nên có lòng tự tôn và chính thái độ tự tôn sẽ nâng tầm của giải thưởng. Mình không tôn trọng mình thì ai tôn trọng mình?
Theo anh, một giải thưởng nghề nghiệp cần phải có giá trị vật chất lớn, hay chỉ mang ý nghĩa giá trị tinh thần là đủ?
- Giải thưởng là đánh giá giá trị nghệ thuật của bộ phim, nghề nghiệp của những nhà làm phim, từ đó khẳng định tầm của nghệ sĩ và những người làm nghề. Nó khiến cho những người có giải thưởng bước lên một nấc thang mới trong nghề nghiệp của mình. Vật chất hay tinh thần đều không phải là giá trị của giải thưởng, nó là thang xác định đẳng cấp.
Hiện nay, phim được Nhà nước đầu tư rất ít. Theo anh, Nhà nước cần đầu tư như thế nào thì thoả đáng?
- Tôi không biết. Tôi không phải là nhà quản lý. Tuy nhiên, tôi nghĩ đầu tư ít thì kết quả ít. Theo tôi, Nhà nước nên tạo nhiều cơ hội làm nghề thay vì đầu tư. Theo tôi, Nhà nước nên tạo ra chợ, tạo ra thị trường điện ảnh hơn đầu tư buôn bán.
Vậy Nhà nước đầu tư cho điện ảnh cần chú trọng vào những mặt nào?
- Đầu tư cho hạ tầng, tức là đầu tư cho con người, từ khâu giáo dục nghề nghiệp mới là quan trọng. Không có sinh viên điện ảnh giỏi nghề thì không có những thế hệ kế cận, những hạt giống tốt. Sau đó phải xây dựng một thị trường điện ảnh đủ tốt để có nhiều cơ hội cho các nhà làm phim. Điều đó quan trọng hơn đầu tư bất cứ đề tài nào.
Đề tài lịch sử khó thu hút khán giả, theo anh cần làm gì để khắc phục được nhược điểm đó?
- Khắc phục sao được khi xã hội ngày càng nhiều người thích những thứ đơn giản, dễ dãi và vui vẻ? Theo tôi thì không nên làm gì ngoài việc làm phim cho hay, cho hấp dẫn. Sử nó vậy và phim lịch sử vốn dĩ nó phải vậy. Giá trị của một bộ phim lịch sử không rẻ tiền. Nó không dành cho đám đông mà chỉ cho một lượng khán giả nhất định. Tuy nhiên, thời gian sẽ là thước đo giá trị của một bộ phim.
Xin cảm ơn đạo diễn đã chia sẻ!
Bài viết Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: "Xã hội ngày càng nhiều người thích những thứ đơn giản, dễ dãi và vui vẻ" được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này- Home>
- tin tc giai tri , tin tuc , tin tuc 24h >
- Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: "Xã hội ngày càng nhiều người thích những thứ đơn giản, dễ dãi và vui vẻ"