• Thứ Tư, 16 tháng 8, 2023

    NSƯT Doãn Bằng: "Mỗi lần làm kịch Lưu Quang Vũ, tôi như về lại căn phòng chỉ 6m vuông ở Phố Huế" - Ảnh 1.

    Họa sĩ, NSƯT Doãn Bằng thiết kế sân khấu cho Đêm thơ nhạc kịch "Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi". Ảnh: NVCC

    Đến giờ, anh có nhớ đã thiết kế bao nhiêu sân khấu trong các vở kịch của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ không?

    - Thú thật, tôi chẳng nhớ nổi, nhưng có một vinh dự là những vở lớn của chú Lưu Quang Vũ, gần như tôi đều làm hết cả rồi! Từ Hồn Trương Ba, da Hàng thịt, đến Người tốt nhà số 5; Người trong cõi nhớ; Ông không phải là bố tôi; Hoa Cúc Xanh

    Hồn Trương Ba, da Hàng thịt chắc chắn là một trong những tác phẩm để đời của Lưu Quang Vũ, nhưng đến giờ ắt hẳn có nhiều người vẫn chưa hiểu rõ hết ý nghĩa của nó. Anh có cảm nhận gì về tác phẩm này?

    - Đúng theo phong cách của Lưu Quang Vũ, đó là một tác phẩm đa nghĩa và mang tính dự báo. Cho nên, mỗi thời điểm, người ta lại có cách nhìn khác nhau bởi mọi thứ đều biến thiên theo thời gian, chính vì thế giá trị của những vở kịch như Hồn Trương Ba, da hàng thịt mới lâu dài như vậy. Thời trước, ý nghĩa của Hồn Trương Ba, da Hàng thịt sẽ được các bậc tiền bối khai thác theo một kiểu, còn ở thời đại này, họ lại muốn nhìn tác phẩm đó và giải nghĩa nó theo một hướng khác mà tôi cho rằng điều đó cũng rất hợp lý.

    Nếu một tác phẩm "đóng đinh" theo ý nghĩa nhất định thì qua năm này tới năm khác, các đạo diễn chỉ có đi tới duy nhất một cái đích mà thôi, mà đó không phải là tầm tóc của những vở kinh điển như Hồn Trương Ba, da Hàng thịt.

    Vở rối Hồn Trương Ba, da Hàng thịt do họa sĩ, NSƯT Doãn Bằng thiết kế sân khấu. Ảnh: NVCC

    Theo anh, kịch của Lưu Quang Vũ khiến cho các thiết kế sân khấu có gì khác biệt?

    - Dĩ nhiên, kịch Lưu Quang Vũ luôn đem đến những điều vừa khác biệt lại vừa khó. Bởi có rất nhiều cách để tiếp cận và biểu tượng hóa những gì mà Lưu Quang Vũ truyền tải trong tác phẩm của mình. Dù là phong cách hiện thực hay trừu tượng, Lưu Quang Vũ cùng đều gợi mở cho các đạo diễn nhiều thủ pháp nghệ thuật để thể hiện. 

    Tôi cho rằng để tiếp cận những vở kịch của Lưu Quang Vũ, người nghệ sĩ phải có sự trưởng thành qua thời gian, liên tục tiếp cận và va chạm với đời sống, thậm chí là tiếp thu những loại hình nghệ thuật khác như văn học hay điện ảnh.

    Là một người từng được ở gần Lưu Quang Vũ từ nhỏ. Khi ở bên cạnh những người nghệ sĩ lớn như Lưu Quang Vũ, anh cảm thấy bản thân đổi khác ra sao?

    - Khác rất nhiều, khiến cho bản thân tôi khi tiếp cận những giá trị cuộc sống theo phương diện nghệ thuật với cách hành xử đạo đức, nhân văn. Phong cách của những nghệ sĩ như Lưu Quang Vũ đã ảnh hưởng tới quan điểm nghề nghiệp lẫn đời sống của tôi sau này, vì dù thế nào tôi thừa nhận mình vẫn khá "hoài cổ".

    Vở Ai là thủ phạm do họa sĩ, NSƯT Doãn Bằng thiết kế sân khấu. Ảnh: NVCC

    Điều gì làm khó anh nhất khi thiết kế sân khấu kịch Lưu Quang Vũ?

    - Kịch Lưu Quang Vũ luôn đòi hỏi tư duy rất cao về không gian, môi trường và rất nhiều bối cảnh. Có những vở đòi hỏi từ 11-12 cảnh mà trong một đêm diễn, số lượng cảnh như vậy là thách thức lớn cho họa sĩ thiết kế. Đặc biệt, nếu trong thời điểm kinh phí dàn dựng không dồi dào thì thách thức đó còn nhân lên nhiều lần.

    Trong lúc đó, thứ chúng tôi cần nhất là bản lĩnh của người làm nghề lâu năm, vận dụng đủ mọi kiến thức của mỹ thuật sân khấu, nắm rõ phong cách của tác giả và người biểu diễn.

    Trong ký ức của anh, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ có tính cách thế nào?

    - Chú Lưu Quang Vũ theo trí nhớ của tôi là người rất hóm hỉnh và hiền lành, luôn tỏa ra năng lượng ấm áp. Đó là người nghệ sĩ mà bất cứ ai gặp cũng muốn ở gần và trò chuyện thật nhiều.

    Vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy do họa sĩ, NSƯT Doãn Bằng thiết kế sân khấu. Ảnh: NVCC

    Nghe nói gia đình anh và gia đình nhà viết kịch Lưu Quang Vũ có mối quan hệ khá thân thiết?

    - Hai gia đình khá thân thiết, cha tôi là họa sĩ, NSND Doãn Châu liên tục có nhiều vở kịch cộng tác cùng chú Lưu Quang Vũ. Thời đó đã làm gì có điện thoại, thế nên cứ có dịp là hẹn nhau quây quần tại nhà, làm một bữa "nhậu" thân mật. Ngoài ra, tôi còn nhớ những hôm nhà chú Lưu Quang Vũ mất nước, cô Xuân Quỳnh còn đem quần áo tới nhà tôi để giặt. Hai nhà chúng tôi gắn bó với nhau cả về sinh hoạt nghệ thuật lẫn đời sống. Bản thân tôi luôn coi cô chú Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh như bố mẹ trong nhà.

    Bài viết NSƯT Doãn Bằng: "Mỗi lần làm kịch Lưu Quang Vũ, tôi như về lại căn phòng chỉ 6m vuông ở Phố Huế" được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này

    Leave a Reply

    Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

  • - Copyright © Giải Trí Việt Nam - Powered by Blogger - Designed by Jthietkesitedep.com -