Nhiếp ảnh gia Đỗ Anh Tuấn chia sẻ tại triển lãm ảnh "Hơi thở". Video: Thủy Vũ
Theo lẽ thường, nhiếp ảnh gia càng có nhiều năm kinh nghiệm, việc quan sát thế giới xung quanh sẽ trở nên tinh tường, nhưng điều đó dường như trái ngược với nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Anh Tuấn bởi đôi mắt ông yếu dần vài năm trở lại đây và đến nay ông đã không còn nhìn thấy được gì. Tuy vậy, người nghệ sĩ "cố chấp" chưa bao giờ từ bỏ khát vọng được sáng tạo, cho ra đời những thử nghiệm "cũ mà mới" ở lĩnh vực nhiếp ảnh. Dù vạn vật trong đôi mắt của nhiếp ảnh gia chỉ còn lại một màu đen, nhưng "hơi thở" của Đỗ Anh Tuấn ngày càng mạnh mẽ, càng thèm khát để thích nghi với tình cảnh mới.
Điều đó đã được Đỗ Anh Tuấn thể hiện trong triển lãm ảnh "Hơi thở", khai mạc tại Mai gallery số 113 Hàng Bông (Hà Nội) ngày 27/8 và sẽ kéo dài đến hết 10/9/2023. Triển lãm gồm 27 tác phẩm chính phóng khổ lớn và một số tác phẩm cỡ nhỏ được trưng bày theo hai thể loại: ảnh đường phố và ảnh khỏa thân nghệ thuật.
Chia sẻ với Dân Việt về nguồn cảm hứng và cách thức sáng tạo nghệ thuật, nhiếp ảnh gia Đỗ Anh Tuấn cho hay: "Khi mắt tôi đã hỏng, thì đầu tôi đóng vai trò như một bộ máy, làm tất cả mọi thứ từ việc xây dựng kịch bản cho tới bố cục chi tiết. Tôi đã quen dần việc tự hình dung ra trong đầu nhân vật chính của mình sẽ là ai, hành động hay tình cảm mà họ thể hiện sẽ ra sao. Tiếp đến khoảng cách xa, gần, màu sắc… Bạn bè gọi tôi là người chụp ảnh bằng đầu.
Sau đó, tôi làm việc với một học trò của mình, lấy bút vẽ theo cảm tính những ý tưởng lên trang giấy để trao đổi với học trò. Đôi khi tôi lại lấy những vật nhỏ bé như chiếc bật lửa, bao thuốc lá, sắp xếp chúng lên nhau để tượng trưng cho ý mình muốn nói. Nhờ có học trò của mình mà bố cục, ánh sáng mà tôi muốn đều được thể hiện một cách trơn tru. Việc của tôi ở phần cuối chỉ là bấm máy, cho ra đời bức ảnh theo cảm xúc".
Gặp phải tình cảnh mà bất cứ người nghệ sĩ nào đang trong giai đoạn "cháy" nhất với nghệ thuật đều không mong muốn, nhưng Đỗ Anh Tuấn khẳng định với Dân Việt rằng, ông không muốn dừng lại, ông coi nhiếp ảnh không chỉ là nghề, mà còn là sự nghiệp cả một đời của mình.
Trong triển lãm "Hơi thở", những bức ảnh không có tên. Nhiếp ảnh gia Đỗ Anh Tuấn giải thích, ông không quan trọng việc đặt tên, có những cái tên chỉ ở riêng trong cõi lòng của ông, bởi ông muốn khơi gợi những cảm nghĩ từ trong sự thưởng thức khác nhau của mỗi người.
"Nếu một tác phẩm nghệ thuật mà đặt tên, điều đó sẽ gợi ý cho người ta cách thưởng thức chúng, nhưng ngược lại cũng hạn chế sự tìm tòi trong cảm nhận của mỗi người" – nhiếp ảnh gia Đỗ Anh Tuấn cho biết.
Sau giai đoạn khó khăn và tìm lại được cảm hứng sáng tạo, Đỗ Anh Tuấn nói rằng, chủ đề chính trong tác phẩm nhiếp ảnh của ông vẫn không thay đổi. Thứ nhất là ảnh chụp về cuộc sống, với mọi thứ diễn ra tự nhiên và tuyệt đối không có một sự sắp xếp nào cả. Thứ hai là ảnh "fine art" mà người nghệ sĩ có thể hiện tư duy và dùng bất cứ cách sắp đặt nào mình muốn, miễn là cho ra kết quả mà bản thân thấy hài lòng nhất.
Khi được hỏi về tư duy trong nhiếp ảnh, nhiếp ảnh gia Đỗ Anh Tuấn tiết lộ: "Hiện tại có những nghệ sĩ nhiếp ảnh rất có tư duy về mỹ học và sắp đặt nhưng thực chất trong bức ảnh lại chẳng có một ý tưởng nào. Với tôi, lối chụp ảnh như thế không đủ để tôi thấy được thoả mãn. Những bức ảnh của tôi luôn có ý đồ riêng của nó. Hãy đi tới tận cùng của sáng tạo để thỏa cơn khát nghệ thuật".
Trong triển lãm "Hơi thở", chủ đề được người tham gia thưởng ngoạn, bàn luận khá nhiều là ảnh khoả thân phụ nữ. Nghệ sĩ Đỗ Anh Tuấn thoải mái nói rằng, đó là do sở thích cá nhân của riêng ông. Ông tôn trọng người mẫu của mình, luôn cố gắng cho họ hiểu rằng, bản thân là một người chụp ảnh "đáng tin cậy".
Người đến với triển lãm của nhiếp ảnh gia Đỗ Anh Tuấn có những xúc cảm khác nhau, nhưng phần lớn đều khâm phục ông. Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có mặt trong triển lãm "Hơi thở" chia sẻ với Dân Việt: "Lần đầu tiên tôi xem một triễn lãm ấn tượng và đầy xúc cảm thế này. Một nhiếp ảnh gia dù không nhìn được, nhưng lại mang đến tư duy phong phú trong ảnh của mình, thậm chí kỹ thuật còn rất cao trong việc sử dụng hai màu chủ đạo đen và trắng. Kỹ thuật chủ yếu của Đỗ Anh Tuấn chính là sử dụng nhiều lớp phim để tạo ra nhiều ánh sáng, hình khối được chồng lên nhau.
Trong giới nhiếp ảnh, đây là một kỹ thuật vô cùng khó và phải đòi hỏi tay nghề rất cao. Tôi thường thấy điều này ở các tác phẩm hội họa khi họa sĩ sử dụng nhiều màu màu sắc, nhưng ở đây Đỗ Anh Tuấn chỉ dụng hai màu đen trắng vẫn thể hiện được ý tưởng của mình một cách nhuần nhuyễn. Với người mắt sáng đây là kỹ thuật rất khó chứ chưa nói đến người khiếm thị. Tôi cho rằng, những tác phẩm của Đỗ Anh Tuấn rất đáng được mọi người thưởng ngoạn. Nếu Đỗ Anh Tuấn đồng ý, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẵn sàng trưng bày các tác phẩm của anh".
Khi được hỏi về các tác phẩm khỏa thân của Đỗ Anh Tuấn có gây khó khăn khi được đưa tới công chúng hay không, ông Nguyễn Anh Minh khẳng định: "Những bức ảnh khỏa thân của Đỗ Anh Tuấn chụp rất đẹp, không bị thô, không mang tính phồn thực. Khi xem người ta chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của người phụ nữ nên sẽ không có vấn đề gì nếu tương lai được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam".
Nhiếp ảnh gia Đỗ Anh Tuấn sinh năm 1952 tại Hà Nội, ông may mắn được sinh trưởng trong một gia đình trung lưu tại con phố sầm uất nhất nhì Hà Thành lúc bấy giờ. Điều kiện gia đình đã giúp nhiếp ảnh gia Đỗ Anh Tuấn được tiếp xúc với máy ảnh từ khá sớm và từ đó ấp ủ niềm đam mê và đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của anh sau này.
Trong suốt hành trình 40 năm sự nghiệp không mỏi mệt, nhiếp ảnh gia Đỗ Anh Tuấn đã để lại nhiều tác phẩm ảnh tài liệu và gặt hái được nhiều thành tựu đáng kể như: Hai giải thưởng Milk photos tại New York vào tháng 9/2001, Huy chương Vàng lần thứ I Triển lãm Ảnh quốc Tế tại Việt Nam vào năm 1996...
- Home>
- tin tc giai tri , tin tuc , tin tuc 24h >
- Nhiếp ảnh gia Đỗ Anh Tuấn: "Mắt hỏng nhưng tôi chụp ảnh bằng đầu"