Đồi đất sét màu đỏ thẫm như một nét chấm phá trên triền cát mịn, nổi bật giữa màu xanh ngăn ngắt của biển trời bao la. Dải đất ấy gắn liền với truyền thuyết oai hùng, đó là máu của con cù trong trận huyết chiến với rồng. Và làng chài yên ả bao đời nhấp nhô theo con sóng chính là vùng đất rồng trở về.
Gành Son dù ngày rực rỡ hay đêm tĩnh mịch đều đẹp đến nao lòng. Những buổi chiều tà, tôi thích trèo lên ngọn đồi cao nhất, ngắm nhìn toàn cảnh làng chài. Trước mặt tôi là biển trời xanh ngắt, sau lưng là Gành Son đỏ au. Ráng chiều hắt thêm sắc vàng lấp lánh, tạo nên bảng phối màu tuyệt đẹp. Xa xa, những chiếc thuyền thúng rực rỡ sắc màu nằm phơi mình trên bờ cát trắng, nghỉ ngơi sau đêm dài lênh đênh trên biển.
Khi mặt trời rót những giọt nắng cuối cùng xuống biển, Gành Son khoác lên mình vẻ đẹp diệu kỳ. Ánh trăng khẽ khàng nhô lên, điệu đà treo mình giữa không trung, lung linh tỏa sáng. Mặt biển được dát lớp bạc lấp lánh. Vạn vật ngập chìm trong thứ ánh sáng trong trẻo dịu dàng. Cả không gian bàng bạc màu trăng. Như ai dệt lớp tơ óng vắt lên nền trời nhung mượt. Đêm huyền ảo. Tôi như người say mộng, đắm mình trong mê lộ biển và trăng.
Những hôm nàng trăng thẹn thùng giấu mặt, muôn vàn vì sao thi nhau nhấp nháy. Bầu trời cao vọi đến không cùng, điểm tô bằng chiếc áo ngân hà lộng lẫy. Không gian lắng đọng, thời gian ngừng trôi. Mọi ồn ào huyên náo trôi vào vô tận, chỉ vọng về tiếng sóng rì rầm khẽ hôn bờ cát mịn màng. Gành Son được đêm đen biến thành một khối sừng sững, lặng lẽ đứng đó bảo vệ xóm chài.
Đêm thanh vắng là thời khắc những chú còng gió tung tăng chạy nhảy, khi sóng đã rút ra xa tít, trả lại bãi cát mênh mông. Bắt còng gió là hoạt động thú vị của lũ trẻ làng chài khi biển khoác lên mình chiếc áo đêm. Còng gió chạy rất nhanh, thoắt cái mất hút vào triền cát. Chúng đụn bờ cát thành những hình thù kỳ dị. Tôi và đám bạn lấp xấp đuổi theo, đem cả thân mình đè lên, còng vẫn chạy thoát. May mắn bắt được một chàng, chưa kịp vui mừng, mấy cái càng ngo ngoe bấu vào tay. Nhồn nhột, tôi buông tay, chú còng láu lỉnh lủi ngay vào cát. Sau một hồi mệt nhoài, cả bọn nằm dài trên bờ, đếm sao. Biển nhả từng cơn gió mằn mặn mơn man da thịt. Mát rượi.
Mỗi khi màn đêm buông xuống, trời và biển hoà một màu đen thẫm, trai tráng làng chài hào hứng đẩy thúng ra khơi. Dân làng chỉ đánh bắt gần bờ, giăng lưới theo chiều dài con sóng. Nơi nào sóng càng lớn, khi ập vào bờ càng nhiều cá tôm. Vào mùa biển động, nguy hiểm chực chờ nhưng phong phú sản vật. Thúng chai giúp ngư dân nương vào các gành đá, bãi rạn khuất gió mà thả lưới.
Thời khắc vui nhất, nhộn nhịp nhất là khi tia nắng đầu ngày nhảy nhót đón chào hàng trăm chiếc thúng chai trở về. Đầy ắp những con cá hố xám trắng, cá liệt trong khe, cá đối lấp lánh vảy bạc, ghẹ tươi xanh giương càng, tôm cong mình lách tách. Mợ tôi và những phụ nữ khác tất bật phụ chồng gỡ lưới, tỉ mẩn phân loại thành quả đem ra chợ bán. Các chú các bác rôm rả kể cho nhau nghe chuyến đi hồi đêm. Luôn có chuyện mới mang về từ biển. Tiếng nói cười xen lẫn tiếng quẫy đạp của cá tôm trong lưới. Gió biển chở mùi mồ hôi chưa ráo, mùi hải sản tanh nồng, len lỏi từng ngóc ngách trên cảng nhỏ.
Tôi thích quang cảnh lúc này. Tươi vui nhộn nhịp. Hàng hàng lớp lớp chiếc thúng chai cập bờ. Nhìn từ xa như tổ ong khổng lồ, bồng bềnh trên lớp tơ lụa trong xanh óng ánh. Để tránh nhầm lẫn, ngư dân quét sơn, đề tên mình vào. Nét chữ nguệch ngoạc trên nền xanh đỏ tím vàng. Vô tình tạo nên vũ điệu sắc màu cho biển cả.
Thúng chai có đường kính chưa đầy hai mét, vậy mà vững vàng, miệt mài săn lùng hải sản nuôi sống bao người con xứ biển. Thúng chai là phương tiện, cũng là công cụ bảo vệ ngư dân, khi họ giao tính mạng của mình cho biển trong cuộc sinh nhai. Trong khi thuyền cá nhỏ gặp sóng lớn đánh dễ bị lật, thì thúng chai ỷ vào thân hình tròn lẳn không đầu không cuối của mình, đọ sức cùng sóng. Sóng đánh chiều nào cũng thuận, chễm chệ lướt đi trên đỉnh sóng. Gặp phải bãi cạn hay vách đá dựng đứng, tàu thuyền bị sóng đánh dạt bờ, bị kẹt lại thì thúng chai lắc trái xoay phải, chỗ nào cũng lọt qua. Có dầm hay mái chèo thì đi nhanh, nhỡ rơi mất, khéo léo lắc, vẫn bồng bềnh trôi. Như anh chàng say rượu, không sợ trời chẳng sợ đất, luôn nhớ hướng về nhà.
Gành Son và cả xứ Duồng không có cửa biển, chỉ có bãi ngang thích hợp cho các phương tiện nhỏ đánh bắt gần bờ, công cụ là thuyền gỗ, thúng chai, không có tàu thuyền quy mô khác. Nhờ vậy, Gành Son vẫn giữ cho mình vẻ đẹp nguyên sơ của làng chài nhỏ thanh bình. Không ồn ào máy nổ, không mùi khói xăng, nước biển trong vắt không bợn cặn dầu.
Bù lại, thiên nhiên hết mực ưu đãi cho xứ này. Đây là nơi giao nhau của hai dòng hải lưu trên biển Đông, một từ phía Bắc xuống và một ở phía Nam lên. Mực, sò, tôm, cá, ghẹ theo đó hội tụ về. Nơi này còn là vùng nước trồi hoạt động mạnh, đưa dinh dưỡng từ các tầng sâu lên trên tạo điều kiện cho phù du phát triển, là thức ăn của các loài hải sản. Cho nên sản vật Gành Son và xứ Duồng ngon đến lạ kỳ, làm nên những đặc sản nức tiếng như mực tươi, mực một nắng, mắm ruốc xứ Duồng.
Trên bước đường rong ruổi, tôi nếm qua biết bao sản vật các vùng miền. Dù có ngon thế nào tôi vẫn hanh hao nhớ mùi hải sản quê mình. Đôi khi thèm lắm hương vị con mực tươi xanh vừa lưới xong đem đi hấp. Nó được tẩm ướp bằng vị ngọt ngào của biển, vị mặn mòi những giọt mồ hôi của dân xóm chài "ăn sóng nói gió". Nhớ cả mùi khen khét của mái tóc hoe vàng, làn da đen bóng quanh năm phơi mình dưới nắng. Bật cười ngẫm lại câu nói: "Tại biển trang điểm quá tay, tui mới đen vầy" của một lão ngư đang ngẫu hứng xoay tròn trên thúng…
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.