Theo câu truyền miệng của đồng bào nơi đây để nói lên "cấp độ" ngon của cá suối thì: "Nhất Niên, nhì Chiên, tam Chình, tứ Lấu" (ngon nhất là cá Niên, nhì cá Chiên, thứ 3 là cá Chình, thứ tư là cá chạch Lấu).
Du khách từ thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) lên Bến Giằng khoảng 10 km là sẽ gặp nơi giao thủy của của dòng sông Bung và sông Thanh. Trước đây muốn qua sông Thanh phải đi thuyền độc mộc của người bản địa, còn ngày nay tại đây có cầu sắt Bến Giằng để theo QL14D đến thác Grăng. Tương truyền xưa kia, nơi đây có nhiều cá Chiên sinh sống.
Tuy nhiên, "thủ phủ" của loài cá Chiên là khu vực thác Grăng (thuộc xã Tabhing, huyện Nam Giang). Muốn đến thác Giăng, du khách đi khoảng Km7 trên QL14D rồi rẽ tay phải để vào thác Grăng theo con đường bê tông uốn lượn ven sườn núi dài khoảng 3km, qua những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, thâm u, nơi có con thác khá đẹp với một truyền thuyết giản dị mà không kém phần bi tráng.
Các già làng trú ở thôn Zơ Ra (xã Tabhing) cho hay, từ "Grăng" trong thổ ngữ Cơ tu có nghĩa là con cá Chiên. Cá Chiên có hình dáng giống cá mập, da có màu "rằn ri" đen, vàng. Hàm răng chắc khỏe, sống bám vào ghềnh, thác dốc đá dựng đứng.
Chuyện kể rằng ngày xa xưa thác Grăng là con thác tuyệt đẹp chưa ai khám phá. Đặc biệt, ở dòng suối dưới chân thác có loài cá hiếm tên là cá Chiên. Cứ mười mùa rẫy một lần, những con cá Chiên đầu đàn khỏe nhất phải vượt qua ba tầng thác nơi đây để hóa thành cá thiêng. Chỉ có làm được điều ấy thì cá Chiên mới tồn tại...
Năm ấy, đến mùa vượt thác lại gặp cơn lũ trái mùa dai dẳng cả tháng trời khiến dòng thác trở nên hung dữ dị kỳ. Những con Chiên đầu đàn dù đã vắt cạn kiệt sức lực nhưng không thể nào vượt qua thác dữ. Và chúng đã chết, xác cá Chiên trôi đầy trên suối. Từ đó, dân làng gọi tên thác này là thác Grăng.
Ngày xưa, những cái vũng dưới chân thác có nhiều cá Chiên, có con tới bốn, năm chục ký; cả làng ăn một con không hết. Tuy nhiên, ngày nay loài cá Chiên này chỉ còn những con nhỏ và rất hiếm ở sông suối trên đại ngàn Trường Sơn hoang dã do nạn đánh bắt bừa bãi.
Cá Chiên là loài cá da trơn, nhưng không nhớt, thậm chí da nó hơi ram ráp với màu nâu xám hay vàng đậm, pha những vạch đen, rằn ri để "ngụy trang" trên thân. Cái đầu trông rất cứng với góc cạnh trông rất "hầm hố". Răng như răng cưa, nhiều hàng, nhọn và sắc. Râu ở hai mép trông như hai cái vây. Song, thịt cá chiên nạc, ăn mềm, thơm, ngọt, bùi, lạ miệng.
Sau khi dạo quanh ngắm thác du khách có thể xuống hồ nước dưới chân thác để tắm và tận hưởng làn nước mát lạnh mơn man da thịt. Giữa khung cảnh núi non hùng vĩ, không khí mát lành, du khách sẽ có bữa ăn thú vị với những thực phẩm mang theo, kèm với cá Chiên nướng mộc được câu lên từ suối hay từ những hồ nước trong xanh trong khu vực thác.
Các bậc cao niên sinh sống gần thác Grăng cho hay, cá Chiên thường sống theo bầy đàn ở những lưu vực sông, suối to, nước chảy xiết và có nhiều ghềnh thác. Thức ăn chủ yếu của cá Chiên là côn trùng, cá nhỏ, ếch nhái và tôm tép, giun đất… Chúng thường sinh đẻ trong những con sông, trước thời gian bắt đầu mùa ngập lụt hàng năm và chúng cũng thường có xu hướng di cư lên các đỉnh nguồn của con sông, suối vì nơi đây nước chảy mạnh và xiết.
Cá Chiên khu vực Nam Giang thuộc vào những loài cá nước ngọt có thịt rất ngon. Thịt cá Chiên càng lớn thì thịt sẽ càng săn chắc và có màu vàng nghệ. Do đây là loài cá ăn tạp nên hàm lượng dinh dưỡng có trong thịt cá vô cùng dồi dào, có thể sánh ngang với cá hồi.
Cư dân nơi đây xem các Chiên là "tuyệt phẩm" của thiên nhiên ban tặng, nhiều gia đình có con nhỏ, người thân ốm yếu thường mua về nấu cháo bồi dưỡng. Các chàng rể Cơ tu được xem là hiếu thảo khi mang tặng cha, mẹ vợ vài ký cá Chiên để nấu cháo bồi bổ tuổi cao sức yếu. Thịt cá Chiên có thể nấu rất nhiều món ngon khác nhau như gỏi, lẩu, nấu canh chua, xào lá chua, nướng mộc, nấu cháo... đều là những món tuyệt hảo.
Nếu bạn không câu được cá Chiên, bạn cũng có dịp thưởng thức món ăn đặc sản này ở các quán bán các món cá Chiên mở dọc đường Hồ Chí Minh qua (đoạn thị trấn Thạnh Mỹ). Trước đây, thi thoảng các quán có các món chế biến từ cá Chiên như nướng mộc, kho tộ, lẩu, trộn, chiên... Đặc biệt, món bao tử, trứng cá Chiên trộn với đọt cây thiên niên kiện thường được "tiếp thị" là tráng dương, bổ thận… Lại thêm là cá hiếm, lạ, quý nên dù giá có đắt... một chút vẫn cứ hấp dẫn du khách thập phương. Bởi, với hương vị của cá Chiên khi thưởng thức cùng với rượu rừng sẽ có cảm giác hồn lâng lâng như lạc vào cõi mộng nơi thị trấn vùng cao.
Tuy nhiên, hiện nay, cá Chiên hiếm dần phần do hoạt động của con người khiến môi trường sống bị đánh động, cá bỏ đi nhiều. Phần vì nhiều người biết đến cá Chiên rất ngon nên tìm mua bất cứ giá nào. Bởi vậy, cá bị "truy bắt" khá nhiều và ngày càng khan hiếm. Hậu quả, món "nhì Chiên" ngày một mất dần đi trong sự tiếc nuối của các đấng mày râu.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.