• Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2023

    Theo các cụ cao niên xưa kể lại thì do được hưởng lộc rừng nên phường săn làng Mỹ Thạnh quê tôi ra đời sớm và có số má trong việc săn bắt thú rừng. Cả một vùng rộng lớn của dãy núi Chôm xuống tận Hòn Kẽm - Đá Dừng hay qua dãy núi Bằng Thùng xã Quế Phong có khi qua tận huyện Nông Sơn bây giờ, mùa săn luôn luôn có dấu chân của những người thợ săn quê tôi từng trải. Có những cuộc săn kéo dài đôi ngày và có khi cả tuần náo động cả một vùng quê yên tĩnh. Tiếng tù và sừng trâu, tiếng mõ tre, tiếng thúc giục chó săn, tiếng người gọi nhau cứ vang lên như hội. Người trên núi vội vàng còn người ở nhà trông ngóng. Một sinh hoạt mang tính chất cộng đồng nhiều màu sắc gợi lên nhiều cảm xúc lành mạnh.

    Kể chuyện làng: Chuyện phường săn làng Mỹ Thạnh - Ảnh 1.

    Một phần núi Chôm nhìn từ dưới làng Mỹ Thạnh. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Khi những đám ruộng nơi cánh đồng Cơ Khát, đồng Nhà Bương, nhà Điều ven khe Bà Tải, khe Bà Giòng đã được cày cấy xong xuôi thì các trai tráng làng tôi cùng các lão làng chuẩn bị mùa săn. Những chú chó được cưng chiều vỗ về, những cây giáo, mác, rựa và lưới quay đã sửa soạn. Những chiếc tù và tại nhà ông chủ phường được thử hơi và những mõ tre được gõ ráp. Tất cả đã sẵn sàng chỉ chờ chọn ngày xuất phát. Thường thì mùa săn là những ngày nông nhàn hay trong những dịp lễ hội của làng. Đi săn là xin lộc rừng rồi về cùng chia nhau chút thảo thơm lộc bà nên mọi người rất quý. Câu"Miếng thịt làng bằng sàn thịt chợ" có khi ra đời cũng trong ngữ cảnh này. Bởi vậy, trước khi đi săn người ta hay làm lễ cúng xin và cữ kiêng nhiều thứ. Một hoạt động mang tính chất tâm linh tôn trọng hơn là áp đặt khống chế.

    Có thể nói hình thức tổ chức phường săn là tập hợp gần như cả làng, nhiều người tham gia cho nhiều bộ phận. Có tốp trực tiếp đi săn, có tốp ở nhà đợi chờ và chuẩn bị đón tin vui. Khi lưới đón được giăng ra hay những chiếc hầm sâu đào lâu ngày được ngụy trang là lúc thả chó vào rừng. Bộ phận rúc muông nhanh nhẹn cổ vũ, động viên, thổi còi, gõ mõ thúc chó. Cả khu rừng dậy vang lên tiếng hố hợi, hố huầy của nhiều người với những bước chân càn lướt. 

    Những chú cho say mồi chạy sủa băng băng không biết mệt qua hết dãy đồi này đến khu rừng nọ dồn đuổi con mồi về phía lưới hoặc hầm. Những con thú lớn và khỏe như nai, sơn dương, heo rừng nhiều khi còn quay ngược lại tấn công chó. Bởi vậy, những người rúc muông cần phải nhanh nhẹn, linh hoạt trợ giúp kịp thời cho những chú chó say mồi, không biết sợ. Cũng nên nói sơ qua về những chú chó săn thiện chiến nổi tiếng của làng. Những con đốm, con mực được chọn lựa kỹ càng có sức chiến đấu cao, dẻo dai bền bỉ được nuông chiều quan tâm. Đó là những con chó ngực nở, bụng thon, chân tròn, đuôi thẳng, tai dựng và mũi ướt. Giống chó này thuần chủng ở làng nhưng đã được chọn lựa chăm bẵm từ nhỏ. Có những con chó đánh hơi nóng nhưng cũng có những con chó đánh hơi nguội. Có những buổi săn nhiều ngày đuổi mãi mà con mồi còn sung sức người đi săn bứt lá đậy dấu chân thú lại giữ hơi để ngày mai tiếp tục dẫn chú chó chuyên đánh hơi nguội trực chiến. Nhiều con nai, con mang tinh ranh khi bị dồn đuổi thường có động tác nhảy xấp và phóng lên bụi ngồi. Những chú chó mất đà gặp trường hợp này mất hơi đành chịu nhưng những chú chó chuyên hơi nguội, hơi lá thì không qua mặt được. Chỉ sợ gặp bữa trời mưa thôi.

    Kể chuyện làng: Chuyện phường săn làng Mỹ Thạnh - Ảnh 2.

    Hình ảnh một phần núi Chôm nhìn từ dưới làng Mỹ Thạnh. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Lúc con mồi đã cùng dậu vào lưới hay sụp hầm thì phần còn lại là của những người chuyên đâm giáo hay phóng lao. Con mồi lúc bị dồn đuổi đến đường cùng thường rất hung dữ và nguy hiểm nên phải lựa thế chớp lấy thời cơ mới có thể chinh phục được con mồi. Đây là công đoạn mang tính chuyên môn cao đòi hỏi nhiều kinh nghiệm dành cho người khỏe và có chút võ nghệ. Phường săn làng Mỹ Thạnh khi xưa chỉ có ông ngoại tôi là người chuyên cầm giáo nhất. Khi ông cầm giáo tiến về phía con mồi là bộ phận còi hiệu chuẩn bị thổi còi thu quân, báo tin mừng thắng lợi. Tùy theo tính cách manh động của con thú mà ông lựa thế để đâm hoặc phóng lao. Chỉ một nhát thôi là con mồi hoàn toàn bị hạ gục. Lúc này cả phường săn tụ tập lại bên con mồi. Những người rúc muông chặt dây, đốn cây chuẩn bị đòn khiêng và đợi trai tráng dưới nhà lên khiêng con mồi về.

    Chuyện khiêng con mồi về cũng lắm điều lý thú. Đây là lực lượng ở nhà khi nghe được hồi còi báo tin vui là hú nhau băng đồi lên núi. Họ dùng những thân cây chắc, cứng như cây Chân đàn, cây Văn làm đòn và những ngạnh cây chữ Y để chống nghỉ khi đi xa. Tùy theo cân nặng của thú mà người ta dùng một đòn hay hai đòn để khiêng. Có một điều kiêng cữ là dù con mồi có to lớn cỡ nào cũng không được than nặng, kêu to. Bởi vậy, nhất nhất mọi người phải cố gắng, cắn răng mà vượt dốc qua đèo để đưa con mồi xuống núi.

    Tiệc cúng mừng từ thịt rừng gọi là tiệc Hoa trữ được tổ chức thường ở nhà chủ phường săn hay một nhà ai đó trong làng có điều kiện. Tiệc gồm thịt đầu, lòng, đuôi, bốn chân, huyết ứ của con mồi và cháo được dọn ra trên những miếng lá chuối gọi là chòm với những chén muối giã ớt. Chủ phường săn sau khi đã vái tạ cảm ơn đất trời và thần rừng cho lộc trong lễ cúng thì cầm chai rượu rót mời những anh em phường săn được đặc cách ngồi trên nhà trên nghỉ ngơi kể chuyện mà không động đến dao thớt. Rồi sau đó, tất cả được mời ăn uống vui vẻ, kể chuyện cuộc săn một cách say sưa hấp dẫn.

    Phần chia thịt gần như là một cuộc tổng kết ghi công khen thưởng rất thực tế trong một quy định rạch ròi. Ngoài đầu, lòng của con mồi dùng vào việc chung trong lễ cúng tạ và liên hoan thì người đâm được chia phần một cái nọng. Chủ nhà làm tiệc Hoa trữ lấy một vai trước. Phần hai bên thanh lưng chia cho đội khiêng. Còn lại hai đùi sau và một vai chia đều cho những người đi săn. Riêng miếng xương vá thì được chia cho con chó nhất. Con chó đầu tiên xuất hiện khi con mồi đã gục. Miếng xương như một tấm huy chương được chủ nhà luột lên và cho nó gặm suốt trong thời gian nghỉ săn. 

    Bây giờ, làng Mỹ Thạnh quê tôi đã không còn phường săn nào nữa. Những người thợ săn lừng lẫy một thời như ông ngoại tôi đã yên nghỉ. Những lớp người trẻ hiện đại sau này không còn mặn mà với tập tính sinh hoạt này. Hơn nữa qua binh lửa chiến tranh nhiều năm nên rừng bị bom đạn tàn phá, diện tích rừng bị thu hẹp nên thú rừng cũng ít đi. Sự hiện diện của những rừng keo tràm với những khắc nghiệt về sinh thái vốn dĩ cũng hạn chế tập tính sinh sống và phát triển của thú rừng. Rồi những đánh bắt thô bạo, hủy diệt bằng những chiếc bẫy dây thông minh được giăng dày đặc từ trong tận rừng sâu nên không còn một bóng con thú nào tung tăng được nữa. Tuy vậy, mỗi lần về làng nhìn lên dãy Núi Chôm trầm tư như dáng người mất ngủ tôi vẫn còn mơ hồ nghe đâu đó tiếng thét của ông ngoại tôi, tiếng còi sừng trâu, tiếng mõ tre già và tiếng bước chân những người rúc muông của phường săn làng Mỹ Thạnh hú gọi một thời.

    Kỷ niệm, Mùng 5/5 Quý Mão

    Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

    Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

    Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

    Bài viết Kể chuyện làng: Chuyện phường săn làng Mỹ Thạnh được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này

    Leave a Reply

    Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

  • - Copyright © Giải Trí Việt Nam - Powered by Blogger - Designed by Jthietkesitedep.com -