• Thứ Tư, 19 tháng 7, 2023

    Là một trong số những "học trò cưng" do NSND Trần Bảng trực tiếp giảng dạy tại Nhà hát Chèo Việt Nam từ năm 1979, chị thấy mình ảnh hưởng từ thầy mình như thế nào?

    - Trước hết, phải nói thầy Trần Bảng là người cha, người thầy lớn của lớp diễn viên chèo chúng tôi – lớp diễn viên được đào tạo trực tiếp tại Nhà hát Chèo Việt Nam từ năm 1979. Lớp chúng tôi thời đó có 37 thành viên và tôi là người nhỏ tuổi nhất, 13 tuổi. Chúng tôi may mắn được những nghệ sĩ bậc thầy, cây đa cây đề của làng chèo thời đó truyền dạy như: NSND Tống Năm Ngũ, NSND Minh Lý, NSƯT Lệ Hiền, NSƯT Xuân Mai, NSND Bùi Trọng Đang, NSND Mạnh Tuấn, NSND Trần Bảng, NSƯT Thanh Tuyết… 

    NSND Thanh Ngoan: “Cách đây 4 năm, thầy Trần Bảng đã gọi chúng tôi lên dặn dò việc tổ chức đám tang” - Ảnh 1.

    Từ trái qua: Nghệ sĩ Vân Quyền, Thúy Ngần, Thanh Ngoan trong một lần đến thăm NSND Trần Bảng. Ảnh: NVCC.

    Thời đó, thầy Trần Bảng vẫn đang công tác ở Nhà hát Chèo Việt Nam nên rất quan tâm đến lớp chúng tôi. Thầy dạy chúng tôi kỹ thuật biểu diễn và dựng vở "Câu chuyện tình 80" cho chúng tôi biểu diễn. Tôi là học trò nhỏ tuổi nhất lớp, lại xa gia đình nên thầy quan tâm đặc biệt hơn các anh chị khác. Tôi học được ở thầy rất nhiều kiến thức, nhưng cái đặc biệt nhất đó là sự tâm huyết với chèo và yêu chèo đến mê đắm. Ngoài ra, bình thường thầy rất gần gũi, vui vẻ và hài hước nhưng đã bắt tay vào công việc là cực kỳ nghiêm túc, chuyên nghiệp, chuẩn chỉnh về giờ giấc.

    Trong mắt chúng tôi, thầy Trần Bảng đúng nghĩa là sinh ra để sống chết với chèo và dành trọn cuộc đời cho chèo. Lớp chúng tôi được thầy quan tâm rất mực nên sau này ai cũng vững nghề, làm nghề rất nghiêm túc và ai cũng lấy tình yêu đối với chèo làm lẽ sống.

    Trong con mắt của một Tiến sỹ nghiên cứu về nghệ thuật chèo, chị nhận thấy cách làm mới chèo cổ của thầy mình – NSND Trần Bảng đặc biệt như thế nào?

    - Điều đặc biệt ở thầy Trần Bảng đó là một người rất uyên thâm, uyên bác. Từ nhỏ, thầy đã được gia đình cho học hành bài bản, tiếp xúc với văn hóa phương Tây từ bé, thông thạo nhiều ngoại ngữ. Vì lẽ đó mà tư duy của thầy rất tân tiến và hiện đại. Trong cuốn "Trần Bảng - đạo diễn chèo", thầy từng thú nhận đã có lúc mình không đúng với chèo. Và thầy rút kinh nghiệm bản thân khi quy tụ các nghệ nhân lại để cải biên chèo nhưng "cố tình làm chèo thì không ra chèo, cố tình làm mới thì lại không mới"… đó là muốn làm được chèo thì phải thực sự rất hiểu chèo. 

    NSND Thanh Ngoan: “Cách đây 4 năm, thầy Trần Bảng đã gọi chúng tôi lên dặn dò việc tổ chức đám tang” - Ảnh 2.

    NSND Thanh Ngoan xem NSND Trần Bảng như một người cha hết mực gần gũi, đáng kính. Ảnh: NVCC.

    Nhận ra điều đó, thầy đã mạnh dạn thay đổi mình và tìm hiểu kỹ hơn về môn nghệ thuật truyền thống này. Chỉ riêng vở "Quan Âm Thị Kính" thầy phải dựng đi dựng lại đến 3 lần vào các năm 1956, 1968, 1985; vở "Súy Vân" cũng mang màu sắc rất riêng của thầy Trần Bảng và thời đó chỉ có Nhà hát Chèo Việt Nam mới dàn dựng được. Chính nhờ sự thấm tháp và hiểu chèo đó mà thầy đã vận dụng được các nguyên tắc của nghệ thuật chèo để đưa ra được các vở diễn kinh điển như "Súy Vân", "Quan Âm Thị Kính", "Tình rừng"… 

    Thầy đồng thời là một nhà nghiên cứu đại thụ khi đưa ra được những lý luận có tính hệ thống và khoa học về nghệ thuật chèo. Nhờ những nền móng về lý luận đó mà nghệ thuật chèo phát triển có đường hướng, xuyên suốt, đặc sắc. Ở thầy Trần Bảng, lý luận và thực tiễn luôn song hành và hòa quyện cùng nhau. Thầy nói ra điều gì đều chứng minh bằng thực tiễn và luôn vận dụng thực tiễn để đưa vào các vở diễn mà mình dàn dựng. Các công trình nghiên cứu của thầy có rất nhiều thứ để những người làm chèo soi vào đó mà gìn giữ nghệ thuật chèo.

    NSND Thanh Ngoan, Thúy Ngần trong một trích đoạn của vở "Quan Âm Thị Kính". Clip: NHCVN.

    Vì lẽ đó, mặc dù biết thầy đã lớn tuổi nhưng khi thầy mất đi, chúng tôi vẫn thấy rất hụng hẫng, cảm giác như mất đi chỗ dựa về tinh thần. Thầy là cái bóng rất lớn của làng chèo nên việc thầy mất đi là một sự mất mát lớn không chỉ của Nhà hát Chèo Việt Nam mà của cả làng chèo Việt Nam.

    Vậy chắc hẳn chị có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ đối với NSND Trần Bảng?

    - Năm thầy 90 tuổi, chúng tôi có đến xin phép thầy được tổ chức sinh nhật cho thầy. Thầy vui lắm và chúng tôi cũng vui. Vì với chúng tôi, thầy như một người cha và người con nào cũng muốn được gần cha mình.

    Cách đây 4 năm, thầy bị ốm nặng! Lúc đó tôi vẫn đang làm Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam và thầy nhắn gọi cả Ban giám đốc Nhà hát lên. Thầy bảo với chúng tôi "Các con là những người gìn giữ nghiệp chèo, là học trò của thầy… nên nếu thầy có mệnh hệ gì thì thầy muốn các con ở Nhà hát Chèo Việt Nam đứng ra thắp cho thầy nén nhang. Thầy muốn được sống trong hơi ấm của làng chèo và Nhà hát Chèo Việt Nam vì cả cuộc đời thầy gắn bó với nơi này". Thầy dặn dò chúng tôi như vậy vì nghĩ chắc tuổi cũng đã cao, không biết sẽ về với tổ tiên lúc nào. Những lời của thầy cũng cho thấy tình cảm của thầy đối với Nhà hát Chèo Việt Nam nơi thầy đã gắn bó. Tính thầy cũng dân dã nên không muốn khoa trương, hoành tráng… chỉ cần được ôm chèo vào lòng trong những giây phút cuối cùng là mãn nguyện rồi.

    NSND Thanh Ngoan: “Cách đây 4 năm, thầy Trần Bảng đã gọi chúng tôi lên dặn dò việc tổ chức đám tang” - Ảnh 4.

    NSND Trần Bảng thời trẻ. Ảnh: GĐCC.

    Có một kỷ niệm nữa đó là khi tôi làm Luận văn Thạc sĩ là thầy Trần Bảng hướng dẫn. Hồi đó, nhà thầy vẫn ở phố Giảng Võ và cô Xuân - vợ thầy vẫn còn sống. Trong gần 3 năm nghiên cứu, tôi qua lại với gia đình thầy thường xuyên và thân thiết như người con trong nhà. Nhờ cơ duyên này mà tôi được thầy trao truyền cho rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Kể kỷ niệm này tôi lại nhớ, năm 1981, thời điểm tôi mới trúng tuyển vào Nhà hát Chèo Việt Nam, thầy Trần Bảng có cho tổ chức thi tuyển giọng hát xuất sắc để lập ra một đội hát đem đi thi. Thời đó, tôi nhỏ tuổi nhất nhưng vẫn được thầy chọn. Bản thân thầy quan tâm tôi đã đành, thầy còn dặc dò các anh chị kèm cặp cho tôi, nâng đỡ tôi. Thầy Trần Bảng là thế, luôn mong muốn các thế hệ đi trước của Nhà hát nâng đỡ và dìu dắt các thế hệ trẻ.

    Với tôi, thầy Trần Bảng không chỉ tài năng, uyên bác, gần gũi mà còn rất hóm hỉnh, hài hước. Thầy luôn biến mọi việc trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu. Tôi cảm thấy rất tự hào khi được là học trò do thầy dìu dắt, dạy dỗ, nâng đỡ. Thầy đã truyền cho chúng tôi ngọn lửa của tình yêu và đam mê đối với chèo để từ đó ra sức giữ gìn chèo. Ngọn lửa này lại được chúng tôi trao truyền cho thế hệ trẻ và đã thấy ngọn lửa ấy đang cháy trong các em.

    Cách đây mấy hôm, nghe tin thầy cấp cứu ở bệnh viện, chúng tôi có lên thăm thầy nhưng thầy yếu nên không nói chuyện được. Vẫn nghĩ là thầy sẽ khỏe lại như những lần trước nhưng không ngờ thầy lại về với cô, với các cụ. Khi được báo tin, chúng tôi rất đau buồn.

    Vậy lớp diễn viên chèo của chị thời đó cùng với Ban giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam hiện tại đã có kế hoạch gì trong việc kết hợp với gia đình NSND Trần Bảng tổ chức lễ tang?

    - Chúng tôi cũng có liên lạc với anh Trần Lực để hỏi về kế hoạch tổ chức tang lễ cho thầy nhưng vì thầy mới mất lúc 6h sáng nay (19/7) nên gia đình cũng đang phải bàn bạc, sắp xếp. Tinh thần của chúng tôi là sẵn sàng đứng ra để cùng gia đình lo cho thầy một đám tang như thầy mong muốn. Ơn nghĩa của thầy đối với lứa chúng tôi không gì so sánh được và báo đáp bao nhiêu cũng không là đủ.

    Cảm ơn NSND Thanh Ngoan đã chia sẻ thông tin.

    Bài viết NSND Thanh Ngoan: “Cách đây 4 năm, thầy Trần Bảng đã gọi chúng tôi lên dặn dò việc tổ chức đám tang” được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này

    Leave a Reply

    Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

  • - Copyright © Giải Trí Việt Nam - Powered by Blogger - Designed by Jthietkesitedep.com -