• Thứ Hai, 10 tháng 7, 2023

    Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Nếu sống kiểu yên phận, đời tôi sẽ nhàn nhã - Ảnh 2.

    Sinh ra ở làng, rồi thoát ly, đi học ở nước ngoài, làm việc và sinh sống ở Thủ đô – một hình mẫu tri thức khá phổ biến ở thế hệ chị, thế chị có biết công việc đồng áng không? Chẳng hạn, cấy, gặt, tát nước…?

    - Có chứ. Không tính lúc còn bé quá, chứ hồi nhỏ, tôi cũng vất vả y như bây giờ (cười). Tôi được sinh ra trong một gia đình thuần nông nhưng có học. Ông nội tôi là nhà nho nên dạy dỗ con cháu sống theo nền nếp lắm. Cứ đến mùa gặt là nhà lại tấp nập người đến gặt thuê. Xong rồi là chum lớn chum bé để đầy buồng, ăn cả năm. Nói chung gia đình thuộc dạng khá giả, nhưng đó là những năm tôi bé tí, 4, 5 tuổi. Còn từ ngày vào HTX có bao nhiêu ruộng đã phải nộp hết, trong khi đó người làm lại ít thì kinh tế nhà tôi xuống hẳn. Mẹ tôi hay ốm, rồi mất sớm vì bệnh ung thư nên có mỗi bố đi làm. Tôi là chị lớn, dưới tôi có một em trai, cũng giúp bố mẹ chăn trâu cắt cỏ rồi làm các việc đồng áng. Đến năm 15 tuổi, tôi mới đi thoát ly.

    Sở dĩ tôi tính chuyện thoát ly vì nghĩ phải đi ra khỏi lũy tre làng mới có thể mở mang đầu óc được. Nghĩ lại, tôi vẫn thấy mình may mắn vì được sinh ra trong một làng quê đẹp và êm đềm, giàu truyền thống văn hóa, có nhiều người giỏi thoát ly và khi thành đạt, họ quay về kiến thiết xây dựng quê hương, từ đường xá cho đến đền chùa miếu mạo, từ đường…, còn tôi thì chưa làm được gì cho quê tôi cả.

    Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Nếu sống kiểu yên phận, đời tôi sẽ nhàn nhã - Ảnh 2.

    Cơ duyên nào đưa chị đến với nghệ thuật, được biết điểm khởi đầu cho mối lương duyên với nghệ thuật của chị là chèo chứ không phải điện ảnh?

    - Ở tuổi 15, tôi chỉ nghĩ đến chuyện phải thoát ly, làm gì cũng được nhưng chưa đủ tuổi để được tuyển làm công nhân. Nhận thấy mình rất yêu văn nghệ, từ nhỏ đã thích văn chương, hát cũng hay, đúng lúc đó, tôi nhận được thông báo trường Nghệ thuật sân khấu tuyển sinh, thế là cầm tờ giấy, một mình lần đầu tiên lên Hà Nội vào tít tận khu văn công Mai Dịch thi tuyển. Thi xong chưa biết đỗ hay không nhưng được thầy đưa ra tận chân cầu thang ở tầng 3 và bảo: "Mọi người thích em lắm, 15 ngày nữa nhà trường sẽ cho người về đưa em lên học". Nghe thấy thế, tôi về khoe với gia đình là con đi tuyển diễn viên, 15 ngày nữa có người đón. Lúc ấy cả nhà mới biết, ai cũng vui.

    Thế còn chuyện tình yêu? Chị kết hôn sớm và chia tay không lâu sau đó, vì sao vậy?

    - Tôi nghĩ cuộc đời mỗi người không thể nói hay được. Trời cho thế nào thì hưởng thế mà trời bắt thế nào thì phải chịu thế. Tình yêu thứ nhất đến vào năm tôi 18 tuổi, đi biểu diễn ở chiến trường, gặp anh bộ đội Trường Sơn, người Hà Nội, biết chơi ghi-ta, đẹp trai, ga lăng. Gái 18 mơ mộng mà gặp người có 3 cái đấy tụ lại là quá được rồi. Nói vui thế thôi. Anh ấy rất đẹp trai, người Hà Nội, gốc Hưng Yên đã đi chiến trường 5,6 năm chịu nhiều vất vả nên tôi rất thương.

    Cưới nhau về, anh là người tính tình phóng khoáng, nghèo nhưng sống rộng rãi, với cả thiên hạ chứ không chỉ vợ con, đặc biệt rất yêu con. Tôi mê văn chương, anh ấy cũng vẫn tạo điều kiện chứ không ngăn cản gì. Chỉ có điều, lấy nhau còn trẻ quá, lại có con sớm nên cuộc sống gia đình không còn màu hồng. Anh về đến nhà thấy cảnh con cái mũi dãi, nheo nhóc, vợ thì gầy nhom – 1 nách 3 đứa con, trong khi anh ấy đi ra ngoài gái xinh trẻ quấn lấy nên dần dà cứ đi suốt, đêm cũng không về. Lúc đó, tôi cũng có loáng thoáng nghe điều tiếng nhưng lại nghĩ thôi mình nghe thấy thế chứ chưa nhìn thấy và nếu anh ấy đừng bao giờ để mình nhìn thấy thì cũng được.

    Với cuộc hôn nhân đầu tiên này, tôi ra đi không phải vì ghen với người thứ 3 mà khi tận mắt điều không muốn thấy, tôi cảm thấy bị xúc phạm nên bế con đi. Không biết thì mũ ni che tai, sợ nhất là nhìn thấy, vì đã nhìn rồi là nó cứ ở trong đầu không ra được nên tôi ra đi.

    Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Nếu sống kiểu yên phận, đời tôi sẽ nhàn nhã - Ảnh 3.
    Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Nếu sống kiểu yên phận, đời tôi sẽ nhàn nhã - Ảnh 4.

    Chị và Nhà phê bình văn học, Tiến sĩ Phan Hồng Giang - người chồng sau này quen nhau như thế nào? Hành trình để hai người về cùng một nhà có gì đặc biệt?

    - Chúng tôi tình cờ quen nhau năm 1974. Lúc đầu gặp anh, tôi không ấn tượng. Về phía anh, sau này anh kể lại lúc đó anh thấy tôi xinh xắn. Cho đến năm 1981, tôi sang Nga, sống và học tập tại Ki-ép, còn anh đang làm nghiên cứu sinh ở Matxcơva, cả hai có viết nhiều thư cho nhau, nhưng hồi đó chúng tôi vẫn ràng buộc gia đình. Chúng tôi hiểu rằng mỗi gia đình đều có một câu chuyện. Mỗi người, trong cuộc hôn nhân của mình, đều có nỗi niềm riêng. Hơn nữa anh đang chuẩn bị vào Đảng. Thế là cộng các lý do lại, anh bảo: "Thôi anh không viết thư nữa đâu, anh đang phấn đấu vào Đảng". Tôi khá ngạc nhiên nhưng cũng chấm dứt liên lạc.

    Kể cả lúc sau này, tôi về Matxcơva còn anh thì quay trở lại đó làm Tiến sĩ Khoa học, chúng tôi cũng không gặp nhau. Tôi học xong về Hãng phim truyện Việt Nam công tác, vẫn nghèo và khi ấy ở một mình nuôi con. Ba năm sau thì bỗng nhiên anh đến. Nhưng anh lúc đó mới đang ly thân chứ chưa ly hôn. Phải đến 1, 2 năm sau, khi anh giải quyết ổn thỏa việc hôn nhân với người cũ, chúng tôi mới chính thức về ở với nhau. Anh nói với tôi: "Bây giờ anh chỉ có người không". Tôi bảo không sao cả, người mới quý vì người làm ra của cải vật chất, mọi thứ. Thế là từ lúc đó, chúng tôi ghé vai vào cùng nhau xây dựng cuộc sống gia đình. Thật sự lúc đó, anh đến như cái nóc nhà che cho mình đỡ mưa nắng mà yên ổn tập trung sức lực, thời gian cho công việc. Nhờ vậy mà tôi được như bây giờ.

    Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Nếu sống kiểu yên phận, đời tôi sẽ nhàn nhã - Ảnh 5.

    Có câu: Người ta giống nhau để làm bạn với nhau và khác nhau để yêu nhau. Nhà phê bình văn học, Tiến sĩ Phan Hồng Giang cũng là một nửa khác biệt hoàn toàn với ch?

    - Có vẻ đúng. Tôi thì quảng giao, ham thích công việc bên ngoài, còn anh ấy chỉ thích ở nhà, làm việc, đọc sách, xem tivi, lên mạng. Mỗi ngày đều sinh hoạt giống nhau: Sáng dậy tự làm đồ ăn sáng cho mình với sữa hoặc sữa chua, ngũ cốc hoặc trứng luộc, sau đó làm việc, ăn trưa rồi chợp mắt một chút, tối đến cứ hết chương trình thời sự là đi nằm, sáng dậy sớm bật vi tính xem vợ viết gì trên "phây búc".

    Anh thích đọc những gì vợ viết trên "phây" lắm, dù chỉ là vài dòng tản mạn ngắn cũng khen, chắc do yêu vợ (cười). Còn tôi mỗi ngày đều đi ra ngoài công việc rồi họp hành nọ kia, chướng tai gai mắt chuyện đời chuyện nghề, cách đối nhân xử thế… nói chung là đủ thứ chuyện nhiều khi mang cả về nhà, anh đều kiên nhẫn lắng nghe, xem như giúp vợ giải tỏa bớt. Vợ chồng sống với nhau nhiều khi chỉ cần những chi tiết nhỏ trong cách sống, cách ứng xử lại có giá trị hơn bất cứ thứ gì. Ví dụ, anh ấy có sở thích xem bóng đá đêm khuya, dù xem ở phòng riêng anh cũng tắt tiếng vô tuyến, chỉ để hình ảnh, hết mỗi hiệp, mỗi trận, mở cửa thấy vợ còn thức làm việc thì ra… thông báo tỉ số.

    Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Nếu sống kiểu yên phận, đời tôi sẽ nhàn nhã - Ảnh 6.
    Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Nếu sống kiểu yên phận, đời tôi sẽ nhàn nhã - Ảnh 7.

    Chị quý mến, nể trọng chồng mình nhất ở điểm gì?

    - Ngoài chuyện lúc nào hết lòng giúp đỡ người khác thì anh luôn là người nhã nhặn và mềm mại, không đao to búa lớn bao giờ. Còn nhớ năm 2006, tôi đi học lái xe, anh ngăn mãi không được. Lúc vợ có bằng, rồi mua xe, anh lẳng lặng đi mua bảo hiểm cả xe lẫn người cho vợ, chắc lo tính vợ quyết liệt, ít bình tĩnh lái xe sẽ không an toàn. Đi được vài năm thấy không sao, anh khen "hóa ra lái xe đã làm tính em cẩn thận hơn, đằm hơn và biết ngó trước trông sau hơn".

    Chị là người nổi tiếng lại sống cùng người chồng cũng nổi tiếng và có tài. Trải qua sóng gió, chị rút ra được kinh nghiệm gì?

    - Phụ nữ ai cũng thế thôi, lấy chồng chỉ muốn yên ổn, không muốn thay đổi làm gì cho khổ, nếu phải thay đổi phụ nữ là người khổ nhất. Nhiều người cho rằng tôi là người "cầm trịch", lấn lướt chồng. Thực sự tôi là người rất trọng và rất quý những điều gọi là phi vật chất, những điều người khác không có mà anh ấy lại có. Ví dụ như tình cảm, tuy không đo đếm được nhưng lại cảm nhận được. Bởi tôi thuộc típ người cổ điển. Tôi thấy may mắn vì 30 năm nay được sống cùng người mình yêu quý và người ấy cũng yêu quý mình. Trước khi mất, anh còn khẳng định: "Tình cảm của anh đối với em từ trước đến giờ không có gì thay đổi". Cuộc đời, xét cho cùng cũng chỉ cần thế thôi.

    Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Nếu sống kiểu yên phận, đời tôi sẽ nhàn nhã - Ảnh 8.

    Nhưng nếu chị là người đơn giản hơn có lẽ mọi thứ sẽ đơn giản hơn?

    - Nói thế, muốn thế mà có được đâu. Đúng là có những người đơn giản, sống bình thường chỉ cần đi làm đủ ăn tiêu về nhà có gia đình êm ấm, con ngoan chồng tốt thế là xong. Nhưng mình không chỉ đòi hỏi cái bình thường ấy mà còn muốn cao hơn. Mặc dù trong thâm thâm biết rằng như thế đời mình sẽ vất vả, còn nếu sống kiểu yên phận thì sẽ nhàn nhã. Mình rơi vào trạng thái thế thì mình vất vả là đúng rồi, kêu ai. Trong công việc cũng thế, chả ai 72, 73 tuổi rồi vẫn miệt mài đi tìm nguồn đầu tư để làm phim, làm những điều mình thích, mà thực ra có ai bắt làm đâu.

    Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Nếu sống kiểu yên phận, đời tôi sẽ nhàn nhã - Ảnh 9.
    Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Nếu sống kiểu yên phận, đời tôi sẽ nhàn nhã - Ảnh 10.

    Có vẻ như nhược điểm lớn nhất của chị là đam mê công việc và yêu điện ảnh quá?

    - Hồi ở Nga, hè nào tôi cũng đi làm thêm kiếm tiền. Nghĩ lại cả quãng thời gian dài dằng dặc từ 1987 tốt nghiệp trường VGIK đến nay là đã 36 năm làm việc trong ngành điện ảnh, tôi có cảm giác lúc nào cũng thấy mình lăn lóc vì phim. Từ phim kinh phí nhiều (phim nhựa 35mm trước đây và phim KTS nay) đến phim kinh phí ít, phim nào tôi cũng săn sóc chu đáo hết lòng: viết kịch bản rồi trình xin kinh phí, tìm các nguồn hỗ trợ từ nhà nước và xã hội hóa để đảm bảo chất lượng cao nhất trong khả năng có thể, tiếp đến là đồng hành với ê-kíp… Mỗi phim xong giai đoạn quay, thường tôi phải ở nhà cả tuần cho hồi lại người, để da dẻ bớt đen sạm, mặt mũi đỡ hốc hác rồi mới dám ra đường.

    Trước đây thế, giờ hơn 70 tuổi rồi vẫn thế. Suốt 6 tháng qua, tôi bận với phim "Hồng Hà nữ sĩ" và vẫn là người lao động không biết mệt mỏi, thậm chí vượt quá ngưỡng cho phép. Chả biết có bị ai mắng, ai ghét không nhưng thôi kệ, việc mình mình làm, chỉ thấm thía công việc làm phim sao vất vả, khó nhọc làm vậy trong điều kiện ở nước mình.

    Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Nếu sống kiểu yên phận, đời tôi sẽ nhàn nhã - Ảnh 11.

    Vừa là người sáng tác vừa là người quản lý (bà Nguyễn Thị Hồng Ngát là Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam giai đoạn 1999 – 2000 sau đó chuyển sang làm Cục phó Cục Điện ảnh – PV), có lẽ chị là một trong số ít người hiểu rõ được những vấn đề lớn của điện ảnh Việt Nam hiện nay?

    - Không phải ngẫu nhiên người ta nói nghệ thuật điện ảnh thường dành cho nhà giàu, không có nhiều tiền không làm được. Tiền trả cho nhân công thì rẻ thôi nhưng đắt ở khâu thuê, mua sắm máy móc, thiết bị ghi hình và làm hậu kỳ. Mà nghề này lại cần phải học bài bản mới làm được, không giống như làm thơ cứ có cảm xúc là làm được, thậm chí hay nữa là khác. Cho nên các nhà quản lý điện ảnh cần phải hiểu rõ đặc thù của điện ảnh nếu không chỉ cần một chữ ký hoặc một cái tặc lưỡi là có thể giết chết ngành nghề công phu và phức tạp này mà câu chuyện số 4 Thụy Khuê là điển hình.

    Vấn đề tiếp theo là về con người. Hãng phim truyện Việt Nam từng là nơi quy tụ những người làm nghề có chuyên môn cao, nắm rõ được quy trình sản xuất một bộ phim và đa số đều được đào tạo tại các trường lớp chính quy ở trong và ngoài nước. Thế mà đội ngũ này giờ tản mát và thiếu hụt. Mỗi năm nhà nước đầu tư 2, 3 phim thôi mà rất khó tìm đủ người có chuyên môn giỏi tham gia vào các thành phần. Nếu làm 5- 10 phim như trước thì thật sự vô cùng khó thực hiện.

    Rồi một chuyện nữa là thị trường rạp chiếu phim, việc nâng tỷ lệ phát hành phim Việt tại các rạp chiếu phim của nước ngoài. Sự thật họ mang tiền vào nước mình đầu tư xây rạp thì đương nhiên họ phải ưu tiên cho phim của họ, thường là các phim bom tấn giải trí thuần túy ăn khách. Họ là doanh nhân nên đương nhiên đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Họ đâu có nhiệm vụ phải khơi thông văn hóa, làm sao chúng ta bắt họ thực hiện nhiệm vụ bảo trợ hay giúp đỡ điện ảnh nước mình được. Cho nên để điện ảnh Việt Nam tồn tại và phát triển thì chỉ có thể làm những bộ phim thuần Việt, do những người Việt làm ngay tại quê hương mình…

    Nhiều người thắc mắc tại sao bà Ngát liên tục xin được ngân sách nhà nước để làm phim? Bí quyết đây: Trong luật điện ảnh cũng đã nói rõ kịch bản bạn viết phải đi theo dòng chính thống mà thường là đề tài lịch sử, ca ngợi những người hy sinh vì đất nước, những nhân vật nổi tiếng, tiêu biểu đã mang lại hòa bình, độc lập tự do cho dân tộc. Những người nào muốn được hưởng ngân sách làm phim như tôi thì cứ đi theo hướng đó đi chứ có phải mình tôi biết đâu. Nghề này nhiều người học nhưng mỗi người có một cá tính riêng, nhiều người thông minh, nhiều người giỏi nhưng mỗi người giỏi một kiểu, mỗi người có sở thích riêng nên không so sánh được.

    Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Nếu sống kiểu yên phận, đời tôi sẽ nhàn nhã - Ảnh 12.

    Chị làm việc để sống hay để thấy mình đang sống như thế nào?

    - Từ xưa đến nay, lúc nào tôi cũng làm việc để sống theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Điều đó quá rõ ràng. Còn chuyện mình đang sống như thế nào tự tôi biết rất rõ và những người thân, bạn bè tôi cũng biết rất rõ. Tôi làm Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê giai đoạn 1999 – 2000. Thời điểm đó nhà nước đã kế hoạch chỉ cho vài ba phim mỗi năm chứ không còn 8, 9 phim như trước. Là phụ nữ đầu tiên ở cương vị giám đốc nên tôi luôn quan tâm xem tài khoản Hãng mỗi ngày, mỗi tuần còn bao nhiêu để tính toán đồng nào cho sản xuất, đồng nào để đầu tư, dành dụm đủ chi lương, bảo hiểm điện, nước mua sắm văn phòng phẩm thì mới yên tâm rồi nghĩ xem sắp tới kiếm tiền ở đâu vì ngân sách không cho tiền để trả lương anh em.

    Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Nếu sống kiểu yên phận, đời tôi sẽ nhàn nhã - Ảnh 13.

    Trong hơn hai năm làm giám đốc, tôi đã làm được nhiều điều vui vẻ và mang lại thành công có thể nói là rạng rỡ cho ngôi nhà số 4 Thụy Khuê. Phim "Đời cát" của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân giành giải thưởng LHP châu Á – Thái Bình Dương và giải Bông sen Vàng, LHP Việt Nam lần thứ XIII (2001). Các phim "Bến không chồng", "Giải phóng Sài Gòn" đều là những tác phẩm tốt. Ngoài ra, Hãng còn làm dịch vụ cho phim "Mùa hè chiều thẳng đứng". Ngày ấy, các nghệ sĩ đã bắt đầu nghĩ ra những kịch bản tâm lý tình cảm hay hài hước vui nhộn để tìm kiếm nguồn đầu tư bên ngoài. Nếu ai không bận việc ở hãng, tôi đều đồng ý cho đi làm ngoài để họ có thu nhập.

    Tôi nghỉ hưu từ năm 2006 về công tác ở Hội Điện ảnh thì được phân công làm Giám đốc Hãng phim Hội Điện ảnh (Hodafilm). Thế là ngồi ở đó tự kiếm kịch bản, chạy ngược chạy xuôi để tìm nguồn đầu tư để được làm phim kéo theo đó là mấy chục con người có công ăn việc làm, có lương. Phim phải tử tế, tiền nong cũng phải sòng phẳng, quyết toán đàng hoàng, không tai tiếng gì. Khi trúng Ban chấp hành, làm Phó Chủ tịch Thường trực tôi mới thôi công việc ở Hodafilm và thành lập Hồng Ngát film đến giờ được 12 năm rồi.

    Xin cảm ơn chị!

    Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Nếu sống kiểu yên phận, đời tôi sẽ nhàn nhã - Ảnh 15.
    Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Nếu sống kiểu yên phận, đời tôi sẽ nhàn nhã - Ảnh 15.
    Bài viết Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: Nếu sống kiểu yên phận, đời tôi sẽ nhàn nhã được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này

    Leave a Reply

    Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

  • - Copyright © Giải Trí Việt Nam - Powered by Blogger - Designed by Jthietkesitedep.com -