• Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2023

    Kể chuyện làng: Mang ơn rau nhót - Ảnh 1.

    Rau nhót trên cánh đồng muối cũ ở Quỳnh Dị (Nghệ An). Ảnh: Tác giả cung cấp

    Ngày ấy, đám trẻ làng tôi giật tái người mỗi khi chợt nghĩ về bữa ăn như nỗi ám ảnh mang tên rau nhót. Biết thế nhưng khi đến bữa, ngồi vào mâm thì cũng chẳng có gì ngoài rau nhót. Cái vị mằn mặn của nó thật tiện vì chẳng phải nước chấm gì thêm.

    Dân làng muối Quỳnh Lưu (Nghệ An) chúng tôi sau buổi làm muối thường đi dọc theo bờ mương, ngửa chiếc nón lá ra và vặt rau cho vào nón. Khi mớ rau gần nửa lòng nón là đem về luộc, sôi vài trào lửa, mang ra ăn luôn, tạm lấp đầy những cái bụng đói lép xẹp.

    Kể chuyện làng: Mang ơn rau nhót - Ảnh 2.

    Rau nhót khi mới hái về. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Sang nhà thằng Bường chơi, hai anh em nó luộc nồi rau nhót, vì đói quá nên chưa kịp chín đã nhấc xuống, vừa ăn vừa thổi. Mẹ nó ngoài đồng về thấy thế mắng con tội ăn rau chưa luộc chín. Hai thằng sợ sệt nói: "Dạ, tại con thèm". Mẹ hiểu chúng nó nói "thèm" thực ra là quá đói. Nghe xong, mẹ thằng Bường ngoảnh đi và khóc nhưng anh em nó không biết. Hôm trước, ăn tiệc cùng anh em Bường trong một nhà hàng, tôi mới đưa ra kể chuyện mẹ nó khóc cái hôm ăn rau chưa chín. Nghe chuyện, hai anh em nó đôi mắt đỏ hoe làm tôi nghẹn lại. Rồi ba thằng gọi nhà hàng một đĩa rau nhót ra để ăn và để ôn nghèo thì tiếp viên bảo, phải đặt trước mới có vì là đặc sản hiếm. Bọn tôi nhìn nhau cười, thật không thể hiểu nổi rau nhót thời nay.

    Khổ, đói đến nỗi đám trẻ trong làng tôi quyết tâm cao độ một điều: Hãy cố gắng để thoát cảnh ăn rau nhót. Thế mà giờ đây, nhà nghèo muốn được đĩa rau nhót (rau nhót tự nhiên) để ăn nghe ra khó, bởi người có điều kiện kinh tế đã dành mua hết rồi. Một món ăn sang trọng trên bàn tiệc sang trọng.

    Kể chuyện làng: Mang ơn rau nhót - Ảnh 3.

    Món nộm rau nhót trên những mâm tiệc sang trọng. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Trời sinh ra loài cây cứu đói nên nó có sức sống kỳ lạ. Cho dù nắng rát mặt và gió Lào cháy bỏng cả tháng trời nhưng nó vẫn cứ phát triển, cứ nhú đọt trên đất vện vằn váng muối. Người ta vặt đi vặt lại ngày này qua tháng nọ mà nó vẫn cứ giương sức sống. Hay nói cách khác, dù thế nào thì những triền rau nhót không được chết.

    Nắng. Gió phơn Tây Nam thổi từ nước Lào, hay còn được gọi là gió Lào. Khi gió thổi đến xứ Nghệ chỉ còn khô khốc, thở liên hồi mà vẫn như nghít lồng ngực. Người ngồi không hít cái không khí ấy đã khó, đằng này dân làm muối đẩy những xe cát nặng cao quá cả đầu người giữa trưa sang chiều.

    Đã thế, hợp tác xã tổ chức đốt vôi để tăng gia. Mấy cái lò vôi đầu gió, đốt bằng than đá, khói phà  xuống cánh đồng muối, mọi người thở như bị nghẹn lại ở họng.

    Kể chuyện làng: Mang ơn rau nhót - Ảnh 4.

    Rau nhót giúp nhuận tràng, nhất là người già và trẻ nhỏ. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Bà cụ Uýnh tuổi ngoài 80 ra cánh đồng muối làm giúp con cháu. Mệt nhọc nắng nóng quá, cụ lên lều muối ngồi thở nghỉ mệt. Chưa hết mệt nhưng thấy con dâu bụng bầu đến tháng thứ 9 đang mải mê xúc vụt cát nên gắng gượng trở xuống làm tiếp. Một lúc, cụ mệt quá lại trở lên lều muối ngồi thở và tránh nắng. Mấy phút sau, con cháu nhìn lên thấy cụ cứ "cười" mãi không ngừng. Con trai nói trêu cụ: Bà hết mệt rồi thì xuống làm tiếp chứ sao cứ ngồi cười mãi. Cụ vẫn không thay đổi, mọi người chạy đến lều thì ra cụ đang nghít thở. Con dâu mang bụng bầu chạy nửa cánh đồng, gặp hàng xóm đưa cho nắm rau nhót độn với với bánh đa vừng được vàu nát nhỏ. Cụ nhai nhóm nhém rồi nuốt ngụm nước trôi lọt xuống cổ. Cụ tỉnh dần. Thì ra là do đói và nắng...

    Sau dịch Covid-19, đám trung niên trong làng chúng tôi ở xa quê thường hay rủ rê gặp mặt ở nhà hàng. Có lần đã cự cãi với nhà hàng vì gọi đĩa nộm rau nhót mà nhận được thông báo đã hết. Rau nhót nay thành đặc sản hiếm, từ lòng mình, chúng tôi vô cùng vui sướng khi loài rau mà cả làng mình từng ghét cay ghét đắng vì cứ phải ăn mãi đến ngán ngấy, thì nay đã quay ngoắt đổi đời, sang trang và rất có giá.

    Mấy bà cụ ở làng, sáng sớm vừa đi thể dục vừa rủ nhau hái rau nhót. Trên đường về, mấy nhà khá giả hay săn đón hỏi mua. Nhà nào lễ phép, ăn ở tốt tâm tốt tính, sống hòa nhã với làng xóm thì mới được các cụ bán cho. Cũng vì cái "luật bất thành văn" này mà làng quê tôi có tiếng là làng lành xóm tốt trong vùng. Xưa, rau nhót là tiên thảo độ thế cứu đói dân làng tôi, giờ đây lại độ xây tâm đức lòng người.

    Đám bạn trong làng tôi đi xa, nhiều đứa nay cũng khá giả, nhờ chán ghét rau nhót mà thêm quyết tâm bứt phá thoát cảnh nghèo. Khá giả và gia đình luôn đầm ấm, bởi một phần do không vung phí tiền bạc vào việc xấu, tệ nạn. Cứ mỗi khi đứng trước sự cám dỗ thì hình ảnh những tháng ngày đói run, ăn rau nhót thay cơm lại hiện ra thế là dẹp bỏ luôn ý định không tốt.

    Rau nhót làng tôi trên đất mặn cằn cỗi, loài cây lá kim gần 50 năm trước đến nay vẫn thế, vươn thẳng lên trời.

    Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

    Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

    Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

    Bài viết Kể chuyện làng: Mang ơn rau nhót được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này

    Leave a Reply

    Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

  • - Copyright © Giải Trí Việt Nam - Powered by Blogger - Designed by Jthietkesitedep.com -