Có phải vì quê ở Bắc Ninh nên NSND Quốc Trượng được tiếp xúc với các làn điệu dân ca từ sớm và đã quyết định đi học chèo không?
- Đúng là sinh ra và lớn lên ở Bắc Ninh nên tôi làm quen sớm và rất yêu các làn điệu dân ca. Học xong cấp ba, tôi định thi vào Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Hà Bắc (nay là trường Trung cấp Văn hóa, nghệ thuật, du lịch Bắc Ninh). Nhưng sau đó, trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội về huyện tuyển sinh, tôi dự thi và trúng tuyển hệ đại học đầu tiên của ngành Kịch hát dân tộc nên đã về Hà Nội để học chèo.
Nhà tôi không có ai làm nghệ thuật. Nhưng từ nhỏ, tôi đã tham gia văn nghệ của thôn, xã nên thích hát lắm. Những dịp Tết Trung thu, tôi là "hạt nhân" văn nghệ của địa phương. Tôi rất thích chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền của Đài tiếng nói Việt Nam. Dù lúc đó đang gặt lúa hay đi cày, tôi cũng nghỉ để nghe hết chương trình mới làm tiếp.
Khi tôi nói muốn học chèo, anh trai tôi đang làm ở Sở Tài chính Bắc Ninh bảo "thôi đi học tài chính đi, văn nghệ văn gừng làm gì", nhưng khi tôi quyết tâm thì bố mẹ cũng ủng hộ.
Thời điểm vào học ở Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, anh có gặp khó khăn gì không?
- Khi tôi đi học thì cũng bình thường nhưng nghèo lắm. Lúc nào tôi cũng thấy đói, tưởng phải bỏ học nhiều lần. Đó là thời tem phiếu, vẫn có cơm ăn nhưng ít lắm, tôi hay ăn cơm trộn tấm, trộn khoai. Sức thanh niên, hoạt động suốt ngày lại không ăn sáng nên tôi rất thèm ăn. Các bạn khác còn có gia đình chu cấp, nhưng do bố mẹ ở quê cũng khó khăn nên tôi phải tự thân vận động.
Vậy NSND Quốc Trượng đã vượt qua thời điểm khó khăn ấy như thế nào?
- Hồi đó, tôi và Xuân Hinh, Hồng Ngát học cùng một lớp. Vì đói quá nên "đầu gối phải bò", tôi và anh Xuân Hinh đã rủ nhau đi… buôn rượu. Cứ thứ 6, vay tiền bạn, đi xe khách về Bắc Ninh mua rượu, xong mang lên Hà Nội bán, cũng có lãi một chút nên có thể trang trải được cuộc sống thời sinh viên.
Có kỷ niệm làm tôi nhớ mãi, có lần chúng tôi đi buôn, anh Xuân Hinh đã cẩn thận giấu rượu xuống ba lô rồi nhưng mải đọc báo nên đi qua ga Yên Viên thì bị lấy mất hàng. Hai chúng tôi "dở mếu dở khóc" vì vay bạn tiền đi lấy hàng chứ có tiền đâu. Nên rất lâu sau đó mới trả hết tiền nợ cho bạn được.
Khán giả biết đến NSND Quốc Trượng qua các vai hề trên sân khấu, anh có biết mình diễn rất duyên dáng không?
- Ngày đó, trường không dạy cách diễn hề, tôi và anh Xuân Hinh đã tiết kiệm tiền buôn bán để theo học riêng với NSND Mạnh Tuấn. Thầy Tuấn đã dạy chúng tôi làm hề cu Sứt, hề chanh, hề chóp, hề bột, hề hát rong, hề leo… Trong sân khấu chèo, vai hề mang đến sự lạc quan, tiếng cười cho khán giả.
Có lẽ khán giả yêu Quốc Trượng nên mới nhớ mãi nhân vật hề. Tôi luôn thấy trân trọng tình cảm của khán giả dành cho mình. Vì bây giờ đi ra ngoài đường, vẫn có người nhận ra Quốc Trượng và hỏi han.
Người ta bảo, vì bây giờ anh làm Giám đốc Nhà hát chèo quân đội rồi nên anh không mặn mà với việc đi diễn nữa?
- Thực ra là tôi rất bận. Năm 2007, tôi làm Phó đoàn trưởng đoàn nghệ thuật Tổng cục Hậu Cần. Năm 2010, tôi làm Phó Giám đốc Nhà hát Chèo quân đội (tiền thân là đoàn nghệ thuật Chèo của Tổng cục Hậu Cần) và hiện giờ là Giám đốc Nhà hát. Khi chuyển sang làm quản lý, tôi ít tham gia biểu diễn nhưng luôn nhớ sân khấu, nhớ cảm giác được biểu diễn cho khán giả xem những vở chèo hay.
Tôi vẫn yêu nghề chứ. Năm 2011, tôi có tham dự Liên hoan Sân khấu hài toàn quốc và đạt Huy chương vàng với đoạn trích Thị Nở - Chí Phèo. Khi nhìn thấy đồng nghiệp diễn, tôi cũng thích nhưng mình không có thời gian nhiều để tham gia.
Bất ngờ khi được gọi là "Ngọc Hoàng đầu tiên của Táo quân"
Anh và nghệ sĩ Xuân Hinh có thường xuyên gặp nhau không?
- Tôi và Xuân Hinh hay gặp nhau, anh ấy trước ở Nhà hát chèo Hà Nội, tôi ở một đơn vị chèo trong quân đội nên cũng có dịp để giao lưu cùng nhau. Hiện nay, em trai của anh Xuân Hinh là Xuân Nghĩa cũng làm ở Đoàn 1, Nhà hát Chèo quân đội.
Nhiều người nói tôi và anh Xuân Hinh có sự duyên dáng, nét diễn giống nhau. Có lẽ, chúng tôi được thầy Mạnh Tuấn dạy bảo nên có nhiều sự tương đồng.
Người ta vẫn nhắc đến nghệ sĩ Quốc Trượng với danh xưng "Ngọc Hoàng đầu tiên của Táo quân", anh vào vai này như thế nào?
Thời đó, đạo diễn Khải Hưng mời tôi làm tiểu phẩm hài trong Gặp nhau cuối tuần. Đó không phải nhân vật Ngọc Hoàng của chương trình Táo quân phát vào đêm 30 tết mà là tiểu phẩm hài có nhân vật Ngọc Hoàng phát vào cuối tuần, cũng có người lên chầu, tâu bẩm, cũng diễn cùng Xuân Bắc, Công Lý, Tự Long… nên mọi người hay gọi là "Ngọc Hoàng đầu tiên".
Sau đó, tôi làm cùng bác Phạm Bằng, Quang Thắng, Quốc Khánh… Nhưng tôi cũng bận nên rút lui dần vì không thể đi diễn bên ngoài lâu được. Tôi khá bất ngờ khi được gọi là "Ngọc Hoàng đầu tiên của Táo quân". Tuy không tham gia, nhưng tôi vẫn theo dõi chương trình Táo quân và thấy rằng, các nghệ sĩ rất cố gắng để hoàn thành vai diễn của mình.
NSND Tự Long hiện đang là Phó giám đốc Nhà hát Chèo quân đội, là một người có tài năng duyên dáng nên anh ấy cũng hay biểu diễn nhiều chương trình ý nghĩa bên ngoài. Nhà hát đã tạo điều kiện cho anh ấy thế nào?
- Không riêng gì anh Tự Long mà bất cứ diễn viên nào có cơ hội làm nghề, chúng tôi đều tạo điều kiện. Thứ nhất là để quảng bá về hình ảnh bản thân, thứ hai là quảng bá hình ảnh cho nhà hát. Nếu có thêm thu nhập, cuộc sống đảm bảo hơn thì cũng rất đáng quý.
Tuy nhiên, các nghệ sĩ phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến công việc của nhà hát. Nếu tối đó không có vở diễn thì các bạn ấy quay phim, làm truyền hình thoải mái, nhưng đơn vị có việc thì không thể bỏ mà đi làm bên ngoài được.
Trong quãng thời gian làm nghề, anh có câu chuyện nào đặc biệt muốn kể cho khán giả không?
- Chúng tôi đi diễn thì có nhiều kỷ niệm lắm. Đây là nghề không có ngày nghỉ, thậm chí ngày chủ nhật vẫn phải làm, rồi chuyện làm đến 2-3 giờ sáng là bình thường.
Chúng tôi hay ra đảo Trường Sa diễn, có hôm diễn vở Thày bói đi chợ thì lấy bọt biển làm đạo cụ bánh rán, đang diễn dở thì gió thổi bay cả bọt biển. Dù đang diễn thày bói mù trên sân khấu nhưng vẫn kêu lên "bánh rán bay rồi", khiến cả diễn viên và khán giả bật cười.
Đi ra đảo, tàu bị kịch gầm không thể đỗ gần đảo được mà phải dùng thuyền con để đón. Lính đảo rất chiều chúng tôi, đã cõng diễn viên từ thuyền đến tận nơi.
Năm 1995, ở Hội diễn chuyên nghiệp toàn quân, tôi đóng vai một người khòeo tật nguyền nuôi chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật. Tôi phải ăn xin để nuôi người chú là chiến sĩ. Có thể do đoạn diễn cảm động nên rất nhiều khán giả ở Nhà hát lớn TPHCM rơi nước mắt. Mọi người lên sân khấu để thả tiền vào mũ cho tôi. Có nữ khán giả lớn tuổi lên ôm tôi và khóc rưng rức, mãi sau tôi mới tiếp tục diễn được.
Bình thường, chúng tôi sẽ đi diễn từ quân khu 1 đến quân khu 9. Năm nay có thể chúng tôi sẽ đi TPHCM diễn.
Nghệ thuật truyền thống nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng hiện nay rất kén khán giả. Theo anh, làm thế nào để kéo người xem đến rạp?
- Nói khán giả không mặn mà với chèo cũng không đúng đâu. Chúng tôi đi diễn, khán giả thích lắm, nhưng vẫn muốn khán giả đến với nghệ thuật truyền thống nhiều hơn nữa. Có thể, vì sân khấu dân tộc ít vở hay, ít vở đưa hơi thở cuộc sống hiện nay vào nên nhiều người chưa đến xem.
Muốn thu hút khán giả phải có kịch bản hay, vở diễn phải thời sự, đạo diễn giỏi, diễn viên thể hiện phải duyên dáng, vai nào ra vai ấy, hát, múa phải hài hòa.
Quốc Trượng kể về hai lời thề trước khi lấy vợ
Nhắc đến NSND Quốc Trượng, khán giả còn nhớ đến chuyện tình yêu của anh với người vợ kém 13 tuổi, anh chị quen nhau thế nào?
- Bà xã tôi là NSƯT Lâm Thanh, hiện đang là Trưởng đoàn diễn 2 của nhà hát. Tôi và Lâm Thanh quen biết nhau khi được đài truyền hình mời tham gia vở chèo Cá mè đè cá chép. Tôi đóng một vai hề trong khi Lâm Thanh vào vai nữ chính. Sau đó cảm mến và yêu nhau.
Trước đó, tôi có hai lời thề: Không lấy vợ trong nghề và khi nào lên NSƯT thì mới kết hôn. Nhưng khi gặp bà xã, tôi chỉ giữ đúng một lời thề là có danh hiệu NSƯT thì mới làm đám cưới. Tôi được phong NSƯT vào năm 2001 và cuối năm đó tôi cũng chính thức từ giã cuộc sống độc thân.
Người trong nghề đồn thổi, đám cưới của 2 nghệ sĩ Quốc Trượng - Lâm Thanh cũng trải qua "sóng gió" lắm?
- Đây là câu chuyện mà mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn thấy "hú hồn, hú vía". Trước đám cưới 2 ngày, bà xã của tôi bất ngờ bị đau ruột thừa phải vào bệnh viện 354 mổ gấp. Hôm sau, có tiệc đãi khách, tôi đành phải xin bác sĩ cho cô dâu về nhà chừng 1 tiếng để ra mắt quan khách vì không thể hoãn, mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi.
Hôm đó, cô dâu phải ngồi xe lăn ra hôn trường, đi một vòng chào quan khách rồi lại được "áp tải" về bệnh viện để nghỉ ngơi vì hồi đó mổ phanh chứ không mổ nội soi như bây giờ nên người cũng rất yếu.
Tối hôm đó, vợ thì nằm trên giường bệnh còn tôi đem phòng bì ra đếm… để giết thời gian trong đêm tân hôn. Mỗi khi nhớ lại chuyện này, tôi và bà xã đều thấy "hú hồn".
37 tuổi anh mới cưới vợ, hồi đó thì cũng gọi là... "trai ế" nhỉ?
- Thì tôi cũng có một "lời thề" là khi nào được NSƯT mới lấy vợ. Hơn nữa, khi đó, gia đình cũng không giục vì biết tôi bận rộn và đúng thời điểm thì mới có thể kết hôn được.
Anh có phải là người lãng mạn không?
- Tôi vẫn hay tặng hoa cho vợ mỗi khi có dịp. Chúng tôi cùng làm nghề nên quá hiểu nhau rồi, nên không có chuyện ghen tuông lẫn nhau. Chúng tôi tôn trọng nhau.
Hai con đã lớn, một bạn đi du học, một bạn học phổ thông nên chúng tôi thảnh thơi hơn một chút. Dù nhà có giúp việc nhưng khi rảnh rỗi, cô ấy vẫn vào bếp để nấu ăn cho chồng con.
Ở nhà hát anh là cấp trên của vợ, về nhà thì sao?
- Tôi là trai quê mà nên không nề hà gì, khi cô ấy bận tôi vẫn dọn dẹp nhà cửa, vào bếp nấu cơm. Ở nhà hát thì vậy nhưng ở nhà tôi chỉ là một người chồng bình thường, người bố của hai con. Từ khi con gái đi du học, nhà cửa vắng vẻ hơn. Ngày nào con cũng gọi điện về nói chuyện nên hai vợ chồng đỡ nhớ con phần nào.
Ở với nhau khá lâu nên chúng tôi hiểu rằng, để duy trì được cuộc sống êm ấm, cần phải tôn trọng, thông cảm cho nhau.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Bài viết NSND Quốc Trượng: Chuyện chưa kể về thời đi buôn rượu cùng Xuân Hinh được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này- Home>
- tin tc giai tri , tin tuc , tin tuc 24h >
- NSND Quốc Trượng: Chuyện chưa kể về thời đi buôn rượu cùng Xuân Hinh