Bằng tiền nhuận bút nhận được, "lão nông miền núi" này đã tự trang bị cho mình đầy đủ những phương tiện tác nghiệp của một người làm báo thực thụ như: Máy tính, điện thoại thông minh, máy ảnh kỹ thuật số; sử dụng internet và xử lý ảnh photoshop khá thành thạo…
Ngoài ra, ông đã dùng tiền nhuận bút mua cái laptop để "tác nghiệp" cho hiện đại và thường xuyên đi, nghe, thấy và ghi lại những gì bình dị nhất trong cuộc sống. Ông làm báo với một mục đích: Viết bằng cái tâm của người cầm bút không vụ lợi với mong muốn xã hội, con người ngày càng tốt đẹp hơn. Ông là một lão nông có tên "dân dã" Lê Văn Kỳ (72 tuổi) với bút danh: Tiên Sa, Hòa Vang, Lê Quốc Kỳ...
Một người nông dân làm giàu từ vùng kinh tế mới
Ông Kỳ cho hay, đặt chân lên mảnh đất Hoà Hải (Hoà Phú, Hoà Vang, Đà Nẵng) vào những năm Đảng và Nhà nước đang vận động, khuyến khích nông dân đi xây dựng vùng kinh tế mới. Theo đó, năm 1980, gia đình ông bắt đầu "vào cuộc" với rất nhiều khó khăn trên vùng đất hoang sơ ít có bóng người ở phía tây thành phố Đà Nẵng này.
Bắt đầu bằng những thế mạnh của rừng, ông đã bám vào rừng để cùng gia đình bám trụ lại nơi đây với công việc đầu tiên với nghề chặt củi, đốt than về bán; nuôi bò, nấu rượu, bán tạp hóa, làm công nhân dọn vệ sinh chuồng trại heo Trung Sơn (xã Hoà Phú). Đứng trước những khó khăn, vất vả của buổi đầu lập nghiệp, ông đã vạch ra một kế hoạch để tự mình vươn lên, thoát khỏi cảnh nghèo đói.
Sau nhiều năm học hỏi và tìm hiểu về phát triển kinh tế vườn rừng đối với địa bàn đồi núi, ông đã đi và gặp nhiều người làm kinh tế giỏi ở các vùng lân cận. Tiếp xúc với những chương trình khuyến nông, khuyến lâm, ông hiểu ra rằng, chỉ có mình mới vực dậy được hoàn cảnh hiện tại và có thể giúp đỡ nhiều người trong thôn. Ông mạnh dạn vay vốn đầu tư làm trang trại nuôi heo, bò.
Từ chuồng trại nhỏ với vài ba con heo, con bò những năm đầu, ông tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng trại quy mô hơn với đàn bò lên tới 70 con, đàn heo tới 50 - 60 chục con. Thu nhập bình quân hàng tháng của gia đình ông từ mô hình VACR khoảng 50 triệu đồng. Ông dùng số tiền thu nhập bước đầu này để trả được vốn vay, mở thêm trang trại và nhận thêm 1 ha đất trồng rừng, 5 sào đất vườn để trồng mít, chuối… ông đã được nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, huyện và thành phố; danh hiệu gia đình văn hoá nhiều năm liền cấp thành phố. Ngoài ra, ông được biết đến với "danh hiệu" là Trưởng thôn đầu tiên của Việt Nam sử dụng vi tính và mạng Internet để quản lý, điều hành trong thôn.
Năm 2006, gia đình ông vinh dự được nhận bằng khen "Gia đình hiếu học năm 2006" của UBND thành phố Đà Nẵng. Bản thân ông được cấp trên tin tưởng và người dân tín nhiệm, ngoài những chức danh khác, ông đã có thâm niên 5 năm là Phó Ban thôn và 10 năm làm Trưởng thôn Hòa Hải, 14 năm làm Chi hội trưởng nông dân thôn Hòa Hải.
Năm 1987 ông được bà con trong thôn Hòa Hải tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Trên cương vị mới này, nhiệm vụ đặt ra cho ông nặng nề hơn, phải làm sao để đưa đời sống của bà con nơi đây đi lên, xoá đói, giảm nghèo? Nhiều đêm ông đã canh cánh với câu hỏi ấy và phải tiếp cận với các thông tin là điều cần thiết đầu tiên. Ở vùng núi này, cái gì cũng khó, để cập nhật được thông tin lại càng nan giải hơn, chưa nói đến chuyện tuyên truyền vì hàng ngày bà con phải đi làm, đêm đến có thời gian và điều kiện đâu để họp mặt bà con? Cách hợp lý nhất là làm một chiếc loa truyền thanh? Bằng cách nào, đó là điều ông day dứt nhất.
"Đài ông Kỳ"
Gặp ông ở ngoài đường, không ai nghĩ đó là một người nông dân từng chân lấm tay bùn bởi cái tính cách phóng khoáng, tự tin của ông. Đến với nghiệp báo khi còn làm trưởng thôn Hòa Hải vào những năm 1990, khi đảm nhận trọng trách của người dân và cấp trên tín nhiệm trong bối cảnh khu dân cư lại không tập trung, địa bàn đồi núi, dân kinh tế mới ở nhiều địa phương đến ở… Ông tìm mọi cách để vận động và tuyên truyền đến bà con về chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước. Và "đài thôn" ra đời trong những ngày ông làm Trưởng thôn.
Gọi là "đài thôn" cho oai, nhưng dụng cụ chỉ có một chiếc loa và bộ âm ly cũ ông tận dụng được. Đầu năm 2000, ông được bà con bầu lại làm Trưởng thôn Hòa Hải, xã Hoà Phú, Hoà Vang (TP. Đà Nẵng). Khi nhận "vác tù và" lần này ông cũng hơi lo vì lúc bấy giờ phong trào đang đi xuống, tỷ lệ hộ nghèo khá cao (chiếm 30%) và có 2 hộ đói….
Trong những ngày khó khăn chung ấy, ông cùng với Chi bộ và Quân Dân Chính thôn thành lập cho thôn một "đài thôn" để "quay" phong trào. Với số tiền thưởng đạt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội cấp trên giao: Sửa lại được cái amply, mua một micro. Vừa học vừa làm, ông tự mày mò viết bài, tìm thông tin đưa lên loa để bà con nghe, tìm hiểu, vận dụng vào quá trình sản xuất.
Nhiều người dân ở vùng này khi được hỏi về ông, đều khẳng định "không có cái "đài ông Kỳ" thì bà con không có điều kiện tiếp xúc với nhiều thông tin như vậy, vì ở đây vùng sâu vùng xa, bà con lại ở nhiều vùng đến làm kinh tế mới, đồng bào dân tộc…". Ông vừa "phóng viên", vừa là phát thanh viên, vừa là kỹ thuật viên nông nghiệp.
Hơn nữa, ông lại là cán bộ khuyến nông cơ sở, CTV dân số, CTV thú y, Chi hội trưởng Nông dân, Chi hội trưởng Khuyến học… Đi và gặp điều gì tâm đắc ông hỏi cặn kẽ, chính xác để để viết bài đưa lên phát trên loa cho bà con nghe nhận. Đó là đánh giá không quá cao đối với ông, và trong nhiều năm làm báo đài, bản thảo của ông đã - đựng đầy 7 thùng đựng mì tôm viết trên nhiều loại giấy mà ông tận dụng được. Đến nhà ông, có một căn phòng dành riêng cho ông làm báo, thôi thì đủ thứ báo, từ trung ương đến địa phương, tạp chí, tập san, tuần báo... và năm nào ông cũng có bài viết trên nhiều tờ báo xuân.
Lão nông cộng tác cho 20 tờ báo
Sau những lần cộng tác lúc ban đầu ấy, ông gia nhập "làng báo chí" khi nào không biết. Ông đã từng là cộng tác viên thường xuyên của nhiều tờ báo lớn như: Tuổi Trẻ, Nhân Dân, Lao Động, Người Lao Động, Kiến Thức Ngày Nay, Sài Gòn Tiếp Thị, Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, Công An Đà Nẵng, Tạp chí Làng Nghề Việt Nam, Tạp chí Người Cao Tuổi, Nông Thôn Ngày Nay, Phụ nữ Việt Nam…
20 năm qua, số báo biếu mà ông nhận được có hơn 1 tấn. Ông kể với tôi rằng, những đồng tiền nhuận bút kiếm được hôm nay, đã giúp ông thay đổi cuộc sống, nghĩa là tự trang bị cho mình những phương tiện làm việc hiện đại mà không phải người làm báo nào cũng có được. Năm 2005, ông đạt giải Nhất cuộc thi với chủ đề "Bảo vệ môi trường" do Sở Khoa học và Công noghệ TP Đà Nẵng tổ chức. Thời gian này, ông đang lao động ở trại heo, ông phải năn nỉ ông trại trưởng Bùi Tá Ca để nghỉ buổi chiều đi đến Hội trường UBND xã Hòa Tiến nhận giải, sau đó làm bù vào chiều chủ nhật.
Còn nhớ, ông là CTV xuất sắc của báo Đà Nẵng hai năm liên (2005, 2006) và CTV xuất sắc của đài truyền thanh Hòa Vang nhiều năm liền. Ông tâm sự với tôi rằng "Tôi đến với nghề viết báo bằng niềm đam mê của một người yêu chữ, yêu cái mới, mong muốn xã hội ngày càng tốt đẹp hơn...".
Nhớ lại lúc chưa có mạng Internet, cứ mỗi khi có bài và ảnh gì mới để gửi báo, ông lại đi hơn 30 cây số bằng xe máy xuống nội thành Đà Nẵng để "in ảnh" và gửi bài đến tòa soạn hay bưu điện. Có hôm về gặp trời mưa đêm tầm tã, xe lại xẹp lốp, ông phải dắt bộ đến nửa đêm mới về nhà cũng là nhờ niềm đam mê viết báo vẫn luôn thường trực, mọi lúc, mọi nơi ở trong ông.
Lão nông nhận nhiều giấy khen của báo, đài
Tuy là nông dân thứ thiệt, qua cộng tác với nhiều tờ báo, tạp chí, đài ở trung ương và địa phương lão nông đã nhận được nhiều phần thưởng quý giá như giải Nhì trên toàn quốc Cuộc thi ảnh của báo Khoa học phổ thông và báo Khoa học Đời sống… Những giấy khen gần đây nhất của ông là báo điện tử Dân Việt/NTNN tặng ông Giấy chứng nhận đã đạt Giải tháng 7/2020 với tác phẩm: "Nỗi lo mạng điện nông thôn miền núi" trong cuộc thi "Làm báo cùng Dân Việt" do Tổng biên tập Lưu Quang Định ký ngày 7/8/2020; Năm 2021, Tổng Biên tập Tạp chí Người Cao Tuổi Lê Quang tặng ông giấy khen "Đã có thành tích xuất sắc trong cộng tác, viết bài cho Tạp chí Người cao tuổi năm 2021".
Hưởng ứng Cuộc thi viết chủ đề "Món Tết quê nhà" của báo Tuổi Trẻ vào cuối năm 2022 với tác phẩm: "Những bữa mì Quảng cuối năm" ông được Ban tổ chức cuộc thi trao giải khuyến khích. Lại thêm tin vui đối với ông, vào tháng 12/2022, ông được Ban Chấp hành Trung ương hiệp hội Làng nghề Việt Nam tặng ông Bằng khen với nội dung: "Đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng Tạp chí Làng nghề Việt Nam".
Lên thăm ông vào những ngày cận kề 21/6 (Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam), ông niềm nở cho hay, hiện nay, người làm báo nhiều và lực lượng trẻ rất nhạy bén với các phương tiện tác nghiệp hiện đại. Tôi không được học trường lớp, nhưng tôi có thực tiễn đi nhiều, viết nhiều; viết báo cần có cái tâm và đặt mình vào hoàn cảnh cụ thể. Chỉ mong sao những người làm báo chân chính luôn được xã hội yêu mến, trân trọng và biết ơn…
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Bài viết Kể chuyện làng: Chuyện một lão nông mê viết báo được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này