Thái Kim Lan là một phụ nữ Huế, sinh ra và lớn lên tại Huế. Năm 1965, bà sang CHLB Đức du học và bảo vệ luận án tiến sĩ triết học rồi giảng dạy triết học ở bậc đại học tại đó. Từ thập niên đầu thế kỷ XXI bà bắt đầu về lại Việt Nam, tham gia giảng dạy tại các đại học trong nước. Ngoài chuyên môn triết học, bà còn dịch thơ Đức, viết các bài tiểu luận, nghiên cứu về triết học, tôn giáo, văn chương. Cuốn sách "Cõi đi về" tập hợp những bài viết của Thái Kim Lan đăng trên tạp chí "Tia Sáng" trong vòng 15 năm qua. Sách được chia làm năm phần. Phần I "Những câu chuyện văn hóa". Phần II "Tác giả và tác phẩm". Phần III "Thiên nhiên và con người". Phần IV "Cuộc hành đạo nếp sống Huế". Phần V "Phụ lục".
CÕI ĐI VỀ
Tác giả: Thái Kim Lan
Alpha Books & Nhà xuất bản Lao Động, 2023
Số trang: 371, (khổ 16x24cm)
Số lượng: 1000
Giá bán: 169.000đ
Cái viết của Thái Kim Lan nhẹ nhàng, tinh tế, sâu lắng. Nhất là khi bà viết về những chuyện văn hóa, nhất là khi những chuyện văn hóa đó gắn với Huế. Con sông Hương chảy giữa lòng cố đô đã chảy vào tâm thức bao người, vào thơ ca nhiều đời. Nhưng Thái Kim Lan biết nhìn ra một "Hương Giang siêu thực". Đó là khi bà "bắt gặp sông Hương ở ý niệm tột cùng của một dòng sông". Bởi vì dòng nước sông Hương là "trong veo", không con sông nào có được. Mà nước dòng sông Hương trong veo, theo Thái Kim Lan là bởi tại bờ sông. Hãy nghe bà lý giải:
"Nếu bờ sông không phải là bờ sông ấy, thì sông Hương không phải là dòng sông Hương. Bờ sông là hình tướng của sông Hương, như Huế mà không có bóng dáng thướt tha của cô gái Huế thì Huế không còn là Huế. Tâm cảnh dòng sông là dáng núi đứng nhìn sông, là mây bay sà xuống lưng chừng sông, là màu xanh huyền hoặc của núi ảo hoá lòng sông, là mặt trời sáng trưa chiều tối chiếu lên ngọn núi ẩn hiện lao xao sóng nước, là con đường đất đơn sơ tội nghiệp men bờ, là hiu hắt bờ nọ ngóng bờ tê trong bóng núi… Vì thế không rời nhau, "khăng khít giải đồng". Cho nên, sông trở nên duy nhất, mang hình ảnh cuộc đời cát bụi trong sự "thuỷ chung" của tấm lòng sông nước". (tr. 194)
Như thế, Hương Giang là siêu thực giữa đất trời, giữa cuộc đời. "Vô niệm của tâm thức Huế là dòng Hương Giang!".
Có khi Thái Kim Lan lại làm người đọc bất ngờ khi bà bàn chuyện thơ văn. Nguyễn Du nghĩ gì về thơ? – bà đặt câu hỏi và thử tìm một lý giải. Lấy hai câu thơ kết thúc "Truyện Kiều", cách lý giải của bà đã mở thêm ra một cách đọc mới về kiệt tác của Nguyễn Du ngỡ như đã quá quen thuộc. Đầu tiên là bà đưa ra ba cách giải thích về câu thơ "Lời quê chắp nhặt dông dài". Thứ nhất "Lời quê là một thú nhận quê, nhưng là một cuộc thú nhận ngẩng cao đầu đứng trên mảnh đất quê ấy: mảnh đất của thơ Nôm." (tr. 141). Thứ hai "Lời quê là sự lựa chọn khiêm tốn được là quê, đối nghịch với hào nhoáng khoe khoang, ồn ào, đánh bóng. Một sự nhún mình của người cầm bút, không dán bích chương, đẩy lùi cá nhân ra phía sau, nhường cho cảm nhận thực chứng thơ ra đằng trước, chỉ có thơ đến với người, đến với nhân gian." (tr. 142). Thứ ba "Sự bày tỏ, biểu lộ của thơ quê trong nghĩa hiện thực của nó là chân, mộc, đơn sơ, chân thành, chân ý của chân lý chưa khai mở ấy. Khóc là khóc, cười là cười, đau là đau. Đó là sự trung thực." (tr. 142). Câu thơ này, theo bà, là "xác định bản lai ngôn ngữ thi ca trên phương diện thể tính".
Đến câu "Mua vui cũng được một vài trống canh" Thái Kim Lan tiếp tục tìm hiểu trên bình diện dụng hay vai trò của thi ca. "Mua vui như thế cần phải hiểu trên một cấp bậc khác hơn lãnh vực tương quan đối đãi buồn - vui, nước mắt đêm trường và trận cười thâu đêm. Trên cấp bậc ấy, thú vui thường tình chỉ là thứ yếu. Trên thực tế, văn chương hầu như là món nợ mà thi nhân phải trả cho đời." (tr. 144) Đi sâu vào câu chữ, Thái Kim Lan chỉ ra điều Nguyễn Du vượt thoát khỏi Nietzsche: "Trong "Mua vui cũng được…" hai chữ "cũng được" làm dấu trừ, phủ định hai chữ "mua vui" đi trước – cho nên không là mua vui trong nghĩa tuyệt đối của thi ca: chối bỏ mọi ý nghĩa thực dụng mới là vui thơ. Nhưng thơ còn một nghĩa ban phát thực dụng, mà Nietzsche gọi là tính thực dụng mê tín của quan niệm cổ điển Tây phương khá lỗi thời, trong lúc Nguyễn Du tin vào khả năng thực sự của nó trong cuộc đời: thơ có thể làm trắng án, xóa tội như trường hợp của nàng Kiều". (tr. 146-147).
Từ đây Thái Kim Lan chuyển sang phân tích đoạn xử án Kiều quyến rũ Thúc Sinh nhưng nhờ bài thơ làm ngay tại tòa theo yêu cầu của vị phán quan mà nàng được tha bổng. Sự phân tích của bà ở đây cũng lại gây bất ngờ: "Đối với Nguyễn Du, thơ không cậy quyền thế, ngược lại quyền thế phải phục tùng thơ, được thơ hoán cải. Không phải Kiều được tha tội mà chính ông quan được nữ thi nhân Thúy Kiều xá tội nhờ khả năng biết thưởng thức thơ của ông." (tr. 149) Ông quan khi đọc bài thơ Kiều làm tại tòa đã không còn là con người của ý niệm công lý mà là người thưởng thức thơ.
Có nhiều những trang viết đem đến bất ngờ thích thú như vậy cho người đọc trong "Cõi đi về" của Thái Kim Lan. Bà khiến người đọc được cùng bà đắm mình vào phong cảnh Huế, tâm thức Huế, vào sự hòa quyện của hai luồng văn hóa Đông – Tây, vào quá khứ và hiện tại. Tôi muốn dẫn lại đây một đoạn hơi dài bà nhớ lại khu vườn như trong cổ tích của bà mình:
"Nằm trong lòng bà, nghe giọng kể trầm trầm, ấm áp, mưa trên lá chuối nhịp theo lời kể, hoa trở thành người, rồi lại biến thành cây, mộng thực đan xen với nhau, khu vườn đối với tôi đã trở thành một vũ trụ không còn giới hạn, ngăn cách, người và vạn vật truyền nhau hơi thở, lắng nghe và cảm nhận, thân thiết và mơ hồ, lặng lẽ mà đầy tiếng vang âm điệu… Trong cảm thức non nớt, những hình ảnh chập chờn một thứ âm vang cổ tích. Như khi ta ngửi một mùi hương trong buổi sớm mai, mùi hương đọng lại thành chiều buông quá khứ, như khi ta nếm một vị chát vừa hái xuống, lưu luyến trên đầu lưỡi thành nỗi nhớ về bóng dáng cây hồng quân chìm khuất trong bóng tối um tùm, như khi nghe tiếng hót ban mai của loài chim lạ ta nhớ về sự nhói tim khi lìa xa, như khi… và câu chuyện nào mới kể cũng thành xưa… mới đó mà như xưa… Tưởng như mỗi bông hoa vừa mới nhúm nụ đã vấn vương giữa ở và đi, tưởng như cây vừa đơm trái đã thấy ngọt đậm vị quá khứ, một thứ quá khứ sẽ biết ngọt bùi trong tương lai. Câu chuyện ngày trước hoá thành hôm nay và câu chuyện hôm nay trở thành quá khứ ngày sau…" (tr. 235)
Một đoạn văn lung linh, mờ ảo, có thể đưa vào sách giáo khoa được. Chính nỗi nhớ những khu vườn Huế đó, và rộng ra là ý muốn bảo tồn tâm thức văn hoá Huế, mà Thái Kim Lan đã lập ra một Quỹ văn hóa mang tên mình. Bà đã đặt tên cho khu nhà vườn của của từ đường Thái tộc ở Huế là "Lan Viên cổ tích".
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.
Hà Nội, 30/5/2023
Bài viết Đọc sách cùng bạn: Đi về trong cõi nhớ được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này