• Thứ Ba, 9 tháng 5, 2023

    Ít tiền thời "giang hồ vặt" bãi bia, chạy bộ nửa đêm hay ra sông Hồng tắm "tiên". Đôi chục năm trước có phong trào mua đất lập trại làm kinh tế, đa phần thất bại vì chi phí nuôi vượt sức.

    Kể chuyện làng: Bỏ phố lên đồi - Ảnh 1.

    Bụi dã quỳ ở đồng Bèn. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Giờ thì lại có lựa chọn khác của không ít người, vẫn mua đất làm nhà nhưng giữ tiền không phải là mục đích duy nhất. Mà lên ở hẳn, đào thoát khỏi đô thị. Thôn Đồng Bèn xã Đông Xuân, Quốc Oai cách trung tâm Hà Nội chưa tới dăm chục cây, được sống giữa thiên nhiên tươi tắn, lại không quá xa để còn đi về lo công việc. Đất đai rẻ, người Mường mộc mạc, sắm cả quả đồi hay chỉ một mảnh không thành vấn đề quá, thì "đầu tiên" là kinh phí cho hạ tầng. Làm cái nhà phải lo đường vào, tải điện, nguồn nước lên cao, rãnh thoát nước trên đồi xuống thật nhanh, móng chắc chắn không thể bị xô. Xong đâu đấy, từng "bậc" nhà mọc lên theo sườn dốc. Nhiều kiểu cách lắm, tùy mục đích và túi tiền. Có nhà dăm bẩy phòng cho thuê, thiết kế, quy hoạch đất dự trữ đều nghiêm chỉnh, cạnh đấy là ngôi "phát triển tùy túi", cần đến đâu cơi nới đến đó. Lại có người vượt hẳn lên cao, giữ lại mấy cây đa sum suê nhiều gốc, bên dưới làm tiểu cảnh. Nhưng gì thì gì, ai ai đều tận hưởng thiên nhiên, để mà sáng ra ngắm mây xà xuống trước mặt, chốc lát đã nhường chỗ cho ánh nắng chan hòa. Không gian ở đủ tiện nghi nhưng mở và tạo cảm giác mộc: tầm nhìn từ ban công thoáng, tường để lại vết trát chứ không xoa nhẵn, phòng tắm kín đáo mà vẫn "khỏa thân vì môi trường".

    Sự tương đồng về kiến trúc nói trên có thể do những người chủ mới khá giống nhau về cảm xúc, triết lý sống, sự lựa chọn. Kiến trúc sư, giáo viên tiếng Anh, làm tin học… không phải ai cũng nhiều tiền nhưng đều ngột ngạt với cuộc sống dưới phố. Nơi ấy, trẻ con bị nền giáo dục nhồi nhét đè nén, chẳng phân biệt nổi con trâu con bò, còn người lớn "ngáo phây ngáo ảnh", giải trí bằng "sống ảo" hoặc đóng vai phản biện xã hội sắc sảo. Chung cư là những cái hộp, hàng xóm chẳng biết nhau, gặp bé gái xinh xắn trong thang máy không dám nựng sợ mang vạ "xâm hại". Tỉnh thành chật ních, san sát, con người được tiếng độc lập, sống theo ý mình không phải chiều nếp làng nếp gia tộc, nhiều khi hóa ra rất cô đơn. Thế mà lại lên chỗ vắng, để làm gì?

    Lạ là giữa núi đồi, xu hướng sống cộng đồng lại mạnh mẽ. Không đủ tiền, mấy nhà chung nhau con dốc, đoạn đường, mương xói, trạm bơm trạm lọc nước. Đất rộng quá nên thèm tiếng người, lập nhóm zalo, "nhóm phây" ới nhau làm tuần chè, góc con lợn cắp nách. Vẫn là thị dân, tôn trọng sự riêng tư nhưng tính sở hữu không còn cao quá, hàng xóm để đường tắt dễ sang nhau. Là vì những đứa trẻ. Chẳng cần "có giấy phép", chúng tự tiện băng đồi sang bóng bánh bơi lội cùng, để rồi về nhà khoe "gặp" con sâu róm cây sung cây móc, có khi đã ních kễnh bụng. Tội gì cấm đoán, bắt con ở nhà giải trí bằng bài tập, điện thoại, trò chơi điện tử, tivi. Trong khi đó phụ huynh, sau hồi "buôn" chuyện có thể cao hứng hát hò, san sẻ những kín đáo rất khó san dưới phố.

    Kể chuyện làng: Bỏ phố lên đồi - Ảnh 2.

    Nhiều cánh cổng ở "xóm Hà Nội" nửa khép nửa hở, sẵn sàng đón hàng xóm. Ảnh: Tác giả cung cấp

    Chủ nào khách nấy. "Xóm Hà Nội" ở Đồng Bèn cuối tuần thu hút những người sợ hãi đám đông du lịch, tìm chỗ vắng vẻ nghỉ ngơi hoặc vẫn làm việc. Trong căn bếp chung của homestay, mỗi gia đình mỗi mâm nhưng câu chuyện cứ vắt sang nhau dù chẳng hề quen biết. Chủ đề liên kết nhất là trẻ mỏ bị đánh cắp tuổi thơ. Sau hồi than thở, một bà mẹ hào hứng kể đấu khẩu với cô giáo trù con không theo lớp học thêm của cô. Phần mình, ông bố khoe thời cách ly dịch Covid-19 đổ cát ra góc sân cho con vầy. Đến lúc cao hứng nhất, hai mâm không thể không gộp lại, còn lũ trẻ ra ngoài để được biết thế nào là bọ rùa, mối cánh.

    Nhiều điều bổ ích thu nhặt được lắm, cho dù ra về vẫn chẳng biết tên nhau. Mà ở lâu thêm có thể được nghe cồng chiêng, mo Mường, biết tích người bản địa – một tầng văn hóa khác làm kỳ nghỉ thêm giàu có. Nhóm cư dân mới đem lại sắc thái khác lạ cho Đồng Bèn, chắc hẳn cũng thu hẹp không gian văn hóa gốc, bao nhiêu sử thi, từ ngữ, tập quán…

    "Xóm Hà Nội", vài năm nữa có thể gặp phải thử thách không nhỏ: trẻ lớn lên sẽ học ở đâu, ở lại nơi được tự do tự tại giữa thiên nhiên hay nhất thiết phải vào đại học… Gì thì gì, những con người nơi đây trước hết vẫn là thị dân, chạy thoát khỏi sức ép phố phường khó lắm. Mà tới lúc ấy Đồng Bèn thay đổi thế nào thì cũng khó đoán.

    Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

    Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

    Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

    Bài viết Kể chuyện làng: Bỏ phố lên đồi được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này

    Leave a Reply

    Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

  • - Copyright © Giải Trí Việt Nam - Powered by Blogger - Designed by Jthietkesitedep.com -