Đã 48 năm kể từ khi chiến tranh lùi xa, các ca khúc thuộc dòng nhạc cách mạng (nhạc đỏ) vẫn vang lên trên khắp mọi miền đất nước. Tại đó, trong suốt 20 năm nay, Trọng Tấn luôn là cái tên ở hàng đứng đầu với hàng loạt show diễn trên khắp đất nước, dù nhiều thế hệ kế cận đã xuất hiện. Liệu có thể lý giải thế nào về điều này?
- Điều này có lẽ cần những nhà chuyên môn nghiên cứu. Tôi thì không biết được (cười). Có thể khán giả chấp nhận chúng tôi (Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Anh Thơ) quá nên hơi khắt khe với những người phía sau chăng? Vả lại, theo quan sát của tôi, vẫn có nhiều nghệ sĩ trẻ xuất hiện với những tác phẩm âm nhạc chất lượng, họ cũng được yêu mến và có đối tượng công chúng của riêng mình.
Anh sinh vào năm 1976 – một năm sau ngày đất nước thống nhất, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Liệu điều này có phải là thế mạnh của anh so với thế hệ sau, khi nó khiến anh cảm nhận về những ký ức chiến tranh một cách rõ rệt hơn, từ đó truyền tải những ca khúc nhạc đỏ thêm trọn vẹn?
- Tôi không nghĩ vậy. Sinh ngay sau chiến tranh có vất vả, có nghèo khó, nhưng cảm nhận về thời chiến cũng chẳng có gì. Tất cả những gì tôi biết được đều qua phim ảnh, sách báo, qua lời kể của cha mẹ. Thậm chí ngày xưa chúng tôi còn thiệt thòi hơn các bạn bây giờ nhiều, phương tiện nghe nhìn rất ít, thông tin thì eo hẹp nghèo nàn.
Thời niên thiếu, tôi nhớ xung quanh đều nghe nhạc bolero, tôi cũng non nớt trong việc thẩm thấu những câu chuyện về đất nước, về dân tộc. Để rồi khi lớn lên, tiếp cận nhiều, mọi thứ vỡ ra dần. Mình cứ thế đọc, hiểu và cảm được cái hay, cái đẹp của một ca khúc cách mạng.
Tôi vẫn cho rằng điều quan trọng chính là sự cảm thụ, rung động của người nghệ sĩ. Câu chuyện được kể ra cho khán giả chính là câu chuyện mà trong thâm tâm mình cảm nhận được.
Anh đánh giá thế nào về vị thế của dòng nhạc cách mạng, dòng nhạc ca ngợi quê hương, đất nước ở thời điểm hiện tại, khi hoàn cảnh đất nước đã có nhiều thay đổi?
- Để nói về dòng nhạc này, tôi nghĩ điều đầu tiên có thể khẳng định chính là sự trường tồn. Nhạc cách mạng, nhạc ca ngợi quê hương đất nước không phải là sự giải trí đơn thuần, nó cao cả, thiêng liêng và mãnh liệt hơn như thế. Đương nhiên có lúc nhạc đỏ nhiều người nghe, có lúc ít đi, nhưng nó sẽ luôn tồn tại và nắm giữ một vị trí riêng biệt.
Cũng phải nói thêm rằng, mỗi dòng nhạc khi tạo lập được chỗ đứng trong đời sống cũng đều có cách sống của riêng nó. Không thể so sánh tình yêu này với tình yêu kia, cũng như sự quan trọng của dòng nhạc này hay dòng nhạc khác. Nhạc cổ điển hay tiền cổ điển xuất hiện từ thế kỷ 15,16 tại phương Tây, tới nay vẫn được biểu diễn ở các khán phòng trên khắp thế giới, được công chúng đón nhận say mê, trang trọng. Dòng nhạc Rap mới đây cũng vậy. Trước kia, khi Rap mới ra đời, những người ở thế hệ tôi rất khó nghe, khó cảm thụ. Nhưng hiện tại, khi nghe các bạn trẻ đọc Rap trong một ca khúc, tôi cảm thấy rất thân quen. Mình bắt đầu lắng nghe được thông điệp mà họ gửi gắm trong ca khúc đó.
Nhiều năm nay, anh không phát hành sản phẩm âm nhạc mới. Có phải anh có phần kiêng dè với thị trường âm nhạc hiện nay, nơi mà có nhiều thể loại âm nhạc mới và nghệ sĩ mới phát triển?
- Tôi đã phải dừng phát hành cách đây mấy năm, không ra đĩa gì nữa vì không bán được. Đó là thực trạng chung của thị trường, không chỉ riêng tôi. Trước kia, tôi tổ chức một liveshow ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, bán được 4.000 vé là khủng khiếp. Hiện nay, Youtube đã cho phép con người tiếp cận cả 1 triệu lượt xem trong một ngày. Sau này, rất có thể sẽ có những nhà hát số - nơi những nghệ sĩ chính thống, nghệ sĩ opera biểu diễn, khán giả muốn nghe chỉ việc thanh toán qua internet. Phải thay đổi thôi và cần ủng hộ những thứ mới mẻ như vậy phát triển.
Tôi vẫn duy trì kênh Youtube, ra những video để gặp gỡ khán giả của mình. Tôi cũng không bó buộc mình nhất định phải ra sản phẩm mới, khi nào phù hợp thì mình làm thôi. Với dòng nhạc này, tôi nghĩ thứ chinh phục trái tim người nghe vẫn làm sự chân thành và giản dị.
Quay trở lại quá khứ một chút, hình như một trong lý do quan trọng khiến anh bắt đầu theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp là bởi được miễn học phí?
- Đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng, đương nhiên không phải là yếu tố quyết định. Lý do lớn nhất vẫn là tôi đam mê âm nhạc thực sự, ngoài năng khiếu còn là sự yêu thích từ nhỏ. Từ năm cấp 2, cấp 3, tôi đã tự học đàn, chơi đàn và tham gia các hoạt động của trường, cũng tham gia một vài cuộc thi ở tỉnh và đoạt giải khá cao. Đó là động lực để tôi nghĩ rằng mình có thể theo đuổi được con đường âm nhạc.
Ngày ấy cuộc sống khổ cực, những đứa trẻ từ nông thôn như tôi đều mông lung lo lắng về tương lai. Thứ nhất là liệu mình có đủ chi phí cho 4,5 năm học tiếp theo không? Thứ hai là ra trường mình sẽ làm gì? Nếu mình chọn sai nghề thì không chỉ phụ công lao của cha mẹ, cuộc đời mình cũng vất vả, gập ghềnh.
Thời niên thiếu, khi xem phần trình diễn của các nghệ sĩ chuyên nghiệp trên VTV, thú thực tôi không dám nghĩ mình sẽ trở thành một nghệ sĩ, tôi hiểu rằng hát chơi với hát chuyên nghiệp khác nhau nhiều lắm. Nhưng tình yêu là như vậy, vì yêu nên mình vẫn đi và vẫn nuôi hy vọng rằng có thể đây là con đường sẽ phù hợp với mình.
Cuối cấp 3, thông tin hệ Trung cấp chính quy của Nhạc viện khi ấy được hỗ trợ hoàn toàn chi phí học tập, chỉ tự lo phần ăn ở tại Ký túc xá là chất xúc tác cho tôi quyết định theo âm nhạc. Nhà nghèo, tôi khó có khả năng để thi một trường nào khác, thí dụ những trường tôi rất thích và có thể thi được, như Kiến trúc hoặc Tài chính chẳng hạn.
Ngày đầu đặt chân ra Hà Nội, chắc hẳn anh đã rất mông lung về tương lai của mình?
- Không thể trả lời ngay từ đầu đâu. Dù rằng, cũng có những anh chị đi trước đã cho mình thấy triển vọng của nghề, như anh Tấn Minh, chị Mỹ Linh... – những người thành công và trưởng thành từ Nhạc viện.
Năm 1995, tôi ra Hà Nội thi vào Nhạc viện, không hề biết rằng phải ôn luyện trước. Một anh bạn dẫn tôi lên gặp cô Minh Huệ (người thầy đầu tiên của Trọng Tấn trong nghề - PV) nhưng cô không nhận. Cô bảo: "Chỉ còn 12 ngày nữa là thi, con ra quá muộn rồi, thôi năm sau thi lại". Hoang mang khủng khiếp, tôi nghĩ bụng: "Chắc năm nay mình trượt rồi. Có gì hát nấy", mấy đứa chúng tôi kéo nhau qua phòng bên cạnh cùng nhau tự tập.
Không ngờ tiếng hát của tôi đã may mắn lọt vào tai cô. Cô đứng ngoài lắng nghe, rồi đột nhiên gõ cửa. Cô bảo: "Con vừa hát à, hát lại cô nghe", rồi bảo sang phòng cô để thử tiếp về cảm thụ âm nhạc. Ngay sau đó, tôi được cô nhận học.
Anh bước vào những ngày đầu tiên tại nhạc viện (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia) như thế nào?
- Có khoảng hơn 100 người dự thi khoa Thanh nhạc năm đó và chỉ đỗ 3 người, trong đó có tôi, với số điểm tuyệt đối. Thầy Trần Hiếu đỡ đầu tôi ngay trước toàn khoa, ông khẳng định tôi sẽ nhận cậu học sinh này và chịu trách nhiệm về cậu ấy. Đó cũng là người giúp đỡ tôi rất nhiều trên chặng đường âm nhạc.
Tháng 9 tôi vào học, đến tháng 11 thầy đã để tôi đi thi Liên hoan giọng hát hay Hà Nội - một cuộc thi âm nhạc rất uy tín thời đó. Tôi giành giải "Giọng hát trẻ triển vọng", bắt đầu được nhiều người biết tới. Cũng có một câu chuyện về cuộc thi này, mà sau này bác Phạm Tuyên kể cho tôi, khiến tôi thêm trân trọng những người nghệ sĩ gạo cội và tâm đức. Bác bảo: "Ngay lần đầu Tấn thi, bác và giám khảo đã chấm Tấn xứng đáng được giải Nhì. Nhưng sau khi bàn bạc, hội đồng thống nhất rằng cậu này mới là học sinh Trung cấp 1, chặng đường còn rất dài. BTC quyết định trao cho cháu "Giọng hát trẻ triển vọng", vừa để cháu tiếp tục đi thi năm sau và giành giải cao hơn, vừa để cháu nỗ lực hơn trên bước đường nghệ thuật".
Sẽ không thể không nhắc tới dấu mốc năm 1999 – khi người người, nhà nhà nghe "Tiếng đàn bầu"– ca khúc anh thể hiện và giành giải Nhất trong cuộc thi Tiếng hát Truyền hình toàn quốc lần 2, cũng là ca khúc đưa tên tuổi Trọng Tấn lên hàng ngôi sao?
- Cảm xúc về "Tiếng đàn bầu" tới giờ trong tôi vẫn còn nguyên vẹn. Khi bước vào đêm Chung kết, tôi đã tự hỏi mình có thể đoạt giải cao hay không khi đêm thi được tổ chức tại TP.HCM, ban giám khảo và công chúng đang thiên về trữ tình, nhạc nhẹ. Khi tôi hát xong, "Tiếng đàn bầu"đạt số điểm gần như tuyệt đối, tôi nhận ra bất cứ điều gì chạm tới trái tim người nghe đều sẽ được ghi nhận.
Suốt một thời gian dài, tôi chật cứng lịch, đi tới đâu cũng được yêu cầu hát "Tiếng đàn bầu". Có thể nói, sau "Tiếng đàn bầu", mọi người bắt đầu quay lại nghe nhạc chính thống nhiều hơn, những ca khúc cũ được đón nhận trở lại mạnh mẽ. "Tiếng đàn bầu" cũng giúp tôi định hình con đường của mình – đó là hát dòng nhạc đỏ, dòng nhạc quê hương – trữ tình.
Từ năm 1999, cái tên Trọng Tấn chính thức được coi như một ngôi sao nhạc đỏ hàng đầu. Anh được xếp cùng với những tên tuổi lớn và kỳ cựu như nghệ sĩ Trung Đức, Thanh Hoa, Thu Hiền, trong khi mới 23 tuổi. Khi đó, anh có chút nào tự mãn?
- Được đi diễn với chú Trung Đức, cô Thanh Hoa, cô Thu Hiền, lứa sau một chút là anh Đức Long, anh Tấn Minh, trong Nam là anh Tạ Minh Tâm, chị Ánh Tuyết…, tôi thấy hạnh phúc và tự hào. Có thể nói, từ thời cô Thanh Hoa, Thu Hiền tới thế hệ tôi, các nghệ sĩ nhạc đỏ gần như đã ngắt quãng trong một khoảng thời gian khá dài. Tôi không chỉ vui vì mình được đón nhận, mà còn vui khi mọi người đón nhận một cách mãnh liệt lứa nghệ sĩ trẻ hát nhạc chính thống.
Trong chặng đường của anh với rất nhiều vinh quang, có giai đoạn nào anh thấy hẫng hụt trong sự nghiệp không, thí dụ như câu chuyện xảy ra vào năm 2013?
(Sau một chương trình nghệ thuật tại Lào, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã gửi công điện yêu cầu đình chỉ biểu diễn Trọng Tấn tại các chương trình nghệ thuật trong nước và nước ngoài – PV).
- Tôi không cho đó là nốt trầm trong sự nghiệp, có lẽ bởi bản thân tôi là người sống lạc quan, tôi cũng không phải là người đặt quá nhiều mục đích ở tương lai, rằng mình phải đạt được cái này hay cái kia trong thời gian ngắn.
Cũng bởi vậy, trong cả cuộc đời mình, tôi không bao giờ bi luỵ hay chùn chân khi vấp váp. Câu chuyện bạn nhắc tới vào năm 2013 là bài học lớn cho nghệ sĩ chúng tôi trong việc tương tác trong công việc với những cơ quan quản lý nhà nước. Xét cho cùng, đó là cái được lớn để mình bước tiếp vững chãi hơn, không lặp lại vết xe đổ của quá khứ.
Bản thân tôi không phải người cố tình làm những điều không tốt cho tập thể. Sự sơ sẩy đó diễn ra là một cơ hội giúp tôi lắng lại, có sự sắp xếp lại trong công việc, tương tác tốt hơn với đơn vị tổ chức khi tham gia những chương trình khác nhau, làm sao để sau đó cả hai bên đều hiểu nhau và đưa ra quyết định đúng.
Gần đây, dư luận nói nhiều về sức ép của hào quang nghệ sĩ? Anh có bao giờ thấy hào quang của mình đôi khi có mặt trái?
- Tôi không nhìn con đường của mình theo hướng của hào quang, tôi nhìn theo hướng của tình yêu. Và thực sự nó là như vậy.
Để một đêm nhạc thành công, khán giả phải yêu thương, rút ruột gan cùng nghệ sĩ. Trong một không gian không có khoảng cách như thế, sự thăng hoa là chung, chứ không phải anh đứng trên sân khấu mới là tâm điểm. Nếu anh không làm tốt, hoặc khán giả không có sự tương tác tốt, đều tạo nên thất bại.
Mối quan hệ giữa nghệ sĩ là công chúng là sự gắn kết muôn đời. Hai bên đều cần nhau, đều yêu thương nhau. Bỏ qua tình yêu nam nữ, đây là thứ tình yêu hết sức trong sáng và đẹp đẽ.
Bạn thử nghĩ xem, những con người không biết mình là ai, thậm chí ở xa mình cả ngàn km, họ yêu mình, chia sẻ với mình, thể hiện sự quan tâm qua Youtube, qua Facebook. Đó chắc chắn là tình yêu, không là gì khác được.
Những bản song ca của anh và con trai Tất Đạt thu hút gần 1 triệu lượt xem trên mạng xã hội. Con cũng từng xuất hiện cùng anh trên nhiều sân khấu lớn. Hơn 10 năm trước, khi trò chuyện với tôi, anh từng nói sẽ ủng hộ nếu con mình đi theo con đường của cha. Dường như điều đó đang dần trở thành hiện thực?
- Tôi không ép buộc con nhưng hạnh phúc khi chúng đều theo đuổi lĩnh vực âm nhạc. Đạt có chất giọng và gia đình đang cho theo thanh nhạc. Hai vợ chồng đều thống nhất với nhau rằng: Chúng tôi sẽ cho con định hướng, nền tảng, chia sẻ với con về con đường đi, rằng con khá phù hợp với chính thống, con có thể tiếp cận nhiều hơn với ballad, pop, hoặc semi classic… Đến thời của các con, khán giả có thể nghe nhạc khá tốt rồi.
Một mặt khác, những người trẻ họ sẽ thích những thứ mới mẻ. Bản thân Tấn Đạt hiện tại thích Pop hơn, con mong muốn vừa nghệ sĩ, vừa là nhà sản xuất cho những tác phẩm của mình. Đạt đang học hai trường: Học viện Âm nhạc quốc gia và khoa Âm nhạc ứng dụng – ĐH Thăng Long. Con được học về công nghệ phòng thu, sáng tác, nhảy, biết làm nhạc, hiểu về những xu hướng âm nhạc mới. Có thể nói, chắc chắn Đạt sẽ đi một con đường khác với bố. Và chính bản tôi cũng mong muốn điều đó.
Nói đến Trọng Tấn, khán giả luôn nhớ tới một người đàn ông dành nhiều sự quan tâm cho gia đình, con cái. Có lẽ điều đó khiến cuộc sống của anh hiện tại khá an yên, tôi cũng ít thấy anh xuất hiện tại các buổi gặp gỡ hay sự kiện?
- Đúng là tôi hướng nội và rất coi trọng giá trị gia đình. Tôi có thể ngồi trên tầng thượng này và uống trà, chăm cây, ngắm lũ mèo cả ngày mà không chán. Có những khoảng thời gian mấy ngày tôi không ra khỏi nhà, tôi vẫn thấy rất vui vẻ và tận hưởng.
Tôi cũng người yêu con trẻ. Ngoài thời gian công việc, tôi tranh thủ ở cạnh các cháu như những người bạn, chia sẻ với con đủ chuyện. Làm bạn với con, nói thì dễ nhưng lại rất khó, tôi mong mình được đồng hành trong sự trưởng thành của con.
Anh và vợ bên nhau từ thời phổ thông, cô ấy là mối tình đầu và anh cũng từng khẳng định đó là tình cuối. Thường người ta rất dễ chán nhau khi đã bên nhau suốt một chặng đường dài. Còn anh, anh đã duy trì sự ấm áp, lãng mạn trong gia đình mình như thế nào?
- Thực ra chẳng ai định làm thế nào cả, bởi khi ta nghĩ phải làm thế nào để giữ hôn nhân thì chính tỏ cuộc hôn nhân đó đã có vấn đề.
Tôi và vợ quen nhau từ thời cấp 3, bên nhau một hành trình dài đến hiện tại. Bên cạnh sự vun đắp cho cuộc sống chung, chúng tôi cũng có sự tôn trọng, chia sẻ lẫn nhau. Giữa cả hai hiện tại là một tình cảm vượt lên tình yêu thông thường - đó là tình tri kỷ.
Hôn nhân là sự kết nối của hai con người từ xa lạ đến nắm tay nhau để đi cùng một chặng đường dài. Khi hướng về nhau và có ý muốn chăm sóc cho hôn nhân như cách mình chăm cây cối, đến một ngày sẽ cho ra quả ngọt. Đó là cảm giác không thiếu nhau được, coi nhau như một phần không thể thiếu vắng trong cuộc đời mình, có nhiều câu chuyện chỉ nói được với nhau. Khi ấy, những vất vả, lo toan hay vụt vặt thường tình ta sẽ vượt qua một cách dễ dàng.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Bài viết Ca sĩ Trọng Tấn: Tôi từng hoang mang khủng khiếp trong lần đầu bước chân vào Nhạc viện được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này- Home>
- tin tc giai tri , tin tuc , tin tuc 24h >
- Ca sĩ Trọng Tấn: Tôi từng hoang mang khủng khiếp trong lần đầu bước chân vào Nhạc viện