• Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

    Diễn xướng dân gian của người Mường Phú Thọ. 

    Đặc sắc nghệ thuật diễn xướng dân gian

    Phú Thọ có gần 50 dân tộc cùng chung sống lâu đời, tạo nên màu sắc đặc trưng cho vùng đất Tổ. Trong đó, dân tộc Mường có hơn 200.000 người, sinh sống tập trung tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập và Thanh Thủy. Đến nay, nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật, nhất là nghệ thuật diễn xướng dân gian vẫn được người Mường ở Phú Thọ giữ gìn.

    Đặc sắc diễn xướng văn hóa dân gian trong lễ hội người Mường - Ảnh 2.

    Từ xa xưa, cồng chiêng là loại nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Mường. Dù già, trẻ, gái, trai đều có thể tham gia đánh cồng chiêng. Ảnh: H.N

    Trong những tháng đầu năm, nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo dân tộc Mường, như: Lễ hội Đình Khoang, lễ hội Đình Cả, lễ hội Đình Thạch Khoán, lễ hội Đình Thủ Rồng, lễ hội Đình Chung... Trong đó, ấn tượng nhất trong những lễ hội này là phần diễn xướng dân gian, cuốn hút người dân, du khách tham gia.

    Nghệ nhân Đinh Văn Thành (xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn) chia sẻ, trong các lễ hội của đồng bào Mường, nghệ thuật trình diễn dân gian đóng vai trò quan trọng trong phần hội, vừa tạo nên không khí vui tươi vừa thể hiện rõ bản sắc văn hóa. Những bài hát, điệu múa dân tộc đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt cộng đồng của bà con.

    Đặc sắc diễn xướng văn hóa dân gian trong lễ hội người Mường - Ảnh 3.

    Múa trống đu của đội văn nghệ dân tộc Mường, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: H.N

    "Trong đó, hát ví, múa mỡi, múa trống đu, múa sênh tiền, đâm đuống, tấu cồng chiêng… là những hoạt động diễn xướng dân gian được trình diễn nhiều nhất, tạo bản sắc văn hóa riêng của dân tộc Mường ở Phú Thọ" – nghệ nhân Đinh Văn Thành nói.

    Theo ông Thành, múa mỡi là một trong những điệu múa đặc trưng của người Mường trong dịp lễ hội. Mọi người vui vẻ múa quanh thầy mo, thể hiện động tác gặt lúa, mời cơm, mời rượu. Đồng thời, biểu diễn một số động tác săn bắn, bắt cá suối, trồng bông dệt vải, cầu mong có thần linh phù trợ, mùa màng tươi tốt, nhà nhà vui tươi, khỏe mạnh.

    Bên cạnh múa mỡi, múa sênh tiền, đâm đuống cũng là những điệu múa diễn xướng nghệ thuật dân gian đẹp, thể hiện sự trân trọng đối với thành quả lao động của người Mường trong sản xuất và sự đoàn kết giữa mọi người trong bản. Ngày nay, múa sênh tiền, đâm đuống được đồng bào Mường ở các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập biểu diễn trong các lễ hội mùa Xuân, lễ hội Đền Hùng và những ngày hội của bản Mường.

    Cồng chiêng, nghệ thuật diễn xướng không thể thiếu của người Mường

    Nói đến nghệ thuật diễn xướng dân gian của người Mường, không thể không nói đến nghệ thuật cồng chiêng.

    Nghệ nhân Đinh Văn Thành cho biết, chiêng tham gia vào tất cả các hoạt động đời sống người Mường từ khi sinh ra cho đến khi về với Mường trời. Âm thanh của cồng chiêng như tiếng đồng vọng của núi rừng, sông, suối, hòa quyện với nhịp sống của mỗi người dân bản Mường.

    Đặc sắc diễn xướng văn hóa dân gian trong lễ hội người Mường - Ảnh 4.

    Múa sênh tiền được người Mường biểu diễn trong lễ hội Đình Thạch Khoán ở Phú Thọ. Ảnh: H.N

    Chiêng được sử dụng linh hoạt, tùy theo từng công việc, nghi lễ có thể sử dụng đơn chiếc, thành dàn nhỏ từ 2 - 3 chiếc, song chủ yếu được sử dụng theo dàn. Một dàn chiêng đầy đủ có 12 chiếc chiêng to, nhỏ khác nhau, biểu thị của 12 tháng trong năm, do 12 người cầm, tấu theo những bản nhạc, điệu thức nhất định. Khi biểu diễn, đội hình chơi chiêng thường được sắp xếp theo hàng dọc, hình tròn hoặc xếp theo hàng ngang. Có thể đánh chiêng tại chỗ hoặc vừa đi vừa đánh.

    Ngày xuân, chiêng theo phường sắc bùa chúc Tết, mang may mắn đầu năm đến tận cửa mỗi nhà. Chiêng chúc phúc cho đôi uyên ương trong ngày cưới. Chiêng thành khẩn tiễn biệt những linh hồn từ xứ Mường người về xứ Mường ma. Chiêng thúc giục những bước chân đi trẩy hội xuống đồng, gọi nhà nhà tới chia vui cơm mới, xua tan những điềm dữ trong cuộc sống và mang về ước nguyện ấm no...

    Cứ thế, chiêng được truyền thụ qua nhiều thế hệ, trở thành nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Mường.

    Đặc sắc diễn xướng văn hóa dân gian trong lễ hội người Mường - Ảnh 5.

    Diễn tấu cồng chiêng là một đặc trưng, mang ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Mường. Ảnh: H.N

    Hiện nay, để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã thành lập các câu lạc bộ cồng chiêng, tổ chức các hội thi nói tiếng dân tộc Mường...

    Bên cạnh hoạt động tập luyện và trình diễn cồng chiêng, các thành viên câu lạc bộ cồng chiêng còn sưu tầm, sáng tạo, khôi phục lại các làn điệu dân ca, nhịp múa cồng chiêng, các trò chơi truyền thống... Qua đó, góp phần lưu giữ những nét đẹp truyền thống của dân tộc Mường, nâng cao tình yêu bản làng, yêu văn hóa dân gian dân tộc cho thế hệ trẻ.

    Bài viết Tại sao cồng chiêng là nghệ thuật diễn xướng dân gian không thể thiếu của người Mường Phú Thọ? được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này

    Leave a Reply

    Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

  • - Copyright © Giải Trí Việt Nam - Powered by Blogger - Designed by Jthietkesitedep.com -