Mặc trong tim đã có 5 chiếc stent, nhịp đập đã có vẻ mệt mỏi, ông cứ như một nhà văn trẻ, luôn háo hức với những gì đang viết và sẽ viết. Năm 2022, ông xuất bản một tập thơ về làng Chèm thần thánh của ông, rất được hoan nghênh trên công luận, bán rất đắt tại lễ hội đình Chèm nổi tiếng của quê ông, lại có vở kịch "Vang bóng một thời" dựa theo tập truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Tuân, gần như cùng lúc được dựng trên sân khấu kịch Lệ Ngọc và sân khấu chèo Hải Phòng, đều được đánh giá rất cao, riêng vở chèo "Vang bóng một thời" của Đoàn chèo Hải Phòng được huy chương vàng Liên hoan chèo toàn quốc 2022.
Chưa hết, cùng trong năm 2022, Nguyễn Hiếu lại có tập lý luận phê bình "Phác thảo chân dung nền sân khấu đương đại" do Nhà xuất bản Sân khấu xuất bản được nhận tặng thưởng của Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương. Lại có một kịch bản phim truyện về Bác Hồ ở Tuyên Quang do Nguyễn Hiếu cùng Hoàng Thanh Du, Bùi Xuân Thảo cộng tác biên soạn cũng đã được quê hương cách mạng đưa vào kế hoạch sản xuất chuẩn bị chào mừng 80 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Đó là chưa kể trong năm ông tiếp tục có đến vài chục bài báo về văn học nghệ thuật nóng bỏng tính thời sự in trên các báo trung ương và Hà Nội.
Cây bút Nguyễn Hiếu chưa bao giờ biết ngơi nghỉ, mặc dù phía sau ông đã là một khối tài sản nghệ thuật đồ sộ ít ai sánh bằng. Đó là ông còn vừa hoàn thành gần 150 chuyện ngụ ngôn và đang viết một chuyện đồng thoại cho thiếu nhi.
Không phải ngẫu nhiên, đánh giá nhà văn Nguyễn Hiếu, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều viết: "Ông là một nhà văn có sức làm việc khủng khiếp. Hình như lúc nào ông cũng viết. Tôi có cảm giác ông không rời bàn viết trừ khi ăn, khi ngủ. Số lượng đầu sách ông đã xuất bản thật khổng lồ".
Không thể viết khác về Nguyễn Hiếu, khi cho đến trước khi từ giã chúng ta, ông đã là tác giả của hơn 30 tiểu thuyết, hơn 200 truyện ngắn, hơn 400 bài thơ, 80 kịch bản sân khấu, 20 kịch bản điện ảnh… Cách đây gần 13 năm, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Nhà xuất bản Hà Nội đã cho xuất bản Tuyển tập Nguyễn Hiếu với 10 tập hơn 6.000 trang, trong đó có đến 6 tuyển tập tiểu thuyết, 2 tuyển tập truyện ngắn, 1 tuyển thơ, 1 tuyển kịch. Cho đến nay, đây vẫn là một sự kiện gây chấn động rất lớn làng văn chương và xuất bản Việt Nam. Chưa bao giờ một tác giả đang sống mà lại có một tuyển tập văn chương đồ sộ như vậy. Các tên tuổi lớn nhiều thế hệ vào hàng cổ điển của văn chương Việt Nam cũng chưa từng ai có được vinh dự như Nguyễn Hiếu, một nhà văn còn rất ít được biết cho đến lúc đó. Tuy vậy, khi chịu khó đọc bộ tuyển tập, đa số những người công tâm, nhất là các cây bút văn học hàng đầu, đều công nhận bộ tuyển tập của nhà văn quê gốc ở Phùng Khoang và làng Chèm, ngoại thành Hà Nội này là một phát hiện đáng giá, rất đáng được Nhà xuất bản Hà Nội thực hiện trang trọng như vậy nhân dịp đại lễ của Thăng Long – Hà Nội, đặc biệt là 6 tuyển tập tiểu thuyết.
Phải nói, hàng loạt tiểu thuyết của Nguyễn Hiếu trong các tuyển tập đó như "Vết xoáy trên ngực làng", "Dòng sông màu máu vẫn chảy", "Con ngố", "Tình nhân", "Chuyện tình người điên", "Người đàn bà quỷ ám", "Chân trời vỡ đôi", "Bốn bước đến chân trời", "Lặng lẽ cuối cùng", "Những mảnh trần gian", "Tôi bán mình", "Tuyết lạnh sau mặt trời"… làm không ít người, trong đó có những tiểu thuyết gia rất "hot" trên văn đàn, choáng ngợp bởi dung lượng lớn lao, sức ám ảnh mạnh mẽ của hiện thực đời sống, của những phận người được phản ánh, sự phong phú, biến hóa, hiện đại, phá vỡ mọi ranh giới các trường phái văn chương của bút pháp.
Nhà văn Ma Văn Kháng từng khâm phục gọi Nguyễn Hiếu là "Lực sĩ của văn xuôi Việt" bởi số lượng tác phẩm "thì trao giải nhất chi nhường cho ai" của ông. Nhà văn Chu Lai thì không mấy chú ý đến số lượng, bởi theo ông trong nghệ thuật số lượng chẳng nói lên điều gì. Điều làm Chu Lai kinh ngạc là cái chất lượng đáng nể trong khối số lượng không ai sánh nổi đó của Nguyễn Hiếu. Ông khẳng định: "Một lực sĩ văn xuôi là một danh xưng đáng tôn vinh. Nhưng một nhà văn biết chắt chiu, nghiêm cẩn với từng con chữ của mình lại còn đáng tôn vinh hơn. Cảm nhận đầu tiên và ấn tượng khá mạnh về tác giả này là sự táo tợn, táo tợn trong ý tưởng và trong cách triển khai, táo tợn cả về nội dung lẫn hình thức. Có cảm giác Hiếu không tuân thủ theo bất kỳ một khuynh hướng sáng tác nào nhưng tìm trong đó lại có tất cả các khuynh hướng, phong cách".
Trong lịch sử sân khấu nước nhà cả xưa và nay, cũng chưa có nhà soạn kịch nào viết nhiều như Nguyễn Hiếu. Xưa, như hậu tổ tuồng Đào Tấn kể cả sáng tác, nhuận sắc cũng chỉ có khoảng 40 kịch bản. Nay, như Lưu Quang Vũ, Nguyễn Khắc Phục nhiều nhất cũng chỉ hơn 50 kịch bản. Trong những kịch bản đã viết, ngoài 300 kịch bản kịch truyền thanh viết theo đặt hàng của cơ quan ông làm việc từ ngày Nguyễn Hiếu tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội cho tới khi nghỉ hưu là Đài Tiếng nói Việt Nam, đã được Đài đưa lên sóng phục vụ nhân dân, trong 80 kịch bản kịch dài đã viết, có 15 kịch bản của Nguyễn Hiếu được dàn dựng thành 15 vở diễn trên sàn diễn của Đoàn Kịch Công nhân Hà Nội, Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát Chèo Quân đội, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Đoàn Kịch Hà Nam Ninh, Đoàn Cải lương Nam Định, Đoàn Chèo Quảng Ninh, Câu lạc bộ Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sân khấu kịch Lệ Ngọc, Đoàn chèo Hải Phòng Chương trình sân khấu Đài Truyền hình Việt Nam. Trong số này có những vở diễn gây được ấn tượng sâu đậm với khán giả hay đạt được những giải thưởng Sân khấu vinh dự như các vở "Linh hồn đông lạnh", "Hàng rào giữa hai nhà", "Kiều" (Nhà hát Kịch Việt Nam), "Người thầy của muôn đời" (Nhà hát Chèo Quân đội), "Thân phận nàng Kiều" (Nhà hát Múa rối Việt Nam), "Tấm Cám", "Vang bóng một thời" (Sân khấu kịch Lệ Ngọc), "Vang bóng một thời" (Đoàn chèo Hải Phòng)…
"Người thầy của muôn đời" là vở diễn từ kịch bản "Thầy Chu" của Nguyễn Hiếu viết về danh sư Chu Văn An và câu chuyện "Thất trảm sớ" nổi tiếng trong sử Việt. "Cái nghiên, cây bút trông hiền lành vậy thôi nhưng sẽ là khởi đầu cho giông tố làm trời đất cuồng xoay", tư tưởng của tác giả đã bộc lộ qua lời đề từ, mượn lời nhân vật Văn Xương Thuỷ thần đầm Cung Hoàng nói với Chu Văn An trong kịch bản. Đây là kịch bản lấy xưa nói nay rất thuyết phục của Nguyễn Hiếu với chủ đề trách nhiệm của người trí thức trước thời cuộc. Kịch bản mô tả khá sinh động triều đại của một vị vua hôn quân với các quan là bè lũ ô lại đang tâm bóc lột người dân đến kiệt cùng, sẵn sàng chà đạp luân thường đạo lý, mọi giá trị cao đẹp của cuộc đời để mặc sức ăn chơi phè phỡn. Kịch bản cũng đã lý giải tinh thần phê phán triệt để, quyết tâm mạnh mẽ trừ diệt tham quan bằng "thất trảm sớ" của Chu Văn An là do vị danh sư đã đi vào cuộc sống của người dân, thấy hết nỗi khổ sở, cay đắng của nhân dân, đã lắng nghe được khát vọng công lý cháy bỏng của họ.
Nguyễn Hiếu từng tâm, sự động lực của ông khi viết kịch bản này là sự vất vả, bất an của nhân dân ta trước bọn tham quan ô lại thời nay. Với tài năng của đạo diễn Doãn Hoàng Giang và các nghệ sĩ xuất sắc của chiếu chèo hàng đầu đất nước là Nhà hát Chèo Quân đội, "Người thầy của muôn đời" đã đứng đầu bảng huy chương vàng của Hội diễn Sân khấu chèo toàn quốc năm 2013 tại thành phố Hải Phòng, rồi được trao giải thưởng "Vở diễn sân khấu xuất sắc nhất" cùng năm của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
"Tấm Cám" là kịch bản Nguyễn Hiếu viết theo đặt hàng của sân khấu Lệ Ngọc, sân khấu kịch nói tư nhân đầu tiên ở Hà Nội, từ khi xuất hiện đã làm sôi động hẳn hoạt động sân khấu vốn khá im ắng phía Bắc đất nước. Chuyện cổ tích "Tấm Cám" đã từng được đưa lên sân khấu kịch hát truyền thống, lên phim nhưng chưa hề được đưa lên sân khấu kịch nói bởi không ít người nghĩ nó không thích hợp với thể loại sân khấu này. Nhưng Nguyễn Hiếu thì không nghĩ không thể đưa lên sàn diễn kịch nói nước nhà chuyện cổ tích mà GS Đinh Gia Khánh, người thầy của ông thời Tổng hợp Văn, coi là tuyệt diệu hơn bất cứ áng văn chương hiện đại nào. Để cho vở kịch giàu tính nhân văn hơn, phù hợp với cả đối tượng khán giả người lớn và trẻ em, Nguyễn Hiếu mạnh dạn từ bỏ chi tiết trả thù tàn bạo của Tấm, để Tấm xin hoàng tử tha tội cho mẹ con Cám, cũng như thay thế nhân vật ông Bụt thành hồn của mẹ Tấm, biến thông điệp "ác giả ác báo" của truyện cổ tích thành thông điệp của vở kịch mà ông muốn đưa đến khán giả: "Tình yêu thương và sự bao dung sẽ hóa giải tất cả".
Kịch bản "Tấm Cám" giàu tinh thần hiện đại nhưng vẫn giữ được hồn cốt của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam đã góp phần quan trọng tạo nên một trong những vở diễn ăn khách nhất của thương hiệu kịch Lệ Ngọc. Mùa hè năm 2019, vở diễn sốt vé suốt mấy tháng trời ngay tại Thủ đô Hà Nội, dù có ngày phải diễn ba xuất. Sân khấu Lệ Ngọc cũng đã đem "Tấm Cám" tham dự Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - Asean trong năm 2019 và đoạt Giải thưởng Hoa Dâm bụt, Giải thưởng dành cho các vở diễn xuất sắc nhất Liên hoan.
Đơn vị sân khấu dựng nhiều kịch bản sân khấu của Nguyễn Hiếu nhất cho đến nay chính là anh cả đỏ của kịch nói đất nước: Nhà hát Kịch Việt Nam với ba kịch bản "Linh hồn đông lạnh" (2008, đạo diễn NSƯT Đỗ Kỷ), "Hàng rào giữa hai nhà" (2011, đạo diễn NSND Lê Hùng) và "Kiều" (2017, đạo diễn NSND Anh Tú). Trong đó, thành công lớn nhất của Nguyễn Hiếu là ở kịch bản "Kiều", kịch bản anh viết từ đặt hàng của NSND Anh Tú, được đạo diễn này dàn dựng năm 2016.
Sáng tạo Nguyễn Hiếu tâm đắc nhất mà anh cho là mấu chốt thành công khi viết kịch nói "Kiều" chính là việc anh tạo ra nhân vật "Thằng bán tơ" chỉ từ bốn câu thơ của Nguyễn Du: "Hỏi ra sau mới biết rằng/ Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ/ một nhà hoảng hốt ngẩn ngơ/ tiếng oan dậy đất, oán ngờ lòa mây". Tuy ngoài bốn câu thơ trên Nguyễn Du không cho biết gì thêm dấu tích, lai lịch của nhân vật "thằng bán tơ" này, nhưng Nguyễn Hiếu lại cho đây là nhân vật rất quan trọng, làm ra mâu thuẫn kịch, gắn với chủ đề kịch nên không thể chỉ là một cái tên phiếm chỉ trên sân khấu. Bởi vậy, anh đã dành nhiều công phu để xây dựng nhân vật thằng bán tơ và động cơ hắn vu oan giá họa cho Vương ông, tạo nên cuộc "bán mình chuộc cha" và 15 năm lưu lạc của nàng Kiều. Nhân vật này được coi là hiện thân của một thói xấu muôn thuở của con người: lòng tỵ hiềm, sự hiểm ác, thói ghen ăn ghét ở, coi việc gieo rắc đau khổ cho người khác là khoái lạc của mình. "Thằng bán tơ" vừa là nhân vật động lực vừa cụ thể hóa thêm chủ đề "Cái đẹp bị vùi dập": Không phải bởi chế độ phong kiến như một thời chúng ta từng nói, cũng không phải vì "chữ tài đi với chữ tai một vần" như lời cụ Nguyễn mà cái đẹp gồm cả sắc - tài - tâm của Kiều đã bị chính những thói hư tật xấu của con người vùi dập, đày đọa không thương tiếc.
Tất cả các sáng tạo tâm đắc đó của Nguyễn Hiếu trong kịch bản "Kiều" là cơ sở quan trọng để đạo diễn NSND Anh Tú, các nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam cùng đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng và các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam tiếp nhận đầy trân trọng, hình thành nên vở kịch nói "Kiều" và vở múa rối cạn "Thân phận nàng Kiều" (NSƯT Lê Chức chuyển thể rối) đều rất thành công và để lại dấu ấn sâu đậm trên đời sống sân khấu Việt Nam.
Vở kịch nói "Kiều" của Nhà hát Kịch Việt Nam được trao giải "Vở diễn sân khấu xuất sắc nhất" của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2017, mở ra một giai đoạn các loại hình nghệ thuật biểu diễn đua nhau làm sống lại kiệt tác của Nguyễn Du trên sân khấu trong thế kỷ 21.
Còn vở múa rối "Thân phận nàng Kiều" của Nhà hát Múa rối Việt Nam thì được dư luận coi là tác phẩm sân khấu hay nhất về Truyện Kiều trong lịch sử, trở thành vở diễn gây ấn tượng mạnh nhất trong Liên hoan Sân khấu Thử nghiệm Quốc tế tại Hà Nội lần thứ IV, đứng đầu bảng vàng Liên hoan, được bạn bè trong nước và thế giới tham dự Liên hoan rất khâm phục…
Nguyễn Hiếu từng tự hào ông nằm trong số không nhiều nhà văn sống được bằng nhuận bút tác phẩm, nhưng đó là ông nói đến nhuận bút ở thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn khi nhiều năm cái tên ông rất "hot" với độc giả và các nhà xuất bản liên tục đặt hàng ông. Còn ở thể loại kịch, Nguyễn Hiếu không may mắn như thế, dù ông thừa nhận đó là thể loại mà ông theo đuổi với tất cả sự đam mê, nhọc nhằn, nhiều trồi sụt, hy vọng rồi thất vọng trong nửa thế kỷ sáng tác văn học của mình.
Năm 1976, kịch bản đầu tiên của Nguyễn Hiếu "Chuyện như thế thì cần phải nói" đến tay nhà văn, nhà soạn kịch kiêm đạo diễn Lộng Chương và được bậc thầy của sân khấu Việt Nam đem dàn dựng cho Đoàn kịch Công nhân Hà Nội. Vở kịch khá thành công, gây được tiếng vang, và đây cũng là thời gian Nguyễn Hiếu được gặp nhà thơ Thế Lữ, Chủ tịch đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, được Thế Lữ đọc kịch bản, góp cho nhiều ý kiến quý giá về nghệ thuật biên kịch và động viên ông hãy theo đuổi nghề viết kịch mà theo Thế Lữ, Hiếu rất nhiều triển vọng đi xa.
Được sự động viên và nghe lời Thế Lữ, Hiếu lao vào viết kịch như điên. Từ đó đến năm 1990, Nguyễn Hiếu đã viết gần hai chục kịch bản nhưng tất cả đều nằm im lặng trong ngăn kéo bàn làm việc của ông, không có vở nào được các đoàn sân khấu hay các đạo diễn sân khấu ngó ngàng. Mãi đến năm 1990, tức 16 năm sau, khi hai đạo diễn Lê Chức và Trịnh Quang Khanh vừa tốt nghiệp từ Liên xô về, muốn dựng vở ra mắt tại quê nhà, hai kịch bản "Bốn trái tim đau" và "Hơn cả vàng mười" mới được hai ông này chọn dựng cho Câu lạc bộ Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam ("Bốn trái tim đau", Lê Chức) và Đoàn kịch nói Hà Nam Ninh ("Hơn cả vàng mười", Trịnh Quang Khanh). Nhưng tất cả cũng chỉ có thể, Nguyễn Hiếu vẫn viết kịch rồi tiếp tục cay đắng cho vào ngăn kéo thêm 18 năm nữa. mãi đến năm 2008, cái kho kịch bản phủ bụi của Nguyễn Hiếu đã lên đến hơn 60 cái thì NSƯT Đỗ Kỷ mới tìm đến và lôi "Linh hồn đông lạnh" ra đựng cho Nhà hát Kịch Việt Nam.
Đọc vài chục kịch bản Nguyễn Hiếu đã viết, tôi mới hiểu những kịch bản đã được dàn dựng chưa phải là những kịch bản hay nhất, đáng tự hào nhất của ông. Sân khấu Việt Nam, nền sân khấu mấy mươi năm nay luôn kêu là thiếu kịch bản hay quả đã lãng phí cả một kho tàng kịch bản hay chưa được dàn dựng của nhà văn Nguyễn Hiếu. Tôi có thể liệt kê ngay nhiều kịch bản như thế: "Trong chiến tranh không có huyền thoại"; "Cu Tũn thích làm người lớn"; "Khi cánh đồng trở lại màu xanh lúa"; "Có những bông đào mãi nở"; "Điều kiện làm cha mẹ"; "Cuộc đời"; "Tình yêu của kẻ biến hình"; "Mạc Đăng Dung, ông vua làng chài"; "Cô gái điềm gầm cầu"…
Tôi thử ví dụ về kịch bản "Trong chiến tranh không có huyền thoại", Nguyễn Hiếu viết năm 1988, tức là gần như cùng lúc nhà văn Bảo Ninh cho xuất bản tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh". Về một mặt nào đó, những phận người và những bi kịch của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại được Nguyễn Hiếu thể hiện trong kịch bản "Trong chiến tranh không có huyền thoại" cũng bất ngờ, táo bạo, dữ dội, đau đớn chẳng kém "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh. Tuy vậy, kịch bản của Nguyễn Hiếu thì cứ nằm im trong ngăn kéo hơn 20 năm qua trong khi tiểu thuyết của Bảo Ninh rất được hoan nghênh cả trong và ngoài nước. Tôi cam đoan rằng, nếu bây giờ, chỉ cần sửa chữa chút ít rồi đưa vào dự thi cuộc vận động viết về chiến tranh cách mạng, kịch bản này thì chắc chắn sẽ được trao giải nhất và sẽ được Nhà hát Kịch nói Quân đội dàn dựng ngay để thay thế cho khá nhiều vở diễn nhạt nhẽo, công thức mà họ dàn dựng nhiều năm qua.
Hay như kịch bản "Cu Tũn thích làm người lớn", Nguyễn Hiếu viết năm 1991, là một kịch bản đề tài thiếu nhi rất hấp dẫn, nhiều sáng tạo mới lạ, rất có triển vọng trở thành một vở diễn xuất sắc cho thiếu nhi của sân khấu Việt Nam, từng làm xôn xao các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ thời gian đó, nhưng rồi các cấp duyệt dựng vở cho rằng, kịch bản thiếu tính hiện thực nên đành bị xếp xó, rồi bị quên lửng luôn từ đó đến giờ…
Ngay hai kịch bản được sáng tác những năm gần đây của Nguyễn Hiếu là "Mạc Đăng Dung, ông vua làng chài" và "Cô gái điếm gầm cầu", một đề tài lịch sử, một đề tài hiện đại, được viết rất công phu, có nhiều sáng tạo mới mẻ, bất ngờ, mang giá trị nội dung, nghệ thuật cao, có tính thời sự nóng bỏng nhưng cũng chẳng có ai nào đụng đến.
"Mạc Đăng Dung" là một kịch bản lịch sử nói về một ông vua chân đất ý thức được trách nhiệm với đất nước với nhân dân, sẵn sàng hy sinh lợi ích bản thân và dòng tộc, biết trọng dụng hiền tài, dù chưa được chính sử công nhận nhưng thực sự bất tử trong lòng dân. Người ta đã bỏ nhiều công phu để minh oan cho triều Mạc, đặt tên Mạc Thái Tổ cho một con đường lớn ở Thủ đô nhưng không hiểu sao lại bỏ qua một kịch bản xuất sắc như thế về vị vua này. Còn "Cô gái điếm gầm cầu" thì lại nói về vẻ đẹp tinh thần của những con người dưới đáy xã hội sống ở các vỉa hè, gầm cầu Hà Nội, những người đang gìn giữ, không để đánh mất hương thơm bất hủ của hoa nhài đất Tràng An đang bị giới giả danh trí thức gọi là tinh hoa mang tham vọng trọc phú dày xéo không thương tiếc. Tôi cũng không hiểu vì sao một kịch bản hay và cần như thế sau khi ra đời vẫn chưa được đơn vị sân khấu nào thực sự để mắt tới.
Một trong những thế mạnh của kịch bản Nguyễn Hiếu là đề tài hiện đại và đó cũng là điểm yếu của sân khấu Việt Nam những năm gần đây, làm cho nó không thể phục vụ đắc lực cho công cuộc chiến đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bị khán giả xa lánh. Thế mà các kịch bản đề tài hiện đại rất công phu, sắc bén và nóng bỏng tính chiến đấu của Nguyễn Hiếu thì cứ theo nhau xếp kho.
Không phải ngẫu nhiên mà cách đây 2 năm, Nguyễn Hiếu, với tư cách một đồng môn hậu sinh khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, đã viết tâm thư gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng để "than nghèo kể khổ" về việc trên như sau:
"Với sự phát động dũng cảm và kiên quyết của anh nên cuộc chống tham nhũng của toàn Đảng, toàn dân trong vài ba năm trở lại đây đã gặt hái nhiều thành quả làm nức lòng dân và mang lại niềm tin lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước. Chính vì vậy nên trong gần chục năm nay với tư cách là nhà văn, nhà viết kịch em đã hưởng ứng bằng việc viết hàng loạt tác phẩm bao gồm tiểu thuyết và kịch bản sân khấu về đề tài này. Đáng tiếc, nếu các nhà xuất bản đã bắt đầu cho xuất bản những tác phẩm này thì các Nhà hát, các đoàn kịch vẫn gần như bất động không dám cho dựng những kịch bản về đề tài này.
Năm 2009, em viết kịch bản sân khấu "Con tàu hoang" phản ảnh những mánh khóe lợi dụng chức quyền để trục lợi, tham ô qua vụ Vinashin. Năm 2015, em viết kịch bản "Mặt nạ trần gian" phê phán lợi ích nhóm trong cổ phần hóa ở ngành GTVT. Năm 2017 em viết "Linh hồn lang thang" phê phán những sai lầm trong công tác tổ chức, đưa con ông cháu cha vào hàng ngũ lãnh đạo. Hầu hết các kịch bản này đều được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng không được sử dụng. Thí dụ như kịch bản "Con tàu hoang" thì mặc dù trong bốn cố vấn nghệ thuật của Nhà hát Kịch Việt Nam thì ba vị đồng ý cho dựng nhưng vị thứ tư là Cục trưởng Cục biểu diễn lại gạt vì lý do "nhạy cảm". Khi đưa sang Nhà hát Tuổi trẻ thì giám đốc Nhà hát này nói: "Em biết dựng kịch bản này thì Nhà hát em rất đông khách, bán được vé vì nói được lòng dân, nhưng sau đó em sẽ mất ghế!".
Nguyễn Hiếu buộc phải kêu cứu như thế bởi vì sân khấu quả đã bất công với anh. Hiếu là một nhà văn, kịch của anh không được dựng thì vẫn có thể được in, được đọc. Nhưng anh hiểu rõ văn chương không thể có sức mạnh trực tiếp, rộng lớn, như sân khấu. Anh rất thấm thía cách đánh giá tác dụng kỳ diệu của sân khấu của danh nhân Đào Tấn: "Sân khấu có thể đến với tất cả mọi người, cả với các bậc học cao hiểu rộng, kẻ mới biết chữ và cả người chưa biết chữ. Sức mạnh của sân khấu như thủy ngân chảy xuống đất, không có lỗ nào là không thể vượt qua, mà công dụng của nó, tuy pháp luật nghiêm khắc và dày đặc, tôn giáo tinh vi, cũng không thể nào thắng được nó".
Chính vì thế, gần 50 năm qua, nhà văn Nguyễn Hiếu đã theo đuổi một khát vọng kịch rực lửa, bền bỉ, gan góc, nhằm góp phần cho một nền sân khấu Việt Nam luôn có ích cho nhân dân đất nước với những kịch bản đầy tình yêu và trách nhiệm. Anh có quyền đòi hỏi một sự đối xử công bằng hơn cho mình.
Nguyễn Hiếu đã đi xa, nhưng đòi hỏi của anh về sự công bằng với những vở kịch không chỉ của mình vẫn còn đó đáng cho chúng ta suy nghĩ!
Bài viết Nhà văn Nguyễn Hiếu và đòi hỏi công bằng cho những vở kịch được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này- Home>
- tin tc giai tri , tin tuc , tin tuc 24h >
- Nhà văn Nguyễn Hiếu và đòi hỏi công bằng cho những vở kịch