Trong buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội ngày 6/3, đại diện trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đã đề xuất xin cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân được tính tương đương học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ để phù hợp ngành nghề đào tạo.
Nhà trường cho rằng, theo quy chế tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ yêu cầu tiêu chuẩn của người hướng dẫn là tác giả chính bài báo khoa học đăng trên tạp chí được Hội đồng Giáo sư Nhà nước đánh giá tới 0,75 điểm trở lên là yêu cầu quá cao. Nhà trường đề xuất chỉ quy định khung điểm là 0,5, đồng thời đề nghị tăng số lượng giảng viên thỉnh giảng cho cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật.
Những đề xuất này đã ngay lập tức gây nên nhiều tranh cãi trái chiều trên các diễn đàn mạng xã hội.
Chia sẻ với Dân Việt, nhà văn Sương Nguyệt Minh cho rằng: "Tiêu chí để được công nhận là Tiến sĩ, Thạc sĩ và tiêu chuẩn để được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú rất khác nhau. Định tính, định lượng của hai thứ này cũng khác nhau. Mục đích của việc công nhận và phong tặng cũng khác nhau. Một đằng là học vị, một đằng là danh hiệu. Một đằng là giảng dạy, nghiên cứu; một đằng là sáng tác, biểu diễn. Một đằng là "dùi mài kinh sử", một đằng là năng khiếu cộng với lao động nghệ thuật... Khác nhau như thế nên không thể tính điểm tương đương bằng nhau, làm thế có khác gì đem thước đo độ dài là met tính tương đương với cân nặng là kilogam".
Theo nhà văn Sương Nguyệt Minh, việc đề xuất trên sẽ tạo nên sự lệch chuẩn và tùy tiện. Và có thể sẽ đến lúc, có người sẽ lại đòi Tiến sĩ được tính điểm tương đương Nghệ sĩ Nhân dân, rồi nhà văn, nhà thơ đòi tính điểm tương đương với Nghệ sĩ Nhân dân thì "văn hóa lâm nguy". Nếu đề xuất này thành hiện thực thì từ lệch chuẩn sẽ dẫ đến loạn chuẩn các giá trị tinh thần.
Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cũng chia sẻ với Dân Việt rằng, Thạc sĩ, Tiến sĩ là học vị và phải hoàn thành quá trình đào tạo mới có bằng cấp, được công nhận. Trong khi đó, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú là danh hiệu được phong tặng dựa trên mức độ cống hiến trong từng lĩnh vực nghệ thuật. Việc phong tặng danh hiệu này ở nước ngoài thường có thời hạn, còn ở Việt Nam thì dường như không có thời hạn, đến khi về hưu rồi không còn làm nghề nữa mà vẫn được xưng danh, được giữ nguyên là chưa đúng.
"Theo tôi hiểu, đề xuất của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội là xin cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân được tính tương đương học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ trong việc tính cơ chết hoàn thành nhiệm vụ chứ không phải xin cơ chế công nhận các giảng viên có học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ là Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú. Điều này xuất phát từ cơ chế tính điểm KPI mà Bộ nội vụ ban hành để xếp loại hoàn thành cho công chức và viên chức theo trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ.
Cụ thể, điểm hoàn thành KPI theo từng ngành nghề sẽ có sự điều chỉnh nhưng về cơ bản, KPI Thạc sĩ là 0,75 sẽ được công nhận hoàn thành nhiệm vụ; 0.95 là hoàn thành tốt nhiệm vụ, 1,5 là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tiến sĩ là 1,5 hoàn thành nhiệm vụ, 1,8 hoàn thành tốt nhiệm vụ, 2,2 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Theo đó, riêng mảng văn hóa - nghệ thuật thì đặc thù hơn không thể tính điểm KPI viên chức, công chức như các ngành nghề phổ biến.
Phải chăng việc đề xuất Nghệ sĩ Ưu tú tương đương với Thạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân tương đương với Tiến sĩ chỉ là "tương đương" về cách tính KPI để xếp loại, đánh giá người lao động dựa trên khối lượng công việc mà họ phải làm? Tôi cho rằng, học hàm, danh hiệu và học vị là hai thứ khác nhau tuyệt đối không thể đánh đồng hay tương đương về mặt giá trị cũng như tác động xã hội. Có người có học vị đầy đủ nhưng phấn đấu làm nghề cả đời cũng không đủ điều kiện để phong học hàm, hoặc danh hiệu nghệ sĩ".
Đề xuất Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú được tính là Tiến sĩ, Thạc sĩ có thể chấp nhận được?
NSND Vương Duy Biên – nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chia sẻ với Dân Việt rằng, việc đề xuất các giảng viên có danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân được tính tương đương học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ để phù hợp ngành nghề đào tạo có thể chấp nhận được trong phạm vi các trường Đại học, Cao đẳng có lĩnh vực đào tạo về những ngành nghề liên quan đến nghệ thuật truyền thống như: Tuồng, Chèo, Cải lương, Dân ca, Múa rối… Và việc này chỉ áp dụng đối với lĩnh vực đào tạo chứ không liên quan đến lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật.
"Chúng ta biết rằng, hiện nay, ở các trường đào tạo lĩnh vực nghệ thuật truyền thống đang rất thiếu các giảng viên có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ. Nhiều trường phải mời các Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú từ các đoàn nghệ thuật vào giảng dạy. Và việc xin cơ chế đặc thù ở đây chính là chấp nhận tính cơ chế hoàn thành nhiệm vụ của các giảng viên là Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú tương đương như các giảng viên có học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ để nhà trường đủ chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đây cũng là một sự linh hoạt để hỗ trợ cho những khó khăn của việc đào tạo các ngành nghệ thuật truyền thống đã tồn tại từ lâu. Còn việc này không thể áp dụng đại trà ở các lĩnh vực khác và càng không đánh đồng Tiến sĩ, Thạc sĩ là tương đương với Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú và ngược lại", NSND Vương Duy Biên bày tỏ.
Theo tìm hiểu, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú là một danh hiệu hay tước hiệu có nguồn gốc từ Liên Xô cũ. Theo như quy chế hiện hành thì danh hiệu này được trao tặng hay phong cho những nghệ sĩ có những cống hiến, đóng góp quan trọng cho nghệ thuật và xã hội.
Tiến sĩ, Thạc sĩ là bằng cấp do một cơ sở đào tạo cấp sau khi người học đã đạt những tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học và học thuật. Thường người được cấp bằng Tiến sĩ phải trải qua ít nhất là 3 năm được đào tạo và nghiên cứu. Nghiên cứu phải thể hiện một đóng góp có ý nghĩa trong chuyên ngành. Người được cấp bằng Thạc sĩ phải trải qua 2 năm được đào tạo và nghiên cứu.
Theo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú.
Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân:
Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương;
Có phẩm chất đạo đức, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho loại hình, ngành, nghề nghệ thuật; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ;
Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên; riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên;
Đã được tặng danh hiệu "Nghệ sĩ ưu tú" và sau đó đạt một trong các tiêu chí sau:
Có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia (trong đó có 1 giải Vàng là của cá nhân).
Các giải Vàng trong nước hoặc quốc tế của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
Có ít nhất 3 giải Vàng quốc gia (nếu không có 1 giải Vàng là của cá nhân).
Các giải Vàng trong nước hoặc quốc tế của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
Có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu giải thưởng theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này nhưng được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong trường hợp cụ thể sau:
Nghệ sĩ là người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi, có nhiều cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật;
Nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương và đất nước;
Nghệ sĩ là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế.
- Home>
- tin tc giai tri , tin tuc , tin tuc 24h >
- Đề xuất Nghệ sĩ Nhân dân được tính là Tiến sĩ, khác nào đem met tính là kilogam?