• Thứ Tư, 25 tháng 1, 2023

    Ký ức làng quê trong tôi là những kỳ nghỉ hè được gửi về quê với ông bà ngoại. Đó là những ngày tháng tuổi thơ vô cùng vui vẻ và chất chứa nhiều kỷ niệm với bạn bè, anh chị em cùng trang lứa và kỷ niệm về ngôi nhà tranh vách đất của ông bà ngoại.

    Quê ngoại tôi có cái tên rất đẹp và ý nghĩa: An Trạch - vùng đất an. Như bao ngôi làng khác của đồng bằng Bắc Bộ, An Trạch (xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) là một ngôi làng nhỏ, ngay đầu làng có cái giếng nước trong vắt, gần đó là ngôi đình mái nâu đỏ, 1 cái sân gạch và 2 cây bàng già, thân vỏ xù xì.

    xuan/Thương nhớ ngôi nhà quê ngoại - Ảnh 1.

    Sân đình làng An Trạch. Ảnh: V.T.H

    Cứ mỗi lần có bão, ông tôi lại hô mọi người hạ phên chắn phía trước cửa, ràng buộc thật chặt cho khỏi bị gió lốc thổi bay, còn bà tôi thì bận bịu vào bếp bung ngô, rang hạt đỗ tương, làm bánh chè lam chuẩn bị cho những ngày bão gió chỉ được phép ngồi yên trong nhà.

    Nhà của ông bà ngoại tôi nằm giữa làng. Đó là một căn nhà 3 gian 2 chái, mái rạ, vách đất. Ngôi nhà nằm sát cạnh đền thờ Đức Ông (thờ Thành hoàng làng). Tôi nghe các cụ nói, ngôi đền thờ Đức Ông rất linh thiêng, buổi tối mà bế trẻ nhỏ đi qua thì thể nào đêm về đứa trẻ đó cũng khóc. Thực hư không biết thế nào, nhưng chúng tôi ngày nào cũng đi đi lại lại qua cổng đền không biết bao nhiêu lần, chui cả vào trong đền chơi trò trốn tìm mà không bị làm sao cả. Giờ thì ngôi đền đó, ngoài thờ Thành hoàng làng, còn có ban thờ các liệt sĩ của làng qua các thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, trong đó có bác ruột tôi – người hy sinh năm 1971 ở chiến trường miền Nam.

    Ông bà ngoại của tôi sống trong ngôi nhà tranh vách đất đó cho đến khi mất. Cứ hai năm một lần, ngôi nhà lại phải đảo mái. Các bác các chú được ông bà nhờ đến giúp trèo lên mái, hất những lớp rạ cũ xuống rồi lợp lại bằng những bó rạ mới được tung lên. Với bọn trẻ chúng tôi thì đó là dịp được ăn ngon vì ông bà tôi không phải trả tiền công mà chỉ mời mọi người đến giúp ăn một bữa thịnh soạn, có thịt, có cá. Tôi còn nhớ, trong một lần như vậy, vì cơm gạo quê mới rất ngon, lại có thịt lợn rang, tôi đã ăn quá no, đến mức không đứng dậy được nữa.

    Với những ngôi nhà tranh vách đất như vậy thì điều lo lắng nhất của ông bà tôi là khi bão về. Cứ mỗi lần có bão, ông tôi lại hô mọi người hạ phên chắn phía trước cửa, ràng buộc thật chặt cho khỏi bị gió lốc thổi bay, còn bà tôi thì bận bịu vào bếp bung ngô, rang hạt đỗ tương, làm bánh chè lam chuẩn bị cho những ngày bão gió chỉ được phép ngồi yên trong nhà.

    xuan/Thương nhớ ngôi nhà quê ngoại - Ảnh 3.

    27 Tết, ông bà cũng đã có cành đào thắm, gói chiếc bánh chưng để chờ con cháu về. Ảnh: Tuấn Việt

    Chúng tôi còn bé nên không phải lo nỗi lo của người lớn. Cứ thấy được ở trong nhà, được ăn hạt đỗ tương rang, ăn ngô bung, nhất là được ăn bánh chè lam là thích mê. Với tôi, cái món bánh chè lam "thần thánh" của bà ngoại còn ngon đến tận bây giờ. Trong những ngày bão, với nồi ngô bung, mẹt bánh chè lam, rá ngô rang, cả nhà tôi quây quần bên nhau, trò chuyện rôm rả, mặc ngoài trời gió rít từng cơn. Bão tan, lũ trẻ chúng tôi còn tha hồ đi thu hoạch "chiến lợi phẩm" là nhãn, bưởi rụng đầy vườn. Vô lo vô nghĩ về thiệt hại của bão, lũ trẻ con chúng tôi thích thú nhặt những quả nhãn rụng cho vào vạt áo, túm chặt, ăn rả rích mấy ngày liền. Rồi nhặt bưởi xếp đầy góc nhà để chơi chắt, chơi chuyền... Suốt nhiều năm tháng đó, rất may, tôi không phải lần nào chứng kiến cảnh quê nhà bị bão lụt, đổ cửa đổ nhà.

    Nhớ về quê ngoại, điều tôi nhớ nhất và thấy vui nhất là những dịp Tết. Câu nói "vui như Tết" thật đúng với chị em chúng tôi ngày đó. Tôi tiếng là sinh ra ở quê nhưng lại xa quê từ nhỏ. Tết với tôi ngày đó là được về quê. Ngoài dịp nghỉ hè, cứ đến Tết là tôi lại được về quê. Đường sá, tàu xe đi lại ngày đó còn rất vất vả. Thường tôi phải đi ôtô 2 ngày trời mới về tới nhà. Riêng đoạn xe ôtô mất nửa ngày về tới Hà Nội, nhưng phải qua cầu Long Biên để vào bến Nứa, rồi xếp hàng mua vé về quê Hưng Yên cũng mất tới nửa ngày nữa. Sau đó lại lên xe từ bến Nứa ngược cầu Long Biên ra Quốc lộ 5, nếu không bị tắc cầu thì tối muộn trong ngày là về tới quê, nhưng thường thì gia đình tôi phải ngủ lại bến Nứa đến sáng hôm sau mới ra ôtô để về quê. Vất vả là thế nhưng cứ nghĩ tới lúc được các chị mừng vui ôm chầm lấy, quay mấy vòng rồi xuýt xoa "ôi, em đã về", được thấy ông, bà chạy ra sân, tủm tỉm "cháu đã về đấy à"… là tôi hết cả mệt.

    Tết với chị em tôi ngày đó còn là được ăn ngon, nhất là ăn bánh chưng. Chỉ để được ăn bánh chưng, chị em tôi có thể thức cả đêm để chờ vớt bánh. Quá trình luộc bánh mười mấy tiếng là cả một thời gian dài để chị em chúng tôi tha hồ tận dụng niềm vui bên bếp lửa bập bùng ở sân nhà ông bà. Khi thì củ khoai lang được vùi vào bếp, khi thì củ khoai tây... Tôi nhớ ông bà tôi không luộc bánh bằng nồi mà bằng một cái thùng phi, bên trên là một chậu nước - vừa là thay thế vung để đậy nắp thùng, vừa lấy nước nóng để cả nhà tắm rửa. Chúng tôi hồi hộp chờ đến lúc vớt bánh vì khi gói, ông ngoại tôi bao giờ cũng dành một ít nguyên liệu để gói những chiếc bánh nhỏ xinh cho chị em tôi.

    Chúng tôi chờ để được người lớn đưa cho chiếc bánh nhỏ xinh đó mà hít lấy hít để mùi thơm của lá, mùi béo ngậy của gạo nếp, của nhân thịt. Cái mùi rất đặc trưng mà ngày đó, chúng tôi phải chờ đợi cả năm trời, chỉ đến tết mới có. Và chúng tôi vẫn thường nghĩ, đó là mùi của Tết.

    Bây giờ thì làng quê tôi đã đổi mới, khác đi rất nhiều. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã vào đến tận cổng nhà bà ngoại. Con ngõ lát bằng gạch chỉ đặt nghiêng trước đây nay được thay thế bằng ngõ bê tông. Những hàng rào bằng cây duối có quả chín vàng, căng mọng, bằng những khóm cây khúc tần phủ đầy dây tơ hồng đẹp đến ngơ ngẩn trước đây, nay đã được thay thế bằng những bức tường xây có gắn dây thép gai. Cái ao đầu làng cũng đã bị lấp để xây nhà, để làm nhà văn hóa thôn. Căn nhà của ông bà ngoại tôi cũng được con cháu xây dựng lại bằng 3 gian nhà gạch mái ngói trên nền đất cũ để làm nơi thờ cúng. Cùng với thời gian, tuổi tác, vật đổi sao dời, những kỷ niệm một thời của chúng tôi giờ chỉ còn lưu lại trong ký ức tuổi thơ nhưng vô cùng thổn thức mỗi khi nhớ về. 

    Bài viết Thương nhớ ngôi nhà quê ngoại được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này

    Leave a Reply

    Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

  • - Copyright © Giải Trí Việt Nam - Powered by Blogger - Designed by Jthietkesitedep.com -