• Thứ Hai, 2 tháng 1, 2023

    Đọc sách cùng bạn: Một phòng chân dung - Ảnh 1.

    Cuốn sách "Những người muôn năm chưa cũ" của nhà văn Trần Thị Trường. (Ảnh: ST)

    Trần Thị Trường là người năng động, tích cực trong cuộc sống. Người đàn bà mạng Hổ chữ Canh này đã từng có một thời ra nước ngoài kiếm sống và kiếm sống được. Nhưng rồi khi đã tạm ổn về phần vật chất thì những nhu cầu tinh thần lại kéo chị về nước lao vào cuộc chơi văn chương nghệ thuật. Ở cuộc chơi này chị cũng hoạt động năng nổ, say mê, hết mình. Chị viết văn, vẽ tranh, làm tổ chức biểu diễn âm nhạc "bầu sô", làm chuyên gia vấn đề tác quyền. Nhờ thế chị quen biết nhiều người trong giới, đủ mọi ngành nghề nghệ thuật. Tính chị lại vui vẻ, hoà đồng, chu đáo nên được nhiều người trong giới tin cậy, yêu mến. Vì vậy chị biết được nhiều mặt của con người nghệ sĩ trong cuộc đời và trong nghề nghiệp. Lâu nay những cái biết đó đã được chị viết thành các bài viết chân dung đăng trên các báo. Nay tập hợp lại thành sách Trần Thị Trường gọi các nhân vật của mình là Những người muôn năm "chưa" cũ vì tuy người còn người mất nhưng tất cả họ vẫn là người đương thời, đã sống và đang sống cùng thời với tác giả, vẫn tham gia đối thoại cùng/với chúng ta.

    NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM "CHƯA CŨ"

    Tác giả: Trần Thị Trường

    Alpha Books & Nhà xuất bản Văn Học, 2022

    Số trang: 452 (khổ 16x24cm)

    Số lượng: 1500

    Giá bán: 239.000đ

    Cuốn sách này mang đến cho người đọc cả một phòng văn chân dung văn nghệ sĩ vừa quen vừa lạ. Quen vì họ - những nghệ sĩ trở thành nhân vật của tác giả - đã là những người nổi tiếng trong lĩnh vực của mình. Những tác phẩm văn chương, âm nhạc, hội hoạ, sân khấu, điện ảnh của họ từ lâu đã được công chúng biết đến. Và cả những sự trúc trắc, trục trặc, những nẻo quanh co, vòng vèo trên đường đời và đường nghề của một số người trong họ cũng đã được nói tới, kể lại. Nhưng khi Trần Thị Trường chạm tới họ chị vẫn có điều để nói, để khắc hoạ, làm họ hiện ra trước mắt người đọc có nét lạ. Đấy có thể coi là cái "duyên" của người viết.

    Cái duyên cho chị biết những phần đời của các văn nghệ sĩ mà chị thấy cần viết ra cái nên viết để người đời hiểu thêm, hiểu thấu sự nghiệp sáng tác của họ hơn. Quanh mỗi người nổi tiếng thường có nhiều giai thoại và những lời đồn đại. Trần Thị Trường không sa đà vào những chuyện "câu khách". Chị biết sự chừng mực và tế nhị khi nói tới đời riêng của các nhà văn, nhạc sĩ, hoạ sĩ, nghệ sĩ, đạo diễn, để làm cho bức chân dung của họ mà mình viết ra vừa sang trọng vừa gần gũi. Chi tiết cái cầu thang trong ngôi nhà nhỏ của nhạc sĩ Hoàng Vân ở 14 Hàng Thùng (Hà Nội) là một thí dụ. "Cái cầu thang gỗ cũ hồi nào giờ đã được thay bằng các bậc đá granito. Tôi nghĩ, thay đổi này chắc không ai muốn vì nó làm thay đổi vẻ đẹp luôn sống động trong ký ức của những người yêu nhà cổ, nhất là với nhạc sĩ Hoàng Vân. Ông là người duy mỹ, rất có "gu". Như vậy, cái cầu thang đó đã trở nên một dấu lặng đầy ý nghĩa trong cả bản nhạc cuộc đời của người nhạc sĩ lớn. Nó ghi dấu bước chân của lịch sử một con người và của một dòng nhạc.

    Những chi tiết và những nhận xét đắp bồi các chân dung văn nghệ sĩ có nhiều trong cuốn sách này của Trần Thị Trường. Với nhạc trưởng Lê Phi Phi: "Nhạc công có thể buông bỏ một nhịp, còn nhạc trưởng, bên trong phải căng hết mọi giác quan, nhưng bên ngoài phải điệu đàng..." Với nhà thơ Nguyễn Bảo Chân: "Không chỉ kỹ lưỡng khó tính trong thơ, chị khó với tất cả những gì xung quanh chị, trừ với bạn." Với ca sĩ Lê Dung: "Giữa thực và ảo đôi khi Lê Dung không làm chủ được. Chỉ làm chủ tiếng hát của mình khi bước vào phòng thu và trên sân khấu. Dung có thể làm tan vỡ cuộc đời mình cũng bằng sự bồng bột và ngộ nhận về người khác... Chỉ với âm nhạc là điều Lê Dung vô cùng nghiêm túc và nghiêm khắc với chính mình". Với nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát: "Chị đa cảm và nhiều thất bại với tình ái như hầu hết các văn nghệ sĩ, song lại là người suốt đời cả tin. Cả tin là một đức tính đáng yêu nếu nhìn từ góc độ nhân văn, nhưng cũng là một cái bẫy. Cái bẫy chị bẫy chính mình, như con hổ rơi xuống hố do bản thân con hổ đặt ra và vấp phải vì sự chóng quên. Có lẽ chị đáng yêu nhất ở chỗ ấy, đức tính ấy hơn mọi điều khác. Không chỉ với đàn ông chị cả tin trao tình yêu nỗi khát vọng và với bạn bè xung quanh chị cũng cả tin như thế. Nhiều khi tôi bắt gặp nỗi muộn phiền của chị khi niềm tin của chị bị ngược đãi…" Có thể coi đây là sự khát quát mạnh của Trần Thị Trường cho những người nữ làm văn chương nghệ thuật, dù không chỉ họ là những người cả tin. Chân dung họ vì thế sáng lên rất đời.

    Trần Thị Trường dựng chân dung đồng nghiệp, bạn bè bằng những tư liệu sống về cuộc đời, về hành trình sự nghiệp. Đọc chị, người đọc biết thêm nhiều chuyện sống của văn nghệ sĩ. Nhưng chị còn kết hợp trong phép dựng của mình sự phân tích tác phẩm, nhất là khi nói tới các nhà thơ. Chị dẫn thơ, bình thơ, bày tỏ cảm xúc của mình về thơ. Đoạn chị viết về nghĩa hai chữ "thu không" ở tên tập thơ mới của nhà thơ Đoàn Ngọc Thu thì thấy rõ. Hay như đoạn chị nói về giọng hát của ca sĩ Mỹ Linh khi xử lý bài hát của nhạc sĩ Phó Đức Phương theo yêu cầu khắt khe, cực đoan của ông. Đó là sự đòi hỏi và đáp ứng nghệ thuật để đưa đến một sản phẩm âm nhạc tốt nhất cho người nghe. Ở đây khả năng cảm thụ, phân tích của một nhà văn đã giúp Trần Thị Trường đem lại chiều sâu cho bức chân dung của mình.

    Văn chân dung của chị cũng đầy nồng nàn, da diết, kể chuyện người mà như nói chuyện mình, gây xúc động cho người đọc. Đã có biết bao bài viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng bài của Trần Thị Trường viết dịp giỗ lần thứ 15 của ông với đại từ "mình" xưng hô như trò chuyện, tâm tình vẫn đầy thấu cảm với người nghệ sĩ tài hoa cô đơn với cả chính mình.

    Chân dung văn học là một thể loại khó. Cùng một người có thể có những chân dung đậm nhạt khác nhau do những người khác nhau viết ra trên một cái nền chung cuộc đời và sự nghiệp và trong tương quan xa gần của người viết và đối tượng. Trong sáu mươi chân dung văn nghệ sĩ ở sách này của Trần Thị Trường, người đọc sẽ thấy mình được bổ sung hiểu biết và đánh giá về những gương mặt có lạ có quen đối với mình. Đồng thời qua sáu mươi chân dung ấy độc giả cũng có cho mình một chân dung của tác giả - nhà văn Trần Thị Trường nồng nàn, sâu lắng, gần gũi thân tình. Chị biết nhiều chuyện giới văn nghệ nhưng biết cách kể chuyện để không làm xấu đi hình ảnh đẹp của những con người đã đem lại cái đẹp cho đời qua câu chữ, tiếng hát, hình sắc được họ thăng hoa sáng tạo. Chị viết cho họ và cho cả mình, nhất là khi nói đến các nữ văn nghệ sĩ.

    Gần đây, Trần Thị Trường đã chuyển sang hội hoạ và vẽ nhiều chân dung văn nghệ sĩ bằng màu sắc, trong đó có các nhân vật chị đã viết bài. Được đọc bài và xem tranh của cùng một người viết/vẽ về cùng một nhân vật thì hẳn là điều rất thú. Nó khơi gợi sự hình dung từ chữ sang hình, kích thích những liên tưởng, đoán định. Bạn đọc sách này sẽ được hưởng cái thú ấy. Chỉ khác chút là: cái viết của Trần Thị Trường sẽ được đi cùng cái vẽ của hoạ sĩ Hải Kiên, người mà chị coi là thầy dạy hoạ của mình. Đấy cũng là một cái hay khi cùng một nhân vật hiện ra dưới cái nhìn/viết của người này và cái nhìn/vẽ của người kia. Con chữ và màu sắc của hai người sẽ cộng hưởng và bổ sung nhau, đem thêm khoái cảm cho người đọc/xem.

    Bây giờ mời bạn cùng tôi bước vào phòng văn chân dung của Trần Thị Trường – Những người muôn năm "chưa" cũ cùng với phòng tranh chân dung trên mặt phẳng trang sách của Hải Kiên. Cuốn sách vừa ra với số lượng vạn rưỡi bản nhưng đã có người nhận bán giúp một vạn cuốn. Âu đó cũng là niềm vui của người viết sách và làm sách, nhất là khi năm mới 2023 vừa tới.

    Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.

    Hà Nội, XII/2022

    Bài viết Đọc sách cùng bạn: Một phòng chân dung được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này

    Leave a Reply

    Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

  • - Copyright © Giải Trí Việt Nam - Powered by Blogger - Designed by Jthietkesitedep.com -