CÔNG CHÚA ĐỒNG XUÂN
Tác giả: Trần Thuỳ Mai
Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, 2023
Quyển thượng: số trang 333 (khổ 15,5x23,5cm), số lượng 1500 cuốn, giá bán: 155.000đ
Quyển hạ: số trang 362 (khổ 15,5x23,5cm), số lượng 1500 cuốn, giá bán: 165.000đ
Cuốn tiểu thuyết mới này có thể coi như sự tiếp tục của tiểu thuyết "Từ Dụ Thái hậu" (2 tập) mà nhà văn Trần Thuỳ Mai đã cho ra mắt cách đây 5 năm trước, cũng tại Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam. Nếu như cuốn đầu là viết về thời kỳ mở đầu triều đại nhà Nguyễn từ Gia Long qua Minh Mạng đến Thiệu trị, có thể coi như thời thịnh thì cuốn mới này viết về triều Tự Đức và mấy triều vua tiếp theo khi nhà Nguyễn đụng độ với thực dân Pháp, có thể coi như thời suy.
Trần Thuỳ Mai ở cả hai cuốn tiểu thuyết lịch sử về triều Nguyễn đều xuất phát từ một nhân vật nữ. Từ Dụ Thái hậu là một tấm gương sáng. Là con dâu của vua Minh Mạng, vợ của vua Thiệu Trị, bà đã có công ổn định nội cung cho các vua đầu triều Nguyễn. Công chúa Đồng Xuân thì lại khác. Bà là con út của vua Thiệu Trị với một cung nhân, tên khai sinh là Gia Phúc, được bà Từ Dụ là chính cung của nhà vua coi như con đẻ chăm sóc nuôi nấng, rồi được gả làm vợ Nguyễn Lâm, con trai của danh tướng Nguyễn Tri Phương. Năm 26 tuổi, bà thành goá bụa khi Nguyễn Lâm cùng cha tử trận trong cuộc Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất (1873). Sau đó bà bị tai tiếng là "hoà gian" (thông dâm) với anh trai cùng cha khác mẹ là Gia Hưng công Nguyễn Phúc Hồng Hưu, hoàng tử thứ 8 của Thiệu Trị.
Đây là vụ án thứ hai cùng loại rúng động dưới triều Nguyễn. Đầu triều là vụ bị cho là loạn luân của Hoàng tôn Mỹ Đường, con trai Hoàng tử Cảnh đích trưởng tử của vua Gia Long, với mẹ là Vương phi họ Tống. Nhà văn Trần Thuỳ Mai đã nói về vụ này trong cuốn "Từ Dụ Thái hậu". Và nay chị lại nói về vụ công chúa Đồng Xuân với tư tưởng hai người phụ nữ này rất có thể chỉ là nạn nhân, chứ không phải tội nhân, chỉ là những "con dê tế thần" trong một cơn bão quá tàn khốc của lịch sử.
Cuốn tiểu thuyết vì vậy đã đặt công chúa Đồng Xuân vào giữa cơn bão táp lịch sử đó. Cô công chúa nhà Nguyễn đã phải trải qua những biến thiên kinh hoàng của thời cuộc: khởi nghĩa Chày Vôi, trận đánh đồn Kỳ Hoà, hai lần Pháp đánh thành Hà Nội, thất thủ kinh đô. Nhà văn đã mô tả lại các sự kiện lịch sử thời đó bằng con mắt nhìn của thời nay. Các nhân vật lịch sử được gọi dậy trên trang văn để đối thoại với nhau và đối thoại với hôm nay trên nhiều vấn đề chưa dễ đã không còn thời sự. Vấn đề hoà hay chiến trước sự xâm lăng của quân Pháp thông qua thái độ của vua Tự Đức và các đại thần như Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết. Vấn đề "bình Tây sát Tả". Vấn đề canh tân đất nước qua những trăn trở của Nguyễn Trường Tộ.
Có một nhân vật hư cấu đi xuyên tác phẩm. Đó là Nguyễn Chí, một võ tướng, một người theo đạo, một người muốn cứu nước không phải bằng con đường mù quáng khi đã biết thế và lực của nước mình thua kẻ thù. Nguyễn Chí ở bên cạnh Phan Thanh Giản khi vị đại thần này tự sát thân để chứng tỏ tấm lòng yêu nước của mình. Nguyễn Chí ở bên cạnh Nguyễn Trường Tộ phút hấp hối đau đớn thấy những điều trần canh tân đất nước của mình không được nhà vua và triều đình thực thi. Nguyễn Chí thoát khỏi mọi hiểm nguy, ngay cả khi đã cận kề cái chết. Nguyễn Chí xuất hiện từ ngay đầu tiểu thuyết cho đến khi tiểu thuyết kết thúc. Đó là khi Nguyễn Chí cùng với Đoàn Châu, em gái Đoàn Trưng thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Chày Vôi, sau bao nhiêu tao loạn, đã cùng nhau mở một cái quán bên sông Hương. Và một buổi sáng có ba chàng trai bước vào quán, đó là ba sĩ tử lai kinh ứng thí, họ mang ba cái tên: Ngô Đức Kế, Nguyễn Sinh Sắc, Phan Chu Trinh. "Ngoài cửa sổ, nắng đã lên, một ngày mới bắt đầu" – nhà văn viết câu này kết thúc tiểu thuyết. Nguyễn Chí, như vậy, có thể coi là nhân vật tư tưởng của Trần Thuỳ Mai ở cuốn tiểu thuyết này.
Còn công chúa Đồng Xuân? Nàng khao khát sống, khao khát tình. Tác giả đã không ngại mô tả những cơn khao khát dục tình của nhân vật khi phòng không bóng chiếc. Và từ đó chị đã để cho cuộc "hoà gian" không rõ thực hư trong lịch sử thành một cuộc tình mãnh liệt của nàng và Nguyễn Chí. Sau bao kìm nén, họ đã ở trong nhau. "Chí không giữ nổi nữa. Chàng cắm ngập vào trong nụ hoa, cảm thấy sự mượt mà bên trong cơ thể nàng đang bó thít lấy mình." (tr. 284). Kết quả họ có một đứa con gái mang tên Đồng Xuân mà khi công chúa mất đi đã về ở cùng trong quán với Nguyễn Chí và Đoàn Châu. Đó là một cách cắt nghĩa và lý giải lịch sử của nhà văn khi viết truyện lịch sử. Trần Thuỳ Mai muốn giải hoặc những nghi án lịch sử của triều Nguyễn theo phương châm của toà án: suy đoán vô tội.
Tiểu thuyết không phải là lịch sử. Nhưng tiểu thuyết lịch sử là một cách nhà văn đưa ra cái nhìn lịch sử theo cách của mình dựa trên các cứ liệu lịch sử hiện hành và theo xu hướng thời cuộc hiện tại. Chọn thời kỳ lịch sử nào, nhân vật lịch sử nào, biến cố lịch sử nào để thể hiện và hư cấu là nhà văn đã chọn đưa ra thông điệp của mình. Trong tiểu thuyết "Công chúa Đồng Xuân" Trần Thuỳ Mai muốn lật lại sự lựa chọn của vua quan nhà Nguyễn thời Tự Đức khi đối diện với thực dân Pháp. Hoà để thủ, thủ để chiến, hay cứ quyết chiến bằng mọi giá dù đã biết trước mười mươi thất bại, mất đất, mất nước. Ngay cả sự cầu viện quân Thanh giúp đánh Pháp cũng là điều rất nguy hiểm. Chỉ trong quyển hạ tác giả đã để cho các nhân vật hễ có dịp là nói tới nguy cơ này. Đây là lời Nguyễn Văn Tường nói với tướng quân Hoàng Tá Viêm: "Chuyện thứ hai đáng lo hơn nữa: hiện giờ muốn đánh Tây phải dựa vào quân Cờ Đen. Mà Cờ Đen chỉ mạo xưng dư đảng Thái Bình Thiên Quốc cho oai, chứ vốn thật nó là đảng cướp. Tệ hơn thế, Cờ Đen thì cũng là Tàu. Giả dụ ta liên mình với chúng mà thắng được Tây, thì càng thắng càng đưa Tàu vào trong gan ruột. Hoàng thượng lo, là lo chỗ đó!" (tr. 62).
Đi từ thân phận và số phận của những người phụ nữ trong cung vua phủ chúa để viết về lịch sử của nhà Nguyễn, triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam nhưng cùng là triều đại còn nhiều vấn đề phức tạp, rắc rối chưa dễ giải đáp, đó là cách nhà văn Trần Thuỳ Mai lựa chọn dùng văn chương để luận lịch sử. Đọc hai cuốn tiểu thuyết của chị, người đọc sẽ muốn đọc tiếp nữa, và cùng với đó là muốn đọc lại lịch sử dưới một nhãn quan mới.
Hà Nội, 31/1/2023
Bài viết Đọc sách cùng bạn: Dùng văn luận sử được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này