Người phụ nữ quật cường trong kháng chiến
NSND Thái Thị Liên sinh năm 1918 tại Chợ Lớn (TP HCM) trong một gia đình Công giáo giàu có. Chị gái bà là Thái Thị Lang, nhà soạn nhạc nữ đầu tiên của Việt Nam, nghệ sĩ piano Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Nhạc viện Paris và từng lưu diễn khắp thế giới. Anh trai bà là luật sư Thái Văn Lung, hy sinh năm 1946 và được đặt tên cho một con đường giữa trung tâm thànnh phố. Bởi tư duy tiên tiến của cha mẹ, các anh chị em trong gia đình đều được học đàn trước khi học chữ.
Năm 1946, ở tuổi 28, bà sang Pháp du học và thi đỗ vào Nhạc viện Paris. Gia nhập vào Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ thế giới, bà đã gặp gỡ và nên duyên với nhà cách mạng Trần Ngọc Danh, lúc đó là Trưởng phái đoàn đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp.
Trở về Việt Nam giữa lúc kháng chiến khốc liệt, họ tích cực tham gia cách mạng. Hai người con là Nhà giáo Nhân dân Trần Thu Hà, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và kiến trúc sư Trần Thanh Bình (người thiết kế Phòng hòa nhạc lớn của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) lần lượt ra đời trong chiến tranh, với nhiều vất vả và gian khó.
Năm 1951, sau khi sinh con gái đầu lòng Trần Thu Hà (1949), nghệ sĩ Thái Thị Liên ôm con bay từ Tiệp Khắc đến Bắc Kinh, rồi theo đường bí mật trở về Việt Nam. Lúc này, Việt Nam đang trong giai đoạn kháng chiến ác liệt. Dù phải bỏ lại quần áo, đồ dùng, nhưng bà nhất định mang theo sách nhạc. Không may, tất cả bị mất hết dưới bom đạn.
Nữ nghệ sĩ bắt đầu chặng đường làm thầy, khi dịch lời những bài hát kháng chiến sang tiếng Pháp để tuyên truyền địch vận, hát cho bọn trẻ nghe ở lớp học chữ do bà mở trong làng, dạy ký xướng âm cho các đoàn văn nghệ. Đau thương đến với bà khi ông Trần Ngọc Danh bị ho lao và qua đời ngay tại chiến khu.
Một thời gian sau, bà hoạt động âm nhạc tại Đoàn Ca Múa nhân dân Trung ương, cũng là nơi bà gặp người chồng sau này, chính trị viên của Đoàn, nhà thơ, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng.
Người phụ nữ tiên phong của âm nhạc Việt Nam
Hoà bình lập lại ở miền Bắc, nghệ sĩ Thái Thị Liên cùng Đội Hợp xướng Hòa Bình do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước dẫn đầu sang Thượng Hải – Trung Quốc để thu thanh những đĩa nhạc đầu tiên của nền âm nhạc Việt Nam. Năm 1955, bà cùng với những nghệ sĩ Tạ Phước, Lê Yên, Tô Vũ, Vũ Tuấn Đức, Doãn Mẫn, Lều Thọ Hợp... sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam (hiện tại là Học viện Âm nhạc Quốc gia). Bà vừa tập hợp những giáo viên dạy đàn tại Hà Nội lúc bấy giờ rồi bồi dưỡng thêm cho họ trong suốt một một năm, vừa biên soạn giáo trình sơ cấp piano và trở thành Chủ nhiệm khoa piano đầu tiên của Nhạc viện.
Bom đạn khốc liệt dội xuống Thủ đô, trường phải đi sơ tán nhiều nơi, nghệ sĩ Thái Thị Liên khi ấy vừa nuôi con, vừa quán xuyến mọi công việc của khoa piano. Bà đào hầm, dạy đàn trong những lớp học nửa chìm dưới lòng đất, rồi đạp xe hàng chục cây về Hà Nội mua thực phẩm lo cho cuộc sống…
Người phụ nữ nhỏ bé nhưng quật cường đã đào tạo nên nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng của nền âm nhạc Việt Nam. Bà luôn được họ nhắc tới như một tấm gương về sự bền bỉ, quyết đoán, về tình yêu và sự nhiệt huyết với học trò.
Nuôi dưỡng con trong âm nhạc
Từng khẳng định, con cái là những gì quý giá nhất, NSND Thái Thị Liên không chỉ dành cho họ tình yêu thương và sự quan tâm mà còn truyền lại niềm say mê lớn lao dành cho âm nhạc. Tình yêu ấy đã nuôi dưỡng nên những người con nổi tiếng: NSND Đặng Thái Sơn - nghệ sĩ châu Á đầu tiên đoạt giải Nhất Concours Chopin, GS. NSND Trần Thu Hà - nguyên Hiệu trưởng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Nghệ sĩ Đặng Hồng Quang (con riêng của người chồng Đặng Đình Hưng) cũng được bà nuôi dưỡng, để rồi sau đó trở thành Chủ nhiệm Khoa Piano Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh.
Chia sẻ trên một tờ báo, NSND Đặng Thái Sơn từng bày tỏ: "Mẹ tôi cũng là người rất thích nhạc Chopin, khi còn đi sơ tán trong những đêm yên tĩnh, trong bóng tối, mẹ tôi chơi đàn dưới ngọn đèn dầu, tôi nghe và yêu thích từ đấy. Cho đến Concour Chopin năm 1970, mẹ tôi mới được mời làm khách tham dự, nhờ chuyến đi ấy của mẹ mà tôi mới có sách, có đĩa để học…".
Trong khi đó, GS Trần Thu Hà xúc động nhớ lại: "Đặt tay lên nốt nhạc đầu tiên cũng là người mẹ và cho đến khi trưởng thành được đi học đến khi trở về và cho đến tận bây giờ sau mấy chục năm ngoài những chuyện tình cảm gia đình ra, nhiều vấn đề khác thì một chủ đề rất lớn giữa 2 mẹ con là nghệ thuật và âm nhạc".
Trong khi đó, dù không theo nghiệp mẹ, TS Trần Thanh Bình từng kể, chính mẹ anh, nghệ sĩ Thái Thị Liên đã biến tấu những bài hát ru con theo điệu dân ca Nam Bộ cho đàn piano. "Khi anh em tôi còn nhỏ, mẹ tôi ngoài đàn piano còn hát ru anh em chúng tôi bằng những làn điệu dân ca, những bài hát ru con Nam Bộ. Chú Sơn (Đặng Thái Sơn) cũng được nghe như thế, nó thực sự thấm vào máu thịt chúng tôi".
Những năm tháng bước vào tuổi thất thập, NSND Thái Thị Liên vẫn cho thấy sự mẫn tiệp của mình khi đi cùng hỗ trợ con trai Đặng Thái Sơn tiếp tục sự nghiệp âm nhạc khắp thế giới. Bà làm đủ công việc hỗ trợ cho con như thư ký, đánh máy, tốc ký, cơm nước, nội trợ. Bà duy trì thói quen chơi đàn hai tiếng mỗi ngày, đắm mình trong những giai điệu piano đầy xúc cảm. Khi trở lại Việt Nam sinh sống ở tuổi gần 100, bà vẫn không ngại nhận dạy học sinh nhỏ tuổi tại nhà để truyền đi đam mê và có thêm niềm vui sống.
Qua đời vào sáng ngày 31/1/2023, hưởng thọ 104 tuổi, NSND Thái Thị Liên đã để lại một cuộc đời đầy tự hào - với hàng loạt dấu ấn tiên phong để lại cho nền âm nhạc Việt Nam. Bà còn nuôi dưỡng đam mê và chắp cánh cho ước mơ của những người con, mà một trong số đó đã trở thành tài năng piano lẫy lừng của thế giới.
Bài viết NSND Thái Thị Liên đã bước qua đau thương, trở thành người thầy, người mẹ vĩ đại như thế nào? được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này- Home>
- tin tc giai tri , tin tuc , tin tuc 24h >
- NSND Thái Thị Liên đã bước qua đau thương, trở thành người thầy, người mẹ vĩ đại như thế nào?