Nhiều năm trở lại đây, cứ đến ngày mồng 10 tháng Giêng – ngày Vía Thần Tài là nhiều người lại làm lễ cúng Thần Tài và đi mua vàng với quan niệm rước may mắn đầu năm. Quan niệm này không xấu và hoạt động này không xấu. Tuy nhiên, không phải ai lễ cúng Thần Tài và chen chân mua vàng để lấy may cũng hiểu được nguồn gốc sâu xa của tín ngưỡng này. Và không phải ai cũng biết rõ về những điều nên và không nên làm trong việc lễ cúng Thần Tài, mua vàng lấy may.
Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ – nguyên giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Nhiều năm trở lại đây, cứ vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch là nhiều người lại đổ đi mua vàng để lấy may (rước may mắn vào nhà) hoặc lấy vía làm ăn. Một số người cho rằng, quan niệm này không liên quan gì đến truyền thống văn hóa của người Việt. Vậy điều này nên được nhìn nhận như thế nào cho đúng, thưa ông?
- Việc thờ tự một vị thần bảo trợ cho việc làm ăn thì mọi nền thần thoại trên thế giới đều có nhưng người ta gọi bằng một cái tên nào đó hoặc gắn với một tín ngưỡng nào đó. Trong văn hóa phương Đông, ngày Tài Thần hay ngày Thần Tài tồn tại ở một số nước, trong đó có Việt Nam. Khi nghiên cứu cội nguồn của tín ngưỡng này, người ta thấy có hai cội nguồn chính. Cội nguồn thứ nhất là xuất phát từ một vị thần Phật giáo có tên là Đại Hắc Thiên. Vị này có hình tướng mặt đen, râu đen, giáp sắt, vũ trụ sắt, roi sắt…. Hiện nay người Nhật vẫn phụng thờ vị thần này với ý nghĩa là vị thần bảo trợ cho sự tăng trưởng, buôn bán. Theo các nhà nghiên cứu Nhật Bản, việc thờ phụng vị thần này có từ thế kỷ IX, tức là vào khoảng thời Tống ở Trung Hoa.
Còn ở Trung Hoa, trước đây người ta không gọi là Thần Tài hay Tài Thần mà gọi bằng tên phiếm chỉ là Triệu Công Minh. Vị thần này có từ thời Hán nhưng nằm trong "tập thể" các vị thần, người ta gọi đó là bộ ôn thần (tức thần giúp phòng trừ địch họa). Phải đến thế kỷ XIII (tức thời nhà Nguyên), tên gọi Tài Thần mới xuất hiện và được thờ tự độc lập. Đến thời nhà Thanh thì tín ngưỡng thờ phụng vị thần này phát triển rất mạnh mẽ ở các không gian buôn bán, đô thị, phố thị và lan tràn sang cả Việt Nam.
Ở Việt Nam, cộng đồng buôn bán của người Hoa cũng duy trì tín ngưỡng này. Tuy nhiên, tín ngưỡng này ở Việt Nam có bản sắc riêng. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, người ta thờ riêng vị thần này thì ở Việt Nam lại phối thờ với ông Địa (Thổ địa). Ban thờ của các vị này thường để ở góc nhà, khám thờ thấp, thờ tự đơn giản. Ở Trung Quốc, người ta thường lễ cúng Thần Tài vào ngày Thượng Nguyên, Trung Nguyên và Hạ Nguyên (rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, rằm tháng Mười), còn ở Việt Nam thì lễ cúng Thần Tài vào ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch.
Trong thực hành tín ngưỡng này có việc đi mua vàng bởi người dân quan niệm vàng là của quý, là tích tụ các giá trị trao đổi và nó có thể đại diện cho vật ngang giá là tiền. Nhưng nó bền vững hơn. Và người dân mua vàng chủ yếu là khởi đầu năm mới bằng một sự tích lũy.
Việc mua vàng để lấy may trong ngày vía Thần Tài có thực sự mang đến may mắn không hay chỉ đơn giản giúp người ta tích lũy được một tài sản có giá trị mà thôi?
- Trước hết, giá trị của việc mua vàng lấy may đầu năm chính là hành vi biểu trưng về việc tích lũy của cải, tích lũy vốn… cho việc buôn bán, làm ăn. Giá trị thứ hai là có một sự kỳ vọng về sự may mắn làm cho mình an tâm hơn trong việc kinh doanh, buôn bán. Việc đi mua vàng lấy may chủ yếu nằm ở hai giá trị ấy. Thường những người thuộc cộng đồng đô thị, phố thị và những người hành nghề buôn bán thì chú trọng điều này hơn, còn nhân dân thì chủ yếu thờ thần Bếp, thờ ông Địa.
Tín ngưỡng thờ thờ cúng Thần Tài và mua vàng lấy may đầu năm cho đến nay vẫn không có dấu hiệu gây ảnh hưởng gì đến đến thể chế chính trị, không ảnh hưởng gì dân sinh quốc kế. Nó là một tín ngưỡng được tôn trọng như những tín ngưỡng khác. Còn niềm tin về may mắn thì có khi vượt hơi quá một chút và có yếu tố mê tín nhưng cái đó cũng không gây ảnh hưởng gì đến sự phát triển của xã hội, cho nên chúng ta tôn trọng.
Nhìn nhận ở góc độ xã hội, ông thấy việc nhiều người đổ đi mua vàng với niềm tin rước được may mắn về nhà sẽ kích thích sự phát triển xã hội và giao thương như thế nào?
- Tôi nghĩ rằng, vàng ở trong dân cũng như nước ngầm trong đất và cuộc sống thì như một cánh rừng. Nước ngầm càng nhiều thì rừng càng tươi tốt. Dân tích trữ được nhiều vàng thì ổn định về kinh tế. Ví dụ như chúng tôi về nghỉ hưu rồi mà tích trữ được một vài ống bơ vàng thì khi đau ốm, người nhà cũng sẽ đỡ lo. Trước đây, có ý kiến phải khai thác triệt để nguồn vàng trong dân tức là dồn nước vào một con đập, vỡ đập thì không ai chịu trách nhiệm cả.
Cho nên từng người, từng nhà một mua được vàng để tích lũy, dù với mục đích ban đầu là để lấy may hay tặng nhau lấy may thì cũng là hồng phúc cho sự vững vàng của một dân tộc, một nhà nước. Nhà yên thì nước yên, dân giàu thì nước mạnh.
Còn việc có người dốc hết tiền đi mua cả trăm cây vàng vào ngày Vía Thần Tài thì cũng không sao cả. Nếu họ không mua đợt này thì mai mốt họ cũng mua. Vì đó là những người muốn giữ giá trị nhưng không có cơ hội đầu tư vào những cái khác và họ có tính toán của họ chứ không đơn thuần chỉ là tín ngưỡng. Tôi tin chắc là nếu họ muốn mua 100 cây vàng thì không mua vào ngày mồng 10 tháng Giêng họ cũng sẽ mua vào 15 tháng Giêng… Người ta mua chắc chắn là có sự tính toán kỹ lưỡng, thậm chí là sự đầu cơ chứ không đơn giản chỉ là mê tín. Việc xếp hàng mua vàng vào ngày Vía Thần Tài cũng không có gì ghê gớm cả, đông người thì phải xếp hàng thôi. Xếp hàng hai tiếng, ba tiếng là bình thường. Có xếp hàng như vậy thì cẩm chỉ/cây vàng trên tay, người ta sẽ trân quý hơn.
Ông có lời khuyên nào dành cho những người dân mang quan niệm phải mua bằng được vàng trong ngày 10 tháng Giêng - ngày Vía Thần Tài để lấy may?
- Tôi nghĩ rằng, ngày nào mua được vàng mang về nhà cũng là ngày may mắn. Cái này là kinh nghiệm cá nhân và tôi cũng chỉ cho một số đồng nghiệp trẻ của tôi. Tôi thấy nhiều người làm theo lời tôi chỉ đều có những sự may mắn. Vì đó là một vật bền vững và ngang giá, có thể tích lũy một cách lâu dài. Khi giá cả biến động thì nó cũng biến động theo nhưng về cơ bản là vẫn không bị thất thoát đáng kể. Quan trọng nhất là người ta có một tư tưởng tích lũy, tư duy tiết kiệm. Đó là một điều rất hay trong điều kiện phát triển kinh tế hiện nay.
Theo tôi, không nên theo nhau và không nên ganh đua trong việc mua vàng lấy may. Người này mua được hai cây vàng thì người khác cũng phải mua bằng được hai chỉ. Nên lựa cơm gắp mắm, không nên theo phong trào.
Thứ nữa, không nên lợi dụng tín ngưỡng này để lừa đảo nhau hoặc trục lợi dưới hình thức tâm linh. Chẳng hạn như mua vàng phải được thầy làm phép mới may mắn, phải nhờ người tuổi nọ - tuổi kia mua vàng mới may. Đây là những quan niệm sai lầm và không nên cổ súy.
Cảm ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ đã chia sẻ thông tin.
Bài viết Nhà nghiên cứu văn hóa nói gì về những quan niệm sai lầm trong thờ cúng Thần Tài, mua vàng lấy may? được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này- Home>
- tin tc giai tri , tin tuc , tin tuc 24h >
- Nhà nghiên cứu văn hóa nói gì về những quan niệm sai lầm trong thờ cúng Thần Tài, mua vàng lấy may?