Võ Rin xuất thân là đầu bếp, rồi chụp ảnh sự kiện và PR các không gian nghỉ dưỡng sang trọng hài hoà với thiên nhiên ở miền Trung. Từ chỗ quan tâm đến nhiếp ảnh, đến một ngày, bạn trẻ sinh năm 1983 này tình cờ nhận ra vẻ đẹp mê mẩn và thế giới kỳ thú của các loài chim hoang dã, chim di cư ở Việt Nam và không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam. Quê gốc Hội An (tỉnh Quảng Nam), lập nghiệp ở Đà Nẵng, trong căn phòng trọ nhỏ xíu tuyềnh toàng của mình, toàn các cỗ máy ảnh lớn, các mô hình máy bay "đồ chơi", các loại laptop, ổ cứng, trang phục nguỵ trang "tiếp cận" các loài chim rừng và chim nước, Võ Rin ở trần ngồi tháo lắp các thiết bị. Không nói gì, khách tự hiểu là kiếm được bao nhiêu tiền Võ Rin bỏ hết vào niềm đam mê thiên nhiên và các hoạt động ngoài trời.
Võ Rin bảo: "Nhà báo muốn cảm nhận trung thực về công việc của chúng tôi, thì lên đường nhé". Tôi (người viết bài này) bay vào Đà Nẵng, quan sát đủ cái lều giữa đầm nước mà Rin đã dựng mấy năm qua rồi "ngồi thiền"ở đó chụp chim nước với những vẻ đẹp "thần sầu". Rin cũng được đánh giá là một trong những người đi tiên phong quan trọng để cho công chúng biết được rằng, chim hoang dã ở Việt Nam không chỉ đẹp lộng lẫy ở trên rừng như bao năm qua chúng ta đã biết, mà ở bờ nước, ven biển, bờ đập, bờ sông đều là thế giới kỳ ảo của vẻ đẹp thiên nhiên dưới dạng các loài biết bay. Chúng tôi, bốn người, vác máy, bò như lính biệt kích từ bờ biển vào, từ đầm phá ra, đi theo hình vòng cung, dàn thế trận, vòng vây tứ phía áp sát dần con chim nước kiếm ăn bằng cách đi bộ đó… Đến khi các bức ảnh lung linh ra đời và con chim di cư thơ ngộ đến từ nhiều nghìn cây số xa xôi giật mình bay vụt lên như một tia chớp đầy sắc màu.
Chuyến đi nào của bạn vất vả nhất, đáng nhớ nhất, suốt thời gian ăn rừng ở rú, lăn lê bò toài ở các bãi bồi, các vùng ven biển để chụp chim hoang dã?
- Chuyến đi rất đáng nhớ của tôi, là hồi đi tìm con trĩ sao để chụp. Tôi cùng mấy anh bạn cũng là dân đam mê chụp ảnh chim hoang dã lên đường. Đi rất sớm, vượt đường xa, đến vị trí hết đường ô tô đi, phải đi bộ, là mới 8h sáng. Đi mãi chưa tới. Lúc đổ nhiều mồ hôi, mấy chai nước mang theo cũng hết cả, ai nấy khát cháy cổ.
Đi 6 tiếng ròng rã, từ 8 giờ sáng đến 14 giờ chiều, các bình nước mang theo nhẵn không còn giọt nào. Gặp suối thì nước ở đó cũng cạn khô luôn. Lúc đó, ai nấy đều cảm thấy hơi hoang mang.
Xong, lại phải đi qua các cánh rừng già. Người bản địa bảo chúng tôi chặt mấy cây tre trúc để hứng nước. Hứng được mỗi ống một chai, uống xong lại hứng nước mang theo. Rồi đi miết tới 17 giờ chiều mới dựng lều để ngủ. Trời trong rừng tối ụp rất nhanh. Hai ông dựng lều, tôi với người dẫn đường đi lấy nước, cột cái áo mưa tiện lợi (áo mưa nhỏ, mỏng dính) để vào trong balo, lên đầu nguồn suối, rồi hứng nước vào áo mưa mỏng đặt trong balo, cõng nước đem về uống. Cả đi lẫn về mất 2 tiếng.
Cả toán ngủ trong rừng 2 đêm, đi tổng cộng khoảng 15 cây số. Sau 2 ngày 2 đêm không còn hy vọng tìm được con chim mình đi tìm chụp nữa, anh em bảo nhau xuống núi để về. Dù sáng sớm nào cũng nghe nó kêu rất to, cả nhóm rất hào hứng nhưng đợi cả ngày không… xuất hiện. Tôi đi từ chỗ cắm lều vào chỗ bãi múa của con trĩ sao còn một tiếng đồng hồ lặn lội trèo non nữa.
Nếu địa bàn nào con trĩ sao trống chọn để múa và kêu bạn tình đến, chỗ đó sẽ được nó sẽ dọn dẹp một cách sạch sẽ, không một chiếc lá rơi, bãi đất rộng khoảng 4- 5m2. Nó dọn hình tròn, làm một "sân khấu" cực kỳ công phu rồi đứng ở giữa múa.
Chúng tôi vào khu vực được thám thính trước và báo về chắc chắn đó là bãi múa của trĩ sao hẳn hoi. Nhưng ngồi 2 ngày không thấy gì; vì loài chim hoang dã tinh khôn này đã ngửi thấy mùi người. Nó không quay trở lại nữa. Và chuyến đi tìm con trĩ sao đã không có bức hình nào.
Nhưng hoá ra vì thế lại vui. Vì chúng tôi đã tìm và chụp được một con gà con so (con Annam Partridge); mà con ấy có người bảo là tuyệt chủng trong tự nhiên. Đang phục kích trĩ sao thì thấy gà so quý hiếm kia đủng đỉnh xuất hiện ngay trước mặt mấy anh em.
Tôi phản ứng tức thì: giơ máy đã cài sẵn các chế độ tân tiến liên thanh ra bấm lia lịa. Anh bạn ngồi bên cạnh hỏi chụp gì đó, tôi bảo chụp con gà so ngực gụ, con này giống con ngực gụ lắm, nó có nhiều ở trong VQG Cát Tiên.
"Gọi"được một lúc thì con gà"đó chạy lại ngơ ngác, tôi nhanh tay bấm cả chuỗi ảnh dài với nhiều "cảm xúc" khác nhau của "cô nàng".
Sau khi xem kĩ, chắc chắn mình đã chụp được Annam Partridge - một loài mà bao năm mình vẫn tìm kiếm, mà giới khoa học bảo rằng "loài này đã tuyệt chủng trong tự nhiên rồi"; dĩ nhiên tôi và nhóm đều vỡ òa niềm vui. Ở Việt Nam có 3 loại gà so là Tonkin Partridge (Gà So Bắc Bộ),Annam Partridge (Gà So Trung Bộ) và Orange-necked Partridge (Gà So Nam Bộ).
Con gà so "Tonkin" cũng là một con đặc biệt, khoảng 100 năm chưa ai có hình của chúng. Và đến tháng 12/2019 đã có người chụp được, khi nó đang ở VQG Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình. Nghe nói, loài này, thực ra cũng xuất hiện một vài lần, có nghe tiếng của nó, nhưng không ai chụp được. Trước đó người ta chỉ có hình vẽ về nó, không có một tấm hình nào trên thế giới về nó.
Tôi nhớ con gà có được ghi trong danh lục chim Việt Nam đấy nhưng không ai ghi nhận nó ngoài tự nhiên, chỉ nghe tiếng kêu thôi. Trước đó, người Pháp thu được mẫu của chúng ở Phong Nha (tỉnh Quảng Bình) và mang về, ghi là trong danh lục Việt Nam có loài gà so "Tonkin". Song, từ ngày đó tới gần đây, không có hình. Thế con gà so đó và những con hiếm hoi khác bạn đã chụp được kia, con nào đẹp nhất?
- Đa phần những con hiếm đều… không đẹp lắm, vài con thậm chí có vẻ "xấu" (cười). Nhưng cũng có vài loài rất đẹp và hiếm. Các thể chim tôi thích vẻ đẹp của chúng thì nhiều nhưng nếu để xét về các bức ảnh mà tôi thích nhất về nghệ thuật chụp, khoảnh khắc chụp, có thể là bộ ảnh tôi chụp con Te vặt đang chăm con. Tôi chụp được khá nhiều bộ ảnh về các loài nuôi con. Có một bộ ảnh chim nuôi con khá đặc biệt. Tôi ngồi phục kích để chụp mất... 6 tuần.
Hồi đó tay tôi bị đứt, rời luôn đầu ngón ra ngoài vì một tai nạn trước đó. Vào bệnh viện, bác sĩ nối lại chừng hai ngày tôi phát hiện ra tổ con cú muỗi đang nuôi con. Mà hồi đó tay đau lắm vác máy, bấm máy vô cùng khổ sở. Vậy mà sợ mất cơ hội vàng, tôi quyết tâm ra hiện trường phục kích suốt… 6 tuần ròng rã. Ngày nào cũng ra ngồi dựng lều, phủ các lớp nguỵ trang để rình, tối khuya mới về nhà.
Mỗi buổi sáng đi ra tìm, biết là chúng ở đó rồi nhưng tìm phải nửa tiếng, có khi cả tiếng đồng hồ mới ra được chỗ nó dẫn con ra rồi chăm sóc "dạy dỗ". Có vẻ nó luôn thay đổi vị trí để được an toàn (?). Mỗi ngày nó dẫn con đi một chỗ. Cứ buổi tối thấy ở chỗ này, đến sáng mai nó dẫn đi tít đầu khác rất xa để giấu con.
Coi như 6 tuần liên tục, ngày nào tôi cũng phải đi tìm mẹ con nhà cú muỗi. Tay thì đau mà cứ chụp miết và cuối cùng tôi hoàn thành được bộ ảnh mẹ cú muỗi nuôi con.
Với tôi, cá thể chim hoang dã tiếp cận khó nhất là con Te sông (River Lapwirngs), nó là loài chim hiếm. Con đó lúc tìm ra chỗ ở của nó, thấy dáng hình của nó, màu lông của nó mờ ảo xa xa là chúng tôi đã mừng lắm rồi. Tiếp cận rất công phu. Ở trong người tôi là bộ đàm (âm thanh phát ra sát bờ tai để người nghe thấy nhưng chim hầu như không nghe thấy). Và ở trên bờ là một bộ đàm. Một mình bò dưới bãi cát và sỏi, sử dụng chân máy tự chế là một cái chảo chống dính gắn thiết bị để kê máy ảnh và di chuyển dễ dàng hơn (với địa hình cát khô); rồi tôi lặng lẽ di chuyển đi ra phía con chim. Loài chim này, hễ thấy có người (có cử động khả nghi) là nó bay ngay. Chúng tôi chỉ còn cách phải bò từ trên bờ bò ra từng tí từng tí một, phải lợi dụng lúc con chim mải kiếm ăn hoặc nhìn đi chỗ khác mà bò.
Vì nằm sấp trên mặt bãi sỏi mà bò, nên tôi không thể nhô cao tầm mắt lên để quan sát con chim. Tôi định hướng và cứ thế bò thẳng. Giắt một bộ đàm ở trong người, Linh (cộng sự của tôi) cầm một bộ đàm. Linh đứng ở trên bờ, trong bụi rậm quan sát bằng ống nhòm. Di biến động của con chim đều bị chúng tôi ghi nhận.
Đi chụp chim nước thì mặc đồ có màu trùng với màu cát. Chúng tôi luôn phải mang theo một cái phao, cái phao nó giữ cái máy nổi trên mặt nước. Bên trên cái phao lại có cái lưới chùm vào để nguỵ trang. Chúng tôi xuống nước ngồi. Khi có cái phao và hệ thống nguỵ trang kia rồi, hầu như các cá thể chim nước không bị hoảng sợ khi mình đến gần. Bọn chim nước chỉ sợ những người ở trên bờ tiếp cận xuống; còn dưới nước (bên ngoài sông, biển, hồ) tiếp cận ngược vào thì chúng lại không sợ.
Sau khi tìm hiểu, biết đặc điểm đó của lũ chim nước, tôi toàn chụp từ dưới nước, từ ngoài phía sông, hồ, biển chụp vào phía bờ, chứ không bao giờ từ bờ chụp ra. Ví dụ con chim đứng ở mép nước này, thì tôi sẽ không đi từ bờ ra lối đó mà đi ra phía ngoài biển rồi tiến về phía bờ biển nó đang đứng. Có khi tôi đi thẳng từ mép nước vào cách nó khoảng 2m mà nó không bay. Có khi đứng gần quá không biết làm thế nào chụp được, lại phải đứng xa nó ra để có thể chụp được.
Thực ra, nói về chụp chim nước thì nhóm nhiếp ảnh ở Đà Nẵng là chịu khó, chỉ cần thấy chim là chấp nhận lội xuống nước luôn. Không cần biết mặc xấu mặc đẹp hay chỗ sắp ào xuống là… nước cống hay nước sông. Nước cống thải đen kịt từ thành phố vẫn xuống chụp bình thường.
Có những con chim anh thấy chụp rất đẹp đấy, ai nhìn cũng thấy lãng mạn, nhưng tôi đã chụp nó kiếm ăn ở ngay hồ nước thải của thành phố đấy. Vì ở trong đó có côn trùng, có nhiều loại giun thì loài chim đó mới tìm đến kiếm ăn. Và chúng tôi chấp nhận ngâm mình ở đó để chụp, có khi về tắm mấy hôm mới hết mùi trên người. Nhưng, vẫn khá là vui.
Ảnh của Võ Rin đẹp thật đấy, nhưng nó có… ra tiền không?
- Tới bây giờ nhiều bức ảnh của tôi hoặc các sản phẩm từ ảnh của tôi… cũng bán ra tiền; nhưng đó không phải mục đích. Một số người yêu thích ảnh chim do tôi chụp, đa phần là do họ tham dự các triển lãm của tôi. Họ cảm thấy các loài chim hoang dã của chúng ta quá đẹp, muốn mua để về treo ở trong nhà thì tôi sẽ bán thành phẩm là một bức tranh ảnh chim thật đẹp. Có những khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu resort mà người chủ muốn du khách được hoà hợp thực sự với thiên nhiên, nên muốn treo ảnh ở các vị trí hợp lý.
Ở góc độ bảo tồn, Võ Rin có nghĩ là các nghệ sĩ chụp ảnh chim hoang dã như bạn đã và đang có nhiều đóng góp trong nâng cao nhận thức bảo tồn cho bà con mình không?
- Thật ra lúc đầu khi đi chụp tôi chẳng nghĩ gì về bảo tồn cả. Bây giờ, sau bao công phu chụp và say mê từng cá thể chim hoang dã, tôi thấy người ta bắn, bẫy chim, tôi buồn lắm. Tôi trực tiếp đi phá lưới, đi báo công an và cán bộ các xã phường đến hiện trường ngăn họ bắn chim bằng súng hơi, bằng súng cao su đạn sắt. Họ thấy tôi là bỏ trốn. Tất cả tình yêu thiên nhiên ấy, nó đến tự thân.
Giờ thì tôi thấy là: tự nhiên lại nhốt một con chim vào làm cảnh là rất không nên. Nhìn con chim trong lồng khổ sở lắm, thần thái kém lắm. Tôi chỉ ước thả chúng ra để chúng tung tăng ca hát với bầu trời và cánh rừng tự do.
Bạn tìm thấy gì ở những cuộc triển lãm về các loài chim mà mình đã tổ chức?
- Những triển lãm tôi chọn ảnh để tổ chức rõ ràng về chủ đề lắm. Ví dụ, triển lãm ảnh chim hoang dã của tôi ở khu bán đảo Sơn Trà (TP.Đà Nẵng), tất cả các bức ảnh chim hoang dã đều được chụp ở khu vực ấy. Hoặc khi tổ chức triển lãm "Nơi đàn chim trở về" tại cánh đồng lúa độc đáo về đa dạng sinh học ở ven thị xã Hội An (tỉnh Quảng Nam) thì khoảng 85% số bức ảnh chim chóc tôi chụp được đều ở chính cánh đồng đó.
Điều này thể hiện rất rõ thái độ của tôi và cộng sự trong câu chuyện bảo tồn các loài chim. Chúng tôi muốn cho người xem, bà con, công chúng thấy rằng: ở khu vực cụ thể đó (như Hội An hay Sơn Trà), đa dạng sinh học tới mức nào. Thiên nhiên tuyệt bích và cần bảo tồn ra sao. Thậm chí, tôi gióng lên tiếng nói về những nguy cơ mà các loài quý hiếm đang phải gặp phải như thế nào, đặc biệt là những loài chim di cư, chúng chọn nơi đó để dừng chân hoặc ghé qua hàng năm trong hành trình di cư. Điều đó thể hiện nơi đó có sinh cảnh tốt, nguồn thức ăn dồi dào và an toàn. Triển lãm có tên "Nơi đàn chim trở về" chính là từ lý do đó, nhằm truyền tải thông điệp tới chính quyền địa phương có thể giữ những sinh cảnh như thế để các đàn chim trở về.
Có ngày bạn sẽ chụp hết được tất cả các loài chim được ghi nhận tồn tại lãnh thổ Việt Nam không nhỉ?
- Việt Nam hiện tại có 918 loài chim và hiện tại tôi đã chụp được 457 loài, đánh số cho từng cá thể một luôn, không lẫn con nào với con nào. Con Khướu Ngọc Linh (loài đặc hữu của Việt Nam) tôi cũng đã chụp rồi, nó đặc hữu ở vùng nào thì mình đến vùng đó chụp. Những con đặc hữu không đi tìm được thì phải nhờ đến những người tìm kiếm chim, họ phát hiện thấy dấu vết của chúng ở đâu sẽ gọi cho mình. Hoặc có những nhà khoa học đi làm dự án thấy thì họ mách. Có nhiều nguồn lắm.
Cũng có trường hợp có người không muốn vất vả chụp loại khó tìm thì họ thuê thợ săn đi bắt về, nhốt vào trong lồng để chụp. Giống như anh đi câu cá, một người câu ngoài biển còn có người câu trong hồ.
Ngoài tay nghề chụp ảnh, ngoài các cỗ máy hiện đại ra, có lẽ, với giới chụp ảnh chim hoang dã, nghệ thuật tìm kiếm và tiếp cận các loài biết bay này là… khó nhất?
- Nhiều cách tiếp cận vui lắm, ít ai ngờ tới. Có những con chim bọn tôi đến rất gần, mà chúng không bay, mình ngồi xuống chúng cũng không bay. Mà mình nằm xuống và bò thì nó bay ngay lập tức. Có thể chỗ đó nhiều gã thợ săn vác súng đến lăn lê bò toài rình rập quá, nên thấy ai nằm tương tự là chúng bay. Chim hoang dã, theo tôi, chắc là chúng thường xuyên "nói chuyện" với nhau về chủ đề nhận dạng… các loại kẻ thù. Đến bây giờ nhiều người vẫn bảo chim chóc ở Đà Nẵng là dạn người nhất, rất dễ chụp; nhưng đi vào VQG Xuân Thủy, dù là thủ phủ của vùng đất ngập nước được bảo vệ theo công ước Ram-sa, nhưng chim ở đó, mình đứng xa lắc lơ là đã bay rồi.
Theo tôi, khi con chim di cư từ xa xôi nó bay về bãi biển Đà Nẵng và vùng phụ cận, nơi này cơ bản đã là vùng biển du lịch rồi, nhiều người đi qua đi lại quá, chim cảm nhận điều đó quen rồi, nó vẫn thấy an toàn thì nó cứ kệ thôi. Bởi vậy, chim ở khu vực này, tôi chụp ảnh, có thể tiếp cận khá gần. Nói cách khác, chúng không sợ người lắm. Còn chỉ cần vào miền Nam, như vùng Gò Công, tỉnh Tiền Giang, tôi thấy, người ở xa lắc, chim đã bay hết rồi. Tôi nghĩ, quan trọng là các loài chim di cư nó cảm nhận sâu sắc được sự "tử tế hay không tử tế" trong cách ứng xử với môi trường của những con người ở đó.
Có "bí quyết" nào thú vị nào khác trong lĩnh vực này không nhỉ?
- Chụp chim ở bán đảo Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) thì ở khu vực Chùa Linh Ứng, mùa đến, thường nơi tụ hội chim di cư; lý do là cảnh chùa thanh tịnh, nơi Cửa Phật cũng không ai dám vào trong chùa để mà bẫy bắt nên có lẽ lũ chim cảm thấy an toàn hơn. Thế nên, số ảnh chim mà tôi chụp được ở bán đảo Sơn Trà, phần nhiều có "địa chỉ cụ thể" là chùa Linh Ứng. Cứ vào chùa để xe đấy, đi quanh chùa tìm chim và chụp. Thứ nhất trong đó có hoa để chim hút mật nó hút, trong chùa lại có chuỗi thức ăn, có hoa thì có ong bướm ở đó, bọn chim ăn bướm kéo tới. Bọn chim to thì lại tới ăn bọn chim nhỏ. Vì vậy chúng tụ tập ở trên chùa. Tiếp cận cũng không phải là quá xa.
Ví dụ, con chim oanh Nhật (Japanese Robin) được các nghệ sĩ chụp - ghi nhận lần đầu tiên ở Linh Ứng. Lần ấy, nó về, nó đứng ngay cái gần toilet. Bên này là toilet nữ, mấy bà khách du lịch Hàn Quốc, Trung Quốc đi ra toilet rộn ràng, bên này là cả chục ông nghệ sĩ ống kính to đùng ăn mặc kềnh càng đứng, ngồi, nhấp nhổm chờ chim. Mấy bà kia đi ra ngó là thấy hàng camera của mấy ông cứ ngơ ngác bối rối, nghĩ mãi không biết chuyện gì đang xảy ra...
Đơn giản là trong toilet có nước chảy ra, có ruồi muỗi và có bãi củi mục ẩm thấp, sản sinh ra các con sâu. Bọn chim oanh kia kéo đến ăn sâu. Con chim đó có màu lông pha sắc kỳ ảo và dáng dấp của nó cũng rất là cuốn hút.
Đúc kết của Võ Rin về "võ" chụp ảnh chim hoang dã là gì?
- Để chụp chim đẹp đầu tiên là cần tiếp cận. Nếu anh có thiết bị cao cấp mà đứng xa thì các bức ảnh… cũng không phê đâu. Phải tiếp cận và biết cách tiếp cận thật bài bản với các cá thể chim hoang dã kia. Như tôi đi chụp chim là có một nhóm hỗ trợ nhau rất bài bản. Tôi, Linh (một đồng nghiệp thân thiết của Rin – PV), Huy với một cậu nữa. Đi chụp chim nước rõ ràng lắm, cần bài bản lắm.
Ví dụ, đứa nào đi hướng nào là phải đi đúng hướng đó với sơ đồ, bài bản được "tập huấn" sẵn. Ví dụ một bãi rất lớn, tôi đi hướng này, Linh đi hướng khác…thì mọi người sẽ từ từ tiến lại phía con chim. Nó mải ăn, thấy bóng người thì lảng đi xa dần, nhưng sang phía nào cũng gặp người cả, nó cứ tránh vòng vo rồi các mũi "giáp công" khép lại. Chúng tôi cứ kiên trì nằm im đó, ống kính tele và các cặp mắt "cú vọ" hướng về chú chim, rình mà chụp chúng với các khoảnh khắc tuyệt diệu nhất. Cố gắng không làm phiền "cô chú" chim di cư, chim nước.
Cũng có nhiều người tranh luận về việc có nên cho chim hoang dã ăn để "làm quen" và chụp ảnh không? Gạt sang bên các ý kiến đó, tôi muốn bạn phân tích về cách cho chim ăn để chụp như thế nào?
- Hầu hết người ta lúc vác máy ảnh đi chụp chim hoang dã đều hiểu về các loài chim từ đặc điểm, tập tính… Và từ đó sẽ có cách tiếp cận tốt hơn để có thể ghi nhận những hình ảnh đẹp. Trong đó có loài cắt Amur. Tôi mất 5 ngày ngồi ngoài trời mưa gió lạnh để tìm hiểu xem thói quen và tập tính của chúng. Chúng đứng ở vị trí cao như các trụ điện để quan sát rất kĩ, rồi bất thần lao thẳng xuống đất để đào bới, moi bằng được con mồi lên. Từ ống nhòm, từ ống tele của máy ảnh, tôi giật mình: thì ra món ăn của nó chính là con sùng đất. Chúng đào lên và "cầm" sùng đất trong các vuốt móng chân. Cũng chính từ những quan sát đó chúng tôi mới có thể tiếp cận loài cắt tốt hơn và ghi nhận được rất nhiều ảnh đẹp về loài đó, một loài chim di cư mà lần đầu được ghi nhận tại Đà Nẵng!
Tôi mặc một bộ đồ rằn ri, lâu lâu, con cắt đó thấy màu áo của tôi là sà xuống, tôi bỏ con ấu trùng xuống là nó đã bay xuống lấy đi rồi. Có khi tôi còn chưa kịp lấy máy ảnh ra chụp luôn đó. Loài cắt này rất tinh khôn, theo tài liệu khoa học, nó gần như là một trong những con chim di cư xa nhất thế giới.
Thú chơi này có tốn tiền quá không?
- Tôi vốn chụp "con" tele 600mm đời đầu. Trước, đi làm đủ nghề, cóp tiền mãi mua được cái ống kính đó. Song rồi, tiếc lắm vẫn phải bán nó đi, mua "con" tele 500mm đời thứ 2 này. Bán ống đời đầu nó nặng quá.
Đợt đi chụp con Khướu Ngọc Linh ở Kon Tum, xuống núi xong; lại đi ra ngoài chụp con khác. Mà bối ảnh chụp loài đó, cần phải mang cả cái chân máy. Linh (đồng nghiệp nữ) thì vác chân máy đi sau, tôi đi đằng trước, thấy con Khướu rừng đuôi đỏ, thấy nó rồi mà không thể bê được cái ống kính to dài với thân máy lên nữa. Vì đi rừng đã mệt, lại thêm cái cỗ máy quá nặng. Thế là một đàn Khướu lùn đuôi đỏ lướt qua mình mà không chụp được cái ảnh nào. Con đó chim ở Việt Nam trước giờ (đến thời điểm đó) chưa có ai chụp được, nhiều người phải sang tận… Trung Quốc để chụp. Thế rồi, sau buổi đó, hậm hực ra về, bực quá, tôi bán cái đó ống kính "khủng" về trọng lượng kia đi; mua cái nhẹ hơn mà tính năng lại còn "siêu" hơn. Tất nhiên là, để có công nghệ tốt thì phải tốn tiền thêm.
Bạn đã từng ra nước ngoài chụp ảnh chim hoang dã chưa?
- Tôi đã từng qua Thái Lan chụp. Tôi đi khoảng chục ngày. Mà chụp được 30 - 40 loài chim khác nhau. Bên Thái Lan là thiên đường của các loài chim hoang dã. Chúng tôi bay sang Băng Cốc, rồi đi khắp nơi, các nhóm chơi ảnh chim hoang dã rất thân thiện. Ở đâu đó, anh từng nghe nói về việc ai đó tìm được con này thì phải giấu để chụp và công bố độc quyền. Chứ bên kia là có group (hội nhóm) rất mở, rất thân thiện. Chụp chim hoang dã ở bên ấy cũng chẳng cần dựng lều luôn. Chim, chúng cứ cứ bay qua bay lại, dạn lắm. Ngồi trên xe là thấy nó bay qua lại, bỏ quả chuối là nó ra ăn ngay và luôn.
Còn ở Việt Nam, nhiều người mê chụp chim, họ không công phu như bọn tôi. Họ chụp khi vô tình thấy con chim, hoặc họ xem ảnh chúng tôi chụp và công bố, rồi hỏi: bạn chụp ở đâu thế. Giới thiệu chỗ cho tôi, dẫn tôi đi, bạn làm gì thì làm, tôi sẽ chụp theo bạn. Họ làm vậy, chứ cơ bản là không đi tìm được và "thu xếp"được một không gian hay sự tiếp cận gần với các loài hoang dã nói chung. Họ cũng cơ bản chụp những con "dễ" (tức là nó phổ biến và người khác công bố rồi), chứ không tìm được những con "đã tuyên bố tuyệt chủng" hoặc chưa ai từng chụp được.
Tôi không dư dả kinh phí, nên mới chỉ đi Fan-xi-păng chụp một lần thôi, cũng ít đi ra phía Bắc, dù rất thích, vì đi khá tốn kém. Một người đi là tầm 20 triệu đồng/chuyến. 20 triệu là thuộc dạng đi theo tuyến và có con gì chụp con đó, còn chưa kể nếu như có chim quý thì mất 10 triệu cho việc chụp một cá thể / loài là chuyện bình thường. Số tiền đó chi cho người dẫn mình đến tìm được con chim đó, rồi chi phí đi lại ăn ở. Trong nhóm của chúng tôi, có không ít người mở công ty du lịch chuyên kinh doanh loại hình dẫn người ta đi tìm và chụp ảnh, ngắm chim chóc. Nếu sử dụng các công ty đó, với các chuyên gia đó, khả năng tiếp cận gần được các loài chim mà họ "cung cấp dịch vụ" là khá cao.
Để tự nhận xét về ảnh của mình, Võ Rin nói gì nhỉ?
- Hình tôi chụp, tôi thích nhất là con chim nó được phản ảnh chân thực trong ảnh. Con chim có bộ lông màu gì; những màu gì; bức ảnh miêu tả điều đó sắc nét, dáng hình sinh động như thế nào, bối cảnh xung quanh hoà sắc với con chim ra sao... Có thể người khác họ chụp xa hơn, không tiếp cận gần như tôi, nên khó có thể chụp được màu chân thực nhất của bộ lông trời sinh ra từ thượng cổ cho các loài chim như thế nào. Rồi chi tiết lông, cặp mắt, các bộ phận cơ thể của nó không lên được nét căng. Thường thì ảnh của tôi có thể thấy được từng sợi màu, từng cụm lông trên cánh, trên cổ của con chim.
Tôi ngẫm nghĩ rất nhiều: Mẹ thiên nhiên đã thiết kế mấy nghìn loài, không loài nào giống nhau cả, kể cả có những con giống nhau tưởng như tất tần tật; thì cũng vẫn những khác biệt mà giới khoa học đã chỉ ra rất thuyết phục, để phân loài, phân "nhánh" một cách công phu.
Bộ ảnh tôi đưa lên facebook cá nhân mới đây, nhìn cái mắt của con chim đó, nó đẹp, sáng trưng. Khi tôi bò ra ngoài hoang dã, thảng thốt nhìn thấy nó ở cự ly vừa đủ để chụp, thấy nó nhìn về phía mình với vẻ ngơ ngác.
Cách chụp ảnh đã lạ, cách triển lãm thả "tranh" giữa cánh đồng mùa lúa chín lại càng lạ hơn…
- Tôi tâm đắc với bộ ảnh và cách triển lãm về các loài chim trên cánh đồng ở Hội An vừa rồi. Các loài chim trong các bức ảnh được trưng bày, chúng đều được chụp rồi triển lãm ở ngay cái cánh đồng đó, mà đúng mùa lúa vừa chín xong. Chúng tôi chọn thời điểm là chạng vạng ngày hôm đó để khai mạc triển lãm, ánh sáng giữa ngày và đêm, khi đèn bắt đầu bật le lói mờ ảo trong sương, nó có gì đó rất huyền hoặc.
Các bức ảnh phóng to, đóng khung sang trọng, trưng bày giữa thiên nhiên, trong mùa lúa chín. Gió nó rung rung lúa, lúa chạt vào các bức ảnh chim hoang dã đa sắc màu, con bay, con đậu, ánh mắt chim hoang dã ngơ ngác thơ ngây. Nhiều người bảo, họ thấy ánh đèn, vạt lúa, cánh đồng, "bức tranh" như đang cùng hoà tấu. Bốn bề xung quanh là tiếng ếch nhái.
Tôi cứ hình dung, giờ anh đưa các bức ảnh chim đó của tôi vào một cái triển lãm ở trong phố thì nó sẽ khô cứng hơn khi đặt ở ngoài ruộng lúa nỉ non tiếng ếch nhái và côn trùng.
Cảm ơn Võ Rin về cuộc trò chuyện cởi mở!
Bài viết Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Rin: Đắm say với các "sứ giả bầu trời" được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này- Home>
- tin tc giai tri , tin tuc , tin tuc 24h >
- Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Rin: Đắm say với các "sứ giả bầu trời"