Từ "Thôn Chu Hưng trăng sao rơi đầy giếng"…
Cha mẹ tôi sinh được 6 người con. Lưu Quang Vũ là con trai cả. Anh sinh ngày 17/4/1948 tại chiến khu Việt Bắc. Ông nội tôi lấy họ của con dâu để đặt tên cho cháu đích tôn của mình. Mẹ tôi tên là Vũ Thị Khánh - vốn là một nữ sinh Trường Đồng Khánh, người Hà Nội gốc.
Mẹ tôi thường kể rằng ngay từ nhỏ anh Vũ đã tỏ ra là một cậu bé sống tình cảm, hiếu thảo với mẹ và rất khéo trông em. Thời kháng chiến chống Pháp, ở Hạ Hòa (Phú Thọ), cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Cha tôi nhập ngũ, thường công tác xa nhà. Mẹ tôi có một gánh hàng xén nhỏ, cứ 5 ngày mới có một phiên chợ, cách nhà gần chục cây số, bà phải dậy từ mờ đất để đi bán hàng. Anh Vũ lúc đó mới 5 - 6 tuổi đã biết ở nhà trông em và giúp mẹ nhiều việc vặt. Sau anh Vũ mẹ tôi sinh thêm 2 con trai nữa là Lưu Quang Hiệp (1951) và Lưu Quang Điền (1953). Những lần đi chợ về muộn, từ xa mẹ tôi đã nhìn thấy 3 anh em lếch thếch bồng bế nhau ra tận đầu dốc đón mẹ, trông rất thương.
Dọc đường đi, anh Vũ liên tục nói chuyện cho chúng tôi nghe. Sao mà anh biết nhiều chuyện thế! Những câu chuyện của anh khiến cho con đường đến nhà ông bà ngoại bao giờ cũng đầy niềm vui và những điều thú vị.
Mỗi lần về thăm nhà, bố tôi lại dạy anh Vũ học bằng cách chép những câu ca dao, những bài thơ hay vào một cuốn vở với khổ chữ rất to. Anh Vũ học và thuộc rất nhanh, lại hay ngâm nga. Mỗi khi ru em ngủ hay dỗ em nín khóc, anh đều "hát" bằng thơ. Có lúc cao hứng lên, anh lại còn đọc cả những câu thơ do mình tự "sáng tác".
Khung cảnh thiên nhiên của vùng núi rừng kháng chiến đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng cậu bé Lưu Quang Vũ khi đó mới tròn 6 tuổi. Sau này anh đã ghi lại những ngày tháng ấy bằng những câu thơ thật xúc động: Thôn Chu Hưng trăng sao rơi đầy giếng/ Nằm giữa bốn bề rừng rậm nứa lao xao/ Đường ven suối quả vả vàng chín rụng/Cọ xanh rờn lấp loáng nước sông Thao/ Nhà chon von khuất sau vườn ngô sắn/ Thôn nhỏ nặng tình kháng chiến mười năm/ Tuổi lên năm đi nhặt củi ven rừng/Con tập đánh vần bằng bản tin thắng trận…/Mùa thu hoà bình rời xa Việt Bắc/Bè về xuôi gió thổi nước sông reo/Rừng vẫy lá đưa ta đi lưu luyến/Bạn nhỏ trên đồi đứng mãi nhìn theo…
"Ngôi nhà cổ tích" nơi phố cổ Hà Nội
Tôi sinh ra ở Hà Nội, khi nhà tôi đã trở về Hà Nội sau năm 1954. Tôi là con thứ tư trong nhà, cách anh Lưu Quang Vũ đúng 10 tuổi, lại là em gái duy nhất trong số 5 đứa em nên được anh Vũ rất thương yêu. Ngay từ khi còn nhỏ xíu, tôi đã có thói quen nghe anh kể chuyện, đủ thứ chuyện trên rừng dưới biển. Thích nhất là chuyện cổ tích và sợ nhất là chuyện ma. Mấy anh em tôi ai cũng thích được anh Vũ cho đi chơi. Vì là anh lớn nên anh có "quyền" đi chơi mà không phải xin phép.
Chúng tôi thường hay đi ra bãi sông Hồng hoặc đến thăm ông bà ngoại ở phố Ngõ Gạch (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Điểm xuất phát đầu tiên của anh em tôi bao giờ cũng là lên tàu điện ở chợ Hôm trước cửa nhà. Sau một hồi ngồi trên tàu, nghe tiếng chuông tàu điện kêu leng keng, anh em tôi xuống Bờ Hồ, đi bộ xuyên qua vài dãy phố cổ là đến nhà ông bà ngoại. Thuở đó Hà Nội thật yên bình, vắng vẻ. Dọc đường đi, anh Vũ liên tục nói chuyện cho chúng tôi nghe. Sao mà anh biết nhiều chuyện thế! Từ sự tích Tháp Rùa, Hồ Gươm, tên các con phố đi qua, loại cây trồng trên đó, cho đến lai lịch ngôi nhà gạch đầu tiên của Hà Nội… Những câu chuyện của anh khiến cho con đường đến nhà ông bà ngoại bao giờ cũng đầy niềm vui và những điều thú vị.
Có lần dọc đường đi, anh Vũ còn đọc cho chúng tôi nghe một bài thơ tặng bà ngoại và bảo tôi học thuộc để đọc cho bà nghe nữa. Bước chân vào cửa nhà ông bà, tôi dõng dạc đọc ngay bài thơ. Bà ngoại cảm động lắm, ôm tôi vào lòng xuýt xoa mãi và thưởng cho bao nhiêu quà. Tôi hãnh diện và vui sướng vô cùng, hoàn toàn coi đó là thành tích của mình, quên hẳn anh Vũ mới chính là tác giả của những câu thơ đó.
Tuổi thơ của anh em tôi trôi qua thật ngọt ngào. Hình ảnh ngôi nhà bà ngoại cùng tình cảm của bà không khi nào phai mờ trong tôi, cho dù tôi lớn lên, già đi và có đi đâu, về đâu. Ngôi nhà của bà ngoại thật sự là một miền cổ tích trong ký ức của chúng tôi. Tôi vẫn nhớ mỗi khi có việc gì khó khăn là mẹ tôi lại sai các con tìm về ngôi nhà đó để "cầu cứu" bà ngoại. Thời bao cấp khó khăn thiếu thốn, bà tìm việc làm phù hợp cho các cháu làm để có thêm thu nhập cho gia đình. Khi mẹ tôi sinh con nhỏ, cha tôi đi công tác xa…, bà đến ở nhà tôi để trông nom chúng tôi và giúp đỡ mẹ tôi mọi việc.
Tôi đặc biệt thú vị khi năm 2001 vào công tác ở TP.HCM, được họa sĩ Lưu Công Nhân nhắn đến nhà riêng nói chuyện và tặng tôi vựng tập của ông trong đó có in bức tranh màu nước "Phố cũ" vẽ chính ngôi nhà của bà ngoại tôi, ông vẽ từ năm 1958, với lời đề tặng: "Thân tặng cháu Thơ mấy nét về nhà bà ngoại của cháu". Ông Nhân cho biết, thêm, hôm đó ông đang đứng ở góc phố kí họa phác thảo về ngôi nhà thì nhìn thấy mẹ tôi đỗ xe đạp ở cửa ngôi nhà đó. Ông lại gần chào hỏi thì được mẹ tôi cho biết đây là ngôi nhà tuổi thơ của bà. Họa sĩ ngỏ ý muốn được vào thăm kiến trúc bên trong của ngôi nhà. Ông tỏ ra thích thú khi thấy bể nước mưa dọc đường vào và mảnh giếng trời lấy ánh sáng ở trong gian nhà chính…
Qua họa sĩ Lưu Công Nhân, tôi còn được biết thêm đó là một trong những ngôi nhà gạch đầu tiên của Hà Nội. Ngôi nhà này còn được họa sĩ Bùi Xuân Phái đưa vào sáng tác của ông với tên gọi "Ngõ Gạch". Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo cũng có bức ảnh chụp rất đẹp về ngôi nhà của bà ngoại tôi. Hình ảnh ngôi nhà xưa không chỉ sống động trong ký ức của chúng tôi mà còn được lưu giữ trong những tác phẩm hội họa và nhiếp ảnh đương thời có giá trị.
Bài viết Ký ức về ngôi nhà cổ tích được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này