Phóng viên Báo NTNN trò chuyện với ông về chủ đề "ngôi nhà Việt" - cái vỏ vật chất mà ông bỏ công nghiên cứu trong suốt tiến trình lịch sử từ người Việt cổ...
Con thuyền - ngôi nhà của người Việt cổ
Thưa nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, vì sao ngôi nhà người Việt đầu tiên ông đề cập đến lại là một con thuyền - thuyền Việt Khê?
- Con thuyền Việt Khê là một di chỉ khảo cổ thời Đông Sơn khai quật được ở Hải Phòng. Đó là một mộ thuyền dài hơn 5m, giữa thuyền có bộ xương của người đàn ông khá tầm vóc, còn xung quanh chất hơn một trăm món đồ tùy táng: Trống minh khí, vạc, nồi, thố, dao găm, rìu các loại và đồ trang sức. Con thuyền được làm nguyên từ một cây gỗ lớn đốt lòng, có thể vượt biển; và những đồ tùy táng nói lên chủ nhân của nó có lẽ là một tù trưởng giầu có, một chiến binh chuyên nghiệp, khi chết người ta chôn theo những tài sản riêng của ông.
So với những nhà thuyền mà tôi đã từng bước chân lên trong vài mươi năm qua, không có cái nào thể hiện sự giàu có như vậy. Người Việt hiện tại, những ai còn phải sống bằng thuyền đều là những người rất nghèo, nói theo cách nói của người xưa là họ không một mảnh đất cắm dùi. Đồ đạc và trang thiết bị trong gia đình đều ở mức tối thiểu, trẻ em không đi học, người lớn không giấy tờ tùy thân, và gần như không có gì để mất…
Có lẽ chủ nhân của những con thuyền thời Đông Sơn là một diện mạo khác, những người có con thuyền lớn có khả năng vượt biển, chiến đấu và ngang dọc giang hồ. Cũng có thể họ có cả một đội quân giống như hạm đội, hàng trăm chiến thuyền cho một bộ lạc lớn, cư trú trên mặt đất bằng những nhà sàn và di chuyển trên sông nước bằng thuyền độc mộc có trang bị nhiều vũ khí đánh xa và đánh gần. Qua thời Đông Sơn, những đội quân thuyền chiến như vậy tan rã dần, người Việt định cư trong các công xã nông thôn và sinh hoạt trên mặt đất nhiều hơn, nhưng đường thủy vẫn đóng vai trò quan trọng trong giao thông, ngay cả thời phong kiến.
Khi có người chết, con thuyền trở thành chiếc quan tài hay ngôi mộ cho người chiến binh như lúc anh ta còn sống, nay sống ở cõi vĩnh hằng cũng cần có một con thuyền đưa rước linh hồn qua chín suối. Con thuyền chính là ngôi nhà của người Việt cổ, ngôi nhà cho cả lúc sống lẫn lúc chết.
Nhưng vào thời Đông Sơn, ngôi nhà của người Việt cổ không phải chỉ có mỗi hình thức nhà thuyền?
- Bên cạnh những con thuyền vừa để đi lại vừa dùng làm nhà ở, người Đông Sơn làm hai loại nhà sàn. Một loại mái cong vểnh ra hai bên như một con thuyền, mà chúng ta còn thấy ở những làng cổ Indonesia; một loại mái tròn như cái thùng úp. Chúng tôi gọi đó là nhà cái và nhà đực.
Chúng ta không rõ người Đông Sơn sống trong những căn nhà thuộc về một gia đình hay những căn nhà lớn cho cả bộ lạc, hoặc cho một đại gia đình. Song những sinh hoạt có tính cộng đồng, như giã gạo, đánh trống tập thể cho thấy hình như vai trò gia đình chưa mạnh, bộ lạc buộc tất cả sống quần cư trong một vài ngôi nhà nhất định. Ngôi nhà Cái, có thể rất lớn cho vài chục người cùng một dòng tộc. Ngôi nhà Đực thường nhỏ hơn, có thể là kho chứa thực phẩm. Trong bộ lạc Đông Sơn có lẽ phụ nữ có vai trò rất lớn để hình thành chế độ mẫu hệ. Con cái phụ thuộc vào mẹ, phụ nữ sẽ cưới chồng, và đàn ông sẽ ở nhà của vợ, nhưng lực lượng chiến binh và săn bắn vẫn chính yếu là đàn ông.
Ngôi nhà Việt chưa bao giờ ảnh hưởng từ phương Bắc
Thưa ông, đến 1000 năm Bắc thuộc, chúng ta hình dung ngôi nhà Việt như thế nào? Có ảnh hưởng gì từ ngôi nhà của người phương Bắc hay không?
- Người Hán khi sang cai trị Việt Nam mang theo cả đại gia đình cùng với nhiều thường dân sống ở Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), nơi có trị sở của chính quyền đô hộ, sau đó chuyển về Đại La (Hà Nội). Người Hán chiếm cứ các dải ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, đẩy dân Lạc Việt vào sâu trong đất liền. Ở Luy Lâu với hơn 600 năm sinh sống, họ để lại nhiều mộ chí, và những tập tục Hán ảnh hưởng đến lối sống của người Việt. Những mộ chí Hán với nhiều đồ tùy táng cho phép đoán định lối sống con người thời đó.
Trước hết là những mô hình nhà bằng đất nung, đôi khi là gốm nung kỹ lưỡng màu ngà vàng có lớp men áo mỏng và phần lớn là đất đỏ nung kỹ như gạch. Đó là những tứ đại, tam đại đồng đường thu nhỏ, rất hiện thực. Một mô hình nhà thường có cổng, tường bao xung quanh, nhà ngang dãy dọc, và nhà có tầng hai thấp giống như các làng nhà đất còn sót lại hiện nay. Vài mô hình có cả vọng lâu canh gác cao hơn nhà ở. Và mô hình nhà với cả giếng nước có mái che, có cừu và dê đứng trong chuồng. Người Việt ảnh hưởng cái gì đó ở người Hán chứ chưa bao giờ đưa kiểu nhà này vào xây dựng.
Những hình ảnh do người phương Tây vẽ lại cho thấy nhà tre lợp lá phổ biển đến mức, đầu thế kỷ XIX, ở Kẻ Chợ vẫn còn là những phố phường mái lá nhà tre, ngoại thành Thăng Long và tất nhiên là nông thôn cũng vậy.
Đến sau này, khi chúng ta đã có nhiều dấu tích để lại hơn, thì ngôi nhà người Việt thời Lý - Trần dễ hình dung hơn, đúng không, thưa ông?
- Thực ra thì người thời Lý ở trong ngôi nhà như thế nào chúng ta không biết. Kinh thành Thăng Long được mô tả trong Đại Việt sử ký toàn thư thật là tráng lệ với nhiều lớp cung điện, nhưng hình ảnh thật sự là gì? Những ngôi chùa chỉ còn lại những lớp nền thấp cho phép hình dung kiến trúc kỳ vĩ thời này, nhưng cũng chỉ là hình dung thôi. Từ dáng vẻ của đồ gốm có thể cho rằng đồ gỗ thời Lý tương đối thô mộc. Kết cấu sáng sủa và bao trùm lên đồ đạc là một ngôi nhà không quá lớn nhưng có nhiều khoảng trống, bàn và tủ không có, chỉ có những án thư thấp và giá sách, giá gốm to vuông vức.
Kiến trúc vì kèo thời Trần thì lại cho thấy tương đối cụ thể phân bố không gian của các phủ đệ, chùa chiền và nhà dân bấy giờ. Đơn vị cơ bản là một ngôi nhà vì kèo chồng giường cột to thấp, mái dày và nặng, không gian trong nhà tương đối chật hẹp, ấm áp, và tối, tuy nhiên toàn bộ ngôi nhà lại được đặt trên lớp nền khá cao. Có thể thấy điều này qua các di tích thượng điện chùa Dâu, chùa Thái Lạc, chùa Dương Liễu.
Đó là một ngôi nhà có mặt bằng hình vuông, 4 cột chính tạo thành một gian giữa và hai gian chái thấp hơn, trung tâm đặt bệ tượng Phật. Những ngôi nhà thời Trần không ngoài kiểu thức kiến trúc đơn giản này, và nếu cần xây cất quy mô hơn, thì chỉ việc ghép vào nhau nhiều ngôi nhà như vậy, để tạo ra một quần thể.
Thời đại này phần lớn dân cư sống trong các thái ấp, đất phong hầu của các quý tộc nhà Trần. Nếu là nông nô, họ hoàn toàn phụ thuộc cả ăn lẫn ở vào gia chủ, nếu là nông dân họ có nhà riêng bằng tre nứa lá, đất và gỗ không khác lắm so với kiến trúc nông thôn thế kỷ XIX. Chắc chắn phủ đệ trong điền trang thái ấp giống như một ngôi thành nhỏ, theo lối nhà nhiều lớp quây quần, có tường bao bọc, quý tộc, gia nhân, nông nô chung sống theo thứ bậc trong nhà trên - nhà dưới, còn nhà trung tâm được coi như chính đường để hội họp và nơi gia chủ tiếp khách, giải quyết việc nhà.
Ngôi nhà tranh vách đất đã tồn tại nhiều thế kỷ
Sau đó, chúng ta đánh dấu một thời kỳ khác của ngôi nhà Việt bằng mốc lịch sử nào, thưa ông?
- Nhà cửa từ thời Lê sơ trở đi không khác nhiều lắm cho đến bốn thế kỷ sau, tức là kiểu thức kiến trúc vì kèo là xương sống chính của một ngôi nhà. Dù là nhà tre, nhà đất, nhà gỗ, nhà gạch thì hệ thống chịu lực và bộ mái cũng do vì kèo hình thành. Trong trí tưởng tượng của chúng ta, nhà dân lúc đó thuần bằng tre nứa và đất, mái thấp, cửa nhỏ, mặt bằng hình chữ nhật, có ba gian, hai chái. Càng vào miền Trung, mái nhà càng thấp xuống để tránh cái nắng gắt, có những mái nhà thấp gần sát đất, ở một vài nơi, người ta không làm tường nữa mà làm hai mái ụp thẳng lên mặt đất như một túp lều lớn. Cảnh tượng này ở nông thôn không lạ lẫm gì mà phổ biến và kéo dài nhiều thế kỷ sau.
Vậy là ngôi nhà tranh vách đất đã tồn tại nhiều thế kỷ sau, tới mức sau này đến thế kỷ XX chúng ta vẫn còn thấy phổ biến?
- Đôi khi người ta thường tự hỏi tại sao nông thôn lại lưu cữu một đời sống tăm tối với những mái nhà rơm rạ trong hàng trăm năm như vậy!?
- Từ một ngôi nhà tranh vách đất đến một ngôi nhà gỗ là cả một vấn đề, mà người nông dân coi sự yên bình với số phận là quan trọng hơn. Trong ngôi nhà tre, tất cả các đồ đạc đều bằng tre cùng với chút ít đồ sành. Giường tre, chõng tre, bàn ghế tre, nong nia dần sàng, rổ rá đều đan từ tre cả. Sắt và gỗ rất ít. Rừng đã lui xa đồng bằng để người dân có thể lấy được gỗ.
Ngôi nhà dân tình thì đơn sơ như vậy, nhưng kiến trúc công sở đã được tiêu chuẩn hóa từ đó cho đến nhiều triều đại sau, đặc biệt kiến trúc cụm nội công ngoại quốc: Nghĩa là trung tâm là hai dãy nhà song song nối với nhau bởi một nhà cầu, gọi là hình chữ công, có tường bao bọc.
Kẻ Chợ - Thăng Long thế kỷ XIX và những ngôi nhà tre lợp lá
Từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, nhất là khi bắt đầu ảnh hưởng của phương Tây vào Việt Nam, số phận của ngôi nhà Việt có những biến đổi gì, thưa ông?
- Dựa vào một số tài liệu, ghi chép của những người phương Tây theo các thương thuyền đến Đàng Ngoài và Đàng Trong, và dựa vào di tích còn lại thì chính Phố Hiến và Hội An, phố phường lại được xây cất tử tế hơn Kẻ Chợ. Đó là những dãy nhà một tầng, hoặc một tầng rưỡi, mái lợp ngói, phủ lên kiến trúc vì kèo bên trong. Nhưng lối vì kèo gỗ của Trung Quốc và Nhật Bản đều thanh thoát và không dày đặc như vì kèo Việt Nam, nên nội thất của căn nhà cũng sáng sủa hơn. Các nhà ở Hội An có chiều ngang rộng hơn nhà Kẻ Chợ, không gian trong nhà cũng rộng, sâu và thoáng hơn nhà người Việt nhiều.
Trong khi đó ở Kẻ Chợ, tuy đã hình thành thành phố phường, nhưng phần lớn các căn nhà đều dựng bằng vì kèo tre, lợp mái lá, vách trát đất. Đường phố tuy rộng, có nơi lát đá, nhưng phần lớn lát lổn nhổn xen kẽ với đường đất, gặp mùa mưa thì lầy lội bẩn thỉu. Đương nhiên Kẻ Chợ có đặc điểm hình thành riêng, thoạt tiên nó chỉ là những khu chợ bán chuyên những mặt hàng do các làng nghề mang đến. Nhưng đi lại mãi thì bất tiện, nên dân làng nghề chia đôi cơ sở sản xuất, bán định cư ở Kẻ Chợ, và xây dựng những nhà tạm theo phường thợ của mình. Phố phường hình thành, và bên trong các dãy phố vẫn còn là những khu đất trống mà dân Kẻ Chợ thường phóng uế ở đó, nên không nhà nào muốn tiến vào sâu cả.
Dần thì đất chật người đông, những nhà ngoài mặt đường phát triển vào sâu bên trong, họ sẽ gặp những nhà khác từ ba hướng kia, và nơi tiếp giáp vẫn thường là nơi vệ sinh.
Nhà tre lá gỗ đều dễ cháy, nên người ta thiết kế một chỗ vững chãi trên nóc nhà đặt vào đó một chum nước, các cống rãnh cũng đặt các gáo cán dài có thể vẩy nước lên cao. Trong trường hợp nước cũng không cứu được lửa, để lửa khỏi lan sang các nhà khác, người ta phải nhanh chóng kéo các lớp mái xuống đất.
Lối sống đơn giản phổ biến ở cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong, người lao động bình thường làm được đồng nào tiêu đồng ấy. Cho nên nhà cửa chỉ cần sơ sài, ăn vận cũng như vậy.
Thế kỷ XIX, Việt Nam vẫn là một xã hội phong kiến kéo dài trong thời kỳ hiện đại. Nền văn minh phương Tây đã đến quá gần và xâm nhập sâu sắc vào cuộc sống ngày thường của người Việt và buộc họ phải thay đổi.
Một đất nước kéo dài với ba hình ảnh khác nhau: Bắc Bộ với các thương điếm Hà Lan, Anh đã từ lâu vắng bóng, làng mạc rơi vào cảnh trì trệ như một cái nhịp muôn thủa. Kẻ Chợ không còn là nơi buôn bán sầm uất, mà hình thành đời sống thị dân trong đó thương nghiệp chỉ đóng vai trò phân phối nhỏ lẻ. Huế bắt đầu trở thành kinh đô hành chính và văn hóa với một lớp thị dân phong kiến tương đối khép kín. Riêng Sài Gòn, năng động hơn với những thương nhân người Hoa và di dân từ Bắc vào với mong muốn đổi đời.
Đại bộ phận dân chúng vẫn sống trong những làng xã. Dân số tăng, nông nghiệp không phát triển, nên một nếp nhà tranh tre nứa lá cũng là tạm ổn rồi.
Những hình ảnh do người phương Tây vẽ lại cho thấy nhà tre lợp lá phổ biển đến mức, đầu thế kỷ XIX, ở Kẻ Chợ vẫn còn là những phố phường mái lá nhà tre, ngoại thành Thăng Long và tất nhiên là nông thôn cũng vậy. Những nguyên liệu gianh, lá và rạ thường được lợp rất dày có khi tới nửa thước, chỉ cần phòng cho tốt hỏa hoạn, thì bộ mái này che mưa nắng cực kỳ tốt, và nhiệt độ trong nhà cũng ổn định một cách dễ chịu.
Ở Trung bộ, nơi nắng gió nhiều, các bộ mái được lợp thấp tới sát đất và cửa ra vào nhà trở nên rất thấp, còn trong nhà rất tối. Nhà cửa của những người Bắc di dân vào Nam còn sơ sài hơn. Nhà tre mái lá dừa, hoặc rơm rạ, tường bịt cót hoặc ken mành và không làm cánh cửa. Không có trộm và không có gì để mất.
Kiến trúc dân sự ở Thăng Long và Gia Định bắt đầu được xây dựng quy mô, đặc biệt ở Thăng Long, những phường thợ mái lá chuyển thành những nhà xây bằng gạch, mà sau này được họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ thành nhiều bức họa gần hết các phố phường. Đó là những nhà mái thu hồi, đầu hồi được bó thành một đốc trang trí nổi cao hình chữ nhật. Ngôi nhà này, phòng sát mặt phố thường cao tầng rưỡi hoặc chỉ một tầng, một phòng tiếp theo rồi đến sân lửng, qua sân lửng lại là một phòng nữa, rồi tiếp là bếp và khu vệ sinh. Trên gác phòng ngoài thường đặt ban thờ gia tiên. Hình thức này phổ biến toàn Kẻ Chợ.
Xin cảm ơn chia sẻ của ông!
Bài viết Hình dung ngôi nhà Việt trong tiến trình lịch sử được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này