Mới đây, tại Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam cùng các họa sĩ là thành viên trực thuộc hội đã phối hợp tổ chức triển lãm nghệ thuật với tên gọi COHUNATU. Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm lần này là tập hợp những sáng tác của 4 họa sĩ nổi danh: Ngô Anh Cơ, Nguyễn Quốc Huy, Hồ Nam và Trần Nam Tước.
Triển lãm gốm "COHUNATU" thu hút đông đảo những người yêu tranh. Video: Thanh Tùng
Lấy ý tưởng từ hình ảnh chất "men" làm say đắm lòng người, các họa sĩ đã đưa gốm đến gần với hội họa, với miếng đất đập bẹt, trở thành tranh và trên đó nghệ sĩ thả sức phóng tác như cách một họa sĩ vẽ sơn dầu trên toan hay bột màu trên giấy.
Đánh giá về giá trị nghệ thuật của những tác phẩm trưng bày tại triển lãm COHUNATU, Ông Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ Thuật Việt Nam chia sẻ với Dân Việt: "Bằng bàn tay, khối óc và sự sáng tạo của mình, các họa sĩ đã sáng tạo nên những tác phẩm tranh gốm hết sức đặc sặc. Dưới cái nhìn của các nghệ sĩ, những hòn đất vô tri cũng có thể biến thành nghệ thuật.
Có thể thấy, những nghệ nhân tài hoa giờ đây không chỉ nổi danh ở làng nghệ của họ mà còn được định danh ở sân khấu nghệ thuật Việt Nam. Các nghệ sĩ đương đại khi trở về làng đã cùng các nghệ nhân truyền thống sáng tạo nên những tác phẩm mới, mang màu sắc, hơi thở của cuộc sống. Đó thực sự là những giá trị nghệ thuật vì cộng đồng và xứng đáng được ca ngợi, biểu dương".
Vốn có niềm say mê, yêu thích và thử nghiệm sáng tác trên chất liệu gốm đã nhiều năm. Những sáng tác của họa sĩ Nguyễn Quốc Huy luôn mang màu sắc ngẫu hứng, không có dấu hiệu của tham vọng hay nỗ lực khẳng định. Đơn giản, đó là một cuộc phiêu lưu, một cuộc chơi sang trọng và kết quả đôi khi vượt xa kỳ vọng.
Trò chuyện với Dân Việt, hoạ sĩ Nguyễn Quốc Huy cho biết: "Từ xưa tới nay, làng gốm Bát Tràng vốn nổi danh ở đất Thăng Long. Trải qua hàng ngàn năm phát triển, vẻ đẹp của Thăng Long đã in hằn lên gốm Bát Tràng những dấu tích của thời gian. Mỗi nghệ sĩ lại có cách biểu đạt, thể hiện khác nhau. Với cá nhân tôi, tôi mong muốn thể hiện vẻ đẹp ấy qua những bức tranh trừu tượng của gốm. Qua đó, tôi mong muốn chia sẻ góc nhìn nghệ thuật của mình tới công chúng và những người yêu tranh".
Chia sẻ về quy trình sản xuất những bức tranh gốm trừu tượng, họa sĩ Nguyễn Quốc Huy cho biết: "Những bức tranh gốm đều được thực hiện hoàn toàn thủ công. Trải qua quá trình nhào nặn, chỉnh hình, mỗi họa sĩ đã góp tiếng nói của mình thông qua những hòn đất sét vô tri.
Các tác phẩm của tôi mang đến triển lãm năm nay đều hướng tới chủ đề chung là Tết Quý Mão 2023. Đó là những bức tranh lấy hình tượng mèo và cá làm chủ đạo. Trong năm mới, những hình ảnh này sẽ mang đến niềm vui, sự ấm áp cho con người trong ngày Tết truyền thống của Việt Nam".
Sau khi tham quan những bức tranh nghệ thuật trừu tượng, bạn Hà Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi thực sự ấn tượng với khả năng sáng tạo của các họa sĩ trong buổi triển lãm gốm này. Chỉ với những nguyên liệu gần gũi là đất sét và gốm, các họa sĩ đã biến chúng thành vô số những bức tranh mang màu sắc khác nhau. Qua những tác phẩm như Mèo và Cá, Suy ngẫm hay bức Thời gian… tôi cảm nhận được những ẩn ý mà tác giả mong muốn truyền tải tới người xem. Đó những ý niệm về sự hài hòa, những màu sắc của cuộc sống hay những lời chúc, mong cầu cho một năm mới hòa thuận, bình an với tất cả mọi người".
Với 46 tác phẩm gốm tại triển lãm này, các nghệ sĩ gốm đương đại đã vượt qua ranh giới của một nghệ thuật cổ xưa. Trong quá trình sáng tác của mình, họ đã có cuộc đối thoại giữa công năng và nghệ thuật. Sử dụng đất sét và men tạo ra những đồ vật giống một cái bình vừa hiện đại vừa cổ kính hoặc một bức tranh trừu tượng chỉ đơn thuần là sáng tạo nghệ thuật. Không cần thiết phải đặt ra những giới hạn, quy chuẩn… mà chỉ sáng tạo không ngừng nghỉ là con đường duy nhất cho mọi hình thức nghệ thuật và mọi nghệ sĩ.
Một số tác phẩm nghệ thuật đặc sắc được trưng bày tại triển lãm gốm gốm COHUNATU. Ảnh: Thanh Tùng
- Home>
- tin tc giai tri , tin tuc , tin tuc 24h >
- Các họa sĩ đưa gốm Bát Tràng đến gần với hội họa dịp đầu năm mới 2023