Lịch sử đời sống xã hội loài người là sự đan kết nối giao chồng chất nhiều lịch sử. Trong đó, toàn cảnh lịch sử Tết mỗi dân tộc, quốc gia; cận cảnh căn (gian bếp) - phòng (nơi) ăn; đặc tả mâm cỗ Tết mỗi gia đình, phản ánh được hiện trạng kinh tế, xã hội của thời điểm (năm) đó.
Bếp - Món ngon ngày Tết là một bến nhớ không niên hạn của mọi người, có một sự liên kết, cộng hưởng diệu kỳ của những người cùng chung hồi tưởng, là nhân chứng kỉ niệm và kể cả sức gợi từ hoài niệm này mở ra đồng cảm với bao người khác.
Tết của ký ức càng xa càng đông đủ người ruột thịt, thân quý. Gian bếp - mâm cơm - bàn ăn là chốn quây quần, sum họp, vui vầy ấm cúng. Cỗ to hay nhỏ, cầu kỳ hay giản lược, do điều kiện kinh tế, nhân lực, tài gia chánh và cả tính cách - quan điểm về Tết của mỗi người.
Nếp nhà, tổ ấm chính là lửa từ bếp. Sẽ không có gia đình, không có Tết đúng nghĩa khi bếp nhà nguội lạnh. Dẫu đồ bán sẵn - mang tận nhà, dẫu 360 ngày "thờ ơ" thì cũng cần có ít nhất 5 ngày bếp ấm. "Ngon như mẹ nấu" hay bà nấu, đâu chỉ là ngon khi thưởng thức, mà ngon bởi công phu, tình cảm gửi vào đó; họ không thấy nặng nhọc, mệt oải, chỉ thấy lan toả niềm vui qua các bữa ăn kết nối mọi người, hoà điệu một tấm tắc, xao xuyến một gợi nhắc.
Một vẻ đẹp của người phụ nữ khắp thế giới luôn là giao điểm của cảm xúc, là khi họ nấu ăn một cách hứng cảm, coi đó là dịp thể hiện yêu thương chứ không phải một nghĩa vụ triền miên, áp lực kéo dài.
Sự chịu khó, tảo tần, chắt chiu, vun vén, khéo léo, quan tâm, nhường nhịn... nhiều phẩm tính tốt đẹp của người đàn bà Việt Nam bộc lộ qua những bữa ăn, nhất là dịp Tết, rõ rệt, sinh động nhất.
Lịch sử kinh tế - xã hội các thời kỳ phản ánh khá chuẩn xác qua các loại hình bếp. Thời 4.0, bếp điện từ, hồng ngoại hiện đại, căn bản thường nhật như nồi cơm điện, máy xay các loại nồi lẩu, nồi nướng, chiên... đa năng đã đỡ cho bà nội trợ. Càng tiện lợi, tôi càng nhớ thương bà tôi.
Tôi nghe qua lời kể của cha, chú và hỏi bà. Những cái Tết 30 - 40 - 50 - 60 năm trước. Thời của mọi "để dành". Bà dành dụm từng cân gạo nếp, đỗ, từng chút mì chính, hạt tiêu... cho nồi bánh chưng. Gom từng lạng măng lá (hiếm khi mua được măng lưỡi lợn), bóng, mộc nhĩ.
Bà ơi, khói từ gian bếp 37 năm trước đang nhoà cay mắt cháu!
Ngày ấy, mới 5 tuổi, cháu không đi nhà trẻ, cháu ở nhà với bà, vừa giúp bà trông em, vừa đi kiếm củi - thực ra là cành, que... đun được. Sau đun củi là thời kỳ nhồi bếp mùn cưa, phoi bào (gỗ). Thổi lửa nóng má, phùng mang, nên gọi là "thổi cơm" thật đúng quá. Cơm có nước mắt, vì bữa nào chẳng khói. Rồi bà còn kể chuyện tích củi, tìm nhà nào mổ lợn để "đụng" vài cân. Miếng ngon, đồ đẹp để dành cho Tết.
Nhà tôi nghèo lâu, khi khấm khá thì bà nội lại bệnh tiểu đường, phải kiêng giữ ăn uống. Một đời khổ, những năm tuổi già, bà lại không được thứ "khoái" căn bản nhất của con người. Thế là bà lại càng nhớ thời xưa khi ông còn. Ông tôi thường xuyên vắng nhà, Tết là kỳ hội ngộ. Năm tháng cuộc đời ông bà, cha chú tôi trải nghiệm nhiều loại bếp. Bếp nhà to gỗ lim ở Trùng Khánh, bếp Tày ở Bình Gia - Bắc Sơn, bếp củi ở thành phố Thái Nguyên, bếp dầu - củi - than - gas khu Cầu Giấy... Dù tùng tiệm mấy, các món căn bản của cỗ Tết truyền thống, bà đều cố lo đủ như cố gắng lo đám cưới chú tôi, chỉ 15 mâm thôi, vẫn đủ thực đơn căn bản của người Hà Nội, một gia đình nghệ sĩ coi trọng ngon từ mắt.
Bữa tiệc "giác quan đi hội" chính là mâm cơm Tất niên. Mời tổ tiên, cụ kỵ, ông nội về ăn Tết. Bà nói: Xôi phải đồ chõ mới ngon, nấu nồi thì thành cơm nếp. Bà đồ xôi đỗ vàng ươm, cẩn thận rưới chậm mỡ gà. Tôi chạy lăng xăng giúp mẹ rửa lá dong và là chân sai vặt của cả nhà cho tới khi học cấp 2. Bà yếu tay thì chú Cương tôi gói bánh chưng, giò thủ, đẹp và chặt như gói khuôn. Tôi không nặn được giò sống bọc nấm hương tròn như bà, thì bóc trứng chim cút. Bà là chuyên gia muối dưa, hành vừa ngon vừa đẹp. Mẹ tôi - dâu trưởng, kế thừa hoa tay này. Riêng món xôi thì mẹ không thể bì với mẹ chồng.
Cỗ Tết truyền thống Hà Nội nhất thiết phải có bát canh măng khô ninh chân giò và canh bóng (da lợn sấy) nấu giò sống bọc nấm hương, điểm sắc cà rốt. Giò lụa trắng bên đũa chả quế đỏ ươm xoè hoa 6 cánh, rắc lơ đãng vài cọng rau mùi xanh lên đĩa nem rán vàng rộm; đĩa xào thịt bò hoặc hạnh nhân; nộm đu đủ trắng xanh cam tím (cà rốt, cải bắp tím). Khi nhà tôi khá hơn, có món hạnh nhân xào, mực nấu rối trong cỗ Tất niên. Mâm cơm cúng hôm hoá vàng cuốn tôm đồng cổ truyền của người Hà thành thanh quý. Tết nào cũng thấy đến nhanh, hết nhanh. Tuổi thơ xa lâu mà tôi vẫn thèm Tết chậm. Tôi muốn "giữ" chứ không muốn "tiễn" ông bà. Rắc lá chanh lên đĩa thịt gà úp từ đĩa khác tròn vành, dùng lạt cắt bánh, là việc của bố tôi. Tôi vinh dự nhiệm vụ: cài nụ hồng vào giữa mỏ con gà trống đã luộc được bày rất thẩm mỹ. Cả nhà tắm lá mùi, đánh răng, quần áo chỉnh tề, tôi xúng xính áo len mới bà đan (rút từ áo len cũ), cùng theo bố tôi (bưng mâm) lên phòng thờ. Bố dặn: Phải sạch sẽ thân thể, miệng thơm tho thì mới được phép lên phòng thờ. Khấn cầu là lời thốt từ miệng hay tâm, đều phải tập trung, thành kính, trong sáng. Không xin nhiều là làm phiền bề trên vì tham; không ỷ cụ, ông phù hộ mà lười nhác.
Người Hà Nội xưa không thuê/mua cỗ dịch vụ, tự làm, tùy lượng thực khách và kinh tế mà cầu kỳ: tối thiểu phải 4 bát, 4 đĩa; có nhà 6; thậm chí 8 đĩa. Tiệc cung đình cho Vua ngự thiện hay quyền quý xa hoa danh gia vọng tộc thì đủ "bát trân" (8 món quý).
Bà nội vắng 12 Tết, Tết Canh Dần 2010 là Tết cuối tôi được mừng thọ bà tôi. Bà chưa bao giờ được thưởng thức "bát trân". Bà bị bệnh từ trẻ, Bà cố gắng nhiều phen phi thường mà không thể vượt bát thập. Nhưng tôi, đứa cháu cả, cháu lớn nhất, giữ từng ký ức về bà, như giữ báu vật của tâm hồn.
Những món ngon bà nấu, nhất là mâm cơm Tết, hình ảnh bà lúi húi bếp khói lam lũ mỏi tay. Mà tôi hình dung về cả thời tôi chưa ra đời, cho tôi màu sắc - hương vị - âm thanh - cảm giác thần tình làm nên phong vị Tết tuyệt đẹp nhất. Tôi như thấy bà khi nhìn nhà báo - chuyên gia Vũ Tuyết Nhung làm cỗ Tết, dù sinh thời bà tôi không có điều kiện như cô. Tết ấy vẫn đang thức động trong tôi ngày Rằm Chạp, nước rút hành trình về Xuân mới, kể cho các con tôi. Nhớ, kể, mong gặp ở tương lai - cơ hội của ký ức - động mạch của cảm hứng sống mà tôi quý từng giây khắc.
Nhằm tạo cơ hội cho những người con từng phải đón Tết xa quê vì dịch bệnh, vì công cuộc mưu sinh… trải lòng về những cảm xúc, tâm tư, nỗi niềm được đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Quý Mão và cả những câu chuyện mình trải qua hoặc chứng kiến về Tết đoàn viên, báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc thi viết "Tết đoàn viên". Với cuộc thi này, Ban Tổ chức sẽ nhận tất cả các bài viết thuộc các thể loại: phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, có kèm hình ảnh, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email banvhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 31/1 (tức mồng 10 Tết Nguyên đán Quý Mão), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.
Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Tết đoàn viên" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.
Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.
Thông tin thêm về thể lệ cuộc thi tại đây.
- Home>
- tin tc giai tri , tin tuc , tin tuc 24h >
- Bài dự thi Tết đoàn viên: Cuộc đoàn viên thiêng liêng nhất