• Thứ Tư, 9 tháng 11, 2022

    Những ngày qua, dư luận xôn xao về sự việc bà Đặng Thùy Trang đâm đơn kiện Hoa hậu Thùy Tiên về tranh chấp hợp đồng vay tiền. Quan điểm của ông về sự việc này như thế nào?

    - Đây là tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nơi bị đơn cư trú. Căn cứ để khởi kiện là các tài liệu chứng cứ chứng minh có việc vay mượn. Theo quy định của pháp luật thì hợp đồng vay tài sản là hợp đồng dân sự thông dụng, hợp đồng vay tài sản có thể thể hiện hình thức bằng lời nói, bằng hành vi hoặc bằng văn bản.

    Vụ Đặng Thu Trang khởi kiện Hoa hậu Thùy Tiên: Giấy ghi nợ 1,5 tỷ đồng bị xé rách có còn giá trị? - Ảnh 1.

    Bà Đặng Thùy Trang - chị gái Hoa hậu Đặng Thu Thảo và Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên. (Ảnh: FBNV)

    Theo Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

    Điều 469 Bộ luật Dân sự 2015 thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn như sau:

    - Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    - Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản.

    Còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.

    Điều 470 Bộ luật Dân sự 2015 thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn như sau:

    - Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.

    - Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

    Pháp luật quy định quan hệ vay tài sản là quan hệ dân sự trên cơ sở tự nguyện, tỉnh táo và minh mẫn. Số tiền do hai bên quyết định, ngoài ra thời hạn vay, mức lãi suất, biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự cũng là những yếu tố có thể thỏa thuận trong hợp đồng vay tài sản.

    Vụ Đặng Thu Trang khởi kiện Hoa hậu Thùy Tiên: Giấy ghi nợ 1,5 tỷ đồng bị xé rách có còn giá trị? - Ảnh 3.

    Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

    Nếu đến thời hạn trả nợ mà bên vay không trả đúng, đầy đủ thì bên cho vay có quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp khởi kiện thì bên cho vay được xác định là nguyên đơn, nguyên đơn có quyền khởi kiện đòi nợ và cũng có nghĩa vụ phải xuất trình các tài liệu chứng cứ để chứng minh có khoản nợ mà người vay chưa trả. Tài liệu để chứng minh có thể là văn bản, tài liệu ghi âm, ghi hình hoặc xác nhận của người làm chứng.

    Trong quá trình giải quyết vụ án thì tòa án sẽ triệu tập các bên đến để tiếp cận, giao đồ phải công khai chứng cứ và hòa giải. Nếu các bên không thể hòa giải được thì tòa án sẽ mở phiên tòa để xét xử vụ kiện này. Trong quá trình giải quyết vụ án thì bị đơn cũng có quyền đưa ra yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ đối với yêu cầu của nguyên đơn.

    Trường hợp các bên không thỏa thuận được và có căn cứ cho thấy đã có việc vay mượn tiền nhưng chưa trả thì tòa án sẽ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Ngược lại nếu nguyên đơn không chứng minh được đã có việc chuyển tiền hoặc có việc chuyển tiền trên đó là thanh toán nghĩa vụ dân sự khác hoặc bị đơn đã trả nợ thì tòa án sẽ bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

    Vụ Đặng Thu Trang khởi kiện Hoa hậu Thùy Tiên: Giấy ghi nợ 1,5 tỷ đồng bị xé rách có còn giá trị? - Ảnh 4.

    Hình ảnh mặt trước biên bản thỏa thuận xác nhận nợ giữa Nguyễn Thúc Thùy Tiên và bên cho vay là ông Nguyễn Quan Trọng. (Ảnh: Bà Đặng Thùy Trang cung cấp cho Dân Việt)

    Vụ Đặng Thu Trang khởi kiện Hoa hậu Thùy Tiên: Giấy ghi nợ 1,5 tỷ đồng bị xé rách có còn giá trị? - Ảnh 5.

    Hình ảnh mặt sau biên bản thỏa thuận xác nhận nợ có chữ ký Thùy Tiên kèm điểm chỉ và ghi rõ đã nhận đủ tiền. Tuy nhiên, biên bản thỏa thuận xác nhận nợ này bị Thùy Tiên xé rách trước mặt bà Đặng Thùy Trang. (Ảnh: Bà Đặng Thùy Trang cung cấp cho Dân Việt)

    Cụ thể, sự việc Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên thừa nhận đã ký vào biên bản thỏa thuận nợ, điểm chỉ và viết rõ đã nhận đủ tiền vào ngày 22/7/2017 nhưng giấy nợ đó bị chính Thùy Tiên xé rách như trong clip được lan truyền khiến mạng xã hội. Ông đánh giá gì về hành động này?

    - Hành vi xé giấy vay nợ thể hiện thái độ bức xúc của các bên, sự việc có thể là nghiêm trọng nếu như đó là hành vi nhằm trốn tránh trách nhiệm trả nợ. Chuyện xé giấy vay tiền đã từng xảy ra trong nhiều vụ việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản, tùy thuộc vào bản chất của từng sự việc mà cách giải quyết cũng khác nhau.

    Trong trường hợp khoản nợ chưa được trả mà người vay tiền đã xé giấy nợ nhằm trốn tránh trách nhiệm trả nợ thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Ngược lại nếu khoản nợ đã được trả rồi nhưng các bên chưa thực hiện thủ tục thanh lý, chưa xé bỏ giấy vay nợ thì việc xé giấy nợ trong tình huống này là có thể hiểu được tâm trạng và cảm xúc của bên vay tiền phẫn nộ thế nào.

    Bởi vậy, trong tình huống nếu bên vay tiền xé giấy thì chủ nợ có quyền làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan điều tra để được xem xét giải quyết về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo quy định của pháp luật thì hành vi gian dối hoặc bỏ trốn nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ hoặc có nghĩa vụ trả nợ nhưng cố tình không trả đối với khoản nợ từ 4.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điều 175 Bộ luật Hình sự. 

    Theo quy định của Bộ luật hình sự thì quan hệ dân sự có thể chuyển thành quan hệ hình sự nếu như người nào đã thông qua quan hệ dân sự để nhận tài sản của người khác trị giá 4.000.000 đồng trở lên, sau đó thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm chiếm đoạt tài sản:

    - Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.

    - Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

    Trong vụ việc này, nếu thấy vụ việc có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản thì bên cho vay có quyền làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan điều tra để xem xét giải quyết. Trường hợp cơ quan điều tra kết luận vụ việc không có dấu hiệu tội phạm thì bên chủ nợ có thể khởi kiện đến tòa án để thực hiện yêu cầu đòi nợ theo thủ tục tố tụng dân sự. Sự việc đúng sai thế nào sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định trên cơ sở thực hiện các trình tự thủ tục trong việc giải quyết tin báo hoặc trong thủ tục tố tụng dân sự.

    Vụ Đặng Thu Trang khởi kiện Hoa hậu Thùy Tiên: Giấy ghi nợ 1,5 tỷ đồng bị xé rách có còn giá trị? - Ảnh 6.

    "Tôi chưa từng nhận bất kỳ một đồng nào như lời bà Đặng Thùy Trang đã hứa", Hoa hậu Thùy Tiên chia sẻ. (Ảnh: FBNV)

    Giả sử biên bản thỏa thuận xác nhận nợ là bằng chứng và sự thật đã bị Hoa hậu Thùy Tiên xé rách thì cô ấy sẽ phải đối mặt với khung hình phạt thế nào?

    - Trường hợp bên bị đơn xé giấy vay nợ thì bên nguyên đơn có thể đề nghị tòa án chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra để xem xét giải quyết dấu hiệu của hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Quá trình xác minh tin báo, cơ quan điều tra sẽ kết luận mục đích của việc thực hiện hành vi đó là gì, nếu đó là hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản thì đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự. Còn với trường hợp kết quả xác minh chưa có căn cứ cho thấy đó là hành vi chiếm đoạt thì sẽ không khởi tố và chuyển hồ sơ cho tòa án tiếp tục giải quyết.

    Trường hợp giấy vay nợ đã bị xóa bỏ, hành vi chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và có căn cứ cho thấy đã có việc giao nhận tiền nhưng chưa có việc trả nợ thì tòa án vẫn có thể chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Chứng cứ để chứng minh cho quan hệ dân sự vay mượn tài sản không chỉ là giấy vay nợ mà còn là lời khai của các bên, lời khai của người làm chứng, chứng cứ ghi âm, ghi hình và các tài liệu chứng cứ khác theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

    Clip Nguyễn Thúc Thùy Tiên xé giấy nợ 1,5 tỷ đồng từng khiến dư luận xôn xao. (Nguồn: ST)

    Chứng cứ là những gì có thật, có ý nghĩa trong việc chứng minh vấn đề mà các bên đưa ra, chứng cứ được thu thập theo trình tự thủ tục luật định. Để được coi là một chứng cứ thì tài liệu đồ vật đó phải thể hiện tính khách quan và phải được thu thập hợp pháp, phải chứng minh một vấn đề mà các bên đưa ra, làm căn cứ xác định sự thật đã diễn ra. Việc đánh giá chứng cứ sẽ thực hiện trong quá trình trong tổng công khai tại phiên tòa và cuối cùng tòa án sẽ là người quyết định.

    Bởi vậy, không phải cứ xé giấy vay nợ là sự việc kết thúc. Đây có thể là căn cứ để phát sinh một quan hệ pháp luật khác hoặc để chứng minh cho ý chí của một trong các bên liên quan. Việc tòa án giải quyết không chỉ căn cứ vào một chứng cứ mà sẽ căn cứ vào nhiều tài liệu chứng cứ khác nữa.

    Nếu biên bản thỏa thuận xác nhận nợ là đúng sự thật và bị Thùy Tiên xé rách thì giấy tờ này còn giá trị về mặt pháp lý tại tòa án hay không, thưa ông?

    - Trường hợp có bản chính giấy vay nợ, giấy nhận nợ, giấy xác nhận nhưng đã bị xé rách và việc xé giấy đó có sự chứng kiến của cán bộ tòa án hoặc của người làm chứng trong hoàn cảnh hai bên đang tranh chấp với nhau thì những mảnh giấy đó cũng là căn cứ để chứng minh có một việc vay mượn thể hiện qua tờ giấy. Nghĩa vụ trả nợ của bị đơn chỉ chấm dứt khi bị đơn có căn cứ cho thấy đã trả nợ hoặc đã bù trừ và nghĩa vụ dân sự khác.

    Việc xé giấy vay nợ chỉ có ý nghĩa khi các bên đã thanh toán xong và tự nguyện xé giấy. Còn giấy vay nợ, giấy nhận nợ bị rách do có tranh chấp hoặc do sơ ý trong quá trình bảo quản nhưng ghép vào vẫn đọc được thì vẫn là chứng cứ để chứng minh có việc giao kết.

    Đây là vấn đề quan trọng trong việc giải quyết vụ án dân sự này nhưng không phải là tất cả. Tòa án sẽ xem xét tất cả các tài liệu chứng cứ mà các bên xuất trình và các tài liệu bài toán thu thập được. Trong đó, có thể là lời khai của người làm chứng, chứng cứ ghi âm, ghi hình và các tình tiết chứng cứ khách quan khác để chứng minh mối quan hệ giữa các bên xem có việc chuyển tiền cho vay giữa các bên hay không.

    Vụ Đặng Thu Trang khởi kiện Hoa hậu Thùy Tiên: Giấy ghi nợ 1,5 tỷ đồng bị xé rách có còn giá trị? - Ảnh 8.

    "Tôi khẳng định, Thùy Tiên coi rất kỹ biên bản thỏa thuận xác nhận nợ và có mục đích sử dụng tiền. Thùy Tiên có nhận tiền nên cô ấy mới ký tên, điểm chỉ và ghi rõ đã nhận tiền", bà Đặng Thùy Trang chia sẻ với Dân Việt. Trong ảnh, bà Đặng Thùy Trang và Thùy Tiên thời điểm cô giành giải Á khôi cuộc thi Hoa khôi Nam Bộ 2017. (Ảnh: NVCC)

    Theo bản thỏa thuận xác nhận nợ, bà Đặng Thùy Trang tham gia ký với tư cách là người làm chứng, còn bên cho vay là ông Nguyễn Quan Trọng. Vậy bà Trang có quyền khởi kiện yêu cầu Thùy Tiên phải trả tiền cho mình hay không, thưa ông? 

    - Theo quy định của pháp luật thì bên cho vay tiền có quyền khởi kiện để đòi nợ và cũng có thể ủy quyền cho người khác thực hiện việc đòi nợ theo quy định của pháp luật. Bởi vậy, trong trường hợp nguyên đơn không phải là người cho vay tiền thì phải xuất trình giấy ủy quyền của người cho vay tiền. Theo đó, tòa án mới xem xét thụ lý giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.

    Theo quy định của pháp luật, người cho vay có thể trực tiếp thực hiện quyền của mình hoặc có thể ủy quyền cho người khác để thực hiện quyền, trong đó có quyền khởi kiện để đòi nợ. Bởi vậy, trong hồ sơ khởi kiện vụ án dân sự mà người khởi kiện không phải là người có quyền thì tòa án sẽ yêu cầu xuất trình văn bản ủy quyền, nếu có văn bản ủy quyền thì tòa án mới thụ lý để giải quyết.

    Khoản 1 và khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:

    1. Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.

    4. Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.

    Vụ Đặng Thu Trang khởi kiện Hoa hậu Thùy Tiên: Giấy ghi nợ 1,5 tỷ đồng bị xé rách có còn giá trị? - Ảnh 9.

    Đặng Thùy Trang muốn lấy lại số tiền 1,5 tỷ đồng và yêu cầu Hoa hậu Thùy Tiên phải công khai xin lỗi. (Ảnh: FBNV)

    Vụ Đặng Thu Trang khởi kiện Hoa hậu Thùy Tiên: Giấy ghi nợ 1,5 tỷ đồng bị xé rách có còn giá trị? - Ảnh 10.

    Phía Hoa hậu Thùy Tiên cho biết: "Kiện tụng là điều không ai mong muốn. Đây là một bước đi rủi ro cho sự nghiệp của tôi... Tôi làm điều này hôm nay không phải vì tiền bồi thường cũng không phải chỉ vì mỗi bản thân mình mà tôi làm vì để đứng lên đấu tranh cho công lý cho những cô gái trẻ cũng đã từng hoặc sẽ rơi vào hoàn cảnh giống như mình. Trên tinh thần thượng tôn của pháp luật, tôi hy vọng tất cả khán giả sẽ ủng hộ và chờ đợi kết quả của tòa án".

    Hiện tại, tiến trình vụ việc bà Đặng Thùy Trang đâm đơn kiện Hoa hậu Thùy Tiên về tranh chấp hợp đồng vay tiền đã được phía Tòa án Nhân dân quận Gò Vấp (TP.HCM) thụ lý. Từ sự việc này, luật sư Đặng Văn Cường có lời khuyên nào trong vấn đề vay mượn tiền để tránh rủi ro?

    - Đây là vụ án tranh chấp dân sự đang được tòa án giải quyết, chưa có kết quả giải quyết cuối cùng. Tuy nhiên những tình tiết của vụ án này cho thấy có rất nhiều bài học đã được rút ra đối với nhiều người trong quan hệ dân sự vay mượn tài sản.

    Theo quy định của pháp luật, việc vay mượn tài sản có thể thỏa thuận bằng lời nói, bằng hành vi hoặc bằng văn bản. Tuy nhiên, nếu có văn bản và có người làm chứng thì đó là chứng cứ quan trọng để chứng minh quan hệ vay mượn tài sản đã được thiết lập giữa các bên liên quan. Đặc biệt là bên cho vay tiền phải có được xác nhận là đã chuyển tiền thông qua tài khoản hoặc bên đi vay xác nhận là đã nhận đủ tiền vay. Đặc biệt là trong hợp đồng vay tài sản nên ghi rõ lý do vay, thời hạn vay, lãi suất và biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự.

    Khi hai bên có tranh chấp thì các bên liên quan không nên đưa giấy tờ gốc cho nhau xem tránh trường hợp xé giấy tờ mà không có người làm chứng. Điều này sẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác định khoản nợ đã được thanh toán hay chưa.

    Còn đối với bên đi vay tài sản thì khi trả nợ cần phải thu lại giấy tờ gốc để hủy bỏ hoặc phải có ký xác nhận là đã nhận trả nợ, việc chuyển quyền tá tiền qua tài khoản cũng là chứng cứ quan trọng để xác định có việc trả nợ, tránh tranh chấp có thể xảy ra.

    Cũng không ít trường hợp trong đời sống xã hội khi vay thì các bên liên quan có giấy tờ nhưng khi trả nợ họ không lập giấy tờ, cũng không xé giấy tờ vay gốc. Vì vậy dẫn đến bên cho vay tiếp tục khởi kiện để đòi nợ, trong tình huống đó thì rủi ro thuộc hoàn toàn về bên đi vay.

    Ngoài ra, cũng có thể xảy ra những trường hợp các bên viết giấy vay mượn, thậm chí, ký xác nhận đã nhận đủ tiền nhưng thực tế không có giao dịch hoặc che giấu bởi giao dịch khác. Trong trường hợp này thì bên "bút sa" - bên đã ký vào phải chịu trách nhiệm về nội dung chữ ký của mình nếu như không có đủ căn cứ để chứng minh đó là giao dịch giả tạo hoặc giao dịch đã thực hiện xong bằng các chứng cứ khác.

    Cảm ơn luật sư Đặng Văn Cường đã chia sẻ thông tin!

    Bài viết Vụ Đặng Thùy Trang khởi kiện Hoa hậu Thùy Tiên: Giấy ghi nợ 1,5 tỷ đồng bị xé rách có còn giá trị? được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này

    Leave a Reply

    Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

  • - Copyright © Giải Trí Việt Nam - Powered by Blogger - Designed by Jthietkesitedep.com -