TS Trần Thị Thủy - Viện Nghiên cứu Trung Quốc có bài viết về cơ hội hợp tác giữa hai nước trong ngành công nghiệp văn hóa, gửi đến Báo Điện tử Dân Việt.
Công nghiệp văn hoá – điểm sáng kinh tế mới nổi của Trung Quốc
Công nghiệp văn hoá tại Trung Quốc được ra đời và phát triển có định hướng của chính phủ ngay từ những năm đầu của thế kỷ XXI. Năm 2000, khái niệm công nghiệp văn hoá lần đầu tiên xuất hiện trong văn bản Kiến nghị của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về xây dựng Quy hoạch 5 năm lần thứ X phát triển kinh tế xã hội quốc dân.
Tầm nhìn của Trung Quốc đối với lĩnh vực này được thể hiện thông qua việc thành lập Cục công nghiệp văn hoá - là cục duy nhất được thành lập mới trong đợt tinh giảm biên chế cuối những năm 90 của Bộ Văn hoá nước này. Năm 2004, nhằm phục vụ cho mục tiêu thống kê trong lĩnh vực văn hoá và các ngành nghề có liên quan, Tổng Cục thống kê của Trung Quốc đã đưa ra cách hiểu và phân loại về ngành công nghiệp văn hoá.
Theo đó, công nghiệp văn hoá là cách gọi vắn tắt của nội hàm "văn hoá và các ngành nghề liên quan", được hiểu là tập hợp những hoạt động cung cấp sản phẩm và dịch vụ văn hóa giải trí cho quần chúng xã hội và những hoạt động có liên quan đến quá trình này.
Đây cũng điểm khác của Trung Quốc so với các quốc gia khác, khi Tổng Cục Thống kê là cơ quan đưa ra và thống nhất cách hiểu của khái niệm công nghiệp văn hoá. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá vào năm 2009 đã xác định đây là ngành quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của nền văn hoá xã hội chủ nghĩa và là đầu mối thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Trung Quốc.
Cho đến nay, ngành công nghiệp văn hoá Trung Quốc có tốc độ phát triển ổn định, với mức đóng góp khoảng 4,44% trong tổng sản phẩm quốc dân (GDP). Tại một số tỉnh, thành phố phát triển như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu... mức đóng góp của công nghiệp văn hoá trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) xấp xỉ 9%-10% . Công nghiệp văn hoá đang dần phát triển từ một điểm sáng mới nổi trong nền kinh tế đến một trong những ngành kinh tế trụ cột của Trung Quốc.
Thông cáo chung giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc nhân chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (từ ngày 30/10 đến 1/11/2022) khẳng định, phát triển các ngành công nghiệp văn hoá là một trong những trọng tâm trong hợp tác văn hoá thời gian tới giữa hai nước.
Đây là một tín hiệu tốt nối tiếp Hiệp định hợp tác về công nghiệp văn hoá đã được ký kết giữa bộ văn hoá hai nước (chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Việt Nam năm 2017). Thực tế cho thấy, công nghiệp văn hoá là lĩnh vực mới nhưng đầy tiềm năng phát triển.
Công nghiệp văn hoá – trọng tâm trong chiến lược phát triển văn hoá của Việt Nam đến năm 2030
Năm năm trở lại đây là giai đoạn chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá đến năm 2021, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam xác định công nghiệp văn hoá là bộ phận quan trọng cấu thành nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hoá.
Sau 5 năm nhìn lại, sự phát triển của ngành công nghiệp văn hoá đã được ghi nhận qua một số con số đáng chú ý. Năm 2018, các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam ước đạt 3,61% GDP cả nước. Tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực văn hoá chiếm 3,51% tổng lao động cả nước.
Năm 2019, xuất khẩu sản phẩm văn hoá đạt 2,494 tỷ USD. Mặc dù vậy, các ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam chỉ mới bước những bước đi đầu tiên, chúng ta vẫn cần thêm nhiều định hướng nữa để phát huy tiềm năng sẵn có.
Vì vậy, Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030 tiếp tục nhấn mạnh đến việc hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hoá, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế. Đây là điểm tựa quan trọng về mặt chủ trương để Bộ văn hoá và các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam.
Việt Nam và Trung Quốc có đầy đủ cơ sở để đưa công nghiệp văn hoá thành lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có quan hệ hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trung Quốc xác đinh Việt Nam là cửa ngõ quan trọng để nước này tham gia sâu hơn vào thị trường Đông Nam Á. Những định hướng trong phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam là định hướng để hướng đến thị trường hơn 800 triệu dân của Đông Nam Á.
Việt Nam coi việc đứng cạnh thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới là một cơ hội để phát triển nền sản xuất trong nước. Bên cạnh những lĩnh vực hợp tác đã có truyền thống trong quan hệ hai nước, công nghiệp văn hoá đang được coi là địa hạt mới nhiều tiềm năng để tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đi vào chiều sâu.
Tiềm năng từ sự tương thông văn hoá: Việt Nam và Trung Quốc đều là những quốc gia thuộc vành đai văn hoá chữ Hán. Cả hai nước có nhiều đặc điểm chung về phong tục tập quán, tín ngưỡng văn hoá dân gian như các ngày lễ, tết. Nho giáo, Phật giáo đều có ảnh hưởng sâu sắc đến nhân sinh quan, giá trị quan của người dân hai nước.
Đây là yếu tố mang tính nền tảng tạo nên sự thuận lợi trong quá trình hai nước thúc đẩy giao lưu nhân dân. Còn từ góc nhìn thị trường, sự tương thông về văn hoá tạo điều kiện để hàng hoá văn hoá hai nước dễ dàng thâm nhập vào thị trường của nhau. Đồng thời, yếu tố gần gũi văn hoá sẽ góp phần giúp doanh nghiệp văn hoá hai nước giảm chi phí quảng bá sản phẩm trong quá trình mở rộng thị trường phía bạn.
Tiềm năng từ sự tương đồng của thể chế chính trị: Việt Nam và Trung Quốc là những quốc gia theo chế độ xã hội chủ nghĩa với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Để đạt được những thành quả như ngày hôm nay, cả hai nước đều trải qua một quá trình dài phát triển đất nước dưới hình thức cải cách và mở cửa. Trung Quốc bắt đầu tiến hành công cuộc cải cách mở cửa từ năm 1978.
Đến nay, chặng đường hơn 40 năm này đã đưa Trung Quốc trở thành một trong những cường quốc hàng đầu thế giới về kinh tế, quân sự, khoa học – kỹ thuật. Thành công từ sự nghiệp Đổi mới đã tạo nên bước chuyển mạnh mẽ về mặt thể chế để Việt Nam vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế năng động bậc nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Sự tương đồng trong thể chế chính trị và quá trình phát triển đất nước làm cho bối cảnh xã hội của hai bên có nhiều điểm giống nhau. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp văn hoá hai nước khai thác trong quá trình sản xuất sản phẩm văn hoá nhằm thoả mãn tâm lý, tình cảm của người tiêu dùng.
Tiềm năng từ nền tảng thực tiễn: Trên thực tế, trước khi được chính phủ hai nước xác định là trọng tâm trong hợp tác về văn hoá, một số lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hoá giữa Việt Nam và Trung Quốc đã giao lưu, hợp tác và đạt được những thành tựu nhất định. Sản phẩm văn hoá Trung Quốc là một trong những sản phẩm văn hoá quốc tế chiếm thị phần tương đối lớn tại thị trường Việt Nam.
Một số thống kê đã chỉ ra, 40% phim nước ngoài được phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trong giai đoạn 2015-2018 là phim truyền hình Trung Quốc. Một số bộ phim được chiếu nhiều lần trên kênh truyền hình trung ương và các đài địa phương, đến nay vẫn chiếm được cảm tình của khán giả Việt Nam, như: Tây du ký, Bao thanh thiên, Thuỷ hử, Hồng lâu mộng...
Trong khi đó, một số bộ phim Việt Nam đã vào thị trường điện ảnh của Trung Quốc như phim "Hai Phượng" (ra rạp tại Trung Quốc vào tháng 9-2019); những bộ phim về lãnh tụ Hồ Chí Minh, về mối quan hệ giữa lãnh tụ Hồ Chí Minh với lãnh tụ Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo khác được phát vào Ngày Quốc khánh. Ngoài ra, trên các đài truyền hình Trung Quốc cũng chiếu phim Việt Nam như: "Ba mùa", "Mùa đu đủ xanh", "Bao giờ cho đến tháng Mười"...
Trong giai đoạn 2009-2013, 841 đầu sách tiếng Trung được chuyển ngữ và xuất bản ở Việt Nam, trong đó có tới 617 đầu sách là các tác phẩm văn học mạng. Phần lớn những tác phẩm văn học mạng được yêu thích ở Trung Quốc đều đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt, bao gồm những tiểu thuyết tình yêu của gần 100 "cây bút online" Trung Quốc.
Ngoài ra, một số ngành mới thuộc văn hoá kỹ thuật số như ngành trò chơi điện tử cũng có sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước. 80% tổng số trò chơi điện tử được cấp phép ở Việt Nam từ năm 2015 đến năm 2018 có xuất xứ từ Trung Quốc.
Đây là tiền đề để các doanh nghiệp văn hoá hai nước nhìn thấy tiềm năng về thị trường phía bạn trong việc triển khai những hợp tác sâu hơn ở giai đoạn sắp tới.
Tổ chức Khoa học, giáo dục và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO) từng khẳng định, công nghiệp văn hoá là ngành kinh tế của tương lai. Những giá trị mà ngành công nghiệp văn hoá mang lại không chỉ dừng lại ở khía cạnh kinh tế mà còn ở cả khía cạnh văn hoá và chính trị - ngoại giao. Ở một số nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.., công nghiệp văn hoá có vai trò quan trọng ngang bằng với những ngành sản xuất truyền thống.
- Home>
- tin tc giai tri , tin tuc , tin tuc 24h >
- Tiềm năng hợp tác ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam và Trung Quốc