• Thứ Ba, 1 tháng 11, 2022

    Đọc sách cùng bạn: Tanka tình tứ gợi tình - Ảnh 1.

    Tập thơ Tóc rối viết theo thể Tanka của nữ thi sĩ Nhật Bản Yosano Akiko. (Ảnh: ST)

    Tanka (tiếng Nhật, đọc theo âm Hán Việt là "đoản ca") là một thể thơ ngắn của Nhật Bản. Tên gọi này được dùng từ nửa cuối thế kỷ VIII để phân biệt với Choka (trường ca – thơ dài). Cùng với các thể thơ ngắn khác như Haiku, Waka (hoà ca), Tanka là thơ dùng tiếng mẹ đẻ Nhật Bản để thể hiện những cảm xúc suy tư của người Nhật.

    Một bài Tanka gồm 31 âm tiết thường viết liền thành một dòng thơ nhưng khi đọc được ngắt nhịp theo dạng 5/7/5/7/7. Có hai cách ngắt nhịp ở thơ Tanka. Cách một là ngắt ở cuối câu 1 và câu 3 để thể hiện ý mềm mại, nhẹ nhàng. Cách hai là ngắt ở cuối câu 2 và câu 4 thể hiện ý chí mạnh mẽ và dứt khoát. Do thơ Nhật Bản không có vần nên nhịp điệu trong thơ có vai trò quan trọng.

    TÓC RỐI

    Tác giả: Yosano Akiko

    Dịch giả: Chu Thu Phương (từ tiếng Nhật)

    Nhà xuất bản Thế Giới 2022

    Số trang: 167 (khổ 12x19cm)

    Số lượng: 500

    Giá bán: 120.000đ

    Yosano Akiko tên thật là Ho Sho, sinh ngày 7/12/1878 và mất ngày 29/5/1942. Bà là nhà thơ hậu cổ điển nổi tiếng của Nhật Bản. Trong cuộc đời mình bà đã xuất bản 11 tập thơ với hơn bốn vạn bài thơ. Tóc rối (Midaregami, 1901) là tập thơ đầu tiên và cũng là nổi tiếng nhất của bà. Những bài thơ trong đó đầy tình tứ, dục tình, vượt ra ngoài khuôn khổ lễ giáo gia đình truyền thống, đã khiến người đọc đương thời vừa thích thú vừa bối rối, thậm chí gây nên sự tiếp nhận đối ngược nhau.

    Yosano Akiko viết Tóc rối là dành tặng cho người tình và sau là người chồng của mình – Yosano Tekkan. Ông là nhà thơ nổi tiếng, chủ bút tạp chí Minh tinh (Myojo), người đã động viên, khuyến khích Akiko làm thơ Tanka theo cảm xúc của mình. Khi hai người gặp nhau họ đã thấy ở nhau sự đồng cảm tâm hồn và một tình yêu mạnh mẽ, đến mức Tekkan dù đã có vợ con vẫn quyết định ly hôn để lấy Akiko. Họ cưới nhau tháng 10/1901, hai tháng sau khi tập Tóc rối ra đời. Tên nhà thơ từ đó lấy theo họ chồng – Yosano Akiko.

    Tập thơ là kết quả tình yêu của họ, gồm những bài thơ Akiko viết cho Tekkan khi họ chưa được về bên nhau. Tại sao lại là tóc rối? Theo truyền thống thơ ca trung đại Nhật Bản, hình ảnh tóc rối của người con gái là để nói về sự đam mê. Dịch giả Chu Thu Phương đã trả lời câu hỏi này trong bài viết đầu sách: "Ấy là khi người con gái mới trở dậy buổi sáng, hãy còn chưa cầm tới gương lược, nét gợi tình còn đọng lại trên mái tóc. Ấy là cái bối rối của tấm lòng người con gái khi yêu, yêu lắm mà không thể bày tỏ. Ấy là những rối loạn, những xung đột giữa cảm xúc, yêu thương với những quan điểm đạo đức của xã hội…" (tr. 12). 

    Như vậy dịch giả đã vén tóc tác giả cho độc giả nhìn ra khuôn mặt của người thơ. Ở bài cuối sách phân tích sâu hơn về thể thơ Tanka dịch giả còn giúp người đọc hiểu rõ hơn con người Yosano Akiko qua thơ: "Tập thơ Midaregami đặc biệt này đã đưa chủ nghĩa cá nhân cuồng nhiệt vào thơ Tanka truyền thống Nhật Bản, tạo nên hình ảnh đột phá cho bà cũng như hướng đi cho những nhà thơ nữ Nhật Bản hiện đại, xây dựng hình ảnh một người phụ nữ sống động, tự do, gợi tình và tự tin, khác hẳn với hình ảnh truyền thống của người phụ nữ khiêm tốn, dè dặt, nhún nhường." (tr. 143)

    Toàn bộ tập thơ Tóc rối có 399 bài, chia làm 6 chương. Dịch giả Chu Thu Phương chọn dịch ở đây 50 bài. Nhưng chỉ mới đọc 50 bài ấy thôi độc giả Việt Nam đã được thấy một người con gái Nhật Bản độ tuổi đôi mươi cách đây hơn một thế kỷ bộc lộ hết mình trong tình yêu không che giấu, không kìm nén, không sợ hãi, quyết sống vì/cho tình yêu của mình.

    Tóc em bời bời rối

    Lòng em như bối rối mê man

    Cứ quanh đi quẩn lại

    Trước vị thần chẳng đoái thương hoa

    Thậm chí chẳng còn buồn che vú (bài 40, tr. 39)

    Ép chặt lấy bầu vú

    Chạm đến miền bí ẩn thiêng liêng

    Phá tung bức màn che

    Hé lộ bên trong nơi chốn đó

    Đoá hoa đỏ thắm nồng rực rỡ (bài 68, tr. 45)

    Xuân ngắn ngủi biết bao

    Có cái gì là bất diệt đâu

    Số mệnh đã định rõ

    Bầu vú em tràn căng sức sống

    Bàn tay ấy xin hãy mân mê (bài 321, tr. 111)

    Những bài thơ như thế này quả đã thách thức dư luận, khiến ngay các nhà phê bình cũng nổi nóng, lớn tiếng kết cho chúng tội làm băng hoại đạo đức xã hội. Đây là một ý kiến tiêu biểu mà dịch giả đã dẫn ra: "Cuốn sách này có nhiều phần viết về những ứng xử không đứng đắn và đáng xấu hổ, tôi không cảm thấy ngại ngùng gì khi phê phán nó là một thứ độc hại cho tâm trí con người và làm ảnh hưởng đến giáo lý đạo đức." (Ueda Bin, tr. 141). Nhưng cũng chính nhà văn phê phán này đã lại khen ngợi nghệ thuật của tập thơ.

    Đối với những người chỉ trích thơ mình như vậy, có lẽ Yosano Akiko sẽ nói vào mặt họ bằng chính bài thơ bà đã viết trong tập:

    Làn da mềm dịu đây

    Thuỷ triều máu nóng dâng đến vậy

    Anh cũng đâu chạm tới

    Lẽ nào chẳng cô đơn lắm sao

    Mà anh chỉ mãi nói về Đạo? (bài 26, tr. 31)

    Dịch văn chương là một thách thức khó cho người dịch. Trong dịch văn chương dịch thơ lại càng khó vì thơ gắn liền với ngôn ngữ, văn hoá của một dân tộc và điệu lòng của cá nhân nhà thơ. Tiếng Nhật trong thơ càng nhân cái khó lên nhiều nữa. Dịch giả Chu Thu Phương đã dốc hết mình cho bản dịch một phần tập thơ Tóc rối để làm món quà kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (1973). Nhưng trên hết và trước hết chị dịch thơ Yosano Akiko là cho mình, vì mình, như thấy mình đồng điệu ở trong.

    Chu Thu Phương đã lao động dịch thuật công phu trong tập thơ dịch này. Vì thơ Tanka không có vần nên dồn lực của dịch giả là vào nhịp, làm sao chuyển tải được nhịp thơ từ bản nguồn sang bản đích để người đọc cũng cảm nhận được tiếng lòng của nhà thơ qua nỗi lòng người dịch.

    Không lời nói, không câu hỏi

    Chỉ một cái gật đầu trao vội

    Rồi đôi ngả phân ly

    Cái ngày ấy là ngày mùng sáu

    Phía hai người, phía một người đi (tr. 73)

    Bài 186 này Akiko nói lên tâm trạng mình trong một cuộc dạo chơi với Tekkan có cả Tomiko cũng yêu ông cùng đi. Dịch giả đã cố gắng dịch đúng nhịp thơ nguyên bản để làm bật ra "cơn đau nghẹn thắt lòng, cũng như tiếng thở dài kiềm chế đầy lý trí" của nhà thơ trong tình cảnh này.

    Không chỉ dịch thơ, Chu Thu Phương còn có hai bài viết để ở đầu và cuối sách. Hai bài đó cùng với hai bài viết cũng in trong tập của Đỗ Lai Thuý, Phạm Minh Quân, độc giả sẽ hiểu thêm Yosano Akiko và tập thơ Tóc rối của bà cũng như biết được cái khó của việc dịch thơ.

    Một cô gái Nhật Bản tuổi đôi mươi thích thơ, làm thơ, và từ thơ dám mạnh dạn sống đúng với tình cảm của mình, bỏ nhà cha mẹ đến sống với người thơ đã có gia đình. Đó là sự kiện khó chấp nhận và tha thứ ở xã hội Nhật Bản cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Nhưng thơ đã lưu tên tuổi người con gái đó lại với thời gian. Và thơ đó đã vượt qua không gian – thời gian để từ Nhật Bản toả sang các nước khác, đưa Yosano Akiko đồng hành với phụ nữ nói riêng, con người nói chung, trong thế giới hiện đại. 

    Giờ đây dịch giả Chu Thu Phương đã mở lối cho Tóc rối bay sang người Việt. Chị đã vượt qua những lúc thất vọng nản lòng của bản thân để hoàn thành bản dịch này, đưa những câu thơ rất đẹp rất tình rất nồng nàn nóng bỏng của Yosano Akiko đến bạn đọc nước nhà. Như chị nói: "Tôi dịch những dòng thơ này vì một người đàn ông, tôi xuất bản cuốn sách vì nhiều người phụ nữ, vì muốn mang đến cho họ những cách bày tỏ đẹp và nữ tính. Vì muốn gửi gắm ở nơi họ những giấc mơ, những kỷ niệm đẹp, những điều mà tôi không thể nào có được." (tr. 13-14). Độc giả đọc thơ sẽ đồng cảm được với nhà thơ và dịch giả.

    Chu Thu Phương làm việc ở Uỷ ban UNESCO Việt Nam, đã xuất bản thơ và các bản dịch văn chương tiếng Đức, trong đó có truyện cổ Grimm và thơ Heinrich Heine.

    Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác!

    Hà Nội, 1/11/2022

    Bài viết Đọc sách cùng bạn: Tanka tình tứ gợi tình được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này

    Leave a Reply

    Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

  • - Copyright © Giải Trí Việt Nam - Powered by Blogger - Designed by Jthietkesitedep.com -