• Thứ Hai, 14 tháng 11, 2022

    Đây là bài thơ được lấy làm tên tập thơ của tác giả Nguyễn Mạnh Hà: 

    Hoàng tử hôn công chúa ếch

    Rồi hoàng tử hôn cung nữ

    Cung nữ vuốt má bác làm vườn

    Bác làm vườn cho cậu bé đánh giày quả táo

    Quả táo được chia cho cô bé bán vé số

    Tờ vé số rơi vào tay kẻ trộm chó

    Trộm chó khạc vào cây hoa ven đường

    Cây hoa chết mang theo mầm bệnh cúm ếch.

     

    Những người còn lại sống khoẻ mạnh

    Và nói chung yêu đời đến khi đầu bạc răng long

    (Trừ kẻ trộm chó có lần bị chó cắn

    Nhưng hình như hắn đã kịp tiêm phòng

    Còn hắn có cắn ai không, tôi cũng không rõ) (tr. 42)

    Đọc sách cùng bạn: Covid-19 và Người - Ảnh 1.

    Tập thơ "Sự tích Chúa" của tác giả Nguyễn Mạnh Hà. (Ảnh: TL)

    Bài thơ được đề ngày viết là 8/2/2020 và nằm trong phần đầu của tập thơ nhan đề "Hồ sơ vi-rút". Đoạn đầu bài thơ có thể hiểu như là nói đến nguồn lây nhiễm bệnh. Đoạn sau là nói những người không bị lây nhiễm. Vì sao? Vì cây hoa bị tên trộm chó – một tác nhân truyền bệnh – nhổ vào đã chết, từ đó mầm "bệnh cúm ếch" mất theo. Tác giả đặt tên bài thơ là "Sự tích Chúa". Cái cây đã cứu con người. Hay vạn vật trong tự nhiên đều có liên quan với nhau. Bài thơ này có bản dịch tiếng Anh in kèm. Người dịch là Joe Dolce, ca sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ Australia. Joe Dolce thấy thơ Nguyễn Mạnh Hà "có gì đó hơi đi trước thời cuộc". Nguyễn Mạnh Hà nhìn virus không phải như kẻ thù mà "như một sinh thể cũng như chúng ta, đơn giản đang tranh đấu để sống còn." Đó là một điểm nhìn hoàn toàn độc đáo, Dolce khẳng định.

    SỰ TÍCH CHÚA

    Tác giả: Nguyễn Mạnh Hà

    Nhà xuất bản Thanh Niên, 2022

    Số trang: 183 (khổ 13x20,5cm)

    Số lượng: 1000

    Giá bán: 119.000đ

    Quả thực, cái nhìn của Nguyễn Mạnh Hà về dịch bệnh, cụ thể ở đây là đại dịch Covid-19, sẽ gây bất ngờ cho nhiều người. Trong những ngày cách ly, phong toả, vừa phòng chống Covid-19 anh vừa ngẫm nghĩ về nó, truy tìm nguyên nhân tại sao có nó, tại sao nó đến. Những suy nghĩ về Covid lại khiến anh phải quay ngược về con người và rốt ráo anh hỏi phải chăng nguồn gốc mọi thảm hoạ, dịch bệnh là chính do người, từ người mà ra. Vì người đã quên mất mình cũng chỉ là một đứa con của Mẹ Đất, mình cũng chỉ là từ ở tự nhiên mà ra. Tập thơ vì thế về bố cục ngoài phần đầu "Hồ sơ vi-rút" là đến phần hai "Gửi ai tạo ra tôi và vũ trụ" và phần phụ lục "Tôi mà thôi".

    Tác giả nói với mọi người:

    Chúng ta say sưa với đẳng cấp ngang những Đấng Sáng Tạo

    Không cam tâm làm thợ sửa chữa

    Coi việc dọn dẹp tái chế không xứng với tầm vóc

    Và cứ thế phế phẩm của chúng ta đầy phè ra chiếm chỗ đến tận đời con cháu

     

    Những đứa trẻ không chịu lớn

    Không tài nào ngồi yên lấy một giây

    Khi chúng tưởng mình ngày càng được tự do

    Khỏi Đất. (tr. 66)

    Tác giả nói nhân danh mình:

    Nên nếu tôi ung thư

    Cũng là điều hợp lý

    Vì có sống thêm nữa

    Tôi vẫn phá mà thôi

    Nếu khối u ác tính

    Lớn dần từ trong tôi

    Chính do tôi nuôi nấng

    Chăm bẵm nó từng ngày

    Tôi khác gì ung nhọt

    Cấy vào Lòng Mẹ đâu? (tr. 98)

    Nói mình như vậy cũng là để nói với nhân loại. Loài người đã cao ngạo với Mẹ Đất để rồi phải trả giá. Chính người mới là một loại Covid đối với Tự Nhiên. Trong mạch suy tưởng này Nguyễn Mạnh Hà đã đặt con người đối diện với NÓ để thấy ra mình nhỏ nhoi và hạn hữu và bất lực biết bao.

    Nó chỉ cho chúng ta một đời

    Để chúng ta khỏi lười nhác

    Để cho có vẻ khách quan, nó úp mở nhiều cuộc đời khác.

     

    Nó cho chúng ta những khiếm khuyết

    Để chúng ta luôn vươn tới

    Những khiếm khuyết chúng ta tin là thật.

     

    Nó cho chúng ta đơn độc

    Thứ mà chúng ta thường tìm cách vứt bỏ rồi lại nhặt lên

    Giày xéo rồi tôn thờ.

     

    Nó cho chúng ta sự khác biệt

    Thừa để chúng ta nhận biết nhau

    Đủ để chúng ta tiêu diệt nhau.

     

    Nó cho chúng ta những cuộc sống và những cái chết

    Nó cho chúng ta mọi thứ, cả những gì chúng ta không bao giờ biết hoặc tưởng mình không bao giờ biết

    Nó cho chúng ta chính bản thân chúng ta

    Nó sinh ra chúng ta, biến thành chúng ta

    Chúng ta ở trong nó dù sống hay chết

    Chỉ một và những một

    Cho vui. (tr. 122-123)

    Thơ Nguyễn Mạnh Hà đã nảy sinh từ những suy nghĩ, trăn trở đó. Anh đặt mình trong thế tương quan "tề đồng vật ngã" để từ đại dịch mà ngẫm ra cái sống của con người. Anh nói trong lời thưa ở đầu sách: "Khi băn khoăn về xuất xứ của virus cũng là lúc ta quay về với nguồn gốc còn chưa rõ ràng của chính chúng ta. Ta và virus cùng nơi sản xuất hay không tính sau, nhưng chắc chắn cùng chung tình thế bơ vơ nơi Trái Đất. Chỉ là virus có thể được lập trình để khoải băn khoăn về điểm xuất phát hay đích đến, chúng ta thì có." (tr. 6) Chính vì thế anh muốn đi tìm định nghĩa Thượng Đế, muốn biết Ai Đó đã tạo lập ra mình và cả con virus không nhìn thấy bằng mắt thường kia. Anh nghĩ về sự sống và cái chết, về sự tan biến vào hư không của hình hài cơ thể. Những ý nghĩ được dẫn dắt bất ngờ làm nên một thứ thơ lạ bắt người đọc phải cùng suy tư.

    Mà một khi đã ngẫm nghĩ như thế rồi thì ở bất cứ hiện tượng, sự vật gì Nguyễn Mạnh Hà cũng thấy ra chuyện. Nên anh có thơ sau khi ho, sau khi sổ mũi, sau khi tắm, khi đang dọn dẹp. Anh phát hiện là trẻ con hay hát khi tắm, bởi vì "trẻ con tin sạch tồn tại trên đời". Còn "người lớn tắm để biết mình đỡ bẩn/ với người lớn bẩn mới là trường diễn/ tắm cũng không thể sạch hẳn bao giờ/ lớn chấp nhận khuất chìm trong bụi bẩn". Những bài thơ có khi đọc ngồ ngộ, vui vui, nhưng đó là một cách tác giả bày tỏ những điều mình ngẫm nghĩ trong đại dịch.

    Đại dịch Covid-19 là một dịp để con người nhìn nhận lại mình ở cả tư cách loài chung và từng cá thể. Điều này đã được nói tới nhiều trong hai năm qua. Nguyễn Mạnh Hà góp vào đó cách cảm cách nghĩ của mình về thảm hoạ mà nhân loại vẫn đang hứng chịu. Tập thơ "Sự tích Chúa" của anh mở đầu bằng bài thơ có tên "Tự sự". Đó là lời của con virus Covid-19 nói với con người.

    Tôi mang mật hiệu của sự sống

    Truy tầm sự sống

    Để sống

    Nếu không tôi sẽ chết (tr. 13)

    Cả tập thơ là một sự độc thoại ngầm phanh phui mật mã, mật hiệu đó nhằm giúp con người nhận thức lại mình để tồn tại và sống sót cho vòng đời luân chuyển bất tận của mình trong vũ trụ, tự nhiên.

    Nguyễn Mạnh Hà hiện là nhà báo viết về mảng âm nhạc của báo Tiền Phong. Anh có hoạt động ca nhạc với nghệ danh Khôi Minh. Thơ Nguyễn Mạnh Hà đã từng xuất hiện trên báo, nhưng đây là tập thơ đầu tay của anh. Một tập thơ lạ.

    Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.

    Hà Nội, 15/11/2022

    Bài viết Đọc sách cùng bạn: Covid-19 và Người được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này

    Leave a Reply

    Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

  • - Copyright © Giải Trí Việt Nam - Powered by Blogger - Designed by Jthietkesitedep.com -