Ngoại tôi năm nay đã ngoài bảy mươi, sống cùng cậu mợ. Tuy nhiên, những năm tháng vất vả khổ cực của Ngoại… vì tôi khiến tôi luôn khắc sâu trong tim, biết ơn vô hạn.
Ngược về miền ký ức xưa, biết bao nhiêu kỉ niệm ùa về. Ngoại tôi, ngày đó đã hơn 60 tuổi nhưng chẳng được nghỉ ngơi một ngày nào. Tôi còn nhớ, gia đình mình đông người, thuộc diện hộ nghèo. Ông ngoại tôi bị tai biến nhiều năm là ngần ấy năm Ngoại và mẹ tôi cùng nhau chăm sóc ông, dù có thiếu thốn vật chất nhưng tình yêu thương thì luôn đong đầy. Từ vụ cấy, gặt đến các vụ trồng ngô, khoai đều chỉ có Ngoại và mẹ tôi làm. Vất vả là vậy nhưng Ngoại vẫn luôn cố gắng vui vẻ và hết lòng vì gia đình.
Không để gia đình thiếu thốn, Ngoại tôi đi xúc cá, bắt tôm, cua để bán lấy tiền trang trải sinh hoạt. Ngoại tôi cứ tất bật lo toan đủ việc, mọi việc đều chu toàn nhưng luôn luôn vui vẻ và tràn ngập năng lượng tích cực. Ngoại trở thành điểm tựa, trụ cột cho cả gia đình.
Thế rồi năm 2008, ông ngoại và mợ tôi cùng mất, gia đình thêm bao nỗi buồn và khó khăn. Vượt qua nỗi đau đó, Ngoại tôi vẫn đi xúc cá, tôm để kiếm thêm thu nhập và nuôi tôi ăn học. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, tôi chỉ biết cố gắng chăm chỉ học hành để đem nhiều thành tích về cho Ngoại được vui vẻ. Ngày đó, không có nhiều công việc dễ dàng kiếm thêm thu nhập cho học sinh như bây giờ. Mọi khó khăn vẫn cứ tay Ngoại tôi gánh vác.
Thân hình ngoại tôi gầy gò, nhỏ bé cứ thế dãi nắng dầm mưa đi xúc cá, tôm, bắt ốc ngoài đồng. Dụng cụ bắt cua, cá của Ngoại tôi được gọi là cái xúc. Nó được làm từ khung nia tròn đã hỏng, được quấn lại bằng vải chắc chắn và được khâu mảnh lưới vào, có một thanh gỗ buộc ngang để nhấc những "chiến lợi phẩm" từ dưới nước lên. Có đợt, Ngoại tôi còn làm cái to hơn cả người, vác rất nặng nề. Thêm vào đó, dụng cụ không thể thiếu nữa là cặp giỏ tre được đeo ở 2 bên hông để đựng những con cá, cua sau khi xúc được. Ngoại đeo nhiều đến nỗi hông, bụng ngoại hằn vết dây buộc bụng vì đeo giỏ ở hai bên.
Tôi còn nhớ những ngày hè nóng như đổ lửa, Ngoại tôi cùng bà Hòa, bà Cánh ở làng rủ nhau đi xúc từ sáng sớm tinh mơ. Các bà đến các con kênh nhỏ xa tận Chu Phan, Tiến Thịnh, Tự Lập, Thạch Đà, đằm mình trong làn nước đục, nhiều bèo để xúc được nhiều cá hơn. Những ngày đông rét buốt, Ngoại tôi vẫn dậy từ sớm để đi làm, không dám nghỉ ngơi một ngày nào vì gánh nặng đồng tiền, con cháu ăn học trên vai.
Đến bây giờ, tôi còn nhớ như in. Có lần, tôi được đi theo xách giỏ cho Ngoại ở đồng Bốn Mẫu, làng tôi. Trời nắng chang chang tôi trên bờ, Ngoại ở dưới nước hì hục lật từng mảng bèo, xúc từng con cá, con cua. Khi có gần chục con trạch đưa tôi đổ vào giỏ thì tôi lại đổ trượt, làm chúng lại trở về với cái mương. Hai bà cháu tôi cứ thế nhìn nhau mà cười hơ hớ. Ngoại không trách tôi một câu nào mà còn nói: "Thôi không sao, con nhỏ thì thả nó đi cũng được, bắt con to hơn", để tôi đỡ áy náy. Nhưng bao năm qua đi, tôi vẫn cứ áy náy không thôi.
Có hôm nào đi đồng xa thì Ngoại chỉ đem một chai nước nhỏ, một nắm cơm trắng để ăn trưa. Ngoại tôi không biết đi xe, chỉ đi bộ đến mòn đôi gót chân, mỏi nhừ mà chẳng bao giờ thấy Ngoại than thở một câu. Chẳng vậy mà… trên mọi con đường, cánh đồng, kệnh, rạch đều có dấu chân của Ngoại tôi. Trưa hoặc chiều là Ngoại tôi đi về đến nhà, lọc "chiến lợi phẩm" là các con cá trạch, cua mới xúc được, rồi tắm giặt sạch và chuẩn bị gánh hàng đi chợ bán.
Tôi vẫn thường được Ngoại giao nhiệm vụ đón hàng. Đó là nhiệm vụ vô cùng cao cả. Tôi hay đứng ở đầu cổng, chờ Ngoại tôi gánh quang gánh ra cổng đi bán và nói lời chúc: "Hôm nay bà bán đắt hàng, về sớm nhé!". Chẳng biết có hiệu quả hay không nhưng tôi vẫn cứ làm vậy mỗi ngày. Ấy vậy mà có hôm, Ngoại tôi vẫn phải tối muộn mới về. Có hôm, tôi đi xe đạp đến chợ Xa Mạc hoặc Bồng Mạc đón Ngoại mà hàng hóa chưa hết, đèo Ngoại và hàng thì không chở được, tôi lại đành chở hàng về trước, để Ngoại tôi đi bộ về sau.
Dù bán cá để kiếm thu nhập nhưng Ngoại tôi luôn để dành những con ngon nhất, to nhất cho gia đình ăn. Mọi thứ ngon nhất đều để dành cho đứa đang tuổi ăn tuổi lớn như tôi ăn uống đủ chất. Nhiều món được chế biến như: cá trạch rán, cá kho, cua rang… Thậm chí, hiểu tâm lý của trẻ, tan chợ là Ngoại lại hay mua kẹo chó, bim bim cho tôi. Ngoại tôi luôn được mọi người yêu quý, từ trong làng đến người làng trên, xóm dưới. Nhắc đến bà Phương là ai cũng thông cảm cho hoàn cảnh và khâm phục sự chịu khó và đức hy sinh của Ngoại tôi.
Tuổi thơ vất vả cứ thế trôi qua thật nhanh. Tuy khó khăn nhưng chưa bao giờ tôi bị thiếu tình yêu thương. Chính sự vất vả đó đã rèn bản lĩnh kiên cường, rèn sức chịu đựng trong con người tôi. Tôi biết ơn chính hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình, biết ơn những hy sinh vất vả của Ngoại tôi và tình yêu thương của mọi người dành cho đứa cháu gái bé bỏng này.
Giờ đây, khi trở về quê Ngoại, vẫn căn nhà đó, vẫn những con đường ra bờ mương, bờ kênh đó, lòng tôi lại nhớ về những kỉ niệm xưa, những vất vả của Ngoại tôi. Hay khi đi ra chợ, gặp những bà bán cá, bán cua mà lòng tôi lại xao xuyến khôn nguôi. Chính những con cá, con cua của Ngoại đã nuôi lớn tôi, đã cho tôi có tiền đóng học.
Tôi vui mừng vì Ngoại của mình vẫn khỏe mạnh. Thi thoảng ngoại tôi vẫn đi xúc cá, bắt ốc nhưng chỉ là cho đỡ nhớ "nghề", không phải vất vả mưu sinh như xưa. Tôi chỉ biết làm ăn chăm chỉ để phụng dưỡng Ngoại. Chỉ mong Ngoại tôi cứ mãi khỏe mạnh, sống thật lâu để tôi có nhiều thời gian được bên ngoại, được bù đắp những vất vả mà xưa kia Ngoại đã vì tôi.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết Kể chuyện làng: Thương hoài... thương mãi Ngoại của tôi được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này
- Home>
- tin tc giai tri , tin tuc , tin tuc 24h >
- Kể chuyện làng: Thương hoài... thương mãi Ngoại của tôi