• Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2022

    Hải Phòng "chịu chơi" với 3 vở diễn tại Liên hoan Quốc tế sân khấu

    Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V-2022 đang đi đến những ngày cuối cùng. Năm nay, các đơn vị nghệ thuật trong nước lẫn ngoài nước đã chứng minh được "sức mạnh hồi sinh" của sân khấu sau đại dịch Covid-19 khi mang đến liên hoan nhiều vở diễn đa dạng về đề tài, phong phú về chất liệu, đổi mới trong tư duy sáng tạo. 

    Trong 19 vở diễn được mang đến Liên hoan, Hải Phòng – nơi từng được xem là "điểm son" của sân khấu phía Bắc chiếm tới 3 vở. 3 vở diễn của Hải Phòng gồm: "Đến bến bờ kia" (Đoàn kịch nói Hải Phòng), "Lời thề" (Đoàn múa rối Hải Phòng) và "Đối thoại âm dương" (CLB Sân khấu Biển hẹn - đơn vị xã hội hóa). Chưa bàn tính đến chất lượng của từng vở diễn, chỉ nói đến con số thôi cũng đủ để thấy sự quyết tâm và nỗ lực hồi sinh sân khấu của Hải Phòng mạnh mẽ tới cỡ nào.

    Hải Phòng “hồi sinh” sân khấu: Từ bị "mất trắng" khán giả thành điểm sáng nổi bật - Ảnh 1.

    Cảnh trong vở rối "Lời thề" tham dự Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V-2022. Ảnh: T. Hiệp.

    "Lời thề" do nhà văn Nguyễn Hiếu viết kịch bản, NSND Đinh Tiến Dũng dàn dựng. Chất liệu dân gian về truyền thuyết gắn với hội Minh thề và Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn thời nhà Mạc là tiền đề thuận lợi để Đoàn múa rối Hải Phòng thể hiện sinh động câu chuyện đang rất được dư luận đương thời quan tâm. Đạo diễn đã rất tinh tế khi chọn truyền tải thông điệp vở diễn bằng một câu chuyện giản dị của những người nông dân muốn sống trong sạch, trung thực với lương tâm và lời hứa của bản thân.

    Ở đó, tình yêu của đôi thanh niên Đào và Định bị chia rẽ từ xã trưởng trong vùng. Muốn có cháu nối dõi tông đường, ông ép Đào lấy cậu con trai chậm lớn của mình và bù lại cho Định bằng việc phân một mảnh đất công để dứt cảnh sống lênh đênh trên sông nước. Chuyện vỡ lở trước sự chứng kiến của Thái hậu Ngọc Toàn và trở thành cái cớ dẫn đến những lời thề trong lễ hội.

    Thử nghiệm dễ nhận thấy nhất ở "Lời thề" là việc sử dụng toàn bộ màn hình LED ở 3 tầng diễn thay cho phông màn truyền thống. Từ cách tiếp cận hiện đại ấy, không gian của vở được thay đổi liên tục, khi là sân đình, cung điện, lúc là bến nước, vườn hoa và không bị gián đoạn bởi những phần "tắt đèn chuyển cảnh" thông thường. Trong khi đó, điểm yếu truyền thống về thể hiện nội tâm nhân vật của múa rối được khỏa lấp bằng âm nhạc, ánh sáng, lời thoại, làn điệu chèo và đặc biệt là sự xuất hiện trong một số cảnh của người thật để làm tăng sức sinh động.

    Hải Phòng “hồi sinh” sân khấu: Từ bị "mất trắng" khán giả thành điểm sáng nổi bật - Ảnh 3.

    Sân khấu đầy tính thể nghiệm của vở "Đến bờ bên kia". Ảnh: T.Hiệp.

    "Đến bờ bên kia" được lấy cảm hứng từ truyện ngắn "Sang sông" của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, do NSƯT Như Lai dàn dựng và các nghệ sỹ của Đoàn Kịch nói Hải Phòng thể hiện. Trong vở diễn, 11 nhân vật, từ nhà sư đến cô giáo, gã thi sỹ, kẻ cướp, tên buôn lậu đến Việt kiều đều đeo "mặt nạ" khi qua sông. Và trong hành trình đi từ bờ đục đến bờ trong - những chiếc mặt nạ ước lệ ấy dần lột bỏ, khi các nhân vật lao vào cuộc giành giật tầm thường của những kẻ phàm trần. 

    Điểm nhấn đầy mới mẻ và sáng tạo của vở diễn đó là không gian được mở rộng dưới hình thức một giàn khung khổng lồ. Các nhân vật đều trở thành trung tâm trong những đoạn thoại của mình. Những đoạn thoại tưởng chừng như vẩn vơ nhưng lại ngồn ngộn chuyện đời hỗn độn.

    Chia sẻ với Dân Việt, NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, bà đánh giá cao sự đầu tư, chăm chút của đất Cảng dành cho mô hình sân khấu, để các tác phẩm đưa đến liên hoan mang tính thử nghiệm đầy sáng tạo. Tuy có mặt được và chưa được trong các khâu sáng tạo và thành phần thực hiện nhưng ba vở diễn không chỉ dựng để tham dự liên hoan mà còn hướng đến việc tổ chức biểu diễn phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân Hải Phòng, thông qua kênh phát sóng của Nhà hát Truyền hình. Ngoài ra, vở diễn cũng sẽ được mang đi phục vụ khán giả vùng sâu, vùng xa và cả các tỉnh thành lân cận. 

    Từ bị khán giả quay lưng đến "điểm sáng" của làng sân khấu

    Tiến sỹ Trần Thị Hoàng Mai - Giám đốc Sở VHTT Hải Phòng chia sẻ với Dân Việt: "Nghệ thuật chuyên nghiệp Hải Phòng khởi sắc chính là nhờ vào sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố trong việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. 

    Hải Phòng “hồi sinh” sân khấu: Từ bị "mất trắng" khán giả thành điểm sáng nổi bật - Ảnh 5.

    Lãnh đạo thành phố Hải Phòng đến chúc mừng các nghệ sỹ khi hoàn tất vở "Lời thề". Ảnh: T.Hiệp.

    Đề án "Sân khấu truyền hình Hải Phòng" đã cụ thể hóa sinh động về triển khai thực hiện chủ trương chính sách bảo tồn phát triển văn hóa nghệ thuật, đánh thức tiềm năng của sân khấu Hải Phòng, không những giữ vững được thương hiệu nghệ thuật của từng loại hình sân khấu mà còn xây dựng được những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao. Đề án cũng đã tạo một thói quen thưởng thức nghệ thuật đối với nhân dân Hải Phòng, qua đó nâng cao đời sống tinh thần cho người dân".

    Theo đó, với đề án "Sân khấu truyền hình Hải Phòng" (ra đời năm 2019), các đoàn nghệ thuật sẽ biểu diễn chèo, cải lương, kịch nói, múa rối, ca múa nhạc tổng hợp với các chủ đề, nội dung tư tưởng, nhằm khơi dậy, tôn vinh truyền thống cách mạng, bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa, vẻ đẹp thiên nhiên cùng những nét đặc trưng của vùng đất, con người Hải Phòng xưa và nay. Đặc biệt, đề án phục vụ cho công tác tuyên truyền, quảng bá những thành tựu đổi mới, nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong giai đoạn mới. Những buổi diễn được truyền hình trực tiếp hoặc ghi hình phát lại, sau đó sẽ tổ chức lưu diễn tại các quận, huyện của thành phố.

    Theo Tiến sỹ Trần Thị Hoàng Mai, tính từ khi triển khai đề án đến nay, đã có 31 chương trình sân khấu truyền hình được thực hiện thành công, trong đó 17 chương trình được truyền hình trực tiếp và 14 chương trình được ghi hình phát sóng. Năm 2022, dù ảnh hưởng dịch bệnh, song các đoàn nghệ thuật vẫn linh hoạt thích ứng, sáng tạo, vượt lên khó khăn, đều đặn thực hiện mỗi tháng một chương trình, vở diễn sân khấu truyền hình, mang đến công chúng thành phố và cả nước những bữa ăn tinh thần trong thời gian dịch bệnh.

    NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam cho rằng, chương trình sân khấu truyền hình của Hải Phòng suốt gần 3 năm qua, đạt chất lượng nghệ thuật với các chương trình, vở diễn có sự chuyển biến rõ rệt. Đề tài các vở diễn đa dạng, phong phú, không chỉ bó hẹp ở phạm vi lịch sử, mà từng bước chạm đến góc cạnh bắt nhịp với cuộc sống đương đại.

    Bài viết Hải Phòng “hồi sinh” sân khấu: Từ bị "mất trắng" khán giả thành điểm sáng nổi bật được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này

    Leave a Reply

    Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

  • - Copyright © Giải Trí Việt Nam - Powered by Blogger - Designed by Jthietkesitedep.com -