Mùa thu năm 1945, đất nước đã được tạo lập sau cả gần thế kỷ nô lệ bởi một đội ngũ mà rường cột là những người trẻ tuổi, trẻ hơn tôi bây giờ rất nhiều. Tôi hay nghĩ về họ, bởi ấn tượng về những điều vĩ đại mà họ có thể làm được khi mà ở tuổi ấy, thế hệ chúng tôi bây giờ hầu hết còn quẩn quanh với chuyện cơm áo, và những thú vui nho nhỏ.
Hơn 10 năm trước, trong một lần đến thăm cụ Trần Lâm, nghe cụ kể chuyện những ngày đầu tạo dựng Đài Tiếng nói Việt Nam. Ban đầu, câu chuyện chỉ là kỳ tích thành lập Đài phát thanh quốc gia trong 2 tuần. Nhưng khi tôi nhận ra thời điểm đó, vị tổng công trình sư của kỳ tích này chỉ mới 23 tuổi, bằng tuổi tôi khi vừa trở thành phóng viên tập sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, thì câu chuyện đó không chỉ là kỳ tích nữa. Nó trở thành một niềm kinh ngạc, và khiến tôi phải suy nghĩ về những người trẻ tuổi của mùa thu năm đó, những người như ông Trần Lâm.
Mùa thu năm ấy, những Tố Hữu, Hoàng Tùng mới ngoài 20 tuổi, những Xuân Thuỷ, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng cũng chỉ ngoài 30 tuổi. Cả thế hệ những người lập nước dưới sự lãnh đạo của bác Hồ khi đó, tất cả đều rất trẻ trung và đều đã có những năm tháng đấu tranh để tạo lập niềm tin cho quần chúng đứng lên giành độc lập, và kiến tạo đất nước từ đôi bàn tay trắng. Đó là điều mà ngày nay, khi thụ hưởng thành quả của thế hệ đó, chúng ta thật khó để hình dung.
Người ta vẫn nói "thời thế tạo anh hùng". Thời thế ấy là gì? Là khi đất nước có đến 90% người dân mù chữ, và những người trẻ tuổi rường cột của quốc gia khi đó là những tinh hoa thực sự. Nhưng, điều quan trọng là vì sao cả một đội ngũ tinh hoa ấy, họ có thể chọn những con đường dễ dàng hơn để theo đuổi một cuộc sống tốt hơn, giàu có, an nhàn, nhưng lại chọn việc khó, thậm chí chịu tù đày, chịu hy sinh, mất mát... để khởi nghiệp, để giành lại và xây dựng một quốc gia độc lập?
Nếu lấy các giá trị sống của ngày hôm nay ra để soi chiếu lựa chọn của thế hệ tinh hoa trẻ tuổi mùa thu năm xưa, tôi cho rằng chúng ta sẽ không thể lý giải được. Phải có điều gì đó lớn hơn sự an nhàn sung sướng, lớn hơn những khát vọng vinh thân phì gia, lớn hơn những giá trị mà chúng ta theo đuổi hôm nay, mới có thể lôi cuốn họ vào dòng thác cách mạng khi đó.
Thật dễ để nói rằng những người trẻ tuổi mùa thu năm đó mang trong mình khát vọng dành lại độc lập tự do cho dân tộc, thật dễ để nói rằng họ có lòng yêu nước nồng nàn. Nhưng, những khát vọng, những tình yêu lớn lao đó đã hình thành trong trái tim trẻ trung của họ như thế nào?
Năm 1943, ông Hoàng Đạo Thuý, khi ấy ngoài 40 tuổi, người khởi xướng phong trào hướng đạo sinh ở Việt Nam in một cuốn sách có nhan đề "Trai nước Nam làm gì?". Tôi đọc, và nhớ một đoạn như này:
"Thanh niên nước Nam, anh ạ, hãy thôi đừng chế bác những người mà anh cho là kém vì chỗ không biết trẻ, biết vui. Anh nghĩ xem, anh là một phần tử của nhà anh, của nước anh, một hy vọng của đời; nếu mặc đẹp, ăn ngon, uống rượu say, xem trò lạ, nghỉ mát cho thỏa, đánh bạc cho giết thời giờ thì anh hãy quẳng cái tập này đi, nếu anh cho thế là xong, ừ thì là xong. Nhưng nếu anh có gan óc, có sức vóc, thì anh chưa cho thế là xong được. Anh phải tìm lấy một con đường mà đi".
Tôi không cho rằng ông Hoàng Đạo Thuý là một người có ảnh hưởng nhiều đến thế hệ các hào kiệt của mùa thu năm nào. Nhưng, cái tư duy làm người phải lập chí, phải "tìm lấy một con đường mà đi" mà ông viết, có lẽ là một ý niệm chi phối nhiều người trẻ tuổi lúc bấy giờ. Vì thế mà nhiều thanh niên đã hào hứng với phong trào hướng đạo của Hoàng Đạo Thuý, vì thế mà cuốn "Trai nước Nam làm gì?" được in ra và truyền bá.
Những năm tháng ấy, nước Nam có rất nhiều người trẻ tuổi tài năng, họ được thụ hưởng truyền thống làm người với các giá trị Nho giáo trong gia đình, cộng đồng, với các giá trị Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, nhưng đồng thời cũng tiếp cận những tư tưởng khai sáng, cởi mở, và đầy lãng mạn của cao trào dân chủ dân sinh thập niên 1930. Những tác động ấy, khiến thế hệ những người trí thức trẻ thời ấy tha thiết với việc lựa chọn "một con đường" đầy trách nhiệm và sự cống hiến cho bản thân. Dẫu "con đường" mà họ lựa chọn có thể khác nhau, có con đường dẫn đến thành công, có con đường dẫn đến thất bại, nhưng họ đều thiết tha với lựa chọn của mình, thay vì chôn vùi thanh xuân trong những thú vui nhỏ bé nhạt nhoà.
Rất nhiều năm sau, bây giờ, khi đã đủ độ lùi của thời gian, khi chúng ta có đủ sự bình tâm để nhìn lại, để đánh giá thiệt hơn, sai đúng, thái độ nhìn nhận của chúng ta về những người trẻ tuổi của mùa thu năm ấy có thể khác nhau. Song, có một điều rất dễ để chúng ta có thể cùng đồng ý. Rằng, bây giờ, chúng ta hay nhắc đến trai phố, trai làng, trai tài, trai giỏi... nhưng lâu rồi không ai còn nhắc đến khái niệm Trai nước Nam như những người trẻ tuổi của mùa thu năm ấy.
Bài viết Trai nước Nam mùa thu năm ấy được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này