Với tư cách là một nghệ sĩ, Pablo Picasso đã có những thay đổi về phong cách nghệ thuật suốt cả cuộc đời mình. Ông được cho là có câu nói nổi tiếng: "Tôi dành 4 năm để vẽ như Rafael (họa sĩ, kiến trúc sư nổi tiếng người Ý), nhưng lại dành cả đời để học vẽ như một đứa trẻ". Rõ ràng, đây là một phát ngôn có tính phóng đại, nhưng câu trích dẫn này không hề nói quá sự ngưỡng mộ nghệ thuật dành cho trẻ em của chủ nghĩa hiện đại.
Nhà sử học nghệ thuật Jonathan Fineberg đã nhận xét, Picasso không đơn độc trong việc tìm cách bắt chước sự sáng tạo của trẻ em. Trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, một loạt các nghệ sĩ châu Âu trong nỗ lực tìm kiếm phương thức biểu đạt mới, đã tìm đến các bức vẽ của trẻ em để lấy cảm hứng và dẫn đường. Họ tin rằng nghệ thuật do trẻ tạo ra thuần khiết hơn và "nguyên thủy" hơn so với hình ảnh được truyền qua nhận thức của người lớn, vốn bị lu mờ bởi quy ước xã hội và kỹ xảo.
Trong những nét vẽ nguệch ngoạc và hình tượng lệch lạc của trẻ em, với màu sắc mơ màng và lối kể rối rắm của chúng, các họa sĩ như Picasso, cũng như Natalia Goncharova, Paul Klee, Wassily Kandinsky, Henri Matisse, Jean Dubuffet và Joan Miró đã tìm ra một cách hình dung và khắc họa khác biết với thế giới xung quanh họ.
Nhìn bằng đôi mắt của một đứa trẻ - khám phá lại trí tưởng tượng và sự thật của trẻ thơ - đã cung cấp cho những nghệ sĩ một liều thuốc giải độc cho sự máy móc hóa và chủ nghĩa hợp lý của cuộc sống hàng ngày. Để Fineberg mô tả là "sự tẩy rửa cho chủ nghĩa duy vật và sự nghiêm khắc của các hệ thống phân cấp văn hóa của văn hóa phương Tây".
Những nghệ sĩ "người lớn" coi trẻ em như một nghệ sĩ, cũng sẽ trân trọng trẻ em với tư cách là một khán giả. Mối quan hệ giữa ngôn ngữ hình ảnh thời thơ ấu và nghệ thuật hiện đại, kết hợp giữa sự ngây thơ và dễ gây ấn tượng của đứa trẻ đã khiến trẻ em trở thành đối tượng mục tiêu hấp dẫn cho các nghệ sĩ đang cố gắng phổ biến những ý tưởng mới về nghệ thuật và chính trị.
Ngoài việc ảnh hưởng đến sự phát triển của chủ nghĩa hiện đại châu Âu, trẻ em là đối tượng đầu tiên được hướng tới: Các họa sĩ Liên Xô như: Aleksandr Deineka, El Lissitzky và Vladimir Lebedev đều làm sách tranh cho trẻ em Liên Xô như một phần của nỗ lực cách mạng hóa truyền thông đại chúng và cả chính trị quần chúng, sau năm 1917.
Các nghệ sĩ có liên hệ với các phong trào cải cách khác vào đầu những năm 1900 như cuộc Ly khai Vienna và Bauhaus cũng chú ý đến sách dành cho trẻ em, sử dụng chúng làm nơi để khám phá bố cục, kiểu chữ cấp tiến và biểu diễn bằng hình ảnh. Những thử nghiệm như vậy đã có tác động lâu dài đến sách ảnh, một thể loại tiếp tục thu hút các nghệ sĩ thị giác và vẫn là một diễn đàn chung cho thiết kế đồ họa sáng tạo.
Một số nghệ sĩ làm việc ngày nay đã mở rộng hoạt động của họ sang lĩnh vực xuất bản dành cho trẻ em bằng cách vẽ hình minh họa cho sách. Có lẽ những cuốn sách dành cho thiếu nhi do họa sĩ minh họa nổi tiếng nhất trong thập kỷ qua là của Yayoi Kusama với hai tác phẩm kinh điển: Nàng tiên cá năm 2016 và Cuộc phiêu lưu của Alice ở xứ sở thần tiên, vào năm 2012. Được biết, Kusama trải qua ảo giác kể từ khi cô còn là một đứa trẻ và nó đã mang lại cảm hứng cho nhiều họa tiết đặc trưng của cô như chấm bi và lưới.
Các bức vẽ bằng mực đen của Kusama cho Nàng tiên cá được thực hiện từ năm 2004 đến 2007 là một phần trong loạt sách "Love Forever" của cô. Ở đó, cô đã "dịch" câu chuyện cổ tích tình yêu, nỗi đau và sự biến đổi của Hans Christian Andersen, trở thành những đường nét quằn quại.
Kusama cũng tự đưa mình vào câu chuyện của Lewis Carroll. Cô giả định Alice là nhân vật chính và mô tả cuộc hành trình do cô ấy bắt đầu rơi xuống hố thỏ. Kusama tuyên bố câu chuyện về Alice là của chính cô ấy, đặt nghệ sĩ vào vị trí của một đứa trẻ mơ mộng: "Tôi, Kusama, là Alice ở xứ sở thần tiên hiện đại" là thông báo ngay trang một cuốn sách.
Faith Ringgold là một họa sĩ nổi tiếng, trong số hơn 20 cuốn sách dành cho thiếu nhi của bà, Tar Beach là cuốn nổi tiếng nhất. Kết hợp lối kể chuyện tiểu sử pha với giả tưởng, bà vẽ nên sự kết nối của người nghệ sĩ, đứa trẻ trong họ và những mơ mộng vẩn vơ.
Cuốn sách Tar Beach theo chân Cassie Lou Lightfoot, một học sinh lớp ba người da đen sống ở khu Harlem những năm 1930, khi cô bay lên cao trên Cầu George Washington lấp lánh vào một đêm mùa hè.
Qua thành phố New York, Cassie ngắm nhìn địa danh nổi tiếng của thành phố: cây cầu là "vòng cổ kim cương" lấp lánh của cô, một nhà máy sản xuất kem, đồ tráng miệng yêu thích của cô. Trong một cảnh, khi cô đến gần một tòa nhà liên đoàn cao chót vót mà cha cô đang giúp xây dựng, cô thề sẽ bay qua để giành lấy nó cho cha mình, người bị cấm tham gia vì chủng tộc của ông.
Khi cuốn sách kết thúc, Cassie giúp em trai của mình, Be Be, học bay. "Thật dễ dàng, tất cả những gì em cần là một nơi mà em muốn tới, nhưng không thể bằng cách nào ngoài bay". Chính đứa trẻ, giống như một nghệ sĩ, có khả năng nhìn xa hơn những trật tự được chấp nhận của thế giới người lớn, để tưởng tượng ra những con đường mới, để làm sáng tỏ những thứ bậc cũ.
Khái niệm nghệ sĩ như một người có tầm nhìn xa và nổi loạn là ẩn ý của nhiều nghệ sĩ hướng đến trẻ em ở độ tuổi đi học. Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York có không ít những tiểu sử của nghệ sĩ như vậy trong bộ sưu tập của mình. Trong số đó có Jake Makes a World: Jacob Lawrence, An Artist in Harlem (2015); Sonia Delaunay: A Life of Color (2017); và Roots and Wings: How Shahzia Sikander Became a Artist (2021). Ngay cả trên chợ sách điện tử Amazon cũng có danh mục riêng cho "Tiểu sử nghệ thuật của trẻ em".
Dưới dạng những giai thoại được thêu dệt hoặc mơ ước kỳ ảo từ thời thơ ấu của các nghệ sĩ nổi tiếng, những cuốn sách muốn nói rằng, nghệ sĩ và đứa trẻ được gắn kết bởi sợi dây mơ mộng chung của họ. Nghệ sĩ, ngay từ khi còn nhỏ đã có óc sáng tạo bẩm sinh vượt quá khả năng của một đứa trẻ "bình thường".
Ví dụ, trong The Noisy Paintbox: The Colors and Sounds of Kandinsky's Abstract Art (2014) của Barb Rosenstock và Mary GrandPré, cậu bé Kandinsky được trời phú cho khả năng đồng cảm để nghe và cảm nhận sự đa dạng của màu sắc. Khi cậu mở hộp sơn đầu tiên của mình, những sợi màu đổ ra từ nó trong một "sự giao cảm kỳ diệu" của ánh sáng và vẽ thành một tác phẩm trừu tượng. Bố mẹ cậu thích thú, lập tức đưa cậu đến các bài học nghệ thuật để cậu có thể "học vẽ nhà và hoa giống như mọi người".
Nghệ sĩ không chỉ khác biệt với người lớn mà còn với những đứa trẻ khác trong Dancing Through Fields of Color: The story of Helen Frankenthaler (2019) của Aimée Sicuro và Elizabeth Brown, trong đó miêu tả Frankenthaler cũng bị tẩy chay vì không để ý tới những quy tắc bình thường. Khác với những học sinh cùng lớp, những người ngồi thành hàng đồng phục và lặng lẽ thực hiện những bức tranh hoa gọn gàng, Frankenthaler chạy quanh bàn của cô một cách điên cuồng khi vẽ.
Màu nước chảy ra từ bàn, và che phủ tay và mặt, rải rác trong một vòng tròn là những tờ giấy đầy màu vẽ và những bông hoa rạng rỡ. "Vào thời điểm mà các cô gái được dạy ngồi yên, học cách cư xử và tô màu bên trong các đường kẻ. Helen Frankenthaler đã tô màu đỏ, xanh dương và vàng theo bất kỳ cách nào cô thích. Helen không bao giờ muốn tuân theo các quy tắc", câu chuyện viết.
Trong trường hợp của Kandinsky, ông đã dành nhiều năm để sưu tầm nghệ thuật của trẻ em và làm việc cật lực để đạt được phong cách trừu tượng đặc trưng của mình. Như ông đã viết trong cuốn tự truyện năm 1913 "Hồi tưởng", việc trải qua "hình thức họa sĩ thuần túy và trừu tượng" đòi hỏi "nhiều năm làm việc kiên nhẫn, suy nghĩ vất vả, nhiều nỗ lực cẩn thận". Đáng chú ý, nhấn mạnh trong tiểu sử Kandinsky là sự liên kết với nhau về góc nhìn giữa đứa trẻ và nghệ sĩ.
Đáng buồn, sách dành cho trẻ em về các nghệ sĩ nổi tiếng hiện nay chủ yếu lấy giới trẻ làm đối tượng dạy bảo, thay vì tìm sự đồng cảm, thấu hiểu và khuyến khích trẻ em là chính chúng.
Trong hai thập kỷ qua, các bức vẽ của trẻ em được chú ý hơn tại Mỹ. Năm 2006, Fineberg giám tuyển một buổi trình diễn tại Triển lãm Phillips và Bảo tàng Nghệ thuật Krannert, kết hợp tác phẩm thời thơ ấu của các nghệ sĩ hiện đại nổi tiếng với các ví dụ về nghệ thuật dành cho trẻ em, được lấy từ các bộ sưu tập tư nhân.
Năm 2020 - 2021, nghệ sĩ Ulrike Müller và người phụ trách Amy Zion đã tổ chức "Hội nghị của các loài động vật", một cuộc triển lãm gồm hai phần tại Bảo tàng Queens, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật do trẻ em thực hiện từ năm 1900 đến nay từ một cuốn sách ảnh cùng tên của Đức những năm 1940.
Tuy nhiên, nhìn chung, các tổ chức nghệ thuật dường như miễn cưỡng trưng bày tác phẩm của trẻ em, hoặc trình bày song song với một thể loại mà như Fineberg đã lưu ý, nhận được nhiều sự chú ý từ các nhà tâm lý học hơn là các nhà sử học nghệ thuật.
Nghệ thuật dành cho trẻ em đã giúp tạo nên nghệ thuật hiện đại, nhưng về mặt lịch sử, nó cũng phủ bóng đen lên chính nó. Những điểm tương đồng về mặt thẩm mỹ giữa nghệ thuật trừu tượng và nghệ thuật trẻ em từ lâu đã được khai thác để biện minh cho những phản ứng hoài nghi với các tác phẩm trừu tượng. Thật vậy, "con tôi có thể làm được điều đó" cho đến nay vẫn là một lời trêu chọc đầy tính xúc phạm với trường phái trừu tượng.
Để đề cao giá trị của nghệ thuật hiện đại trong nền văn hóa đại chúng rộng lớn hơn, cần phải nhấn mạnh đến phẩm chất khiêm tốn của câu nói "cả đời" của Picasso - để chỉ ra rằng, đối với những nghệ sĩ thực sự tài năng, việc khom lưng để vẽ ở trình độ trẻ em cần hàng thập kỷ thực hành và kiên nhẫn.
Bài viết Vì sao Picasso dành "cả đời" để tập vẽ như một đứa trẻ? được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này- Home>
- tin tc giai tri , tin tuc , tin tuc 24h >
- Vì sao Picasso dành "cả đời" để tập vẽ như một đứa trẻ?