• Thứ Ba, 9 tháng 8, 2022

    Không phải hồ Gươm, mà hồ Tây mới là trung tâm chính trị, là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá, tâm linh, nhiều "hồn cốt Hà Nội". Quanh Hồ Gươm là trung tâm của khu phố cổ, của khu vực giao thương của thị dân, là trung tâm hành chính của thành phố Hà Nội. Nhưng quanh Hồ Tây, khi người Pháp quy hoạch Hà Nội, đã là trung tâm chính trị của cả Việt Nam, cả Đông dương.

    Hồ Tây trước đó còn giữ nguyên vẹn được không gian cổ kính với rất nhiều công trình kiến trúc tâm linh như Chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, Phủ Tây Hồ và các đình, chùa của các làng mạc quanh hồ.

    Là những nhà quy hoạch lão luyện, người Pháp đã giữ một không gian quanh Hồ Tây hồi đó hầu như không có các công trình xây dựng mang tính dịch vụ, chỉ có những kiến trúc tiêu biểu nhất của một trung tâm chính trị và văn hoá: Dinh Toàn quyền, Bách Thảo, hai trung tâm giáo dục lớn nhất Đông Dương là trường Bưởi và trường trung học thuộc địa Albert Sarraute, một bến du thuyền (đầu phố Thuỵ Khuê), một bệnh viện, một nhà in, một nhà thờ (Cửa Bắc)... trong một tương quan hoàn toàn cân xứng với đền Quan Thánh, với khu thành cổ phía Đông và các làng nghề truyền thống phía Tây, Bắc. 

    Không có áp lực dân số nên cũng không có áp lực về xây dựng, hồ Tây thời kỳ đó quả thực là một trong những con hồ giữa Thủ đô đẹp vào loại nhất thế giới. Hồ Tây, vì thế xứng đáng được coi là danh thắng quốc gia.

    Nhà Sử học Dương Trung Quốc: Ứng xử với Hồ Tây cần nhất sự minh bạch - Ảnh 1.

    Nhà sử học Dương Trung Quốc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo điện tử Dân Việt.

    Thưa ông, vậy hồ Tây bị "quá tải" từ khi nào và chúng ta đã mất khả năng kiểm soát mật độ, tốc độ xây dựng không gian ven hồ từ bao giờ? Ông đánh giá như thế nào về khả năng bảo tồn nguyên trạng và gìn giữ cảnh quan hồ Tây ở thời điểm này?

    - Khi dân số tăng quá nhanh và nhận thức cũng như chủ trương về quy hoạch đô thị không theo kịp thì tất yếu dẫn đến tình trạng mất khả năng kiểm soát về xây dựng, kèm theo đó là ảnh hưởng về cảnh quan, môi trường. Sự gia tăng quá khủng khiếp về mật độ dân số diễn ra từ hơn 20 năm trước và đến hiện tại, mật độ dân số khu vực ven hồ Tây cao không kém khu phố cổ hay khu vực hai bên đường Khuất Duy Tiến mà báo chí đang phản ánh đâu. 

    Và cho đến khi thành phố cho kè bê tông toàn bộ những con đường ven hồ để chống nạn lấn chiếm thêm nữa, hồ Tây đã được định dạng xong. Nó không còn là con hồ hoàn toàn tự nhiên nữa. Bây giờ nói bảo tồn nguyên trạng hồ Tây là không thể. Nói đến hồ Tây bây giờ là nói đến bất động sản. Giá nhà đất quanh hồ đã tăng đến mức người bình thường không dám hỏi tới chứ đừng nói sở hữu. 

    Quanh hồ rất ít dịch vụ công cộng, chỉ có duy nhất khu công viên nước (rất ít khách), chủ yếu là quán ăn, quán cafe. Nên nói một cách sòng phẳng là ngoài cách đạp xe quanh hồ vào sáng sớm (mà không phải ai cũng có khả năng và điều kiện), hiện tại, rất ít cư dân Thủ đô được hưởng lợi từ cái đẹp tự nhiên của danh thắng hồ Tây.

    Thưa ông, vậy về dự án xây nhà hát Opera ở khu vực Đầm Trị - lõi của hồ Tây - mà dự luận đang rất nhiều tiếng nói phản đối, quan điểm của ông như thế nào?

    - Ở đây có hai vấn đề cần rõ ràng, tách bạch: Chính vì hiện tại người Hà Nội rất ít được hưởng những giá trị thiên nhiên trời ban của hồ Tây: Cảnh quan, mặt nước, khí hậu... và vì Thủ đô của chúng ta còn quá thiếu những công trình kiên trúc đẹp, những thiết chế văn hoá cần thiết tối thiểu cho đời sống tinh thần của một thành phố Thủ đô nên tôi thuộc về phía "Ủng hộ xây nhà hát" trong khu vực hồ Tây. 

    Nhưng ở phương diện thứ hai, với tư cách một công dân thủ đô chỉ được biết đến quy hoạch mới của Hồ Tây và phương án xây nhà hát của một chủ đầu tư duy nhất do UBND quận Tây Hồ vừa đưa ra, tôi "không đồng ý với phương thức này". 

    Theo tôi, dư luận phản đối vì lâu nay chúng ta làm việc không rõ ràng, không minh bạch, nhân dân chỉ được biết khi "sự đã rồi" nên đến lần này, dân không tin nữa, cứ thấy dự án lập tức nghĩ đến chuyện mua bán đất khuất tất, đến xây dựng bất động sản. 

    Họ phản đối vì không tin có những công trình văn hoá thực sự đẹp mà lại dành cho số đông. Bản thân tôi cũng chưa được thuyết phục khi xem phương án trưng cầu ý kiến công bố mà chỉ có một phương án duy nhất của một chủ đầu tư duy nhất.

    Nhà Sử học Dương Trung Quốc: Ứng xử với Hồ Tây cần nhất sự minh bạch - Ảnh 2.

    Nhưng thưa ông, nhiều kiến trúc sư, nhà hoạt động môi trường cho rằng bản thân việc phá vỡ quy hoạch không gian đô thị quanh hồ Tây hiện tại bằng cách "nhồi" một công trình thiết kế nhà hát hơn 3.000 chỗ với hàng trăm dịch vụ đi kèm đã là phạm luật, mà đã phạm luật thì không bàn đến thiết kế xấu hay đẹp, nhà hát hay bệnh viện nữa?

    - Vẫn là câu chuyện lòng tin thôi. Chúng ta đã lỡ mất thời điểm tốt nhất để quy hoạch hồ Tây như một danh thắng thiên nhiên ở giữa Thủ đô. Bây giờ chúng ta cần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật xem giá trị cốt lõi của hồ Tây còn lại những gì và giữ bằng cách nào? Người dân không tin và các nhà chuyên môn không tin là vì thiếu một thiết chế minh bạch để họ có thể tham gia góp ý, lên tiếng. 

    Chính quyền nên công khai toàn bộ quá trình quy hoạch lại không gian quanh hồ Tây, chi tiết. Cùng với việc đó là cho đấu thầu các phương án thiết kế các công trình sẽ được xây dựng. Nhiều sự canh tranh sòng phẳng bao giờ cũng tốt hơn là chỉ một phương án. Nó mang đến tâm lý nghi ngờ về sự áp đặt, thiếu minh bạch.

    Nhà Sử học Dương Trung Quốc: Ứng xử với Hồ Tây cần nhất sự minh bạch - Ảnh 3.

    Vẫn là thắc mắc về nhà hát: rất rất nhiều ý kiến là mặt bằng dân trí và mức sống của người Hà Nội hiện tại chưa có nhu cầu về nhà hát, tại sao cứ nhất thiết phải xây vào thời điểm này? Khi chúng ta đang cần nhiều bệnh viện, trường học hơn? Và cũng rất nhiều bạn đọc của chúng tôi có ý kiến rằng: Đồng ý xây Nhà hát, nhưng cứ ra ngoài vành đai 3, lên Ba Vì, Sóc Sơn, sang Đông Anh... mà xây, đất còn rộng, không xâm phạm đến di tích, danh lam thắng cảnh nào?

    - Nếu nói bây giờ nhu cầu chưa đủ thiết yếu nên không xây, thì sẽ không bao giờ có nhà hát. Đừng coi Opera, nhạc giao hưởng như cái gì đó xa xỉ, xa lạ, hãy coi nó như di sản tinh thần chung của nhân loại, ai cũng có thể tiếp cận từ góc độ của mình. Hôm nay chúng ta chưa nghe thì mai con em chúng ta nghe. Có những nhu cầu phải được bồi đắp dần dần. Đến nhà hát nghe sẽ khác nghe ở nhà, ở quán cafe. 

    Hà Nội của chúng ta từ hơn 1 thế kỷ nay, chưa có thêm một công trình văn hoá nào có tầm cỡ như Nhà Hát Lớn. Mà Nhà Hát Lớn cũng chỉ được xây dựng phục vụ quy mô của thành phố 1 triệu dân, giờ cũng đã quá tải từ lâu, một dàn nhạc giao hưởng lớn đầy đủ sang biểu diễn là không đủ chỗ cho nhạc công. Âm thanh cũng chỉ đủ phục vụ diễn kịch, không đủ chuẩn cho dàn nhạc. Chúng ta vẫn sống bằng những giá trị văn hoá đô thị mà người Pháp mang đến từ hơn 1 thế kỷ trước và cho như vậy là đủ, là chuẩn mực. 

    Trong khi thành phố của chúng ta đã sắp lên tới 10 triệu dân và phần nhiều trong số họ đang hướng tới cuộc sống của các "công dân toàn cầu". Họ có quyền đi nghe nhạc giao hưởng trong một nhà hát đẹp do một kiến trúc sư nổi tiếng thế giới thiết kế, ở một nơi đẹp đẽ và đầy chất Hà Nội là hồ Tây. Tại sao chỉ có các cư dân ven hồ mới có cái đặc quyền ngắm hồ vào mọi thời điểm? 

    Tôi thấy cái ý kiến đem nhà hát ra ngoài vành đai 3, 4 mà xây cho đất rộng nó rất dân tuý. Nhà hát là một thiết chế văn hoá đặc biệt. Ở mọi thành phố trên thế giới, nó đều nằm ở trung tâm, nơi đẹp nhất. Đó mới là cách "dung hoà" lợi ich của các giai tầng khác nhau trong xã hội.

    Nhà Sử học Dương Trung Quốc: Ứng xử với Hồ Tây cần nhất sự minh bạch - Ảnh 4.

    Thưa ông, thực sự là chúng tôi hơi ngạc nhiên vì đại biểu quốc hội 4 khoá liền, cư dân phố cổ, cựu học sinh trường Bưởi Dương Trung Quốc lại có quan điểm "cởi mở" như vậy về việc quy hoạch và xây dựng ven hồ Tây. Còn nhớ, 1/4 thế kỷ trươc, khi có nhà đầu tư nước ngoài lập dự án "thay nước hồ Tây bằng nước sông Hồng", chính ông đã mở màn và kêu gọi cả giới báo chí phản đối quyết liệt? Ông đã thay đổi quan điểm? Là một người gắn bó với hồ Tây gần như với mái nhà mình, do cụ thân sinh có nghề gia truyền là ướp trà sen - mà chính là sen Đầm Trị, ông dễ dàng "buông" hồ Tây "của mình" như thế sao?

    - Vẫn là vấn đề minh bạch thông tin. Thời điểm đó, thông tin chúng tôi nhận được chỉ là như vậy. Và tôi hành động đúng với chức phận (Tổng Biên tập tạp chí Xưa Nay của Hội Khoa học Lịch sử) và lương tâm. Nhưng đến thời điểm hiện tại, nếu tôi có đầy đủ thông tin hơn, mọi thứ minh bạch hơn, có thể tôi sẽ hành động khác. 

    Còn về nghề gia truyền, mẹ tôi học từ bà nội, nhà tôi làm trà sen từ đầu thế kỷ, mẹ tôi mua sen của bà con quanh Đầm Trị hơn 60 năm rồi, thuở bé tôi theo mẹ đi mua sen, ăn cơm, chơi đùa, ngủ lại với trẻ con các nhà quanh đầm. Hồ Tây đối với gia đình tôi thật sự không khác một mái nhà thứ hai. Nhưng mẹ tôi bỏ làm trà từ 15 năm nay rồi, cụ bảo sen Đầm Trị bây giờ không đảm bảo chất lượng nữa. 

    Đúng là hồ Tây đã quá ô nhiễm từ 15 năm trước và sau sai lầm của Hà Nội khiến cá chết trắng mặt hồ thì chúng ta đã phải chấp nhận một "Hồ Tây khác", không bao giờ còn được như xưa nữa. Biết thế, để giữ những gì còn lại, một cách tỉnh táo và khoa học hơn.

    Xin cảm ơn ông!

    (Còn nữa)

    Bài viết Nhà sử học Dương Trung Quốc: Công khai, tỉnh táo và khoa học để gìn giữ Hồ Tây (Bài 1) được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này

    Leave a Reply

    Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

  • - Copyright © Giải Trí Việt Nam - Powered by Blogger - Designed by Jthietkesitedep.com -