Đồng nghiệp và khán giả bày tỏ sự ngỡ ngàng, tiếc nuối khi NSƯT Lê Thiện trượt danh hiệu NSND lần thứ 10. Những người yêu thương “Bà nội quốc dân” luôn tin tưởng bà sẽ được vinh danh, nên họ chuẩn bị sẵn áo dài để bà diện trong lễ đón nhận danh hiệu. Nhưng giờ đây chiếc áo dài đành phải xếp lại… NSƯT Lê Thiện vẫn cười vui vẻ, hát cho tôi nghe những khúc hát bà đã biểu diễn trong những năm đất nước còn chìm trong khói bom. Bà nói rằng, thật lòng bà không buồn, đừng lo cho bà. Bất giác, tôi nhớ câu thơ của Hữu Thỉnh: “ Sấm cũng bớt bất ngờ/Trên hàng cây đứng tuổi”.
Lê Thiện - "Chẳng tiếc đời xanh”
NSƯT Lê Thiện sinh ra ở một vùng quê nghèo của tỉnh Bình Định. 13 tuổi, bà xa gia đình, theo đoàn văn công Nam Bộ ra Bắc tập kết: “Tôi trúng tuyển vào Đoàn văn công Nam Bộ khi họ đến phục vụ miền Trung trong chuyến tập kết cuối cùng. Do thiếu diễn viên nên họ có nhu cầu tuyển thêm. Nhà trường đã tập trung một số học sinh để Đoàn lựa chọn”.
Bà hài hước ví sự trúng tuyển diễn viên hồi ấy giống đăng quang hoa hậu thời nay, rồi cười vui vẻ. Sau khi trúng tuyển, Lê Thiện theo Đoàn văn công đến Quy Nhơn, từ Quy Nhơn đi tàu ra Bắc. Thanh Hóa chính là mảnh đất đầu tiên ở miền Bắc bà gắn bó và bắt đầu với những hoạt động văn nghệ. “Bà nội quốc dân” ở tuổi thiếu niên được tiếng múa đẹp. Bà còn được học xiếc với những “món” cơ bản như uốn dẻo, nhào lộn, học diễn kịch...
Khi Đoàn văn công Nam Bộ giải thể, một số nghệ sỹ như nhạc sỹ Ca Lê Thuần, nhạc sỹ Phan Nhân… chuyển ra Hà Nội. “Bà nội quốc dân” cũng bước sang một trang mới: “Lúc đó, tôi được về Đoàn văn công Tổng cục Chính trị, đóng ở Lý Nam Đế (Hà Nội). Tại đây chúng tôi được nhiều chuyên gia giảng dạy, trong đó có cả chuyên gia Triều Tiên, Trung Quốc… Tôi được học múa ba lê, học thanh nhạc, học cả hát chèo… Biết đủ thứ”.
Năm 1957, Lê Thiện góp mặt trong vở kịch ngắn “Lá cờ tự do” của Đoàn Tổng cục Chính trị. Đây là vở diễn tham gia hội diễn, NSND Dương Ngọc Thạch chính là người “chấm” Lê Thiện khi đến xem vở “Lá cờ tự do”. Ông đặt vấn đề xin cô diễn viên nhỏ tuổi về Đoàn cải lương Nam Bộ. Năm 1958, Lê Thiện chuyển sang học cải lương. Bà học nhanh vì sẵn đã được học múa, học thanh nhạc, lại có lợi thế hình thể.
Sau một năm học cải lương, Lê Thiện đã được chọn vào vai chính. Vở cải lương đầu tiên bà tham gia mang tên “Hạc chiều”. Lê Thiện đóng chim hạc, vai diễn “dính” múa ba lê. Đến nay điểm những vai diễn để đời của NSƯT Lê Thiện trên sân khấu cải lương, nhiều người vẫn nhắc vai diễn trong “Hạc chiều”.
Và đây cũng là vai diễn nhiều kỷ niệm của “Bà nội quốc dân”: “Tôi đã múa tại Chủ tịch Phủ. Thời ấy khó khăn, diễn viên không có đôi giày đúng chuẩn dành cho múa ba lê nên tôi bị đau chân. Bác Hồ đã biết điều đó nên sau buổi diễn Bác cho người đến hỏi thăm tôi”. Nhiều lần NSƯT Lê Thiện được diễn trong Phủ Chủ tịch: “Mỗi lần diễn trong Phủ, diễn viên nào cũng nôn nao, mai diễn thì nay không ngủ được”, bà nhớ lại. Ngoài vai chim hạc trong “Hạc chiều”, Thuyền Quyên trong “Khuất Nguyên” cũng là vở diễn đáng kể của NSƯT Lê Thiện trong giai đoạn đầu đến với cải lương.
Năm 1966, khi đang là diễn viên chính của Đoàn Cải lương Nam Bộ thì Đoàn văn công quân Giải Phóng được thành lập để chuẩn bị đi biểu diễn ở nước ngoài. Lê Thiện được đưa về Đoàn văn công quân Giải Phóng, với nhiệm vụ đơn ca, chuyên hát dân ca 3 miền. Bà còn phải thuộc và trình diễn một số bài hát của nước bạn, bằng ngôn ngữ của nước bạn.
Khi sang Triều Tiên, các diễn viên được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Triều Tiên chiêu đãi, sau đó còn được diễn cho Thủ tướng Kim Nhật Thành xem. Sang Cu Ba, tới La Habana, đêm đầu tiên Đoàn văn công quân Giải Phóng diễn ở Ngoại Giao đoàn: “Nhà lãnh đạo Fidel Castro đã đến xem chúng tôi biểu diễn, còn chiêu đãi chúng tôi. Tôi cố tiến gần đến ông, ra hiệu để ông cúi xuống tặng ông chiếc mũ tai bèo”.
Ít ai biết rằng, “Bà nội quốc dân” là một trong 5 nghệ sỹ của Đoàn cải lương Việt Nam Dân chủ Cộng hòa qua Pháp kết hợp với Việt Kiều ở Pháp biểu diễn, trong khoảng thời gian diễn ra Hội nghị Paris về Việt Nam. Những đêm diễn của Đoàn đều được hoan nghênh. Có những người am hiểu nghệ thuật sân khấu còn khâm phục tài năng của các nghệ sỹ Việt Nam: “Khi sang Paris con gái đầu của tôi mới được 8 tháng. Chồng tôi đi học ở Leningrad. Tôi phải gửi đứa con gái cho vợ chồng NSND Quang Hải và mấy người nữa. Tôi từng năn nỉ được ở lại nhưng Bộ trưởng Hoàng Minh Giám khi đó nói: Đoàn đi 5 người, tất cả đều đòi hỏi rất cao. Thế là tôi lên đường. Đoàn có 4 mày râu, tôi là “bông hoa” duy nhất”.
Từ Paris trở về, khoảng 3 tháng sau, Lê Thiện lại xông pha Chiến dịch đường 9 - Nam Lào: “Khi đó con gái tôi mới 2 tuổi”. Sau này, khi đã về miền Nam, nghệ sỹ còn sang Campuchia biểu diễn: “Hồi ấy với tư cách trưởng đoàn tôi đọc diễn văn. Đọc xong diễn văn, tôi vội vào bên trong sân khấu hóa trang nhanh chóng thành đàn ông, cột cái khăn rằn, xỏ quần áo vô rồi ra hát một bài hát Campuchia. Ấy là năm 1979, tình hình ở Campuchia còn cam go, đơn vị của tôi đã có người hi sinh”.
“Bà nội quốc dân” là một trong những nghệ sỹ vinh dự được trao Huy chương chiến sỹ vẻ vang, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất. Bao cực khổ, gian nan Lê Thiện đều đã trải qua: “Khi tham gia Đường 9 - Nam Lào, một ngày của tôi thường bắt đầu từ 3 giờ sáng, hành quân đến 4 giờ chiều, tới nơi là biểu diễn luôn, biểu diễn ban ngày chứ ban đêm đâu có đèn”. Căn bệnh từng được nhiều nhà văn - chiến sỹ miêu tả trong thơ, văn, cũng từng hành hạ nữ nghệ sỹ: “Đâu chỉ sốt rét, bệnh nào tôi cũng trải qua rồi”. Khi đất nước im tiếng súng, NSƯT Lê Thiện từng phải nhập viện vì cái u trong gan, bà đính chính không phải u ác tính như người ta đồn.
Từ quản lý thành lính mới “tò te”
Bà kể, sau khi nghỉ hưu bà ngưng hoạt động nghệ thuật một thời gian khá dài, khoảng 5 đến 8 năm: “Mệt quá rồi, tôi muốn được dừng lại”. Nhà hát Trần Hữu Trang là một trong những “ngôi nhà” mà NSƯT Lê Thiện gắn bó. Bà từng giữ vị trí Phó Giám đốc ở Nhà hát: “Làm lãnh đạo ở một đơn vị nghệ thuật như con ở không tên, ai nhảy vô đó rồi sẽ thấu”. “Bà nội quốc dân” bảo tôi nên tìm xem “chuyện bây giờ mới kể”, tập 3, của NSND Bạch Tuyết sẽ hiểu hơn về sinh hoạt của nghệ sỹ ngày trước: “Đoàn đi biểu diễn ở miền Tây, tôi phải lo từ chỗ đi vệ sinh cho họ”.
Bà tập hợp được dàn sao tài năng, nổi tiếng như Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Tuấn… Đó cũng là một thời vàng son của cải lương Việt Nam. “Cả cuộc đời tôi theo nghệ thuật, sân khấu với tôi là tình yêu. Thế mà bấy giờ phân công tôi làm lãnh đạo, tôi phải nhường nhịn hết, không được diễn bao nhiêu” bà chia sẻ.
Vai diễn trong “Rạng ngọc Côn Sơn” được đánh giá cao của NSƯT Lê Thiện hóa ra lại là vai bị các nghệ sỹ chê không nhận, mới đến lượt bà. Những năm ấy, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang dựng từ “Dương Vân Nga” tới “Kiều Nguyệt Nga”, rồi “Rạng Ngọc Côn Sơn”, “Truyện cổ Bát Tràng”, người dàn dựng múa chính là Lê Thiện. Nhưng bà không đưa tên mình vào vị trí phó đạo diễn.
Chẳng ai nghĩ ở buổi hoàng hôn cuộc đời, nghệ sỹ Lê Thiện lại nhảy sang một lĩnh vực hoàn toàn mới: Phim ảnh. Bà cười khi nhớ lại nguyên do khiến bà trở lại với nghiệp diễn: “Lúc bấy giờ người ta mời tôi đến casting vai bà nội trong phim “Dù gió có thổi”. Tôi từ chối. Cháu ngoại ở với tôi đã nghe được tất cả cuộc trao đổi của tôi trên điện thoại. Nó bảo: “Chán bà ngoại quá. Bà ngoại diễn hay thế mà làm biếng quá à! Tôi tự ái nên đồng ý đi thử vai. Mới thử vai hôm nay thì hôm sau họ đã mời”. Vai bà nội trong “Dù gió có thổi” đã thành công ngoài mong đợi nên Lê Thiện lại tiếp tục được sắm vai bà nội ở phim “Cá rô, em yêu anh”: “Tôi ngồi cạnh Công Ninh, cậu ấy bảo: Coi chị diễn mà em mê, em hỏi mọi người, bà già này từ kho nào kéo ra?”, nữ nghệ sỹ ấn tượng với câu nói của “đàn em”. Dù tuổi đã lớn, tên đã có, song NSƯT Lê Thiện vẫn nói với đoàn phim “Dù gió có thổi”: “Tôi là lính mới tò te, vì tôi bên sân khấu cải lương, phim ảnh là lĩnh vực khác. Các bạn phải giúp đỡ tôi”.
Trượt thì thôi, có sao đâu?
“Tôi trượt NSND cũng có nhiều người hỏi có buồn không? Vì danh hiệu của Nhà nước phong tặng là vinh dự, nhưng nếu mình không đủ tiêu chuẩn thì thôi, có sao đâu? Quan trọng là mình sống trong lòng bạn bè, khán giả”, bà bày tỏ.
NSƯT Lê Thiện kể, một lần đi quay ở Mũi Né, có bạn trẻ nhận ra bà chuyên sắm vai bà nội. Từ đó họ giữ liên lạc với nhau. Khi trở về nhà ở Hà Nội, cô gái gửi quà cho bà. Món quà đầu tiên bà nhận được chính là gói cốm khi Hà Nội vào thu: “Gói cốm còn nguyên lá sen, còn nguyên cọng rơm buộc ở đó. Tôi ôm gói cốm khóc, điện cho cô gái liền. Sau đó mở gói cốm ra san sẻ cho những ai từng sống ở miền Bắc, từng ra Hà Nội…”. Bà nói rằng, miền Trung nghèo khó nơi bà sinh ra, miền Bắc chắt chiu nơi bà gắn bó thời tuổi trẻ, đã giúp bà bền bỉ với nghề đến tận hôm nay.
Lê Thiện còn sắm vai bà nội trong phim “Vừa đi vừa khóc” của Vũ Ngọc Đãng. Trước khi mời nữ nghệ sỹ tham gia, đạo diễn đã gửi kịch bản cho bà đọc trước. Anh khá thận trọng khi đứng trước nghệ sỹ tên tuổi. Biết ý, bà đề nghị: “Đừng nghĩ “cây đa”, “cây đề” mà không góp ý là cô không chịu đâu”. Được lời, một bữa đang quay, đạo diễn kêu lớn: “Bà nội vô duyên quá, cắt đi”. Lúc này, bà mới nói với Vũ Ngọc Đãng, xin nghỉ nửa tiếng để thảo luận thêm về vai diễn. Để được khán giả dành tặng biệt danh “Bà nội quốc dân” quả không dễ.
Sau “Vừa đi vừa khóc” Vũ Ngọc Đãng càng thương “bà nội”. Có lần đọc được bài viết nói về hoàn cảnh của NSƯT Lê Thiện, đạo diễn đã khóc và gọi điện ngay cho bà. Anh đến nhà thăm và tặng Lê Thiện một phong bì nhỏ. Bà mang 5 triệu đồng được Vũ Ngọc Đãng tặng mua chiếc điện thoại và gọi điện cho đạo diễn “Vừa đi vừa khóc”: “Chiếc điện thoại mà cô đang gọi là tiền của con nè. Cô sung sướng vô cùng”. Bà trải lòng: “Người ta tưởng diễn viên giàu lắm. Diễn viên nếu sống bằng đồng lương thì cả đời không giàu được. Bỏ tiền ra mua chiếc điện thoại mới thì tiếc, vì cuộc sống còn bao nhiêu thứ khác phải lo. Ai hỏi thì bảo, tôi không biết xài điện thoại thông minh nên chỉ xài cùi bắp”.
Bài viết NSƯT Lê Thiện – đâu chỉ là “Bà nội quốc dân” được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này