Qua từng ấy thập kỷ, Haruki Murakami vẫn là điều gì đó khó lý giải của thế giới văn chương. Ông từng thừa nhận mình trung thành với phong cách siêu thực, chủ yếu là những câu chuyện lãng mạn đậm chất huyền ảo. Ông quan niệm rằng thực tại còn có cả đời sống tâm linh, niềm tin tôn giáo, các huyền thoại và truyền thuyết, rồi những điểm xuyết nhỏ về tính siêu nhiên được xây dựng trên nền ảm đạm của cuộc sống hàng ngày.
Nhưng dù là siêu thực hay hiện thực, tác phẩm của Haruki Murakami bao giờ cũng là một nỗi buồn đọng lại khi gấp cuốn sách. Một nỗi buồn day dứt, ám ảnh cứ như một cái hố đen chìm sâu trong nội tâm nhân vật, trong người xem và cả ngay cả chính tác giả.
Những áng văn của Haruki Murakami đã lên phim không ít lần, từ một Rừng Na-Uy được Trần Anh Hùng mô tả những khoảnh khắc cô đơn, lạc lõng và bản năng muốn được giải phóng những ham muốn tình dục, hay Burning của do Lee Chang Dong làm đạo diễn, là bức tranh về cuộc sống không dễ dàng, đầy bất an và nhiều suy tưởng của những người trẻ. Rồi mới đây chính là Drive my car – tác phẩm đậm chất tự sự, giành được giải Oscar của Ryusuke Hamaguchi, đưa ta đến hành trình khám phá bản ngã tưởng như dài đến vô tận.
Thế nhưng để làm nổi bật chất siêu thực xen lẫn huyền ảo của Haruki Murakami, có lẽ bộ phim hoạt hình Cây liễu mù và cô gái ngủ - chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của ông, được nhà sản xuất phim, họa sĩ Pierre Földes xúc tiến và thực hiện, chắc chắn sẽ là một tác phẩm đáng mong chờ. Cây liễu mù và cô gái ngủ đã từng có mặt tại Liên hoan phim Cannes năm nay (diễn ra từ ngày 17 đến 28/5) để tiếp cận các nhà phát hành quốc tế cũng như tranh giải tại Annecy International Animated Film Festival – Liên hoan Phim hoạt hình lớn nhất thế giới khai mạc vào ngày 13/6 tại Pháp. Được biết, tổng kinh phí sản xuất của phim rơi vào khoảng 7 triệu USD
Trang web pierrefoldes.com của nhà sản xuất phim đưa ra tóm tắt nội dung: “Phim kể về một con mèo bị lạc, một con cóc khổng lồ và sóng thần đã giúp một nhân viên ngân hàng thiếu tham vọng, một nhân viên kế toán bị tâm thần phân liệt cùng người vợ đầy tuyệt vọng của anh ta cứu Tokyo thoát khỏi một trận động đất. Qua đó, cả hai tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống”.
“Bộ phim này không chỉ nhắm đến hàng triệu người hâm mộ Haruki Murakami trên khắp thế giới, mà còn hướng đến công chúng với cách kể chuyện sáng tạo thuộc chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Do đó, hoạt hình là một phương tiện thể hiện tuyệt vời. Những câu chuyện được tạo nên từ những ký ức, những giấc mơ và trí tưởng tượng, bị ảnh hưởng bởi những tầm nhìn cá nhân hạn hẹp về trận động đất - tỉ dụ dưới hình dạng của cây cối xấu xa, một con sâu khổng lồ, điều ước bí mật, mật khẩu không xác định, chiếc hộp trống bí ẩn và hành lang tối kéo dài vô tận. Nhân vật chính luôn cố gắng kết nối với con người bên trong”, theo thông tin về dự án phim trên trang pierrefoldes.com.
Haruki Murakami khá khó tính với những đạo diễn muốn chuyển thể phim của ông, Bằng chứng là Ryusuke Hamaguchi - đạo diễn của Drive my car từng cảm thấy Murakami không mấy hứng thú với tác phẩm của mình và chẳng muốn trò chuyện với ông. Tuy nhiên với Pierre Földes, ông lại khá cởi mở và tán thành với cách tiếp cận khá mới mẻ, khi vị họa sĩ muốn Cây liễu mù và cô gái ngủ được chuyển thể thành phim hoạt hình.
Khi đoạn trailer đầu tiên của Cây liễu mù và cô gái ngủ được tung ra, dù biết chất liệu mà màu sắc của phim sẽ rất đặc biệt, nhưng đa số đều thấy “rùng mình” và bất ngờ với những hình ảnh đầy táo bạo. Phim được thực hiện với chuyển động của người thật, sau đó kết hợp các kỹ thuật làm phim 3D để chuyển nó sang hình thức phim hoạt hình. Trưởng bộ phận sản xuất của bộ phim từng chia sẻ: “Sau khi quay các hành động trực tiếp từ người thật, các nhà làm phim hoạt hình sẽ hoán đổi phần đầu của các diễn viên thành mô hình 3D của khuôn mặt nhân vật, sau đó lần theo các đường viền bằng bút chì, rồi chỉnh sửa lại các biểu cảm trên khuôn mặt, tô màu phác thảo, rồi hoàn thiện ở những bước còn lại”. Người này chia sẻ thêm: “Đây là bộ phim khiến tất cả chúng tôi phải phá vỡ mọi sự an toàn và vận dụng hết tất cả những bài vở đã từng được học trên trường”. Pierre Földes còn kỹ tính đến mức, anh trực tiếp đến gặp chính những kỹ sư đồ họa để giải thích biểu cảm trên khuôn mặt của các diễn viên.
Pierre Földes vốn là một nhà soạn nhạc sống ở Budapest (Hungary) trước khi quyết định trở thành đạo diễn. Ngoài nguồn cảm hứng đến từ Haruki Murakami, Földes còn được thừa hưởng nhiều tư duy sáng tạo của cha anh là Peter Foldes, vốn là một nhà làm phim hoạt hình thể nghiệm nổi tiếng. Phim hoạt hình Hunger của Peter Foldes từng giành giải thưởng Phim ngắn hay nhất Liên hoan phim Cannes 1973. Hunger là một câu chuyện đạo đức về lòng tham và thói háu ăn trong xã hội đương thời. Nếu bạn đã từng xem bộ phim này và so sánh với những hình ảnh trong Cây liễu mù và cô gái ngủ, bạn sẽ thấy nhiều bố cục cổ điển ngày ấy vẫn được Pierre Földes giữ nguyên, dù vậy nó khá hợp với tinh thần của Haruki Murakami, khi ông luôn nổi tiếng là cây bút có trí tưởng tượng vô tận, thích tạo ra những thế giới hư hảo để làm độc giả của mình hoang mang khi chìm đắm trong nó.
“Tôi thích nghĩ về cuộc đời mình cho đến nay như một loạt truyện ngắn. Và do đó, từng chút một, tôi nảy ra ý tưởng hợp nhất các câu chuyện và nhân vật, kết hợp chúng theo một trình tự thời gian chung cho bộ phim lần này” – Földes chia sẻ về dự án Cây liễu mù và cô gái ngủ.
Bài viết "Cây liễu mù và cô gái ngủ": Phim hoạt hình "siêu thực" của Haruki Murakami có gì đặc sắc? được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này- Home>
- tin tc giai tri , tin tuc , tin tuc 24h >
- "Cây liễu mù và cô gái ngủ": Phim hoạt hình "siêu thực" của Haruki Murakami có gì đặc sắc?