Tôi biết đến thư viện làng Bình Vọng (Thường Tín), thư viện Dương Liễu (Hoài Đức) và tủ sách dòng họ Nguyễn Bá (Ba Vì)… của Hà Nội vào dịp dự một hội thảo về văn hóa đọc do Thư viện Quốc gia tổ chức năm 2019. Xem những đoạn phim tư liệu về phong trào đọc sách và lan tỏa văn hóa đọc ở những thư viện làng/tủ sách dòng họ, tôi đã nung nấu ý định sẽ thực hiện loạt bài về vấn đề này.
Tôi thực sự hào hứng với câu chuyện của ông Dương Văn Phi và Lương Văn Tăng – hai sĩ quan quân đội về hưu, góp nhặt từng đồng lương hưu ít ỏi của mình để lập nên thư viện Bình Vọng (1999) làm điểm hẹn văn hóa đọc cho bà con nhân dân trong vùng. Từ số sách ban đầu chỉ khoảng 200 cuốn và chỉ sau hơn 10 năm đã có tới gần 5000 cuốn sách báo, tạp chí các loại.
Tôi thực sự cảm phục tấm lòng của em Phùng Bá Hưng – cử nhân báo chí đã dám đưa ra ý tưởng thành lập thư viện Dương Liễu từ năm 2013 khi trong tay không có gì ngoài sức trẻ và nhiệt huyết. Vậy mà, sau 7 năm thành lập thư viện, Hưng cùng một số anh chị em tâm huyết đã biến thư viện làng thành một không gian văn hóa - giải trí vô cùng hữu ích. Ngoài việc cung cấp gần 2.000 đầu sách, báo các loại cho trẻ em lẫn người lớn đọc mỗi ngày, thư viện còn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể theo những chủ đề khác nhau dành cho các em thiếu nhi.
Và hơn cả đó là tủ sách dòng họ Nguyễn Bá ở Ba Vì. Đây là tủ sách dòng họ đầu tiên ở Hà Nội lan tỏa văn hóa đọc. Từ tủ sách ít ỏi của dòng họ, ban đầu chỉ phục vụ nhu cầu mở rộng kiến thức cho con em trong dòng họ, sau dần đã trở thành một "địa chỉ đỏ" về văn hóa đọc của làng. Quan trọng là tủ sách này đã không chỉ chắp cánh ước mơ, nâng tầm tri thức mà còn là nơi lan tỏa phong trào khuyến học ở vùng quê nghèo.
Bẵng đi một thời gian, khi tôi muốn "xách xe lên và đi" như cái cách tôi vẫn thường tác nghiệp khi đảm trách viết mảng phóng sự ở báo Gia đình & Xã hội 15 năm về trước thì dịch Covid-19 ập đến. Và phải chờ cho đến khi Hà Nội nới lỏng phong tỏa, người dân được bình thường trong điều kiện mới thì tôi mới có cơ hội để thực hiện ý tưởng này. Tôi quyết định rủ phóng viên Nguyễn Định (bút danh Gia Khiêm) – một cậu em năng nổ, xông xáo và nhanh nhẹn nhất ban cùng thực hiện loạt bài viết với mình.
Thực sự mà nói, khi chúng tôi tiếp cận một số thư viện làng và tủ sách dòng họ thì nhiều nơi vẫn "bế quan tỏa cảng" để phòng dịch, một số nơi đã mở cửa trở lại nhưng vẫn trong điều kiện phòng dịch hết sức nghiêm ngặt. Bởi lẽ đó, để có thể quan sát, gặp gỡ, trò chuyện các nhân vật là một câu chuyện khó và phải mất khá nhiều thời gian.
Trước hết, chúng tôi tiếp cận với những người sáng lập thư viện làng và tủ sách dòng họ để nắm bắt thông tin. Ở các làng quê, người ta gọi những người này là "đốm lửa tri thức", "người gieo ánh sáng", "đại sứ văn hóa đọc", "bác sĩ tâm hồn"… dù mỗi nơi một cách gọi khác nhau nhưng tựu trung lại đều thể hiện một sự quý mến và biết ơn. Chính nhờ những người này mà ánh sáng tri thức và văn hóa đọc đã lan tỏa vào tận ngóc ngách của từng làng quê.
Bất kỳ người nào chúng tôi tiếp cận cũng đều rất hào hứng, thậm chí là say sưa khi được hỏi về quá trình phát triển của thư viện làng hoặc tủ sách dòng họ. Và khi nhắc đến "trái ngọt" mà họ đã gặt hái được sau nhiều năm gầy dựng thư viện thì đã có những giọt nước mắt hạnh phúc lăn trào. Không ít lần, phóng viên cũng rưng rưng theo niềm hạnh phúc của nhân vật, niềm hạnh phúc được đánh đổi bởi quá nhiều mồ hôi và nước mắt của ngày hôm qua.
Khó hơn cả vẫn là tiếp cận với những người làng – những nhân tố của văn hóa đọc. Có vẻ như người dân ở các vùng quê thời điểm đó vẫn rất dè chừng với người trở về từ "vùng đỏ" Thủ đô. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cuối cùng tôi và Nguyễn Định cũng có đủ tư liệu để thực hiện loạt bài viết của mình một cách ưng ý nhất.
Ba bài báo "Nông dân lan tỏa văn hóa đọc" đoạt giải C và nụ cười hạnh phúc của mẹ!
Khi thực hiện 3 bài viết, tít chung của 3 bài là điều khiến anh em tôi trăn trở nhất. Sau khi đã đưa ra rất nhiều phương án, cuối cùng chúng tôi quyết định chọn "Nông dân lan tỏa văn hóa đọc". Cái tít vừa phản ánh đúng với tình hình thực tế của các thư viện làng/tủ sách dòng họ; vừa gần gũi với phong cách và đối tượng bạn đọc của báo Dân Việt. "Ra" được cái tít chung thì tít riêng không còn là chuyện quan trọng nữa và ra được tít riêng cũng có nghĩa là trọn vẹn được hướng viết của bài.
Và trong vòng 1 tuần, loạt bài gồm: Thư viện làng, tủ sách dòng họ - Những "đốm lửa" thắp sáng tri thức (bài 1), Thư viện Dương Liễu - Gieo yêu thương trên từng cuốn sách (bài 2) và Biến thư viện làng quê thành "hạt nhân" xây dựng nếp sống người Hà Nội (bài 3) hoàn thành. Bài viết sau khi đăng tải trên báo Dân Việt đã được rất nhiều độc giả quan tâm. Nhiều nhân vật được nêu tên trong bài đã ngay lập tức in ra để đưa lên thư viện cho mọi người đọc. Nhiều độc giả cũng bày tỏ sự cảm phục đối với những người nông dân đã góp phần lan tỏa văn hóa đọc.
Và hạnh phúc được nhân lên gấp đôi khi loạt bài của chúng tôi đã đoạt giải C của Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ IV - năm 2021.
Đây là giải thưởng đầu tiên ghi dấu dấu ấn nghề nghiệp của tôi và Nguyễn Định khi mới chân ướt chân ráo về công tác ở báo Dân Việt. Đây cũng là giải thưởng báo chí đầu tiên của cả tôi lẫn Nguyễn Định khi tham gia giải báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức.
Ngay khi nhận được giải thưởng, tôi đã mang cúp, giấy chứng nhận và phần thưởng về khoe với mẹ mình. Mẹ tôi bị tai biến mấy tháng nay, bà chưa thể nói được và đang trong quá trình phục hồi chậm. Nhìn thấy thành tích của con trai, bà rất muốn nói một điều gì đó nhưng chỉ có thể mấp máy môi mà không phát thành lời. Dẫu vậy, nhìn vào ánh mắt và nụ cười rạng rỡ của mẹ, tôi biết mẹ đang rất hạnh phúc.
Hạnh phúc vì con trai của mẹ đang ngày càng khẳng định mình trong nghiệp viết lách, ngày càng có nhiều hơn những tác phẩm báo chí chất lượng. Hạnh phúc vì đã không ít lần con trai của mẹ muốn từ bỏ nghề báo nhưng cuối cùng cũng đã trụ lại được với nghề. Đã biết đi đến tận cùng hai chữ "dấn thân" để tạo nên những bài báo có giá trị, xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp và ghi những dấu mốc mới trên chặng đường sự nghiệp của mình.
Bài viết Ba bài báo viết giữa ngày dịch… giải C và nụ cười hạnh phúc của mẹ! được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này- Home>
- tin tc giai tri , tin tuc , tin tuc 24h >
- Ba bài báo viết giữa ngày dịch… giải C và nụ cười hạnh phúc của mẹ!