Linda Lê sinh năm 1963 tại Đà Lạt trong một gia đình Việt, nhưng mẹ có quốc tịch Pháp. Năm 1968 bà theo gia đình vào Sài Gòn, theo học trường Pháp tại đây, yêu thích Victor Hugo và H. Banzac. Năm 1977, mẹ con bà sang Pháp, người bố ở lại Việt Nam, và từ đấy bà không gặp lại bố mình cho đến khi về nước chịu tang sau mấy chục năm. Tên gọi của nhà văn được ghép tên Linda có gốc từ chữ "lind" có nghĩa là "rắn" và họ Lê, một cái họ phổ biến của người Việt.
Linda Lê chọn tiếng Pháp làm ngôn ngữ văn chương và xuất hiện lần đầu với tác phẩm Un si tendre vampire (Một ma cà rồng rất đỗi dịu dàng, 1986). Nhưng bà thực sự nổi tiếng trên văn đàn Pháp từ tập truyện Les Évangiles du Crime (Phúc Âm của tội ác, 1992), Calomnies (Vu khống, 1993, đã dịch ra tiếng Việt), Les Dits d'un Idiot (Lời thằng khùng, 1995), Les Trois Parques (Ba nữ thần số mệnh, bộ ba tác phẩm, 1997), Voix (Tiếng nói, 1998), Lettre morte (Thư chết, 1999). Tác phẩm mới nhất của bà xuất bản đầu năm nay là De personne je ne fus le contemporain (Về một người tôi không đồng thời) kể về cuộc gặp gỡ tại Moskva năm 1923 giữa nhà thơ Nga Ossip Mandelstam và nhà cách mạng Việt Nam Nguyễn Ái Quốc. Ngoài tiểu thuyết, truyện ngắn, Linda Lê còn có cách sách tiểu luận phê bình văn chương Pháp. Bà đã được nhận nhiều giải thưởng văn chương tại Pháp và năm 2019 bà đã được giải "Prince de Monaco" trao tặng cho toàn bộ tác phẩm. Ngày 9/5/2022 Linda Lê qua đời tại Paris ở tuổi 59.
SÓNG NGẦM
Tác giả: Linda Lê
Dịch giả: Hồ Thanh Vân – Bùi Thu Thuỷ (từ tiếng Pháp)
Nhã Nam & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2018
Số trang: 289 (khổ 14x20,5cm)
Số lượng: 1800
Giá bán: 90.000
Tiểu thuyết "Sóng ngầm" (Lame de fond) xuất bản năm 2012 và đã lọt vào danh sách 4 tác phẩm chung kết giải Goncourt năm ấy. Truyện luân phiên giữa bốn giọng kể của bốn nhân vật là Văn, một người gốc Việt sang Pháp từ tuổi mới lớn cắt đứt hoàn toàn cội rễ với quê hương, làm biên tập viên xuất bản; Lou vợ Văn gốc vùng Bretagne (Pháp) hiệu trưởng một trường phổ thông; Lauren con gái của Văn và Lou đang đi học; Ulma em gái cùng cha với Văn nhưng mẹ là người Pháp. Cuộc sống của vợ chồng Văn sau hai mươi năm tuy có sóng gió chao đảo nhưng vẫn bình yên cho đến khi Văn nhận được bức thư của Ulma gửi đến làm xáo trộn tất cả. Hai anh em cùng cha khác mẹ đã có cuộc tình với nhau. Lou trong cơn quẫn trí đã lái xe đâm chết Văn.
Cuốn truyện mở đầu bằng lời của Văn từ trong quan tài: "Sinh thời, tôi chẳng bao giờ ba hoa. Giờ nhập quan rồi, tôi mặc sức độc thoại. Kể từ lúc nắp áo quan đóng lại, tôi chỉ còn một ham muốn: trần tình, minh định vai mình trong những sự kiện ập đến, đưa vài manh mối hầu tỏ ngọn ngành thứ chuyện vốn chỉ là tin vặt." Tiếp theo là lời của Lou, Lauren, Ulma, luân phiên trong bốn phần được tác giả đặt tên là "Giữa đêm", "Rạng đông", "Giữa trưa" và "Hoàng hôn", nghĩa là trong 24 giờ một ngày đêm diễn ra đám tang Văn.
Trả lời đài RFI năm 2012, nhà văn cho biết: "Tôi viết Sóng ngầm như một bản nhạc với bốn bè khác nhau và tôi đã rất hăng say khi sáng tác. Tôi thích được chuyển từ nhân vật này sang nhân vật khác trong mỗi chương của cuốn tiểu thuyết. Mỗi lần như thế, tôi phải thay đổi văn phong, thay đổi cách viết để phù hợp với tâm tư, với cá tính của mỗi người: Văn là nhân vật chính, Lou và Ulma là hai người đàn bà cùng yêu thương anh, và cuối cùng là Laure, cô con gái của Văn. Mỗi người đều có phong thái riêng của họ. Điều đó phải được thể hiện trong lời tự bạch của họ. Mỗi nhân vật vừa phác họa ra chính chân dung của mình, vừa chia sẻ với độc giả cái nhìn của họ về những người chung quanh. Tất cả phải diễn ra trong vòng 24 giờ đồng hồ. Cuộc đời của các nhân vật trong truyện cũng như một phần lịch sử của Pháp và Việt Nam trong nửa thế kỷ vừa qua đã gắn liền với nhân vật chính. Tất cả đã được trải ra dưới mắt độc giả. Tôi đã đề cập tới đời sống ở miền Nam Việt Nam trước biến cố 1975, đến hành trình của một kẻ phải bỏ xứ ra đi."
Chọn cách viết này Linda Lê đã để mỗi nhân vật từ điểm nhìn của mình tự bộc lộ mình, vẽ ra chân dung mình, đồng thời đưa ra cái nhìn của mình về ba nhân vật khác. Cái chết của Văn đã mở đầu cho sự mổ xẻ và tự mổ xẻ của từng người về các quan hệ đời sống xã hội và cá nhân, đào sâu vào những vấn đề nhức nhối về chiến tranh và lưu vong, về gốc rễ căn tính, về tình yêu hạnh phúc, về chủng tộc văn hóa. Nỗi buồn là điểm chung duy nhất giữa ba người phụ nữ gắn bó với Văn còn sống, nhưng mỗi người bằng cách viết ra nỗi buồn đó theo câu truyện của mình đã giải quyết nó một cách khác nhau.
Vấn đề tha hương và gốc rễ được nói đến nhiều, ở nhiều khía cạnh, trong tác phẩm này. Có thể thấy ở "Sóng ngầm" những yếu tố tự truyện của Linda Lê, hay nói cách khác, tác phẩm hé lộ cho người đọc thấy nhà văn xử sự vấn đề này như thế nào. Ngay chuyện vì sao bà quyết định chọn tiếp Pháp để viết văn cũng đã là một thái độ lựa chọn. "Vâng, có một phần của tôi trong tất cả mọi nhân vật của Sóng ngầm. Nhưng riêng đối với Văn, hắn như một người bạn chí thân của tôi, với một chút gì đó lãng mạn và mơ mộng hơn. Tôi để cho nhân vật này sinh cùng năm với tôi! Cũng như Văn, tôi lớn lên trong nền văn học Pháp, tôi học trường Pháp ở Sài Gòn, và cũng giống như Văn, tôi đã quên hầu hết tiếng mẹ đẻ. Nhưng khác với Văn, tôi không sợ "sóng ngầm" khơi dậy trong lòng. Tôi không chôn vùi hay muốn quên hẳn những gì gắn bó với Việt Nam. Thực ra tôi nghĩ là Văn cũng đã chờ đợi là một ngày nào đó, sợi chỉ đỏ giữa anh và quê hương sẽ được nối lại. Tôi cũng thế, tôi luôn sẵn sàng chờ đón những bất ngờ khi khám phá về vùng đất này."
Linda Lê được coi là "nhà phù thuỷ ngôn ngữ" khi dùng tiếng Pháp viết văn. Đó là một năng lực đặc biệt của bà nếu nhớ rằng bà sang Pháp năm 14 tuổi. Báo "Télerama" đánh giá: "Linda Lê sở hữu biệt tài sáng tạo những kết hợp từ quý và hiếm, có khiếu đặc biệt với thứ ngôn ngữ bị quên lãng. Cũng như các nhân vật, từng từ ngữ của Linda Lê xuất hiện, thể hiện sự độc lập và độc đáo của mình. Đó chính là những điều tạo nên một nhà văn tài năng hiếm có." Vì vậy dịch văn Linda Lê tức dịch cách viết của bà, cách sử dụng tiếng Pháp của bà, là một thách thức lớn đối với các dịch giả. Bản dịch "Sóng ngầm" của Hồ Thanh Vân – Bùi Thu Thủy là một bản dịch tốt, giúp người đọc tiếp cận được văn phong của Linda Lê.
Tưởng nhớ Linda Lê đọc các tác phẩm của bà để thưởng thức một tài năng văn chương và cùng các nhân vật của bà đặt ra những băn khoăn về mình như Văn. "Tôi không phải gã nhập cư chỉ nhón tạm một chân ở Pháp và đang đau đáu đi tìm căn tính. Tôi băn khoăn về mình như một cá nhân lạc lõng, chứ không như kẻ tha hương khắc khoải trông niềm vui tìm lại thiên đường đã mất, Việt Nam." (tr. 276)
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác!
Hà Nội, 31/5/2022
Bài viết Đọc sách cùng bạn: Những băn khoăn về mình được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này