Cũng giống như đền Cờn Nghệ An, đền Đức Thánh Cả ở Thanh Hóa; đình Phong Cốc, đình Quan Lạn ở Quảng Ninh; đền Hàng Lược, đền Nghĩa Dũng, đền Hàng Than, đền Đại Lộ ở Hà Nội; đình Đông Quách ở Tiền Hải; rất nhiều đền ở Hải Phòng, Quảng Nam, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... là những ngôi linh từ nổi tiếng với tín ngưỡng phụng thờ "Tứ vị Thánh Nương" ở cả ba miền Bắc Trung Nam.
Thần tích về vị "Nam Hải Phúc Thần" qua truyền tụng phổ biến trong dân gian thì có nhiều dị bản nhưng đều có những điểm chung: "Tứ vị Thánh Nương" là những phụ nữ Tống triều gồm Dương Thái Hậu, hai công chúa và một thị nữ tùy tòng theo hầu (có bản chép là ba công chúa). Khoảng năm 1279 quân Tống đại bại trong cuộc chiến chống Nguyên. Sau khi nhà Nam Tống cáo chung với việc Tả Thừa tướng Lục Tú Phu cõng hoàng tử Tống Đế Bính chạy loạn trên thuyền rồi nhảy xuống biển tự vẫn. Dương Thái Hậu Tống triều và ba vị bị nạn trên biển, trôi dạt đến cửa Càn Hải ở Đại Việt và hiển linh ở đó.
Năm Hưng Long thứ 19 (1311) vua Trần Anh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành vì chúa nước ấy là Chế Chí phản trắc. Năm Hưng Long thứ 20 (1312) mùa hạ tháng 5 dụ bắt được chúa Chế Chí đem về. Tháng 6, vua từ Chiêm Thành về lập đền thờ thần ở cửa biển Càn Hải. Do trước đây, vua đi đánh Chiêm Thành đến cửa biển Càn Hải đóng quân lại, đêm nằm mơ thấy một thần nữ khóc lóc nói với vua:
"Thiếp là cung phi nhà Tống bị giặc bức bách, gặp phải sóng gió trôi giạt đến đây. Thượng đế phong thiếp làm thần biển đã lâu. Nay bệ hạ mang quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công". Tỉnh dậy vua cho gọi các bô lão tới hỏi sự thực, cho tế, rồi lên đường. Biển vì thế không nổi sóng. Vua tôi tiến thẳng tới thành Đồ Bàn, bắt được chúa Chiêm đem về. Đến nay sai hữu ty lập đền, bốn mùa cúng tế"* (*Đại Việt sử ký toàn thư chép).
Tuy tích chuyện mỗi nơi đều có những tình tiết khác nhau nhưng cho thấy tất cả đều ẩn chứa sự linh thiêng, huyền bí. Công đức hiển hiện của "Đại Càn Tứ Vị Thánh Mẫu" rất rõ ràng là việc giúp nước, che chở cho dân chúng, phù cho mưa thuận gió hòa, ngư dân đi biển được bình an may mắn .
Làng tôi từ cổ xưa các cụ vẫn truyền ngôn lại cho con cháu rằng: "Bái Thượng là một vùng cửa sông vốn thuộc dải đất bãi bồi phù sa. Vào một năm nước lớn, quãng đê bị vỡ, làng ngập chìm trong biển nước. Quan triều đình hô hào dân trong vùng ra đắp chặn dòng nước lũ. Mất khoảng thời gian ngắn đã hao tổn sức người nhưng không cản nổi dòng nước chảy xiết bèn lập đàn tế lễ xin bách thần phù trợ.
Bỗng thấy có hai con rắn trắng nổi lên giữa dòng nước xoáy, đồng thời có bốn cái nón trôi vào luẩn quẩn lại, ngăn dòng nước hẹp dần dần mới nhanh chóng đắp hàn khẩu lại đoạn đê bị vỡ". Mọi người cho rằng, năng lực siêu nhiên đó là sự linh hiển của "Tứ Vị Thánh Mẫu" thường ứng nghiệm giúp dân chặn dòng nước xiết . Để tỏ lòng biết ơn sâu nặng hộ trì qua cơn đại hồng thủy nên làng tìm vị trí đắc địa lập đền thờ tôn nhang thờ phụng làm chỗ dựa đảo cầu tâm linh về sau (Nghe giống với sự tích truyền ngôn vùng đền Lộ).
Mới đây thôi tôi may mắn có cơ duyên được đọc kỹ bản "Phụng sao thánh tích ngọc phả" trong "Thần tích thần sắc "triều vua Bảo Đại năm thứ 13 (1938) của cụ lý trưởng Nguyễn Văn Khản khai trình theo lệnh tri huyện Đông Quan về điều tra phong tục của Viện Viễn Đông Bác Cổ lúc bấy giờ thì:
- Phúc thần thành hoàng làng Bái Thượng, tổng An Tiêm, huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình gồm ba vị (hai vị thiên thần và một vị nhân thần)
- Một vị là nhân thần thờ ở đền hiện nay hiệu là Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Mẫu Đại Vương tặng phong thượng đẳng thần. Ngày hóa của vị nhân thần là ngày 15/ 4 (Âm lịch).
Các tước hiệu, danh thần, lễ tiết, lễ vật, sự tích ngày tháng sinh hóa hiển thánh, hành trạng còn ghi rất đầy đủ rõ ràng. Chi tiết các hàm mỹ tự, tôn vinh, ca tụng do các triều vua Nguyễn phong tặng gia tặng là "Hàm Hoằng Quảng Đại Chí Đức Phổ Bác Hiển Hóa Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương Thượng Đẳng Thần" cụ thể:
- Sắc phong triều vua Tự Đức năm thứ sáu ngày 23/10/1853 tặng phong Hàm Hoằng Quảng Đại Chí Đức Phổ Bác Hiển Hóa Trang Huy Thượng Đẳng Thần.
- Một đạo sắc phong triều vua Tự Đức năm thứ 33 ngày 24/11/1880.
- Đến triều vua Đồng Khánh năm thứ 2 ngày 11/7/1887 gia phong Dực Bảo Trung Hưng.
- Một đạo sắc phong triều vua Duy Tân năm thứ 3 ngày 11/8/1909.
- Một đạo sắc phong triều vua Khải Định năm thứ 9 ngày 25/7/1924.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nơi đây đã trở thành cơ sở cách mạng, nơi mở lớp huấn luyện đào tạo giáo viên bình dân học vụ, trường thiếu sinh quân, công binh xưởng, nơi dự trữ kho thóc… góp một phần nhỏ bé vào công cuộc giải phóng và xây dựng Tổ quốc.
Trải qua thăng trầm biến thiên thời cuộc ngôi đền thiêng vẫn được người làng tôi cắt cử các cụ thủ từ quanh năm hương khói, tôn kính giữ gìn với niềm tự hào về bề dày lịch sử. Cách đây vài năm do mối mọt xuống cấp nên đành phải hạ giải sửa sang tôn tạo. Ngày nay ngôi đền mới đã được khánh tán lạc thành với qui mô bề thế, cảnh trí hài hòa gồm ba tòa chính to đẹp tọa lạc ngay trên vị trí cũ. Tòa nhà tiền tế phối thờ công đồng, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Tam Tòa Thánh mẫu thượng thiên thượng ngàn và mẫu thoải, nhị vị Quỳnh Quế, Ngũ Vị tôn quan, Tứ Phủ quan hoàng, Tứ Phủ thánh cô, Tứ Phủ thánh cậu.
Ba gian trung từ tả hữu phối thờ Bà Chúa Sơn Trang, thập nhị tiên nàng, quan năm dinh và Đức Ông Trần Triều. Gian chính hậu cung thâm nghiêm đặt thờ bài vị, thánh tượng Tứ Vị Vua Bà. Hệ thống tượng thờ, đồ thờ, câu đối, hoành phi, dây môn, cửa võng được sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Nằm trong quần thể tổ hợp khu di tích tâm linh có vị trí phong thủy địa lý quan trọng vì vậy ngôi đền Bái Thượng rất được quan tâm chú trọng để nơi đây sớm trở thành điểm tham quan du lịch văn hóa. Lễ hội mùa thu vẫn diễn ra thường niên vào ngày 4/8 (Âm lịch) như tiền lệ có từ ngàn xưa.
Qua thời gian lễ hội đã kế thừa phục dựng, bảo tồn, địa phương hóa cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội, chính trị, kinh tế, sản xuất. Đó cũng là ngày già trẻ, trai gái, dân thôn bản hạc nô nức hân hoan tham gia rước thánh tuần du với phần lễ và phần hội long trọng. Cả làng rợp trời cờ hoa, tiếng trống hội liên hồi giục giã rền vang bốn xóm, các dòng họ thành kính dâng hương. Phần lễ diễn ra trang trọng đầy đủ các nghi thức mộc dục, tế cáo yết mở cửa đền khai hội, rước, khai mạc, hầu đồng, diễn xướng dân gian, tế tạ. Phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc mang tính chất cộng đồng phong phú.
Những hàm chứa giá trị đoàn kết nhân văn của lễ hội đã để lại bao lưu luyến trong tim con em quê hương và trong lòng du khách thập phương về chiêm bái. Ngày hội làng truyền thống diễn ra ngay ở ngôi đền Thiên Hậu thờ "Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Mẫu" không chỉ đơn thuần mang giá trị bảo tồn tâm linh thiêng liêng, thông điệp lịch sử mà còn là cầu nối văn hóa, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn tự hào, gửi gắm những khát vọng mong ước về cuộc sống tươi đẹp, khơi gợi tình yêu quê hương.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
- Home>
- tin tc giai tri , tin tuc , tin tuc 24h >
- Kể chuyện làng: Đền làng Bái Thượng - Vạn cổ anh linh